15/02/2022

Tường trình một chuyến bay về Việt Nam

Đường về nhà vẫn còn lắm nhiêu khê (ảnh: báo NLĐ)

Sau khi ông thủ tướng Việt Nam tuyên bố vào Mùng 2 Tết là tạo mọi điều kiện cho công dân Việt ở nước ngoài về quê, những tưởng mọi thứ đã dễ dàng, nhưng khi chạm vào thực tế, mới biết đời còn lắm chuyện phải học cho nhớ lâu.


Hơn một tuần dò hỏi tìm mua vé từ miền Đông nước Mỹ về Việt Nam, tôi được một cô bạn làm đại lý bán vé máy bay ở Cali kiếm giúp được cái vé về Việt Nam, khởi hành Mùng 9 Tết. Tuy phải bay vòng vèo qua 3-4 chặng nhưng giá vé vẫn rẻ hơn so với nhiều nơi khác. Trước đó, một người quen kể là họ đi vòng qua Campuchia, rồi đi xe về Sài Gòn, cũng mất gần $3,000. Còn có người kể họ mua được vé “bình thường mới” của Vietnam Airlines với cái giá cắt cổ khoảng $2,600 một chiều. Cộng mọi thứ, tôi chỉ tốn gần $2,000 cho đường về quê.

Theo quy định của các hãng bay vào Việt Nam, Bộ Y tế của “xứ này” yêu cầu mọi hành khách phải đi test Covid loại PCR (Polymerase Chain Reaction – xét nghiệm sinh học phân tử) có giá trị trong 72 giờ mới được lên máy bay. Vì đã nghe nhiều người nói về chuyện rắc rối khi đến sân bay ở Việt Nam, tôi cũng đến Rite Aid làm một cái test PCR. Ngày bay là 6 Tháng Hai, tôi nhận được kết quả vào ngày 4 Tháng Hai. Một người ở Việt Nam nhắn tin, nói vậy là yên tâm, vì ăn thua là chuyến bay, chứ ở Việt Nam không còn bắt buộc kiểm tra test ở phi trường.

Bay vòng nội địa Mỹ, từ Philadelphia qua Atlanta, rồi quá cảnh xuống phi trường quốc tế Los Angeles (LAX) hết một ngày, tôi rã rời. Trước khi chờ thêm gần bảy tiếng mới trở lại LAX, tôi ghé vào Little Saigon làm tô phở để nhìn ngó thủ phủ của người Việt tự do. Mọi thứ ở đây chậm chạp thong thả, không mấy gì khác so với nhiều lần trước tôi đến nhưng cũng có nhiều câu chuyện thú vị, xin được phép kể dịp khác.

Tôi tới LAX sớm trước giờ bay ba tiếng. Khu vực các hãng Á châu đông nghẹt. Nhìn dòng người xếp hàng, rất dễ nhận ra đâu là người Việt Nam, vì ai nấy đều mang theo thùng và vali lớn chất ngất đồ. Ngay từ lúc xếp hàng, nhân viên hãng bay Singapore Airlines đã đến từng người để kiểm tra kết quả thử Covid. Khi nhìn kết quả của tôi, một bà thấp người, gương mặt rất quả quyết, nói rằng giấy chứng nhận của tôi đã quá 24 tiếng đồng hồ. “Nhưng thông báo là 72 giờ mới hết hiệu lực mà?” – tôi thắc mắc. Cuối cùng không hiểu sao, bà ta nhìn lại tờ giấy xét nghiệm rồi cho tôi qua. Lại xếp hàng một đoạn nữa. Đến khi chìa giấy cho một cô nhân viên trẻ, nhìn mặt có vẻ dễ chịu, thì cô ta báo là không được. Lại phải nói như đã trình bày với vòng bên ngoài nhưng cô ta vẫn khăng khăng không chịu. Thấy tôi nói cứng, cô ta chạy đi xin ý kiến người phụ trách chuyến bay.

Khi quay lại, cô ta vẫn lắc đầu. Bắt đầu rịn mồ hôi, tôi nói: “Vì thông báo của hãng bay không rõ ràng, nhưng tôi phải bay chuyến này, giờ tôi phải làm sao?”. Cô ta nhìn đồng hồ rồi nói tôi còn một cách để cứu vãn: Chạy đến một điểm test nhanh cách sân bay khoảng sáu phút đi xe. Đó là nơi “cứu” các hành khách bị từ chối vào giờ cuối. Họ test nhanh, có kết quả gửi qua điện thoại hay email trong 30 phút. Dĩ nhiên giá không rẻ: $250/người. Quý vị nào dự định đi máy bay vào thời buổi bất cập này có lẽ nên ghi lại địa chỉ phòng khi hữu sự: 911 COVID Testing at LAX, 9600 S Sepulveda Blvd, Los Angeles, CA, 90045.

Ây, chỉ còn gần một tiếng là nơi xét nghiệm đóng cửa. Người bạn chở tôi phóng nhanh qua các ngõ vòng vèo để đến cho kịp. Đến nơi, thấy có 4-5 chiếc xe đậu sẵn. Nhân viên test Covid đến từng xe hướng dẫn ghi danh vào hồ sơ điện tử giúp cho việc thông báo kết quả. Nhiêu đó cũng hết 10 phút. Rồi họ test ngay chỗ đậu xe. Khi rời đi, tay nhân viên có vẻ là dân Mễ nói: “Yên tâm, nhiều nhất là 40 phút có kết quả”. “Không”, tôi hốt hoảng, “chuyến bay của tôi sẽ đóng sau 30 phút nữa”. “OK, OK”, hắn nhăn răng cười.

Tôi trở lại bên trong phi trường. Lúc này bắt đầu vắng nhiều. Cùng hoàn cảnh với tôi trước quầy vé Singapore Airlines là một thanh niên Singapore khoảng 40 tuổi, cũng đang chờ kết quả. Lạy trời, kết quả về đến điện thoại của tôi ngay khi người khách cuối cùng rời khỏi quầy vé. Gửi hành lý, qua hải quan kiểm tra, tôi tất tả chạy tìm cổng ra sân bay. Tôi cũng là người cuối cùng vào máy bay.

Chuyến bay dài hơn 17 giờ đồng hồ hạ cánh xuống Singapore lúc sáng sớm. Trời âm u nhưng có vẻ bức bối. Không khí nóng nực châu Á lập tức nhắc tôi rằng mình vừa rời khỏi mùa Đông của nước Mỹ. Tự nhiên tôi nhớ những con đường đầy tuyết. Hình ảnh buổi chiều gió lạnh mù sương mà tôi nói mình không thể thích sao giờ đây nhớ lại bỗng thấy dễ chịu vô cùng.

Chuyến bay rất nhiều người Việt. Khác với dân các quốc gia khác, người Việt đi thành nhóm, gọi nhau và nói chuyện rất ồn ào. Người Việt tụ về các sân bay ở Singapore, Thái Lan, Campuchia… từ nhiều ngã trên thế giới. Đó là những người trở về nhà từ Anh, Úc, Tân Tây Lan, Mỹ… Có người đã chờ hơn 11 tiếng; có người chỉ chờ khoảng 4 tiếng là lên máy bay về Tân Sơn Nhất hoặc Hà Nội. Nhiều người mỏi mệt nằm ngủ sóng xoài trên các băng ghế. Một số khác thì ngồi tám chuyện ở các bàn ăn. “Anh ăn cơm gà đi. Ở đây bán ngon không thua gì Hong Kong”, một người có vẻ rành rẽ, giới thiệu cho bạn mình. “Kiếm loại nào có vị cà phê kiểu giống ở Việt Nam đi”, một người khác đứng trước quầy Coffee Bean, quay lại nói với những người đứng sau.

Chuyến bay từ Singapore về Việt Nam mới thật sự là hình ảnh rõ nét về chuyện người Việt tìm đường về quê. 90% hành khách là người Việt. Chỉ một số ít người phương Tây. Lúc “boarding”, các nhóm người Việt trò chuyện ồn ào tìm chỗ để hành lý. Thậm chí họ vô tư đứng nói chuyện giữa lối đi trong khi dòng người đang chờ. Một bà ăn mặc đẹp tỏ ra ngạc nhiên thấy tôi ngồi cạnh hỏi: “Ủa, anh ngồi đúng số ghế không?”, “Dạ đúng, có gì không cô?”, “À vì chuyến trước (từ LAX về Singapore) bà bạn của tôi ngồi kế bên nhưng sao giờ bả đâu mất rồi?”.

Tiếng người Việt gọi tìm nhau vang ầm ĩ. “Ổng tự nhiên bị xếp ghế tuốt phía dưới”, một người đàn ông giọng Quảng cười nói. Bà cô ngồi cạnh tôi cũng nói: “Nếu bạn tôi muốn xin đổi chỗ lên ngồi cạnh thì anh đổi giúp nha”… Một anh thanh niên ngồi kế, về từ Houston, Texas, tự giới thiệu: “Em về bằng đường vòng qua bên Anh rồi mới bay tới đây”. Một ông chú ngồi hàng trên cũng nhoài xuống: “Tui cũng “bị” bay vòng từ Dallas qua Anh mới vô Sing nè”.

Cuối cùng, Sài Gòn hiện ra phía dưới. Vùng đất chứa đầy tình cảm lẫn lộn với mỗi con người trên máy bay rõ dần. Khi máy bay hạ cánh, những ai có số điện thoại ở Việt Nam đều nhận được tin nhắn về việc tự khai báo ở địa chỉ tokhaiyte.vn, chứ không phải cái app được Bộ Công an và Bộ Y tế cùng quản lý gọi là PC-Covid. Nhiều người lớn tuổi khi thấy tin nhắn, bối rối hỏi: “Giờ khai sao? Rồi họ kiểm soát mình như thế nào?”. Một người khác hỏi: “Chút cho tụi nó hai chục đô để tụi nó khai giùm được không?”.

Dòng người đi vội về hướng khai hải quan. Trên đường vào, có những cô nhân viên sân bay ôm rổ chào bán sim điện thoại. Hóa ra việc khai báo sẽ kèm theo một số điện thoại ở Việt Nam để nhân viên y tế kiểm tra khi cần. Hàng trăm con người bị chựng lại ở một khúc quanh, nơi có hai quầy nhận khai báo kiểm dịch. Thật khó tin, hàng trăm người nhốn nháo, hỏi han, bối rối về các loại thông tin khai báo – mà không phải ai cũng hiểu rõ – lại chỉ có hai nhân viên tiếp nhận.

“Cô khai sai rồi, đây không phải là Cảng Sài Gòn, mà là sân bay Tân Sơn Nhất, khai lại đi”, anh nhân viên nói. Một người khác chen vào, đưa tờ giấy gì đó cho bàn tiếp nhận, kẹp trong đó tờ 20 đô. Người nhân viên gạt nhanh tờ tiền xuống hộc tủ, niềm nở “Bác đưa điện thoại đây, con mở giùm cho”… Cũng có gần chục nhân viên sân bay mặc đồ nylon bảo hộ màu xanh nhận khai báo và nộp giùm. Cứ mỗi tờ khai “giùm” được đưa vào nhanh theo kiểu vậy thì lại lọt xuống tủ nhân viên vài tờ đôla, lúc 10 đô, khi 20 đô. Có vẻ như “người ta” hiểu rằng càng ít nhân viên tiếp nhận khai báo y tế thì càng khiến nảy sinh tâm lý muốn đút lót để cho nhanh; và việc càng có ít người tiếp nhận thì càng dễ dàng kiểm soát dòng tiền.

Cổng đưa passport kiểm tra để lấy hành lý vắng hoe. Vượt qua khỏi cái nút thắt cổ chai khai báo y tế, mọi thứ còn lại có vẻ nhẹ nhàng. Trước khi lên máy bay về Việt Nam, một bạn sống ở Sài Gòn nhắn tôi rằng: “Sân bay ở Việt Nam lúc này làm ra vẻ không có taxi để lấy giá cao gấp ba bình thường”. Tôi kéo hành lý và vượt qua những mời chào của các bác tài tự do. “15 đô cho một chuyến thôi”, một người lái xe nhỏ con nói. Tôi đến chỗ nhân viên sân bay xếp xe taxi cho khách, và được giới thiệu một chiếc taxi của SaigonTourist, số 135. Khi xuống xe, tôi phải trả hơn 450 ngàn, trong khi bình thường chỉ chừng 150-170 ngàn đồng.

Không bao lâu sau khi tôi về đến nhà, điện thoại reo. Một số máy lạ. “A lô, cho hỏi ai vậy?”. Tiếng một cô gái trẻ: “Con ở y tế phường nè chú. Theo quy định nhà nước thì khi nhập cảnh, chú phải tự cách ly ở nhà ba ngày, sau đó tự đi test và gửi cho con bản kết quả test PCR mới nhất qua số điện thoại này. Nếu không bị nhiễm Covid thì chú vẫn phải giữ khoảng cách xã hội trong bảy ngày và đeo khẩu trang thường xuyên nha”. Thì ra họ lấy số điện thoại của tôi từ tờ khai báo y tế… Thôi thì cuối cùng cũng về được nhà. Đã là may lắm. Sài Gòn nóng, bụi và ồn ào như vốn dĩ. Lại một tiếng điện thoại reo: “Ê, về rồi hả? Cà phê đi”…

10 tháng 2, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/tuong-trinh-mot-chuyen-bay-ve-viet-nam/?fbclid=IwAR0_iDhPn6krOA127xFVlURok9mEF2spGv0J-qCRtaveTMPV5E0qZTdtgLQ

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire