17/12/2021

Một năm Trung Quốc tan ảo mộng với Mỹ

Thanh Tâm

Khi Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi điện chúc mừng và bày tỏ hy vọng thúc đẩy quan hệ song phương.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đó cũng đánh giá chính quyền mới dưới thời Joe Biden sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng hai nước, ít nhất là tốt hơn thời cựu tổng thống Donald Trump, khi Mỹ - Trung sa vào cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt. Nhưng năm đầu nhiệm kỳ của Biden sắp qua, những "ảo mộng" ban đầu của Trung Quốc về một mối quan hệ dễ chịu hơn với Mỹ dường như cũng đã tan theo.


"Quan hệ Mỹ - Trung đang rất căng thẳng và điều này được thể hiện rõ qua quyết định không cử quan chức dự Olympic Bắc Kinh của Tổng thống Biden", Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta, Mỹ, chia sẻ với VnExpress.

Ngày 6/12, Nhà Trắng thông báo chính quyền Biden sẽ không cử quan chức dự Olypmic và Paralympic Bắc Kinh vào tháng 2/2022, vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền liên quan tới người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

"Tổng thống Biden phải làm điều gì đó trước sự phản đối của người dân Mỹ với nhiều chính sách khác nhau của Trung Quốc. Những gì ông đã làm đáp ứng các yêu cầu chính trị tối thiểu về vấn đề này", Chas W. Freeman, thành viên cấp cao của Viện Quốc tế và Công vụ Watson thuộc Đại học Brown và từng là cựu đại sứ Mỹ, nói.

Dù nỗ lực "tẩy chay ngoại giao" của Washington mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn, khi đoàn thể thao Mỹ vẫn tham dự Olympic Bắc Kinh, quyết định của Biden được cho là vẫn "thổi làn gió nóng" vào Trung Quốc. Với chính quyền của ông Tập, Olympic Bắc Kinh 2022 là sự kiện rất quan trọng khi Trung Quốc đang nỗ lực củng cố hình ảnh cường quốc toàn cầu.

Ngay sau thông báo của Nhà Trắng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lập tức bày tỏ bất bình với động thái của Mỹ, xem đây là nỗ lực nhằm "phá hoại" sự kiện. Ông tuyên bố Bắc Kinh sẽ có "các biện pháp đối phó kiên quyết", dù không nêu cụ thể.

Giới quan sát nhận định căng thẳng mới nhất nguy cơ làm rạn nứt thêm mối quan hệ Mỹ - Trung, vốn đang có hy vọng tan băng sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa ông Tập và Biden giữa tháng trước, trong đó hai lãnh đạo cam kết ngăn mối quan hệ song phương vượt khỏi "rào chắn" an toàn và sa vào xung đột.

Tổng thống Joe Biden (trái) trong cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Washington, Mỹ hồi tháng 11. Ảnh: AFP.

Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu với Mỹ, còn tại Washington, ngày càng nhiều người có quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

"Dưới góc nhìn của Washington, Chủ tịch Tập Cận Bình đang hành xử quyết liệt hơn bất kỳ lãnh đạo nào của Trung Quốc trước đây, từ vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ. Nhưng dưới góc nhìn của Bắc Kinh, sự quyết đoán này là kết quả tất yếu của sức mạnh nội tại ngày càng lớn nhưng bị Washington ra sức kiềm chế", phó giáo sư Hankla cho hay. "Trung Quốc coi nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ là một liên minh nhằm kiềm tỏa nước này".

Carl Schuster, giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, cũng đồng tình rằng Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn trong nhiệm kỳ của Biden. Ông cho hay ngay sau khi Biden nhậm chức, Trung Quốc đã tung đòn thăm dò khi tìm cách tăng áp lực ở Đài Loan và Biển Đông. Trung Quốc cũng tăng kết nối với Iran và Nga trong nỗ lực thách thức ảnh hưởng Mỹ ở châu Á, Trung Đông và châu Âu.

"Trung Quốc đang thử thách chính quyền Biden và sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi những điều đó được chứng minh là phản tác dụng", Schuster nhận định.

Trái với một số dự đoán ban đầu, chính quyền Biden trong năm qua tung ra hàng loạt động thái cứng rắn với Bắc Kinh, như liệt nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách đen, đệ trình dự luật cấm sản phẩm Tân Cương, hay Đạo luật Đổi mới và Cạnh tranh năm 2021 để ứng phó với Trung Quốc.

Cựu đại sứ Freeman cho rằng Tổng thống Biden nhận thấy không thể từ bỏ các chính sách cứng rắn với Trung Quốc thời Trump, khi ông đối mặt với thái độ đồng thuận lưỡng đảng ngày càng tăng về các vấn đề liên quan tới Bắc Kinh. Chuyên gia này nhận định đây là lý do chính khiến mối quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi trong năm qua.

Tuy nhiên, Schuster cho rằng phản ứng của chính quyền Tổng thống Biden với Trung Quốc không nhất quán. "Mỹ đã có những lúc phản ứng rất quyết liệt, như sau vụ hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines trên Biển Đông. Nhưng nhìn chung, trong các sự việc khác, giới chức Mỹ chủ yếu bày tỏ lo ngại và chỉ trích không quá gay gắt", ông nói.

Giảng viên Đại học Hawaii Pacific lo ngại cách phản ứng không đồng nhất này có thể gây bất lợi cho Mỹ thời gian tới.

"Tôi nghĩ Trung Quốc có thể cho rằng chính quyền Mỹ yếu kém và không chắc chắn về cách phản ứng với hành động của họ. Do đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thách thức Mỹ ở khu vực châu Á và các nơi khác", Schuster nói. "Tôi không cho rằng mối quan hệ hai nước sẽ được cải thiện trong thời gian tới".

Đài Loan sẽ tiếp tục là một trong những điểm nóng trong mối quan hệ Mỹ - Trung, khi nhiều thành viên đảng Dân chủ và quan chức chính quyền Biden bày tỏ sự ủng hộ lớn hơn với hòn đảo, theo Freeman.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Trong khi đó, một số quan chức Mỹ nhiều lần cảnh báo Trung Quốc không gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan.

"Nguy cơ chiến tranh ở eo biển Đài Loan đã tăng lên rất nhiều. Một cuộc chiến như vậy sẽ là thảm họa đối với Đài Loan, Mỹ và Trung Quốc, cũng như với những quốc gia trong khu vực có tương tác hoặc phụ thuộc vào họ", cựu đại sứ Mỹ cảnh báo.

Chia sẻ sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến kéo dài 3,5 giờ giữa ông Tập và Biden, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho rằng "khác biệt trong thế giới quan giữa hai lãnh đạo chẳng còn là điều gì bí mật". Đạt được tiếng nói đồng thuận về Đài Loan hay nhiều vấn đề căng thẳng khác giữa hai nước dường như không phải mục tiêu dễ dàng trong tương lai gần.

Tuy nhiên, phó giáo sư Hankla nhận định Mỹ - Trung sẽ tìm cách giữ cho căng thẳng song phương bên trong "rào chắn" an toàn, khi hiểu rằng cả hai bên đều chịu tổn hại nếu để mối quan hệ tan vỡ.

"Hai nước có mối liên kết sâu sắc về kinh tế, có nghĩa bất kỳ chia rẽ nghiêm trọng nào cũng mang đến những tổn thất rất lớn cho cả hai. Vì vậy, để ngăn chặn bất kỳ cuộc đối đầu nghiêm trọng nào ở Đài Loan hay các nơi khác, Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể tiếp tục tìm cách sống chung, dù không phải không có căng thẳng", ông nói.

Thanh Tâm

https://vnexpress.net/mot-nam-trung-quoc-tan-ao-mong-voi-my-4402806.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire