TS.
Vũ Thành Tự Anh (*)
(TBKTSG) - Năm nay Việt Nam kỷ niệm 30 năm Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực. Đến thời điểm này, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tạo ra khoảng 70% giá trị xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp và 20% GDP của cả nước. Đóng góp của FDI ở Việt Nam là hết sức ấn tượng, tuy nhiên tấm huy chương nào cũng có hai mặt: sự thành công vượt bậc của FDI đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức to lớn cho nền kinh tế, trong đó quan trọng nhất là làm thế nào để tận dụng sự hiện diện của FDI để nâng cấp công nghiệp, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào FDI trong dài hạn.
Chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam phải tìm cách vừa tận dụng được cơ hội do FDI đem lại để nâng cấp công nghiệp và hội nhập vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Ảnh: KỲ ANH |
Hai nghịch lý về “sản phẩm công nghệ cao” ở Việt Nam
Một trong những đóng góp
quan trọng nhất của FDI ở Việt Nam nằm ở hàm lượng công nghệ cao. Theo số
liệu thống kê, sản phẩm công nghệ cao - chủ yếu đến từ khu vực FDI - đã
chiếm tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, nếu xem xét
kỹ con số thoạt nhìn rất đáng khích lệ này, chúng ta sẽ thấy hai nghịch lý
không mấy dễ chịu.
Nghịch lý thứ nhất là tuy
công nghệ cao nhưng kỹ năng lại thấp. Gần 10 năm trước, tôi có dịp đến thăm
nhà máy ở một khu công nghiệp của TPHCM chuyên sản xuất máy móc và thiết bị
y tế để xuất khẩu 100% sang Nhật Bản. Thiết bị y tế này khá tinh vi, hơn
nữa lại xuất khẩu sang Nhật là một thị trường khó tính bậc nhất nên chắc
chắn được phân vào nhóm hàng “xuất khẩu công nghệ cao”. Thế nhưng thực tế
là đa số công nhân ở đây chỉ cần học hết lớp 5, được đào tạo chưa tới một
tuần, và công việc cũng chỉ đơn giản là nhặt một bộ phận từ dây chuyền để
lắp vào một cấu kiện, sau đó dây chuyền tự động chuyển sang công đoạn tiếp
theo.
Một nền công
nghiệp (và xuất khẩu) nếu chỉ phụ thuộc vào FDI 10 năm là nền công nghiệp
thành công, phụ thuộc 20 năm vẫn có thể chấp nhận được, nhưng nếu sau 30
năm mà vẫn phụ thuộc ngày một nặng nề hơn thì có thể coi là thất bại.
|
Gần đây hơn, tôi cũng có
cơ hội đến thăm một số nhà máy lắp ráp điện thoại và điện tử hàng đầu ở
Việt Nam. Nghịch lý công nghệ cao và kỹ năng thấp cũng hoàn toàn giống như
trường hợp nhà máy thiết bị y tế xuất khẩu sang Nhật ở trên. Khác chăng chỉ
ở chỗ dây chuyền công nghệ hiện đại hơn và công nhân một số người được ngồi
để lắp ráp thay vì phải đứng.
Nghịch lý thứ hai là tuy công nghệ cao nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Xuất khẩu của Việt Nam có một đặc trưng quan trọng, đó là để xuất khẩu thì phải nhập khẩu rất nhiều.
Một ví dụ điển hình là
trường hợp của tập đoàn Samsung. Trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Samsung
Electronics Việt Nam, Samsung tuyên bố tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam của tập
đoàn này lên tới 57%. Tuy nhiên, theo cách tính của Samsung, tỷ lệ 57% này
bao gồm cả các nhà cung ứng nước ngoài (trong đó chủ yếu là Hàn Quốc) đang
hoạt động ở Việt Nam. Nếu trừ tỷ trọng xuất khẩu của các nhà cung ứng này
thì chắc chắn tỷ lệ nội địa hóa của Samsung ở Việt Nam thấp hơn con số 57%
rất nhiều.
Điều này cũng có thể thấy
rõ qua số liệu tổng hợp xuất nhập khẩu điện thoại và linh kiện ở Việt Nam
(xem đồ thị). Khu vực FDI chiếm trọn vẹn 100% giá trị xuất khẩu và 89% giá
trị nhập khẩu điện thoại và linh kiện ở Việt Nam. Nhìn vào tỷ lệ 89% nhập
khẩu này, thật khó hình dung làm cách nào Samsung có được tỷ lệ nội địa hóa
lên tới 57%.
“Tiên trách kỷ, hậu trách
nhân” - nói một cách công bằng, tỷ lệ nội địa hóa thấp phần lớn là do các
doanh nghiệp nội địa Việt Nam - cả nhà nước và tư nhân - chưa đủ năng lực
cung ứng và hội nhập vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tâp đoàn đa
quốc gia (MNCs). Nghịch lý công nghệ cao - giá trị gia tăng thấp đặt ra một
thách thức to lớn về chính sách phát triển doanh nghiệp và năng lực công
nghiệp nội địa của quốc gia.
Sự phụ thuộc vào FDI và
bẫy gia công giá trị thấp
Nền kinh tế Việt Nam ngày
càng phụ thuộc một cách nặng nề vào khu vực FDI (xem thêm bài của TS. Vũ
Quang Việt ở trang 18 trong số này). Sự phụ thuộc này thể hiện rõ nét trong
“tam giác mạng lưới sản xuất” (triangular production networks). Cụ thể là
hoạt động sản xuất chủ yếu được tổ chức và điều phối bởi các MNCs đến từ
các nước phát triển, sau đó cũng lại được xuất khẩu phần lớn sang các nước
phát triển. Còn các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tập trung ở khâu gia công
và lắp ráp, là khâu dễ nhất và nằm ở dưới đáy “đường cong nụ cười”.
Nếu như mối quan hệ tam
giác này đủ mạnh thì nó sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trong nước
trở thành các nhà “gia công chuyên nghiệp” cho các công ty FDI cũng như cho
các công ty thương mại nước ngoài. Hệ quả là giá trị gia tăng tạo ra rất
thấp, không những thế lại có rất ít khả năng cải tiến công nghệ, nâng cấp
sản phẩm, chủ động tham gia chuỗi cung ứng, hay được hưởng hiệu ứng lan tỏa
từ khu vực FDI.
Kết quả là sau một thời
gian dài chỉ làm gia công, các doanh nghiệp này không còn có năng lực để
theo đuổi bất kỳ một lựa chọn nào khác - tức là đã bị rơi vào “bẫy gia
công” giá trị thấp. Làm thế nào để thoát ra khỏi “bẫy gia công” này là một
thách thức quan trọng nữa của chính sách phát triển doanh nghiệp và công
nghiệp quốc gia.
***
Nhìn về phía trước, chiến
lược phát triển công nghiệp của Việt Nam phải tìm cách vừa tận dụng được cơ
hội do FDI đem lại để nâng cấp công nghiệp và hội nhập vào mạng lưới sản
xuất toàn cầu, vừa từng bước giảm dần sự phụ thuộc nặng nề vào FDI như hiện
nay.
Một nền công nghiệp (và
xuất khẩu) nếu chỉ phụ thuộc vào FDI 10 năm là nền công nghiệp thành công,
phụ thuộc 20 năm vẫn có thể chấp nhận được, nhưng nếu sau 30 năm mà vẫn phụ
thuộc ngày một nặng nề hơn thì có thể coi là thất bại.
Sự phụ thuộc này một mặt
làm xói mòn động lực cải cách thể chế, phát triển tư nhân trong nước và
nâng cấp công nghiệp nội địa. Mặt khác, nó còn đặt nền kinh tế trước những
rủi ro to lớn: chiến tranh thương mại hay khủng hoảng kinh tế có thể làm
đảo chiều dòng vốn và thu hẹp thị trường xuất khẩu; phát triển công nghệ
(tự động hóa và robot hóa) làm giảm sự phụ thuộc vào lao động con người và
do đó khiến các ngành thâm dụng lao động bị tổn thương; và những biến đổi
nhân khẩu học và tiền lương làm thị trường lao động của Việt Nam trở nên
ngày càng kém hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Quỹ thời gian còn lại để
thay đổi một cách căn bản chính sách phát triển doanh nghiệp và công nghiệp
quốc gia không còn nhiều. Nếu 10 năm nữa mà tốc độ thay đổi vẫn chậm chạp
như hiện nay thì tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình sẽ không còn là nguy cơ
mà trở thành hiện thực.
(*) Trường Chính sách
công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire