17/05/2014

Phúc thẩm “đại án” Vifon: VKS ngưng tranh luận vì… bất đồng quan điểm với LS!

Tân Châu 
NQL: Bi hài tư pháp nước nhà, một vụ gọi là "đại án" bị tòa sơ thẩm kêu án người 30 năm, kẻ 22 năm, đến khi ra tòa phúc thẩm thiên hạ mới ngửa: vụ này chẳng có gì gọi là "đại", thậm chí "án" cũng không. Cho thấy sự nguy hiểm của việc hình sự hóa án kinh tế, gây khổ đau cho không biết bao nhiêu người.

“Do giữa Viện kiểm sát VKS và các vị luật sư có quan điểm trái chiều nên… VKS không tranh luận nữa…” vị đại diện giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Vifon đã nói như vậy vào phiên xử sáng nay 15/5. Cũng do VKS ngưng tranh luận nên chủ tọa phiên tòa công bố kết thúc phần tranh luận trực tiếp, chuyển sang cho các bị cáo nói lời sau cùng…
 Nguyễn Thanh Huyền kêu oan tới phút chót

Là người được tòa cho nói lời sau cùng đầu tiên trong số 5 bị cáo, Nguyễn Thanh Huyền cho rằng mình không làm gì gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho công ty, cho Nhà nước. Khác với phiên tòa sơ thẩm trước đây và xuyên suốt trong phiên tòa phúc thẩm này, Nguyễn Thanh Huyền liên tục kêu oan. Lần này, Nguyễn Thanh Huyền thừa nhận mình có sai phạm “Bị cáo sai sót về mặt nghiệp vụ kế toán tài chính thì đó là về quản lý kinh tế” bị cáo Huyền thừa nhận. Tuy nhiên cũng ngay lập tức Nguyễn Thanh Huyền nói thêm “Việc truy tố tội tham ô và cố ý làm trái là oan cho bị cáo, bị cáo không tham ô tiền Nhà nước...” Khi Nguyễn Thanh Huyền nói tới đây, chủ tọa nhắc Huyền thôi không đề cập tới nội dung liên quan tới “tham ô” nữa vì xuyên suốt cả phiên tòa, nội dung này đã đề cập rồi “Bị cáo kêu oan về tội tham ô thì HĐXX sẽ xem xét trong lúc tòa nghị án” chủ tọa ngắt lời Nguyễn Thanh Huyền.

Với nguyên Tổng giám đốc Vifon, bị cáo Nguyễn Bi nói lời sau cùng bằng “bài ca” thành tích quen thuộc “Bị cáo đã cống hiến nhiều cho Vifon để có được thương hiệu như ngày hôm nay. Không những Vifon trước đây thu lợi hàng chục tỉ đồng mà từ thương hiệu do bị cáo góp công gầy dựng, nay Vifon nằm trong số 1.000 doanh nghiệp đóng góp lớn cho ngân sách và thu hút hàng ngàn lao động, mong HĐXX xem xét lại tội danh cho bị cáo…” Nguyễn Bi nói.

Với 3 bị cáo còn lại, khi nói lời sau cùng các bị cáo mong HĐXX xem xét giảm hình phạt vì gia cảnh, sức khỏe của các bị cáo. Riêng bị cáo Đàm Tú Liên xin được thi hành án ngay vì “Thưa tòa, bị cáo nói lời sau cùng mong… chồng và cha bị cáo nghe cho rõ là bị cáo dù tòa xử thế nào thì bị cáo cũng xin thi hành án ngay để được đưa ra ngoài nơi tạm giam. Những ngày qua bị cáo bị tam giam chung với các thành phần nghiện ngập ma túy nên bị cáo rất sợ…”

VKS ngưng tranh luận vì bất đồng quan điểm
Trước đó, gần cuối buổi xét xử, trong phần tranh luận trực tiếp, đại diện VKS cho rằng, tòa sơ thẩm tuyên buộc Bộ Công thương là nguyên đơn dân sự. Sau bản án sơ thẩm, phía Bộ Công Thương không kháng cáo, như vậy phần tuyên buộc này có hiệu lực pháp luật. Viện dẫn các quy định pháp luật, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trong vụ án, đặc biệt là lời khai của bị cáo Huyền tại cơ quan điều tra, VKS khẳng định, tòa sơ thẩm quy kết bị cáo Huyền tội tham ô tài sản là đúng người, đúng tội.

Đáp lại quan điểm của VKS, các luật sư bào chữa cho bị cáo Huyền phản biện rằng Bộ Công Thương không kháng cáo là do họ đã từ chối tư cách nguyên đơn dân sự. Theo Bộ Luật tố tụng dân sự thì nguyên đơn dân sự phải có đơn khởi kiện và được tòa án chấp nhận. Theo Bộ Luật tố tụng hình sự thì nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, theo pháp luật hiện hành thì phía tòa án không có quyền xác định tư cách nguyên đơn dân sự khi nguyên đơn dân sự không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu VKS cho rằng Bộ Công Thương là nguyên đơn dân sự thì làm sao thi hành án vì theo nguyên tắc phía nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu thi hành án.
Không những luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho Nguyễn Thanh Huyền) mà luật sư Lê Hồng Nguyên (bào chữa cho Nguyễn Bi) và các luật sư khác cũng đồng loạt tranh luận làm rõ số tiền 7,9 tỉ đồng không phải là tài sản Nhà nước. “Nếu xác định không phải tiền Nhà nước thì không thể buộc tội tham ô” luật sư Phan Trung Hoài tranh luận.

Sau khi các luật sư đồng nhất tranh luận về khoản tiền 7,9 tỉ đồng có phải “tiền Nhà nước” hay không” thì chủ tọa tiếp tục mời đại diện VKS tiếp tục tranh tụng.

Được chủ tọa tiếp tục mời tranh tụng, lần này vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đứng lên. Mọi ánh mắt dồn về hàng ghế của đại diện VKS. Phòng xử án im phăng phắc. Có thể mọi người chờ câu tranh tụng “chốt” lại của VKS bởi xuyên suốt phiên tòa này, xác định 7,9 tỉ đồng có phải là tiền Nhà nước hay không luôn chiếm thời gian lớn của phiên tòa, mà nếu “không chứng minh được đó là tiền Nhà nước thì tòa phải tuyên trả tự do cho Nguyễn Thanh Huyền” như lời luật sư Phan Trung Hoài nhiều lần nói tại tòa.

Sau giây phút hồi hộp căng thẳng. Vị đại diện VKS đứng lên nói “Do bất đồng quan điểm giữa VKS và các luật sư nên VKS… không tranh luận nữa”!

Như vậy sau 4 ngày xét xử, phiên tòa phúc thẩm nay chờ thời khắc tuyên án. Bản án nào được tuyên cho các bị cáo? Câu trả lời sẽ được nêu trong bản án tuyên vào lúc 14 giờ ngày 19/5 tới đây. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là bản án tuyên có nội dung “tham ô” hay không bởi đây là “chủ đề đinh” xuyên suốt phiên tòa và cũng là nội dung mà tòa nghị án vẫn còn mang theo cả bất đồng của VKS và các luật sư…

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tường thuật buổi tuyên án của phiên tòa này. Mời bạn đọc theo dõi.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire