Việt-Long. RFA
Tàu cảnh sát biển 4033 sau khi bị đâm hư mạn đang được sửa chữa tại Đà Nẵng |
Nghiêm trọng hơn tranh chấp Nhật-Trung
Chuyện phải đến đã đến. Tàu cảnh sát biển Việt Nam tiến ra hải phận của mình để
thăm dò và toan cản trở hoạt động của giàn khoan dầu bất hợp pháp của Trung
Quốc. Tàu Trung Quốc liền húc tàu Việt Nam để cản trở không cho tới gần
giàn khoan. Cuộc đối đầu này mạnh bạo và nghiêm trọng hơn vụ Trung Quốc- Nhật
Bản đối đầu ở Senkakư/ Điếu Ngư. Nơi đó không ai thăm dò hay khai thác vùng
biển của ai, vì hai bên đều phải gờm nhau về phương diện quân sự. Ở biển Đông
tương quan lực lượng khác hẳn.
Trước hết cần đánh giá cao việc Việt Nam phản ứng nhanh chóng và chừng
mực, dù thua thiệt cũng làm được việc xác định vững vàng lập trường về lãnh
hải, lãnh thổ.
Hai lực lượng cảnh sát biển chênh lệch nhau rất xa về số lượng và tầm cỡ
tàu hoạt động, nên Trung Quốc không ngần ngại dùng hành động thô bạo để hiếp
đáp Việt Nam .
Trung Quốc đã điều động tới 80 chiếc tàu đủ loại để đối đầu với 29 chiếc tàu
cảnh sát biển Việt Nam, không kể nhiều máy bay bay vòng trên không để uy hiếp
tinh thần. Cùng lúc, Hoàn Cầu Thời báo, Global Times, cơ quan ngôn luận đối
ngoại của đảng Cộng sản Trung Quốc, tung ra bài xã luận đòi dạy thêm cho Việt Nam
bài học tốt hơn! Nội dung của Global Times mới phản ảnh quan điểm đích thực của
cả đảng Cộng sản lẫn phần đông dân Trung Quốc trong các vấn đề đối ngoại.
Ở Senkakư/ Điếu ngư, tàu tuần duyên Nhật Bản lớn hơn rất nhiều so với
những tàu dân sự xâm nhập nhưng cũng chỉ phun vòi rồng và hai chiếc ép một đầu
tàu kia để họ phải chuyển hướng ra khỏi hải phận. Đối với tàu Trung Quốc, tàu
Nhật chỉ có thể bắc loa kêu gọi họ rời hải phận, gây nên khẩu chiến, không thể
đụng chạm với Trung Quốc.
Tàu hải cảnh TQ phun nước vòi rồng qua tàu kiểm ngư Việt |
Nhưng ở biển Đông, Phó Tư lệnh lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, ông Ngô
Ngọc Thu, cho biết đã có ba sự kiện tàu Trung Quốc húc tàu Việt Nam, gây thiệt
hại nhẹ cho tàu, 6 thủy thủ Việt Nam bị thương. Điều đáng lưu ý là công luận cả
nước Việt Nam
đang bừng bừng phẫn nộ. Khắp các mặt báo đầy rẫy những ý kiến của người dân
trong nước, với một số ít từ ngoài nước, đả kích Trung Quốc, đòi hỏi Hà Nội
phải tỏ ra cứng rắn đối phó, dù bằng chiến tranh. Hầu hết ý kiến đòi quyết
chiến, sẵn sàng hy sinh. Du học sinh tại Tokyo , Berlin biểu tình đông đảo, đả đảo Trung Quốc xâm lược
Việt Nam .
Tại Việt Nam ,
được biết có 20 nhóm dân sự sẽ biểu tình chống Trung Quốc vào cuối tuần này.
Vì sao vào lúc này?
Tổng thống Obama trở về Washington hồi tháng trước sau chuyến công du 4
nước châu Á, nơi ông chỉ trích chính sách xâm lấn ức hiếp của Trung Quốc và cam
kết bảo vệ tất cả đồng minh bằng tất cả năng lực của Hoa Kỳ. Tuần tới sẽ có cuộc
đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt tại Washington, trong khi phụ tá ngoại trưởng Hoa
Kỳ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương sự vụ là ông Daniel Russel đang có mặt ở Hà
Nội dường như để góp ý kiến về đề tài thảo luận cho phái đoàn Việt Nam đi
Washington. Tuần sau cũng có Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, nơi Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng sẽ nêu vấn đề biển Đông như đề tài chính yếu. Và giữa lúc ấy thì
Trung Quốc đem giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam . Đó là sự trùng hợp hay có sự
tác động lẫn nhau?
Có thể đó là một hành vi khiêu khích với Hoa Kỳ và châu Á, nhưng cũng có
thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong lãnh
hải Việt Nam chỉ là việc sớm muộn gì họ cũng phải làm, vì lý do chiến lược hơn
là vì những sự kiện chính trị.
Chuyên gia Carl Thayer ở Australia cho rằng có thể Trung Quốc phản ứng với
chuyến công du của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sang 4 quốc gia châu Á vừa
qua. Nhưng người Việt Nam đã chờ đợi việc này từ lâu, sau khi Trung Quốc thành
lập địa-cấp-thị Tam Sa, lấy đảo Phú Lâm của Việt Nam làm thủ phủ, đặt tên là
Vĩnh Hưng đảo. Diễn đàn này cũng từng dự đoán là Trung Quốc sẽ có một hành vi
quyết đoán trước khi Việt Nam
hoàn bị lực lượng hải quân, không quân. Nhưng lý do chủ yếu vẫn là vì sự thúc
bách của nhu cầu nguyên nhiên liệu của Trung Quốc, khiến họ trước sau gì cũng
phải khai thác dầu bất hợp pháp trong lãnh hải đặc quyền kinh tế của Việt Nam . Đó là
chiến lược sinh tử của Bắc Kinh vì một nền kinh tế phát triển, một lực lượng
quân sự cần lớn mạnh ngang hàng Nga-Mỹ.
Hẳn nhiên Trung Quốc đã sớm có kế hoạch khoan dầu ở biển Đông ngay từ khi
gây tranh cãi về đường lưỡi bò chiếm đến hơn 80% diện tích biển Đông, mà phần
lớn thuộc về lãnh hải Việt Nam. Thành lập địa-cấp-thị Tam Sa cũng nằm trong kế
hoạch này mà thôi.
Việt Nam làm được gì?
Hiện tình đáng lo ngại ở chỗ chắc chắn Trung Quốc không thể lùi bước, một
khi đó đã là chiến lược lâu dài. Việt Nam cũng khó lòng tháo lui, tình
hình sẽ diễn tiến ra sao?
Dù toàn dân sẳn sàng hy sinh, Việt Nam cũng không thể khai chiến vào
lúc này, là lúc lực lượng quân sự còn trong giai đoạn tăng cường để phát triển
lớn mạnh đến mức đủ sức tự vệ.
Tuy không quân hải quân Trung Quốc cũng đang trong thời kỳ phát triển cho
hoàn chỉnh, nhưng tương quan lực lượng hiện nay chênh lệch rất xa. Quân đội
Việt Nam
vào ngày hôm nay không thể đương đầu với hải lục không quân Trung Quốc. Các cấp
lãnh đạo và người dân trong nước hẳn cũng hiểu điều đó, nên Việt Nam phải tìm
cách hành động sao cho ít nguy cơ đụng độ, vùa giữ thể diện đồng thời vẫn giữ
lập trường bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và... chờ thời, nghĩa là chờ chuẩn bị xong
xuôi rồi mới có thể tính thêm những bước cương quyết hơn.
Nếu Việt Nam
hành động mạnh ngay lúc này, mà người ta tin đó không phải là ý định của Hà
Nội, thì đó chỉ là manh động, không thể tránh thất bại.
Qua ngày thứ năm Trung Quốc chối bỏ, nói không có vụ đụng chạm trên biển,
và kêu gọi Việt Nam
đàm phán để giữ hoà bình. Đây chỉ là chiến thuật "vừa đánh vừa đàm"
mà Việt Nam
biết rất rõ vì đó cũng là tiểu xảo của Hà Nội cách nay không lâu. Nay Trung
Quốc miệng kêu gọi đàm phán, không chừng đang chuẩn bị điều động vài lộ quân áp
sát biên giới phía bắc, gây áp lực tinh thần hầu đè bẹp ý chí quyết chiến của
người Việt Nam .
Tinh thần hy sinh và quyết chiến ấy đang được người Việt bày tỏ ồ ạt trên những
trang mạng online ở trong và ngoài nước. Nhưng, không thể phát động chiến
tranh, Việt Nam
có thể có hành động gì?
Phải có hành động
Trong tình thế này chính quyền Việt Nam phải tìm được cách biểu thị bằng
hành động một lập trường cương quyết về lãnh thổ, không thể chỉ dùng các biện
pháp ngoại giao trong khi giàn khoan dầu của Trung Quốc sẽ trở thành chuyện đã
rồi vì quốc gia nạn nhân không có hành vi phản đối.
Việt Nam
phải có hành động trên biển giống như hôm thứ ba, nhưng tìm cách tránh đụng độ
trực tiếp, trong khi phải khiếu nại với quốc tế ở cấp cao hơn. Đến nay công
luận quốc tế khách quan hầu hết đều thuận lợi cho Việt Nam . Châu Á cũng như phương Tây đều
tỏ mối quan ngại cho Việt Nam, gọi hành vi của Trung Quốc là khiêu khích không
cần thiết cho công việc duy trì hoà bình ổn định ở Đông Á- Đông Nam Á.
Việt Nam vẫn có thể cho tàu lui tới khu vực quanh giàn khoan Hải Dương
981, tạo nên một tình thế tương tự như ở Senkakư/ Điếu Ngư, trong khi nỗ lực
đòi hỏi sự phân giải quốc tế. Việt Nam có thể sẽ cho tàu cảnh sát biển
tiến quanh vùng đó, nhưng không như hải trình hôm trước để tránh đụng chạm với
tàu hải cảnh Trung Quốc. Hôm thứ ba tàu Việt Nam tiến khỏi vành đai lưỡi bò 4
hải lý thì tàu Trung Quốc gây hấn và ngăn cản. Nay Việt Nam có thể cho tàu chạy
qua lại bên kia đường ranh lưỡi bò, tức là vào hẳn bên trong phía mà Trung Quốc
đòi chiếm lãnh hải, nhưng nếu tàu Trung Quốc đối đầu thì vòng ra, rồi lại quanh
vào?
Hành động chiến lược
Biểu đồ vị trí bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương 981, nằm hẳn bên trong lãnh hải đặc quyền kinh tế của Việt |
Trong một cuộc phỏng vấn dân biểu Alan Lowenthal về yếu tố
Trung Quốc trong quan hệ Mỹ-Việt, ông trả lời rằng Việt Nam muốn tiến gần với
Mỹ để đối đầu với Trung Quốc thì phải thực hiện nhân quyền cho dân của họ, và
ông nhắc lại nhiều lần đây đúng là thời điểm trọng yếu để gây áp lực để Việt
Nam thực hiện điều đó.
Việt Nam
trong tình huống này khi Trung Quốc đã tỏ lộ dã tâm, thì phải biết làm gì để có
thể được giúp một cách hữu hiệu. Thực ra người Mỹ không cần cung cấp vũ khí hay
viện trợ quân sự ồ ạt và lộ liễu. Có thể mường tượng, giả sử lúc chiến tranh,
Mỹ chỉ cần cho Việt Nam tin tức tình báo về cuộc điều động binh lực của Trung
Quốc, cho biết rõ tọa độ tàu ngầm, tàu nổi, phi cơ đang trên đường tới mục
tiêu... thì cũng là một lợi thế hiếm có cho Việt Nam, hoàn toàn trong khả
năng quân đội Mỹ làm được.
Việt Long-RFA có mê ngủ không rứa? Phải cỡ đồng minh chiến lược thì thiên hạ mới chia sẻ thông tin tình báo,chứ, hihi
RépondreSupprimer