20/11/2013

KIỆN TẠI SAO KHÔNG? VÀ TẠI SAO KHÔNG KIỆN?

KS Nguyễn Văn Thạnh


1.      Kiện tại sao không?
Trong loạt bài: “nói với mình và các bạn: vẻ đẹp của chính trị”, với bài  “Kiện, tại sao không?”,  nhà báo Đoan Trang cho rằng kiện tụng cũng là một hoạt động chính trị. Tôi đồng ý với quan điểm này.
Hoạt động chính trị chân chính là nhằm tạo ra một thể chế mà ở đó công lý được thực thi. Chúng ta có thể đạt mục tiêu này bằng cách thực hiện những vũ kiện tụng để qua đó cái ác được phán xét, trừng phạt và cũng thông qua kiện tụng, các vấn đề của cuộc sống, những bất công ngang trái được nhận diện rõ hơn. Từ những vụ kiện tụng, có thể là cơ sở cho những sửa đổi pháp luật để luật pháp trở nên công bằng, đúng đắn hơn.
Các hoạt động kiện tụng sẽ tạo ra dư luận rộng khắp quan tâm đến các vấn đề của đất nước, làm thức tỉnh dân quyền. Nền dân chủ chỉ được xây dựng vững chắc khi người dân hiểu được quyền của mình và sử dụng công cụ luật pháp để bảo vệ các quyền đó.

2.      Tại sao không kiện?
Đó là về mặt lý thuyết, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Xin kể các bạn một cây chuyện: chị N có con 4 tuổi bị rơi xuống cống chết. Nguyên nhân thảm kịch trên là do đơn vị làm đường qua nhà chị đã tắt trách không che đậy nắp cống cho an toàn. Tôi nói với chị: “chị hãy đâm đơn kiện đơn vị thi công ra tòa để làm ra lẽ, như vậy sẽ tránh được những vụ thương tâm như con chị. Chuyện con nít rơi cống chết cũng nhiều nhưng vẫn xảy ra, vì sao vậy? Vì nếu trước đây, có ai kiện tụng ra tòa làm ra lẽ, đề nghị phạt chủ thi công thật nặng, thậm chí là sửa luật nếu luật qui định mức phạt không xứng đáng để răn đe thì có lẽ con chị không bị nạn. Chị hãy làm để tránh cho những bà mẹ khác nỗi đau giống chị”.
Ban đầu, chị có vẻ cũng ủng hộ ý kiến tôi, nhưng sau đó chủ đầu tư hỗ trợ ma chay, bồi thường tiền cộng với “tác động” nên chị thôi không nộp đơn khởi kiện. Chị nói trong giọng buồn “mình thân cô, thế cô, thấp cổ bé họng, kiện không thắng người ta. Nếu có thắng thì thời gian hầu tòa sẽ mệt mỏi kéo dài, chuyện làm ăn không được. Rồi có thắng thì chi phí cho luật sư, đi lại, còn lại cũng không bao nhiêu. Đằng nào cháu cũng đã mất rồi, bên họ cũng đâu muốn vậy, đây chỉ là tai nạn rủi ro không ai muốn…”.
Nghe chị nói mà lòng tôi buồn ngao ngán, điều chị nói không có gì sai. Gia cảnh khó khăn, chị phải tính toán cho cuộc sống của mình. Đằng nào thì con cũng đã mất, làm to chuyện cũng không lợi lộc gì, theo đuổi kiện tụng cũng chỉ rước mệt mỏi vào thân, có khi còn thiệt vì khi đó tiền nhận được ít hơn.
Có lẽ bao nhiêu người mẹ mất con đều suy nghĩ giống chị nên chưa ai đưa việc tắt trách của đơn vị thi công ra tòa. Đó là nguyên nhân vì sao năm nào cũng có những chuyện thương tâm: em bé rơi cống chết.
3.      Vấn đề kiện thủy điện.
Như câu chuyện tôi kể trên, trong vụ xả lũ của thủy điện, người chết cũng đã chết rồi, người thiệt hại cũng đã thiệt hại rồi, phần lớn họ đều là dân đen, nghèo khó, do vậy chuyện kiện tụng đối với họ rất xa vời. Nhất là trong thể chế luật pháp tù mù, tòa án dễ bị đồng tiền lũng đoạn như xứ ta, thì thật là “vô phúc mới đáo tụng đình”. Những người khác-người có tiềm năng là nạn nhân trong tương lai- thì họ cũng không quan tâm, không thấy có trách nhiệm giúp đỡ những người thiệt hại kiện. Nắm được tâm lý này nên những kẻ gieo rắc tai họa vẫn cứ nhởn nhơ, đến mùa lại lại lên, lại cứ ủng dung xả lũ.
Từ những thực tế mắc mứu trên, tôi nghĩ để vụ kiện có thể được thúc đẩy mạnh mẽ và thành công, chúng ta không chỉ kêu gọi người bị thiệt hại tham gia để đòi công lý, bồi thường thiệt hại mà chúng ta còn làm cho nhiều người thấy trách nhiệm trong vụ kiện này. Vụ kiện sẽ góp phần mang lại an toàn cho họ, gia đình họ trong tương lai.
Nguyễn Văn Thạnh

Bài 3: Kiến kiện khoai-vẫn cứ làm.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire