Tâm nguyện lớn nhất của người Ấn là trong đời người ít nhất được một lần đến tắm tại sông Hằng và khi chết được mang xác về Varanasi, thành phố bên bờ sông Hằng để làm lễ hỏa thiêu rồi thả tro xuống dòng sông ngay tại nơi này. Varanasi mà ngày xưa người Trung Quốc và người Việt Nam gọi là Tha La Nại nằm cách xa New Delhi về phía đông khoảng 500 km và là thành phố cổ có tuổi đời chừng 3.000 năm.
Varanasi nổi tiếng với các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống được truyền qua hàng nghìn năm như dệt lụa, thảm, chạm khắc gỗ... Hàng tơ lụa được sản xuất tại thành phố này đã vang tiếng khắp thế giới, từng cuốn hút các đoàn tàu buôn châu Âu đến với Ấn Độ trước đây và du khách khắp thế giới đến với Varanasi ngày nay.
|
Thành cổ 3000 năm bên sông Hằng |
Varanasi ngày nay vẫn còn nguyên khu thành cổ do một vị tiểu vương xây dựng cách đây hàng ngàn năm. Khu thành cổ này nằm dọc bờ tây sông Hằng cùng với một số đền thờ Hindu tạo nên một quần thể kiến trúc độc đáo mang tính cách linh thiêng đối với người theo đạo Hindu. Phải chăng vì lẽ đó mà dù sông Hằng là con sông dài nhất Ấn Độ, chảy qua nhiều vùng lãnh thổ của đất nước này nhưng người Hindu vẫn chỉ muốn về đây tắm hoặc làm lễ hỏa táng rồi thả tro xuống dòng sông mẹ huyền bí của họ. Vào ngày lễ, hai bên bờ sông hằng ở Varanasi không còn chỗ chen chân. Tôi đến Varanasi vào dịp này lại không đúng mùa lễ hội. Trời đang vào mùa đông se lạnh, buổi sáng tinh mơ sương xuống làm đường phố nhạt nhòe lãng đãng. Tôi cùng nhiều du khách khác rời khách sạn từ lúc 5 giờ sáng để kịp ra ngắm bình minh trên sông Hằng. Qua nhiều dãy phố còn lơ mơ ngủ, rẽ vào một con hẻm ngoằn ngoèo và dơ bẩn, chúng tôi cuốc bộ một hồi rồi lách vào một hành lang nhỏ hẹp bên hông ngôi đền thờ Hindu. Trước mặt chúng tôi bỗng nhiên sáng lòa và mở rộng - dòng sông Hằng huyền thoại hiện ra ngay trước mắt. Bờ bên kia còn chìm trong sương mờ nên mặt sông trải rộng đến ngút ngàn. Mặt trời chưa lên nhưng dòng sông vẫn hửng sáng. Nước sông Hằng phẳng lặng và trong xanh đến bất ngờ. Trời đang trở lạnh, chúng tôi vừa bước lên thuyền vừa run lập cập.
Trong dòng nước lạnh buốt, sát bờ sông đã có nhiều người đang tắm. Người ta cũng tắm bình thường như bao nhiêu người dân quê tắm sông khác trên thế giới. Có người chỉ ngồi trên bờ rồi khoát nước lên người, có người lội xuống nước, có người hụp lặn ra xa.
Từ những ngôi đền thờ nằm dọc trên bờ sông xen lẫn vào giữa các mảng thành cổ còn sót lại vang lên những tiếng chuông và tiếng đọc kinh. Từ dưới dòng sông nhìn lên, dãy thành cổ hùng tráng có tuổi trên 3.000 năm đang bị chèn ép lấn chiếm bởi các ngôi nhà mới xây. Có những đoạn thành bị cả dãy nhà phố "đè" lên một cách thảm não.
|
Bình minh trên sông Hằng |
|
Mặt trời bắt đầu nhô lên, nhả ánh đỏ chạy lăn tăn trên mặt sông rồi hắt lên nhuộm hồng khu tường cổ đối diện. Doi cát trắng giữa dòng sông bất ngờ hiện ra trong làn sương đang mỏng dần như mộng ảo. Nhiều thuyền nhỏ chở đầy du khách đi ngắm bình minh trên sông cũng loáng thoáng hiện ra. Tiếng tụng kinh và tiếng chuông như gióng giả hơn. Người đi tắm sông Hằng từ các con đường nhỏ dẫn ra bờ sông đang bắt đầu đông dần lên. Bất ngờ có một cuộn khói bốc lên trước sân một ngôi đền thờ. "Người ta đang làm lễ thiêu xác", người hướng dẫn nói. Nhiều thuyền du khách tiến về phía ánh lửa đang cháy. "Khi đến gần hãy cất hết máy ảnh và camera, người ta không cho quay phim và chụp hình cảnh thiêu xác", người hướng dẫn lại nhắc nhở. Xác được quấn trong một tấm vải, đặt lên trên một lớp củi. Một ít cây củi khác được chất chung quanh và bên trên xác người. Lửa cháy hừng hực. Da thịt và mỡ người cháy xèo xèo trong tiếng nổ lốp bốp của các cành gỗ khô. Lặng yên không có một tiếng khóc. "Đây là lễ hỏa thiêu của người địa phương hoặc của một người nhà giàu ở phương xa", người hướng dẫn giải thích.
"Những người ở xa phải thật giàu mới có tiền mang xác về đây hỏa thiêu. Người nghèo thì đổ tro vào nhánh con nào đó của sông Hằng gần nhà mình nhất. Tro của người Hindu nào cũng được đổ xuống sông Hằng. Nhưng cũng có một số người được thả thẳng xác xuống sông Hằng mà không cần phải thiêu thành tro. Đó là trẻ con còn ngây thơ, các bậc hiền triết và những người chết do... trúng độc (!?)", người hướng dẫn nhấn mạnh. "Thỉnh thoảng đi thuyền trên sông Hằng mà gặp xác người trôi thì các bạn cũng không nên lấy đó làm kinh hoảng".
Thế nhưng nước sông Hằng vẫn trong xanh và tươi mát một cách kỳ lạ. Trên bờ bên cạnh ngoài những người đi tắm bây giờ lại có thêm nhiều người đi giặt đồ. Một vài người dân mang rác xuống đổ bên bờ sông. Có khá nhiều rác nằm rải rác ven bờ. Lại có thêm vài cuộn khói bốc lên từ các đền thờ. Tro và có khi xương thịt chưa cháy hết lại được ném xuống dòng sông mẹ.
Bình minh lên cao. Sương mù đã tan hết, mặt trời hiện ra chói lọi. Một đàn chim trắng từ đâu bay về sà xuống sông kiếm ăn. Mặt nước sông Hằng trong xanh và thơ mộng như chưa bao giờ có.
Huỳnh Ngọc Chênh (từ Ấn Độ) |
3 phần đầu về đất Phật đọc thật hấp dẫn, mặc dù chuyện này đã nhiều người nói, người viết nhưng đọc HNC vẫn thấy mạch lạc và nhiều cảm xúc. Thanks :)
RépondreSupprimercám ơn Tú đã đọc và có lời động viên
RépondreSupprimerĐọc bài viết này của HNC, tôi cứ ngỡ rằng như đang du lịch ở Ấn Độ vậy. Rất cám ơn thời gian quý báu của HNC đã dành cho bài viết này.
RépondreSupprimer