25/11/2021

SAU 27 NĂM 4 NGUY CƠ VẪN CÒN NGUYÊN

Phạm Trần

Tiêu cực đẻ ra tham nhũng và tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhưng cha mẹ của tiêu cực lại sinh ra từ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của cán bộ đảng viên.

Đó là “lời phán” của 4 đời Tổng bí thư đảng CSVN, gồm Đỗ Mười (1997-2001), Lê Khả Phiêu (tháng 12/1997-2001), Nông Đức Mạnh (2001-2011) và Nguyễn Phú Trọng (từ 2011 đến nay). 

Nhưng đến năm 2021, sau 27 năm xây dựng và chỉnh đốn (từ khóa đảng VII năm 1994) mà 4 nguy cơ vẫn còn là mối đe dọa sống còn của chế độ và vị trí lãnh đạo của đảng là tại sao ?


Theo đảng thì những nguy cơ hiện ra trước mắt  đảng gồm:

tụt hậu về kinh tế, chệch hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN), tham nhũng và các tệ nạn xã hội, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”.

Báo đảng cảnh báo :4 nguy cơ trước mắt” của Đảng vẫn đang tồn tại, thậm chí có phần gay gắt, phức tạp hơn”.

Bằng chứng này còn được Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng xác nhận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, ngày 28/9/2020. Ông nói :Đất nước ta sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao; hội nhập quốc tế  sâu, rộng hơn. Tuy nhiên, bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt gay gắt hơn.” (báo Dân Việt, ngày 28/09/2020)

Theo Cơ quan Tuyên giáo, các Ban Xây dựng đảng, Nội chính Trung ương và Kiểm tra Trung ương thì có nhiều nguyên nhân gây ra 4 nguy cơ, nhưng quan trọng có những khuyết tật như sau:

Thứ nhất, một số không nhỏ cán bộ, đảng viên mắc bệnh lười học các Nghị quyết và Quyết định của đảng để thi hành nhiệm vụ.

Thứ nhì, nếu có học cũng chỉ đến lớp  cho có mặt để được cấp giấy chứng nhận nạp vào hồ sơ thăng quan, tiến chức.

Thứ ba, các cấp Lãnh đạo trực tiếp cán bộ, đảng viên từ cấp Ủy đã không coi trọng việc tổ chức học tập chủ trương và phương pháp xây dựng đảng nên chỉ làm hình thức hoặc  không quan tâm.

Thứ bốn, bệnh thành tích, cá nhân chủ nghĩa và lợi ích nhóm đã bao phủ hệ thống lãnh đạo nên sinh cảnh “cha chung không ai khóc”, hoặc đùn đầy trách nhiệm cho nhau để phủi trách nhiệm.

Thứ năm, tình trạng trên bảo dưới không nghe, hay mỗi địa phương làm một kiểu để kiếm ăn riêng với doanh nghiệp, hoặc tạo khó khăn ngăn sông cấm chợ đòi dân đóng tiền đút túi đã biến thành hoạt động bình thường của nhiều cấp cán bộ.

Vì vậy, phương châmtự soi, tự sửa, tự chịu trách nhiệm và tự xử”  đã không thực hiện được để chống 4 nguy cơ.

Bằng chứng này đã nhan nhản trong các Văn kiện đảng, đặc biệt trong  các cuộc thảo luận vào dịp Đại hội đảng khóa XIII, từ cuối năm 2000.  Thường trực Bí thư đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Võ Văn Thưởng, khi còn là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nói  tại cuộc họp báo quốc tế sau Đại hội:Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII tháng 1.1994 chỉ ra thì những năm vừa qua Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tích cực đấu tranh, ngăn ngừa. Tuy nhiên, hiện nay các nguy cơ này vẫn còn tồn tại, bên cạnh đó có thể còn có một số mặt diễn biến phức tạp hơn”.

Ông Thưởng nói thêm:"Bốn nguy cơ này có quan hệ chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau và nguy cơ nào cũng nguy hại, đều phải đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, không thể chủ quan, xem thường bất cứ nguy cơ nào".

Tuy nhiên, theo nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương:Nếu xét về tổng thể thì yếu tố bên trong, yếu tố nội lực của Đảng, của đất nước, của dân tộc, của nhân dân ta là quan trọng nhất và các thế lực thù địch luôn muốn thực hiện diễn biến hòa bình đối với đảng ta, chế độ ta.”

 (theo báo Pháp luật online, ngày 01/02/2021)

Trong khi đó, khi nói về vấn đề an ninh quốc gia, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng: “Đất nước đang đứng trước 3 thách thức lớn đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Cụ thể, theo ông Lâm, thách thức đầu tiên là âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng. Thách thức thứ ba là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạp.

“Trong 3 thách thức nêu trên, nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất”. (báo Thanh Niên, ngày 03/02/2021)

 
NGUY CƠ TỤT HẬU

Trước tiên, để hiểu rõ tính nguy hiểm của nguy cơ tụt hậu kinh tế so với các nước trong khu vực, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, kể cả một công bộc của đảng đã chỉ trích chính sách xây dựng “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của đảng là viển vông và không thực dụng, nhất là phải do kinh tế nhà nước chủ đạo và nhà nước kiểm soát.

Đường lối này có hiệu lực từ Đại hội đảng thứ IX năm 2001, theo đó xác định:
Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN.”

Nhưng chính sách bảo thủ này đã gây ra không biết bao nhiêu khó khăn cho các Doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài vì nó đẻ ra nạn giấy tờ chồng chéo và tham nhũng làm chậm phát triển và tăng cao vật giá có hại cho dân.


Một bài viết trên báo Quân đội Nhân dân đã nêu ra những khó khăn của kinh tế trong
cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch”. Báo này viết:” Trong những năm qua, kinh tế vĩ mô của nước ta cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc, nợ công tăng nhanh, nợ xấu giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. “ Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.

Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội.

Trên một số mặt, một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới… Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng Internet để chống phá ta và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút.” (báo QĐND, ngày 05/11/2021)

Suy ra từ bài viết này, mức sản xuất nội địa tính trên đầu người của Việt Nam chỉ đạt được khoảng 3,900 Mỹ kim vào năm 2022, theo Kế hoạch dự trù tăng trưởng kinh tế từ 6 đến 6,5% của Quốc hội. Nhưng đồng lương trung bình mỗi đầu công nhân, sau 35 năm đổi mới, chỉ được từ 3,07 triệu đến  4,4 triệu đồng/tháng. Tính ra chỉ được dưới 200 Mỹ kim, theo giá hối đoái 1 dollar ăn 23,000 đồng Việt.

Trong khi Lương tối thiểu của một lao động ở Thái Lan làm việc đánh bắt cá hoặc xây dựng được trả khoảng 9.000 baht/tháng (6,3 triệu đồng). So với Mã Lai thì lương tối thiểu hàng tháng trả cho công nhân ở nước này là 900 ringgit/tháng, khoảng 297  Mỹ kim. Người công nhân Nam Hàn được trả lối 1.2 triệu won ($1,077 USD) mỗi tháng.

THAM NHŨNG TO-THAM NHŨNG VẶT

Thứ nhì, về mặt phòng, chống tham nhũng, bắt đầu từ năm 2005,  đến Đại hội đảng  XIII  (từ 26/01 – 1/2/2021), tổng cộng 16 năm mà tệ tham nhũng “vẫn còn nghiệm trọng” trong  các bài báo và diễn văn của Lãnh đạo đảng. Điểm sáng trong giai đoạn này là nhiều vụ tham nhũng lớn tồn đọng từ lâu  đã được xét xử và một số viên chức tai to mặt lớn trong đảng đã bị xử phạt và ngồi tù trong chiến dịch được gọi là “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.  Nhưng quốc nạn tham nhũng vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt để sống chung hạnh phúc với những quan chức tham ăn nhiều như ong vỡ tổ.

Công tác  tịch thu tài sản do tham nhũng của kẻ phạm tội không được bao nhiêu vì hầu hết tài sản đã để cho người khác đứng tên. Hiện nay, những vụ tham nhũng lớn đã ít bị phát hiện, nhưng tham nhũng vặt thì đâu cũng có từ trung ương xuống cơ sở.

Một đặc điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng là không thấy có lãnh đạo cơ sở hay Quốc hội đã phát hiện  ra tham nhũng.  Hầu hết các vụ bị khui ra ánh sáng công lý là do nhân dân và báo chí tìm ra rồi nhà nước mới vào cuộc.

PGS-TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã dẫn chứng:
Thời gian qua, chúng ta thấy rằng, hầu như không có một vụ án lớn nào được phát hiện, phanh phui ra thông qua sinh hoạt Đảng thường kỳ tại các chi bộ, Đảng bộ cơ sở. Tại sao lại thế? Do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết hay là thiếu trách nhiệm? Hay là an phận thủ thường, là thờ ơ chính trị của đảng viên?”.

Ông Thảo nêu lên và cho rằng:Dù nguyên nhân thế nào thì đây cũng là dấu hiệu sa sút về sức chiến đấu rất đáng lo ngại trong Đảng và đây là vấn đề cần ưu tiên số 1 để vượt qua nguy cơ tham nhũng, suy thoái trong nội bộ Đảng.” (báo Thanh Niên, ngày 03/02/2021)

Ngoài suy thoái trong hàng ngũ đảng thì ai cũng biết đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không thể nào chống được tham nhũng chừng nào nhân dân và báo chí không có tự do và Tư pháp chưa được độc lập. Hậu qủa tất yếu của chế độ độc tài, độc đảng là hệ thống cầm quyền đẻ ra tham nhũng, kẻ phạm tội là đảng viên và quan tòa lại do đảng bổ nhiệm thì công lý và công bằng tìm đâu ra ?


LÌA XA CHỦ GHĨA CỘNG SẢN

Thứ ba, về mặtchệch hướng Xã hội Chủ nghĩa thì đảng đã lo són vó lên từ Đại hội đảng kỳ VIII (1996). Báo cáo của Đảng khóa VII tại Đại hội VIII viết:Chệch hướng xã hội chủ nghĩa và quan liêu, tham nhũng vẫn đang thật sự là những nguy cơ lớn. Tệ quan liêu, tham nhũng và suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho bộ máy đảng và nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ bị xói mòn, các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước bị thi hành sai lệch dẫn tới chệch hướng; đó là mảnh đất thuận lợi cho diễn biến hòa bình.”

Về lĩnh vực này, một bài viết trong Tạp chí Lý luận Chính trị năm 2020  đã nhìn nhận những bất cập:Nguy cơ từ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, kể cả ở cấp cao chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.”

Nhưng tình trạng suy thoái tư tưởng dẫn đến “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” có từ bao giờ ?

Tạp chí này tiết lộ:Vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống lần đầu tiên được Đảng ta chỉ rõ tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII: “trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng, chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”. Tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Trong công tác xây dựng Đảng, chưa ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức lối sống”. Đến Đại hội X, tình trạng này đã diễn ra phổ biến hơn, từ chỗ trong một bộ phận đảng viên mở rộng hơn thành trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đầy lùi... Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”. 

Mức độ nghiêm trọng của tình trạng này tiếp tục được nhấn mạnh ở Đại hội XI của Đảng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp... làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe doạ sự ổn định, phát triển của đất nước”(14) và đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã có nghị quyết riêng về vấn đề này.”

Sang Đại hội đảng XIII (từ 26/01 – 1/2/2021), Nghị quyết cuối cùng cũng nhìn nhận :” Việc tổ chức thực hiện một số nghị quyết của Đảng vẫn là khâu yếu. Công tác tư tưởng còn có mặt hạn chế, thiếu kịp thời, tính thuyết phục chưa cao. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, thiếu gương mẫu. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng. Việc hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị cho phù hợp với tình hình thực tiễn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.”

Ngoài ra Tạp chí Cộng sản (TCCS) của Trung ương đảng, còn xác nhận thêm vào ngày 28-04-2021:Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa thực sự được đẩy lùi, còn có những hiểu hiện, diễn biến phức tạp

Đảng ta là đảng cầm quyền, đội ngũ đảng viên nắm giữ hầu hết các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước, có quyền lực rất lớn và đi liền với đó là nguy cơ tha hóa quyền lực, quan liêu, tham nhũng, biến chất, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm” cũng rất cao. Trên thực tế, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao còn nhiều diễn biến tinh vi, phức tạp, khó lường.”

Từ tình hình phức tạp này, bài viết cảnh giác:Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay đã “làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng”, nếu không bị ngăn chặn, đẩy lùi, thì đây sẽ “là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

Tạp chí Cộng sản kết luận:Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả người đứng đầu, trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ.”

DIỄN BIẾN HÒA BÌNH

Cuối củng là vấn để đảng tiếp tục hô hoán chế độ không ngừng bị “diễn biến hòa bình” và “các thế lực thù địch” chống đối. Đảng cáo buộc “diễn biến hòa bình” tìm cách thay đổi chế độ một đảng do đảng lãnh đạo  bằng Chủ nghĩa Tư bản theo chế độ đa đảng.
 
Bằng chứng lo âu này đã xuất hiện trên Tạp chí Lý luận Chính trị năm 2020. Báo này viết:
Nguy cơ từ những âm mưu, hành động “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch vẫn thường trực và có những biểu hiện mới

Thuật ngữ “diễn biến hòa bình” xuất hiện lần đầu trong đời sống chính trị thế giới vào năm 1949 để chỉ sự chuyển hóa các nước XHCN thành tư bản chủ nghĩa. “Diễn biến hòa bình” sau đó tiếp tục được bổ sung và hoàn chỉnh thành chiến lược vào cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Ban đầu chiến lược này được coi như biện pháp hỗ trợ, bổ sung cho các hành động tiến công quân sự sau đó trở thành chiến lược toàn cầu và là biện pháp chính trong cuộc tấn công của các nước tư bản chủ nghĩa vào các nước xã hội chủ nghĩa. Bản chất của “diễn biến hòa bình” là hoạt động của các thế lực đế quốc tư bản lớn và cường quyền nhằm vào các nước có chế độ chính trị mà họ coi là không phù hợp với lợi ích của họ, bằng tổng hợp các biện pháp chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, an ninh... để chuyển hóa chế độ chính trị của các nước này theo quỹ đạo có lợi cho họ.”

Chỉ trích này ngụ ý nói đến sự tan vỡ của Chủ nghĩa Cộng sản ở nước Nga và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu tứ 1989 đến 1991

Mặc dù bài viết chỉ nói bâng quơ như thế, nhưng trong nhiều trường hợp Tuyên giáo đảng đã chỉ trích đích danh Hoa Kỳ đứng đầu và lãnh đạo “diễn biến hòa bình” để hà hơi, tiếp sức cho các lực lượng chống phá đảng, không bằng vũ lực mà bằng kinh tế, ngoại giao, truyền thông báo chí và mạng xã hội.

Vì vậy, theo Tạp chí này thì cuộc chiến “diễn biến hòa bình” mang nhiều hình thức và có nhiều cách tiếp cận khác nhau, theo đó có bàn tay của Mỹ :” Chiến lược “diễn biến hòa bình” được tiến hành bằng tăng cường tiếp xúc, giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa, thông tin, khoa học, giáo dục; đổ tiền của vào các nước XHCN để làm cho các giá trị Mỹ xâm nhập vào các nước này, đồng thời dùng mọi biện pháp để làm cho nhân dân, đảng viên ở các nước này chán ghét, căm phẫn Đảng Cộng sản và nhà nước XHCN, làm xuất hiện những nhân tố mới xa lạ dần với giá trị chuẩn mực của chủ nghĩa Cộng sản để thay đổi chế độ. Chiến lược “diễn biến hòa bình” thực chất là từng bước chuyển hóa tư duy, nếp nghĩ, tư tưởng, tâm lý của cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là thế hệ trẻ, từ chỗ tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vào con đường đi lên CNXH đến chỗ phủ nhận, cổ xúy cho chủ nghĩa tư bản, tham gia vào các hoạt động chính trị để lật đổ chế độ XHCN.”

Như vậy, theo quan điểm của Tuyên giáo và báo chí đảng thì trong số 4 nguy cơ đang đe dọa sự tồn vong của chế độ , không có nguy cơ nào nhẹ như lông hồng. Chúng liên kết với nhau thành lực cản khổng lồ khiến đảng  khó vượt qua nếu lãnh đạo thiếu bản lĩnh và đảng viên không kiên trì đứng sau lưng đảng để đối phó.

Chỉ có điều là liệu đảng có bằng chứng nào về việc Mỹ đang tiếp tay cho các lực lượng quần chúng chống phá nhà nước  Việt Nam  bằng chiêu bài “diễn biến hòa bình” không ? Nếu có thì tại sao chưa trưng ra cho nhân dân và thế giới thấy ? 

Vì vậy, nếu đảng chỉ biết sử dụng  “diễn biến hòa bình” vô hình như con ma để ném đá giấu tay, hay hù họa nhằm che giấu những thất bại của chính mình về kinh tế, tham nhũng và thất bại trong công tác bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh thì đến bao giờ đảng mới vượt qua được 4 nguy cơ  ? -/-

 

Phạm Trần

(Dịp Lễ Thanksgiving 25/11/2021 của Hoa Kỳ)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire