Thiện Tùng
13/12/2021
Điều ai cũng thấy lạ là suốt hơn 10 năm (2011-2021), qua 3 kỳ Đại hội lần thứ XI, XII, XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều dành Hội nghị lần thứ 4 mỗi nhiệm kỳ bàn sâu chuyên đề “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Vậy trong Đảng Có chuyện gì mà Trung ương Đảng quan trọng hoá việc “xây dựng, chỉnh đốn nội bộ Đảng như thế?
Ảnh minh hoạ |
Trong bài phát biểu khai Hội lần thứ 4/khoá XIII nầy, ông Trọng nói: “Chúng ta đều đã biết, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta; công tác xây dựng Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt của Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta.
“Với tinh thần mới, nội dung mới của Hội nghị Trung ương 4 lần này”, ông Trọng nêu ra 4 điểm đáng chú ý như sau:
- Một là, bàn sâu rộng hơn về nội dung và phạm vi: không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị… ;
- Hai là, mục tiêu được xác định lần này cao hơn và sát hợp hơn với tình hình mới: Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng ; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước ; Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ; Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá”… ;
- Ba là, bổ sung, làm rõ, đồng bộ và sắc bén hơn một số nhiệm vụ, biện pháp trong thời gian tới: Tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã đề ra Về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình ; Về cơ chế, chính sách ; Về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng ; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Bốn là, bổ sung, hoàn thiện toàn diện hơn: Các thể chế, thiết chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ; Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa xây và chống, giữa xây dựng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân….
À! chẳng cảm thông khi thấy ông Trọng tuổi cao, sữc yếu, vừa qua cơn bạo bịnh mà cố gắng đọc bài phát biều đài 18 trang khổ A4, đôi khi còn ngẫng lên nói như trăn trối với các đồng chí của mình tại hội trường “Diên Hồng”. Về hình thức và nội dung “phòng, chống” không có gì mới, chỉ mới về ngôn từ có nâng cao hơn, xem mòi quyết liệt hơn.
Trẻ nhỏ chẳng có quyền hành, chỉ nhõng nhẽo với người thân để mong thỏa mãn nhu cầu nào đó, với dạng xin. Lớn lên, khi tạo dựng được quyền lực cỡ nào thì nhũng nhiễu cỡ ấy nhằm mưu danh đoạt lợi, với dạng cấp, cướp. Từ đó mới có câu “Ai ơi nhớ lấy lời nầy: Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.
Người không quyền lục chỉ có thể lén lút trộm cắp, với tội danh tham lam, tham ô. Người có quyền lực thì dùng mưu sâu, kế hiểm tước đoạt, cướp giực trắng trợn, với tội danh tham nhũng.
Tham thì ai cũng có thể, còn nhũng (nhũng nhiễu) phải là người có quyền. Tham lam là mưu sinh, tham nhũng là mưu sang.
Tham nhũng là từ ghép tham lam và nhũng nhiễu.Tham nhũng có 2 dạng: tham nhũng quyền lực và tham nhũng của cải vật chất (vật thể). Tham nhũng quyền lực là tiền đề của tham nhũng vật thể. Tham nhũng quyền lực chỉ là phương tiện, tham nhũng vật thể mới là mục đích. Tham nhũng là con đẻ của thể chế độc tôn. Thể chế độc tôn là hình, tham nhũng là bóng – nếu không có hình thì chẳng có bóng. Chúng cùng tồn tại hoặc cùng tiêu vong.
Thói thường, người ta chú trọng phê phán tham nhũng vật thể chớ ít ai chú tâm phê phán tham nhũng quyền lực. Do nhận thức phiến diện nên phải trả giá đắt.
Nhưng không phải chỉ có dân chúng đâu, đa số đảng viên hồi hưu đều cho rằng ông Trọng nói được chớ chắc gì làm được.
“Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” là nội dung cốt lõi, là lời trăn trối tại Đại hội lần cuối của Đảng CS Liên Xô. Vì xã hội cần có ván mặt phẳng, tôi xin thẳng mực tàu dù đau lòng gỗ: Giới cầm quyền ở Việt Nam ta từ toàn bộ, cục bộ đến cá nhân đều tham nhũng quyền lực:
Toàn bộ: Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cả dân tộc, nhiều đảng phái, mọi giai tầng xúm nhau làm, máu đổ, thây phơi. Khi cuộc kháng chiến về tới đích, Năm 1976, Đảng Lao động VN mở Đại hội lần thứ IV đổi tên thành Đảng CSVN, ra quyết nghị: “Phủ định tất cả các tổ chức chiến hữu”, tự ghi vào điều 4 Hiến pháp: “Đảng CSVN lãnh đạo Nhà nước và Xã hội trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối”. Nếu không gọi đó là tham nhũng quyền lực toàn bộ thì gọi là gì?!
Cục bộ: Tại hội nghị lần thứ 4/khoá XIII bàn về công tác chỉnh đốn Đảng, trong 27 điều đảng viên không được làm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Vướng vào ‘tư duy nhiệm kỳ’, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình ; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”. Nếu không xem đây là tham nhũng quyền lực cục bộ thì gọi là gì?!.
Cá nhân: Cũng trong hội nghị chỉnh đốn Đảng lần thứ 4/khoá XIII nầy, Tổng Bí thư Trọng than phiền: “Nạn chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội...!. Nếu không xem đây là tham nhũng quyến lực cá nhân thì gọi là gi?!
Bức bách quá, ông Trọng đặt vấn đề: “Phải nhốt quyền lực lại”. Chẳng lẽ nhốt tham nhũng quyến lực cục bộ và cá nhân vào trong lồng tham nhũng quyền lực toàn bộ?!.
Đáng chú ý, cuộc họp hôm 9/12/2021, ông Trọng chủ trương nâng tầm đổi mới nhiều thứ, nhưng Ông vẫn kiên quyết lên án những ai đòi: đa nguyên chính trị ; Đòi Tam quyền phân lập ; Đòi thành lập tổ chức Xã hội Dân sự ; Đòi phi chính trị hoá Quân đội và Công an – tức là đổi mới gì đó thì được chớ không được đổi mới về chính trị.
Lịch sử đã ghi nhận: Năm 1930 Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, có nhiều cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Xô viết Nghệ tĩnh, Nam Kỳ khởi nghĩa… đều thất bại vì không được nhân dân ủng hộ. Năm 1941, khi về nước, Hồ Chí Minh thành lập Mặt trận “Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội” (gọi tắt là ‘Việt Minh’) được nhân dân hưởng ứng. Sau khi Pháp tái chiếm VN, lực lượng Cách mạng phải ra bưng biền, lên núi rừng làm cuộc “trường kỳ kháng chiến”, Hồ Chí Minh tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông dương và tuyên bố Đa nguyên về Chính trị. Đến năm 1951, các Đảng Lao động VN - tiền thân là Đảng CS Đông dương ; Đảng Dân Chủ - của giới Tư sản yêu nước ; Đảng Xã hội cấp tiến – của giới trí thức yêu nước lần lượt ra đời. Ở miền Nam, ngoài 3 Đảng nói trên, còn có các giáo phái: Phật giáo do hoà thượng Thích Thiện Hào đại diện ; Cao Đài do Huỳnh Thanh Mừng đại diện ; Hoà Hảo do sư thúc Huỳnh Hữu Trí đại diện ; Thiên chúa giáo do Hồ Huệ Bá đại diện, và phái Bình Xuyên do Dương văn Dương đại diện. Tất cả các tổ chức tôn giáo, đảng phái cùng toàn dân không phân biệt đạo, đời tiến hành cuộc “Cách mạng Dân tộc, Dân chủ” chiến thắng cả Pháp và Mỹ.
Sau khi Hồ Chí Minh qua đời (1969), các thế hệ lãnh đạo kế tiếp, kể cả Tổng Bí thư Trọng hiện nay, đều nhứt quyết không dùng thuốc “đa nguyên chính trị”, loại thần dược do dược sư Hồ Chí Minh bào chế, nhứt quyết “nhứt nguyên Chính trị” (độc Tôn, độc Đảng), chẳng những làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, còn sinh ra nhiều tệ nạn. Bởi vậy, dân gian mới cho ra đời 4 câu thơ lục bát
Đảng là mẹ, Bác là cha,
Từ khi Bác mất Đảng ta tái chồng,
Sanh ra một lũ con đông,
Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều (1).
Thời chiền tranh, vào Đảng là vào Đội tiên phong chiến đấu . Ngày nay, vào Đảng như vào dân Tây. Thẻ đảng có giá trị hơn bằng đại học – bằng đại học đôi/nhiều khi thất nghiệp, có thẻ đảng thì chắc ăn như bắp. Do vậy, kẻ thất đức, bất tài bằng mọi cách luồn lách để được vào Đảng, để Đảng cơ cấu làm quan. Hễ quan thì có quyền, hễ có quyền thì có lợi: Ngoài việc được ăn trên ngồi trước, ít nhất cũng có lương khá; có phương tiện công đi lại; được ưu đãi trong trị bịnh; con cái được ưu tiên trong học hành và làm việc; có chế độ tiếp khách; chữ ký bán rất có giá trị; làm quấy nếu bị phát hiện có Đảng binh, xử lý nội bộ; lộ liễu quá không thể che đậy được phải ra tòa thì được tòa xử theo chỉ thị Đảng; kẹt lắm phải vào tù thì ở tù cha và sẽ được tha vào kỳ đại xá gần nhất, v.v. Quan đi liền với quyền, quyền đi liền với lợi. Chức quyền càng cao lộc bổng càng lớn. Từ đó, việc mua quan bán chức, mua cấp bằng học vị không còn là cá biệt. Người ta nói “Cưng con con hư” quả không sai.
Đảng là trừu tượng, như một cơ thể; đảng viên là cụ thể, như những tế bào. Đảng bảo vệ đảng viên là bảo vệ tế bào của cơ thể mình, đó là điều dễ hiểu. Đảng giết đảng viên khác nào tự sát. Rõ mối quan hệ chung riêng ấy, đảng viên mới dám làm những điều mà người ngoài Đảng không hề dám. Người ta đánh giá Đảng qua đảng viên, đảng viên tốt thì Đảng mới tốt và ngược lại.
Nói con số tròn, dân số VN hiện nay hơn 90 triệu, trong đó có khoảng hơn 4 triệu đảng viên. Những vụ tham nhũng được phát giác, vụ nào cũng có ít nhất bốn phần năm (4/5) can phạm là đảng viên, một tỷ lệ hư hỏng trong Đảng cầm quyền đã báo động đỏ? Tế bào (đảng viên) hư nhiều như vậy, cơ thể (Đảng), nếu không dùng thuốc “đa nguyên về Chính trị”, cứ dùng thuốc gia truyền phê tự phê, tử vong là cầm chắc. Có lẽ biết được cơ thể Đảng có nhiểu tế bào ung thư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn hô hào: “Xây dựng, Chỉnh đốn Đảng để bảo vệ chế độ”. và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hốt hoảng kêu lên “Không phải một hai con sâu mà cả bầy sâu”.
Để vớt vát uy tín, mỗi khi đảng viên phạm tội, Đảng vội vã khai trừ trước khi ra tòa. Bởi vậy, từ trước tới nay, chẳng có can phạm hay tù nhân nào là đảng viên cả.
Nếu có sai là tôi bạo mồm bạo miệng nói những sự thật mà Đảng CSVN chưa cho nói. Những điều tôi nói xảy ra ở khắp nơi, thừa sức kiểm chứng. -/-
Chú thích:
(1) Chuyện truyền thuyết: Thạch sanh, Lý Thông là anh em kết nghĩa – Thạch sanh tử tế, Lý Thông gian manh.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire