04/03/2012

ĐẾN VÙNG ĐẤT PHẬT 4



Đường đến đất Phật 
Kỳ 4: Ấn Độ diệu kỳ 

1. Xuống phi trường New Delhi vào buổi tối, ở lại một đêm tại một khách sạn ngoại ô rồi tờ mờ sáng hôm sau lên đường ra ga xe lửa cạnh đó để đi thẳng về phía thủ phủ Lucknow của bang Uttar Pradesh, tôi chưa thấy mặt mũi của đất nước Ấn Độ ra sao cả. 
Buổi trưa, bước ra khỏi nhà ga để vào thành phố Lucknow, tôi không khỏi ngạc nhiên. Ấn Độ đã độc lập từ năm 1950, đã chế được bom hạt nhân, phóng được tên lửa, là trung tâm xuất khẩu phần mềm tin học hàng đầu thế giới... nhưng phố phường vẫn còn lộn xộn và nhếch nhác. Người ăn xin đầy nhà ga và ở bất cứ địa điểm có khách du lịch nào. Quán xá hai bên đường phố nhỏ bé và luộm thuộm. Người ta tiểu tiện bất cứ chỗ nào có thể, nhà vệ sinh công cộng không có cửa đóng. Cạnh quảng trường ngay trước nhà ga, có nhiều "tiệm" hớt tóc mà ghế ngồi là một cục gạch đặt trên nền đất bẩn đầy rác. Khách hớt tóc ngồi trên cục gạch, còn thợ thì ngồi chồm hổm phía sau để hành nghề.



Trâu bò ở chung với... người tại một vùng nông thôn Ấn Độ - Ảnh: H.N.C 

Trên đường phố, những chỗ chợ búa đông đúc chỉ thấy toàn đàn ông. Đàn bà rất ít và có thể nói là thiếu hẳn bóng người phụ nữ nơi công cộng. Sau này, đi về các vùng quê, ngang qua các khu chợ búa tôi cũng chỉ thấy toàn đàn ông họp chợ. Ngồi bán cũng đàn ông, đi mua cũng đàn ông, hiếm hoi lắm mới thấy có đàn bà ngồi bán hoặc đi mua. Ở các quán cóc ven đường cũng toàn đàn ông ngồi bán và đàn ông tụm lại mua, ăn trầu và ngồi lê tán gẫu.
2. Đàn ông Ấn Độ chỉ ăn trầu và rất ít người hút thuốc. Họ lại tuyệt đối không uống bia rượu. Chúng tôi đi suốt 12 ngày trên đất nước Ấn Độ rộng lớn từ nông thôn về đến thủ đô New delhi mà không thấy một quán nhậu nào. Thỉnh thoảng có gặp vài quán ăn nhưng đó là quán ăn thuần túy chứ không phải là quán nhậu. Đến Delhi, vào các siêu thị tôi cũng không hề tìm ra một chai bia hoặc một chai rượu nào. Tại các khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế dành cho du khách cũng khó thấy bóng dáng bia rượu, cũng không thấy khách gọi bia rượu. Tôi thử gọi hai chai bia, mãi một lúc lâu mới thấy phục vụ mang đến. Mở nắp ra thấy miệng chai dính gỉ. Có lẽ bia này được đem về từ một nhà máy nào đó xa lắm và để lâu lắm chưa có người uống. Giá 2 chai bia ngọt ngọt ấy tính ra tiền Việt là 160 ngàn đồng.
Không uống bia rượu và hút thuốc như đàn ông Ấn Độ là điều tốt đẹp. Có  lẽ nhờ vào đó mà chúng tôi đi lại khắp nơi trên đường phố Ấn mà không hề thấy một vụ tai nạn giao thông hoặc một vụ xô xát, ẩu đả nào. Trong khi đó ở Việt Nam, chỉ trong một buổi sáng đi từ TP.HCM đến Vũng Tàu, tôi đã chứng kiến đến 3 vụ tai nạn giao thông. Mà đường sá ở Ấn Độ thì có khi còn tệ hơn ở VN (dĩ nhiên là không kể đến New Delhi và các thành phố lớn khác).
Nữ sinh Ấn Độ chụp ảnh kỷ niệm với tác giả tại núi Linh Thướu
3. Có một hôm chúng tôi đi ngang qua một đền thờ Hindu vào đúng một ngày lễ của tôn giáo này. Tôi choáng ngợp khi thấy cơ man nào là... phụ nữ. Họ mặc đồ thật đẹp, thật sặc sỡ, dĩ nhiên là bộ xari truyền thống, xếp hàng để chen vào cái hồ nước rộng trước đền thờ - hầu như trước đền thờ Hindu nào cũng có một cái hồ như vậy. Họ đến đây để tắm theo một nghi lễ bắt buộc. Vào ngày này, nếu người giàu sẽ đến tắm trên sông Hằng, còn những người khác ở xa sông Hằng thì đành phải tắm trên hồ nước trước đền thờ vậy. Dường như chỉ vào ngày lễ phụ nữä mới ra đường.
Chúng tôi đến núi Linh Thướu là một Phật tích quan trọng ở bang Bihar, cũng là một địa điểm du lịch tuyệt đẹp, vào ngày chủ nhật. Ở đây cũng có rất nhiều phụ nữ, nhưng phần lớn là thanh niên và học sinh, đến đây vui chơi và ngoạn cảnh. Những cô gái trẻ rất dạn dĩ, cởi mở và hiếu khách. Vài cô nữ sinh biết chúng tôi là du khách nước ngoài, mạnh dạn đến làm quen, bắt chuyện, cho chụp ảnh chung một cách rất tự tin và không kém phần lịch lãm. Điều đó chứng tỏ rằng phụ nữ Ấn Độ không đến nỗi phải khuê môn bất xuất như kiểu phụ nữ Trung Quốc hoặc Việt Nam thời phong kiến.
4. Trẻ con không đi học thì trông lam lũ, nhưng học sinh lại rất tinh tươm và sạch sẽ trong các bộ đồng phục. Trường học từ nông thôn đến thành thị đều đàng hoàng, đặc biệt là trường đại học. Từ Agra chạy về New Delhi, hai bên đường tôi thấy rất nhiều trường đại học. Trường nào cũng xây dựng tuyệt đẹp trong một khuôn viên rộng rãi được thiết kế cẩn thận. Có những trường đại học người ta mời các kiến trúc sư danh tiếng nhất thế giới đến thiết kế. Như trường đại học IIM do kiến trúc sư thiên tài Louis Kahn người Mỹ thiết kế là một tuyệt tác về kiến trúc. Ấn Độ rất chú trọng về môi trường giáo dục, có thể chỗ này chỗ nọ nhếch nhác nhưng trường học thì không thể để cho nhếch nhác. 
5. Sống 12 ngày ở  Ấn Độ, bên cạnh các món chay thì món mặn duy nhất tôi được ăn là thịt gà. Người Hindu (chiếm 82%) không ăn thịt bò, nhưng lại chê thịt heo. Còn người Islam (11%) thì không ăn thịt heo nhưng lại không dám đụng đến thịt bò. Do vậy gà là món thịt phổ biến. Cá thì chỉ có ở vùng ven biển mà khu vực tôi đến, nằm chung quanh vùng thủ đô sâu trong lục địa nên cũng rất hiếm cá.
Ở nông thôn Ấn Độ người ta sống chung và thân thiện với trâu bò. Hầu như nhà nào cũng nuôi từ 3 đến 10 con trâu hoặc bò. Ngành nông nghiệp của Ấn Độ đã được cơ giới hóa, nên rất hiếm khi thấy trâu bò phải kéo xe hoặc cày ruộng. Trâu bò được nuôi chỉ để lấy phân và lấy sữa.  Phân bò được trộn với rơm rồi nắn lại thành bánh phơi khô để làm chất đốt. Ở thành phố thì bò đi lang thang đầy đường, tự tìm ăn nơi các bãi rác. 
Khỉ cũng được người Ấn Độ tôn trọng nên có ở khắp nơi: từ đền đài chùa miếu đến các cơ quan công thự, thậm chí ở ngay tại các khách sạn sang trọng. Buổi sáng từ khách sạn mở cửa nhìn ra, tôi thấy từng đàn khỉ "hành quân" từ mái nhà này qua mái nhà khác. Nhà nào lơ là quên đóng cửa sổ là chúng đột nhập vào quậy phá và trộm cắp thức ăn. Các khách sạn đều cảnh báo khách không nên mở cửa sổ đề phòng khỉ đột nhập. Những đàn khỉ sống tự do trong thành phố trở thành tai họa cho người dân nước này. 
Trong thời gian ở đây, tôi đọc trên báo chí Ấn Độ thấy người ta đang bàn cách đối phó với lũ khỉ. Có một người phổ biến kinh nghiệm của mình là nuôi một loài khỉ gì đó to lớn hơn nhưng ít quậy phá hơn để làm kẻ bảo vệ chống lại lũ khỉ kia. Anh ta nói rằng chỉ cần nuôi 2 "bảo vệ" ấy trong nhà là lũ khỉ quậy phá không dám bén mảng đến nữa. Nhưng có nhiều ý kiến khác phản bác sáng kiến trên vì không khéo lại "đuổi giặc cửa trước rước giặc cửa sau".
Người Ấn Độ phải sống chung với bò, khỉ và cả quạ nữa. Quạ ở đây nhiều vô kể, nhiều lúc chúng bay rợp trời, con nào cũng to lớn và mập mạnh. Có lẽ chúng phát triển hưng thịnh nhờ vào thịt trâu bò chết. Thử tưởng tượng, 100% hộ nông thôn ấn Độ đều nuôi trâu bò. Nuôi cho đến già chết thì mang đi chôn hoặc vứt ra đồng. Quạ phát triển đông đúc là nhờ thu dọn những xác chết này.

6. Đại đa số người dân nông thôn Ấn Độ sống còn rất thiếu thốn. Nhà cửa nhỏ bé chen chúc, thiếu điện, thiếu nước sạch. Nhà ở nông thôn ấn Độ không giống như ở nông thôn VN là có vườn tược rộng rãi.  Đa số nhà đều xây bằng gạch đúc mái bằng, nhưng lại rất nhỏ hẹp, chen chúc bên nhau, không có hiên, nếu có chút sân thì lại dùng làm chỗ ở cho trâu bò, là nơi chứa phân... Chúng tôi đi qua nhiều làng mạc, thị trấn không hề thấy ăng-ten mọc lên trên mái nhà. Giới bình dân ở thành thị cũng không hơn gì nhiều. Thế nhưng nhìn vào nét mặt người Ấn gần như không thấy ai lộ ra vẻ lo lắng, buồn khổ hay bức xúc. Họ có cái vẻ gì đó yêu đời và rất bình thản. Thiếu thốn vật chất và tiện nghi sinh hoạt không làm cho họ quá bận tâm.
Họ lại tỏ ra hiền hòa và hiếu khách, buôn bán tuy nói thách rất cao nhưng không chèo kéo khách hàng, không tỏ ra giận dữ khi khách hàng trả quá rẻ hoặc bỏ đi không mua khi đã đồng ý bán. Rất hiếm khi thấy họ giận dữ và cãi vã xô xát với nhau. Người Ấn Độ dù có bị che lấp bên ngoài cái vẻ lam lũ, vẫn thấy toát ra một cái gì đó cao quý mà chỉ có thể có được ở  một dân tộc lớn với nền văn minh tầm cỡ và lâu đời. 
Tôi chợt nghĩ đến Phật Thích Ca, tư tưởng hiền hòa của ông lại chinh phục được nước Trung Hoa kiêu ngạo ngày xưa vốn xem mình là trung tâm của nhân loại. Tôi nghĩ đến Thánh Gandhi, với phương cách hành xử hiền hòa mà ông dạy cho dân, lại đẩy được ra khỏi Ấn Độ kẻ xâm lược hùng mạnh, luôn không muốn cho mặt trời được phép lặn trên đế quốc của mình.
Ấn Độ diệu kỳ là như thế đó.
Ký sự của Huỳnh Ngọc Chênh
(Thanh Niên)
Kỳ sau:  Bình minh trên sông Hằng huyền bí

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire