17/07/2013

TÔI ĐI DẠY

Huỳnh Ngọc Chênh
Tôi đi dạy từ ngày đầu tiên của niên học đầu tiên khai giảng dưới chế độ mới, ngày 4 tháng 9 năm 1975.
Trước đó nửa tháng tôi được tập trung học bồi dưỡng chính trị và chuyên môn chung với toàn thể giao viên cấp hai được lưu dung của thành phố Đà Nẵng. Vì tôi xin vào đi dạy trễ nên không kịp tham gia lớp bồi dưỡng dành cho giáo viên cấp ba luu dung của toàn miền Trung tổ chức tại trường Sư Phạm Quy Nhơn.
Hồi đó giáo viên cũ được tuyển lại (gọi là lưu dung) rất ít, cả thành phố Đà Nẵng  mà giáo viên cấp 2 chưa hơn 100 người, cả tỉnh QNĐN toàn thể giáo viên cấp 3 còn it hơn. Tôi chưa đi dạy dưới chế độ cũ nhưng học ra từ đó nên cũng xếp vào diện lưu dung. Chúng tôi có hai tuần lễ để vừa học chính trị và học chuyên môn. Chính trị thì thời đó ai cũng biết rồi, kháng chiến chống Mỹ thắng lợi vĩ đại và con đường tất yếu không kinh qua tư bản chủ nghĩa tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội .v.v..cứ thế mà các đồng chí cán bộ chính trị nổ vang trời, trong tư thế người chiên thắng, không cần căn cứ, không biết đúng sai.
Giáo viên Hòa Vang năm 1976



Chính trị nổ đã đành, chuyên môn nổ nữa mới kinh hồn. Cán bộ bồi dưỡng chuyên môn cho chúng tôi là các giáo viên cấp ba ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Hải Phòng vào chi viện mà trình độ chuyên môn sau đó phát hiện ra chỉ bằng học trò của những giáo viên cấp hai lưu dung ngồi bên dưới.
Tôi còn nhớ có ông T. là giáo viên cấp ba ờ Thanh Hóa được chi viện vào làm cán bộ chuyên môn ty Giáo dục QNĐN, ông phụ trách bồi dưỡng môn toán cho chúng tôi. Hình như gần chục tiết bồi dưỡng của ông, ngoài việc bày chúng tôi soạn giáo án 5 bước lên lớp ra sao thì chuyên môn toán học mà ông bồi dưỡng  là nói về nền toán học vĩ đại của miền Bắc với sự góp mặt của các nhà toán học Trần Văn Thêm, Hoàng Tụy…và nhờ vào nền toán học vĩ đại ấy mà ta đã đánh thắng tuyệt đối đế quốc Mỹ xâm lược. Ông báo cáo rằng quân ta đã dịch chuyển những sư đoàn quân hàng vạn người cùng xe tăng từ miền Bắc vào Khe Sanh, Lộc Ninh với thời gian chỉ mất ... một đêm làm cho quân Mỹ bất ngờ không kịp trở tay là dựa vào thuật dịch chuyển của môn toán học siêu cao cấp của các nhà toán học Hà Nội mà người thường như chúng ta không thể nào hiểu nổi. (Buồn cười là 20 năm sau, tôi vào Sài Gòn làm báo thì cũng nghe những cú nổ tương tự như vậy từ một phó tiến sĩ toán học từ Liên Xô về)

Năm năm đầu đi dạy dưới chế độ mới là thời gian tuyệt vời. Hầu hết đồng nghiệp của tôi thời đó, bây giờ gặp lại cũng đều công nhận như vậy. Đó là thời bao cấp khắc nghiệt và chiến tranh đang nổ ra, thiếu thốn vật chất trăm bề nhưng vẫn thấy tuyệt vời.
Tuyệt vời vì giáo viên lưu dung chiếm tỉ lệ áp đảo so với giáo viên chi viện từ miền Bắc vào, thậm chí có những trường phổ thông hiệu trưởng vẫn là người miền Nam cũ. Thời đó cán bộ miền Bắc XHCN vào chi viện chỉ vừa đủ làm bộ khung cho các trường trung cấp, cao đẳng và đại học. He he, những điều tồi tệ XHCN được đẩy hết vào các trường đó.
Các bạn đừng vội cho rằng tôi phân biệt vùng miền và cố tình bôi đen. Qua 40 năm rồi mà bằng chứng vẫn còn sờ sờ ra ngay tại Sài Gòn. Các bạn thử đi một vòng quanh trung tâm Sài Gòn để rút ra so sánh môi trường giáo dục giữa các trường phổ thông và các trường cao đẳng, đại học tại đây.  Các trường Lê Hồng Phong (Petrus Ký cũ), Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long cũ)…nằm ở các vị trí đắc địa với ba hoặc bốn mặt tiền nhưng tường rào hoàn toàn không bị lấn chiếm để xây nhà cho gia đình cán bộ chiếm dụng buôn bán, bên trong trường không bị biến thành khu dân cư cho gia đình cán bộ ở như các trường đại học.  Ngay cùng trên đường Nguyễn Văn Cừ, trường phổ thông Lê Hồng Phong nhìn thấy trang nghiêm mô phạm chừng nào thì hai trường Đại học Khoa Học và Đại học Sư Phạm cạnh đó nhếch nhác bôi bác chừng đó. Hai trường ấy suốt một thời gian dài như là hai ổ dân cư tồi tệ với những hàng quán lấn chiếm kín hết tường rào bao quanh và không biết bên trong có những căn hộ gia đình nhếch nhác  xen lẫn với các giảng đường như một số nơi khác hay không?  Hiện nay, sau khi xây dựng mới, trường Khoa Học đã giải tỏa hết hàng quán phía trước nhưng trường Sư Phạm vẫn còn một số tàn tích của thời tồi tệ trên mặt đường Nguyễn Văn Cừ và một phần mặt đường An Dương Vương.
Một sinh viên cũ về thăm trường Sư Phạm đã ghi lại cảm tưởng: "Nhìn hiện trạng trường, mình chỉ có thể miêu tả bằng hai từ “nhếch nhác”.Ngẫm lại, dù sao thì số phận của các trường Petrus Ký, Gia Long, Lê văn Duyệt cũng còn đỡ tủi hơn vì mất tên nhưng lưu giữ lại được cơ sở vật chất; còn trường ta thì không còn cả phần hồn lẫn phần xác" (Lưu Thanh Bình-K11)
Sân trường Gia Long trước 75

Đó là mới nói đến cái nhếch nhác của hình thức chứ chưa đi sâu vào nội dung. Mà cũng chẳng cần đi sâu vào tìm hiểu làm gì, nội dung thế nào thì hình thức mới ra như vậy.
Từ Sài Gòn ta có thể quy nạp ra cả miền Nam, ở nơi nào môi trường sư phạm ở trường phổ thông vẫn tốt hơn ở trường cao đẳng và đại học. Tại sao như vậy? Tại vì ở phổ thông, vào những năm đầu tiên, số lượng giáo viên lưu dung chiếm đa số áp đảo. Đơn giản vậy thôi.

Điều tuyệt vời nữa của 5 năm đầu đi dạy là học sinh. Học sinh của chế độ cũ để lại rất tuyệt, trên cả tuyệt vời: Học giỏi, kỹ cương, lễ phép và hoạt động sôi nổi. Làm giáo viên chủ nhiệm những lớp học hồi đó rất hạnh phúc, mọi hoạt động và điều hành lớp, học sinh tự làm hết. Giáo viên chỉ nói sơ qua, học sinh đã hiểu ý và nhanh chóng triển khai. Quan hệ thầy trò vừa lễ nghĩa vừa thân thiện chân tình. Học sinh luôn giữ thái độ tôn trọng và quý mến thầy cô. Điều nầy mong rằng các giáo viên thời đó làm chứng cho tôi.
Nhưng rồi dần dần theo từng năm, chất lượng học sinh cứ giảm sút dần, giảm sút dần. Đến chừng sau năm 80 là tệ lắm rồi. Chất lượng học sinh xuống thấp đồng thời với quan hệ thầy trò cũng sa sút tệ hại. Bên cạnh để dạy dỗ, học sinh bị biến thành đối tượng để khai thác của phần lớn thầy cô, của cả nhà trường và của cả những cấp quản lý giáo dục cao hơn nữa. Nhà xuất bản của bộ Giáo Dục mỗi năm thu lợi nhuận lên hàng trăm tỉ đồng nhờ độc quyền in và phát hành sách giáo khoa cho học sinh, công ty EMG độc quyền triển khai dạy chương trình Cambridge trong các trường cấp 1,2 ở Sài gòn với giá cắt cổ để thu lợi nhuận chia chác về cấp trên nào đó, nhà trường độc quyền bán đồng phục và nhiều thứ linh tinh khác cho học sinh…là những bằng chứng về việc xem học sinh là đối tượng để khai thác cũng y như các thầy cô khai thác học sinh qua việc ép học thêm hoặc cho điểm thêm.
Tội nghiệp các thầy cô, vì lương quá thấp nên phải khai thác học sinh để kiếm sống. Còn các cấp khác thì khai thác học sinh để làm giàu.
Nhưng kiểu gì thì kiểu, môi trường sư phạm và sự nghiệp giáo dục vì thế mà càng ngày càng hỏng bét. 
(còn nữa)

10 commentaires:

  1. "Hôm nay TAO đi học" thật hay, rồi chùng xuống, khiêm cung và chua xót: "Tôi đi dạy".
    Các vị ở Bộ Học nên đọc bài này ...

    RépondreSupprimer
  2. Song kiếm hợp bích.

    RépondreSupprimer
  3. Hình là sân trường Lê Hồng Phong, không phải Gia Long, xin tác giả sửa lại

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Phải gọi là Petrus Ký mới đúng !

      Supprimer
  4. Bác Chênh nói sao ấy chứ, sống dưới chế độ kèm kẹp của Mỹ Nguỵ sao có được học sinh lễ phép, học giỏi nhứ học dưới mái trường xhcn được ;) Bác không thấy những thành quả là những con người vĩ đại đang lèo lái những con tàu như Vinashin, những vị lãnh đạo đưa ra những quyết sách đưa đất nước băng băng vượt qua bọn tư bản dãy chết à. Phải cho bác đi học chính trị mới được :)

    RépondreSupprimer
  5. 5năm mẫu giáo,12 năm phổ thông,cho 2 đứa con đủ nghèo cho một gia đình . Nền
    giáo dục này làm nghèo đất nước

    RépondreSupprimer
  6. Thời gian này là thời gian hoàng kim của những người có thâm nhân tham gia cọng sản.
    Chênh là số 1

    RépondreSupprimer
  7. http://nhattuan2011.blogspot.com/2013/01/nha-van-nhat-tien-nha-giao-mot-thoi.html
    Chuyện này nhà văn/nhà giáo Nhật Tiến đã viết thành sách rất thấm

    RépondreSupprimer
  8. Hồi nhỏ đi học chúng tôi nhìn Thầy Cô giáo như thấn tượng. Ra đường mà gặp các Thầy, Cô là khoanh tay, cúi đầu chào. Vậy mà sau 1975 nếu làm điều đó là bị phê bình là "tàn dư chế độ cũ". Xin lỗi phải chưởi thề: Con mẹ chúng nó, kính trọng Thầy, Cô thì tôi sai cái gì?

    RépondreSupprimer
  9. Những năm tháng ấy thật kỳ lạ. Tất cả đã vỡ ra bao nhiêu điều.

    RépondreSupprimer