03/03/2012

ĐẾN VÙNG ĐẤT PHẬT 3




Đường đến đất Phật
Kỳ 3: Khi đàn hạc bay về
Ký sự của Huỳnh Ngọc Chênh 
22:19:00, 07/12/2006

Vào một buổi trưa khi xe chúng tôi đang chạy bon bon trên con đường nhựa băng qua cánh đồng lúa rộng lớn bao quanh khu vực Lâm Tỳ Ni, tôi chợt nhìn thấy một đôi chim khổng lồ màu xám đang bình thản tìm ăn bên cạnh những người nông dân đang làm ruộng. Chim này khi đứng vươn lên, cao hơn cả những người nông dân đứng bên cạnh. 
Xe chạy một đoạn nữa tôi lại thấy một đôi chim khác cũng y hệt. Tôi biết đây là loại chim hồng hạc vào loại quý hiếm của thế giới, ở Việt Nam chúng ta cũng có loại chim hạc tương tự bay về trú đông ở Tam Nông - Đồng Tháp nhưng vóc dáng nhỏ hơn. Tôi khẩn thiết yêu cầu xe dừng lại để chạy đến gần chụp hình vì tôi từng đến Tam Nông rình và chờ cả một ngày nhưng chẳng được thấy một bóng chim nào chứ đừng nói là chụp được hình. Tuy nhiên có người nói rằng lát nữa đến Việt Nam Phật Quốc tự sẽ tha hồ được chụp. Người ấy nói thêm: những con hạc này có ở đây và đi đứng nhởn nhơ bên cạnh con người như vậy là do từ thầy Huyền Diệu mà ra.
Chú hạc thỉnh thoảng ghé vào thăm thầy Thích Huyền Diệu 
Tác giả đang làm quen với hai chú hạc trong vườn chùa
Tôi gặp thầy Huyền Diệu ngay sau đó tại chùa Việt Nam Phật Quốc tự. Thầy Huyền Diệu kể: "Khi mới đến Lâm Tỳ Ni tôi nhận thấy nơi này không có nhiều loài chim. Đến năm thứ nhì, một buổi sáng từ trong lều bạt bước ra, tôi sửng sốt khi nhìn thấy hai con chim cao lớn lạ thường đang đứng ngay trước lều. Tôi cao 1 mét 68 thế mà hai con chim này lại đứng cao hơn cả tôi. Cảm giác đầu tiên là sự khiếp sợ. Tôi vội vã bỏ chạy vào lều rồi lập tức thủ sẵn một khúc cây để có thể tự vệ. Tôi liên tưởng đến những con chim ăn thịt người trong truyền thuyết. Nhưng khi quan sát kỹ, hai con chim có bộ lông xám và vòng cổ đỏ duyên dáng này có vẻ hiền lành, ánh mắt nhìn ra chiều thân thiện, tôi an lòng. Lát sau chúng bay đi, con trước con sau nhịp nhàng vỗ cánh như lướt trên bầu trời với dáng vẻ cao quý đẹp đẽ không thể tả. Tôi vào thư viện tra tự điển và khám phá đây là loài chim hồng hạc - tên khoa học là Sarus Crane - với chiều cao trung bình khoảng 1 mét 7 và nặng trên dưới 9 kg, là giống chim cao nhất thế giới và sống riêng rẽ từng cặp. Quả là một hình ảnh tượng trưng cho hạnh phúc và biểu tượng của sự hòa hợp trong cuộc sống". 
Từ đó đôi chim này luôn quấn quýt bên thầy Huyền Diệu. Rồi dần dần nhiều cặp chim khác bay về. Chúng làm tổ và đẻ trứng ngay trên cánh đồng chung quanh chùa Việt Nam. Dân làng ở quanh khu vực này lại không biết sự quan trọng của loài hồng hạc nên hay săn bắt hoặc lấy trứng của chúng. Thầy Huyền Diệu phải mở cuộc vận động đến mọi người từ cấp chính quyền đến người dân nói lên tầm quan trọng của loài chim quý hiếm này. Mọi người đồng tình và lập ra các tổ bảo vệ chim. Khi chim đẻ còn phải lập chòi gần đó canh giữ. Nhờ vậy chim rủ nhau về càng ngày càng nhiều hơn. Thầy Huyền Diệu cho biết hiện nay đã có đến 66 con chim hạc đang sinh sống ở đây. 
Tôi ra vườn của chùa thấy ngay một đôi chim hạc to lớn và xinh đẹp đang an nhàn đi lại. Vài người đến gần chụp hình, chúng đứng yên cho chụp với cái đầu đỏ nghiêng qua nghiêng lại trông rất duyên dáng. Có một chị phật tử thấy chúng quá xinh xắn và hiền lành, định đến gần vuốt ve bị chúng phản ứng ngay. Tuy vậy, với thầy Huyền Diệu hoặc với các tăng ni khác trong chùa thì chúng tỏ ra vô cùng thân thiện.
Trên đường trở về khi đi ngang qua các ngôi chùa quốc tế lộng lẫy uy nghi ở chung quanh khu vực Lâm Tỳ Ni, tôi chợt nghĩ: những ngôi chùa này cũng như những con chim hạc cao quý và hiền lành kia lần lượt tụ về thánh địa Lâm Tỳ Ni như một nghiệp duyên giống như nhiều con người xa lạ từ khắp nơi trên thế giới lần lượt tụ về đây.

Các sư Tây Tạng thực hiện công phu tại vùng đất Phật



oOo

Tôi gặp rất nhiều người Việt ở vùng đất Phật. Họ đến từ Việt Nam, từ Mỹ, từ Úc, Canada, châu Âu... Họ có thể là tăng ni, là phật tử và cũng có thể là người dân thường. Điều làm tôi ngạc nhiên là một số lớn trong những người ấy sau khi qua đây một vài lần bỗng dưng phát tâm ở hẳn lại vùng đất nghèo khó, thiếu thốn và khắc nghiệt này - mùa nóng thì nhiệt độ lên đến 56 độ C, mùa lạnh có khi xuống dưới 10 độ C - để tu hành hoặc làm công quả hoặc xây chùa (đã có khoảng 10 ngôi chùa Việt Nam tại vùng đất Phật).
Tôi chỉ được hơn 10 ngày bước chân vào xứ sở của Phật thế mà lòng thấy cứ tăng dần lên một cảm giác lâng lâng sung sướng, quên hết mọi lo toan nặng nề của cuộc đời. Cảm giác nhẹ lâng đó cứ dai dẳng trong tôi và càng lúc càng mạnh lên đến mức tôi nghĩ rằng hay là mình cứ ở mãi tại đây và... theo về với Phật. Tôi chợt hiểu được tại sao có nhiều người tự nguyện ở lại. Tôi đang trở thành như họ rồi ư?
Tôi bỗng giật mình. Còn nhiều nhiệm vụ ở cơ quan chưa làm xong, còn nhiều việc của gia đình phải lo toan, còn nhiều món nợ (cụ thể) với ngân hàng phải trả... Tôi quá nặng nợ với cuộc đời. Thế là tôi phải tiếc nuối giết chết cái cảm giác lâng lâng sung sướng mà mình không dễ gì có được để trở về với cuộc đời trần tục sân si của mình. 

                                                                  Kỳ 4: Ấn Độ diệu kỳ 





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire