06/10/2014

Những bước đi của Triều Tiên khiến Trung Quốc "ngồi trên lửa"

Minh Thái
Tin tức 24h
Nhân vật số 2 Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc
(Tin tức 24h) - Kêu gọi Hàn Quốc thành lập liên bang, công du châu Âu, thúc đẩy quan hệ với Nga... những bước đi của Triều Tiên khiến Trung Quốc thấp thỏm.
Thêm dấu hiệu Triều Tiên 'phớt lờ' Trung Quốc Nga được gì khi làm "trung tâm hòa giải" Triều Tiên? Thúc đẩy lộ trình thống nhất hai miền
Ngày 1/10, Triều Tiên hối thúc Hàn Quốc hồi đáp về đề xuất tái thống nhất hai miền thông qua hình thức liên bang ở mức thấp, trong bối cảnh sắp tới kỷ niệm 34 năm đề xuất trên được đưa ra.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của một viện thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng trong bối cảnh hiện nay, "đây là đề xuất thực tế nhất để tái thống nhất đất nước một cách hòa bình và công bằng, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của toàn dân tộc".
Rất nhiều lần Triều Tiên đã kêu gọi "tái thống nhất độc lập" dân tộc. Triều Tiên cho rằng miền Bắc và miền Nam nên cùng nhau xác định về việc thống nhất đất nước bắt cách "thành lập liên bang và nỗ lực hiện thực hóa điều này, tích cực thúc đẩy sự tồn tại, thịnh vượng và các lợi ích chung".
Ngày 10/10 tới sẽ đánh dấu kỷ niệm 34 năm cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) đưa ra đề xuất hướng tới thành lập một nhà nước tái thống nhất dân tộc ở cấp độ thấp, cho phép hai bên thực hiện quyền tự trị khu vực và theo các hệ tư tưởng khác nhau. Triều Tiên nhấn mạnh đề xuất này là "định hướng đúng nhất để đạt được tái thống nhất dân tộc".

Dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un, Triều Tiên đang có những bước đi "thoát Trung"
Trong một động thái tích cực, ba quan chức cấp cao của Triều Tiên, trong đó có ông Hwang Pyong-So mới được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng quốc gia,  nhân vật số 2 sau nhà lãnh đạo Kim Jong Un, sẽ tham dự lễ bế mạc Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 17 (Asiad 17) tại Hàn Quốc.
Dự kiến, ba quan chức trên sẽ gặp Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-Jae, đánh dấu cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai miền Triều Tiên trong những năm qua.
Việc Triều Tiên gần gũi hơn với Hàn Quốc có lẽ sẽ khiến anh bạn lớn Trung Quốc phải lo lắng bởi như thế cũng đồng nghĩa với việc Triều Tiên gần gũi với Mỹ hơn. Hàng chục năm qua Trung Quốc đổ tiền vào Triều Tiên chính là để dựng lên tấm lá chắn bảo vệ Trung Quốc trước các quốc  gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Một khi Triều Tiên đứng về liên minh Mỹ-Nhật-Hàn, lại nắm trong tay con bài hạt nhân thì Trung Quốc cũng chẳng còn an toàn.
Phá băng quan hệ với phương Tây, đẩy mạnh quan hệ với Nga
Trong khi thúc giục Hàn Quốc về vấn đề tái thống nhất, Triều Tiên cũng thay đổi chính sách đối ngoại nhằm phá băng quan hệ với phương Tây và cải thiện quan hệ với Nga.
Từ ngày 6/9, đoàn quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng do Bí thư phụ trách đối ngoại của Đảng Lao động Triều Tiên Kang Sok-ju dẫn đầu đã bắt đầu chuyến công du châu Au với các chặng dừng chân tại Đức, Bỉ, Thụy Sỹ, Italy.
Tiếp đó, từ ngày 30/9,  Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong cũng có chuyến thăm kéo dài 10 ngày tới nước Nga. Ngoại trưởng Triều Tiên và người đồng cấp Sergei Lavrov đã thảo luận vấn đề hợp tác song phương, trong đó có tăng cường đối thoại chính trị, đẩy mạnh hợp tác kinh tế và thương mại, đồng thời trao đổi quan điểm về việc giữ gìn hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á.
Hai bên cũng bàn về các điểm nóng quốc tế khác như Ukraine, khu vực Cận Đông, chương trình hạt nhân Iran, những nỗ lực để tạo lập cấu trúc an ninh mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quan hệ Triều-Nga được cải thiện tích cực trong những năm qua. Trước đó, vào tháng 5/2014, Nga đã mạnh tay xóa tới 90% khoản tiền 10,86 tỷ USD mà Triều Tiên nợ từ thời Liên Xô trước đây.
Số nợ còn lại khoảng 1,09 tỷ USD, sẽ được Triều Tiên trả góp 6 tháng/lần trong vòng 20 năm tới. Theo thỏa thuận này, Mátxcơva dự kiến dùng số tiền nợ còn lại mà Bình Nhưỡng phải trả để đầu tư vào các dự án y tế, giáo dục và năng lượng ở Triều Tiên. Ngoài ra, Bộ Tài chính Nga có kế hoạch sử dụng khoản tiền này cho việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt và hệ thống đường sắt đến Hàn Quốc xuyên qua Triều Tiên. Nhiều ý kiến cho rằng Nga đang dần thay Trung Quốc làm bạn lớn của Triều Tiên.
Những động thái trên đang đẩy Triều Tiên ngày càng xa Trung Quốc khi Bình Nhưỡng tìm kiếm những người bảo trợ khác rộng rãi hơn. Đặc biệt, Nga, nước đang cực kỳ gắn bó với Trung Quốc sau loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây do liên quan đến khủng hoảng Ukraine, lại trở thành đối thủ cạnh tranh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bị cấm vận, Nga đẩy mạnh hướng Đông, trong đó Triều Tiên là một mắt xích quan trọng. Đây là điều Trung Quốc không hề mong muốn một chút nào.
Làm thế nào để giữ được Triều Tiên trong vòng kiểm soát? Đây có lẽ là bài toán khó đối với Trung Quốc trong lúc này, nhất là khi quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã rạn nứt và nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un đang đẩy nhanh quá trình "thoát Trung".

Minh Thái

1 commentaire:

  1. Sau khi cân nhắc tình hình, có khả năng anh Kim Jong Un có lẽ đang chơi 1 cái bẫy. Binh bất yếm trá!

    RépondreSupprimer