Ông Nguyễn Huệ Chi muốn chính quyền Việt Nam tôn trọng tự do ngôn luận |
Cuộc tuần hành vào lúc 15 giờ đã thu hút hơn một triệu người cùng với 40 nhà lãnh đạo từ các nước trên thế giới để bày tỏ tình đoàn kết với người dân Pháp sau các vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo và hai vụ bắt giữ con tin sau đó của các tay súng Hồi giáo cực đoan.
Những kẻ tấn công được cho là trả đũa việc tòa báo này đăng hình biếm họa Đấng Tiên tri Muhammad của người Hồi giáo.
Ngoài ra, hàng ngàn người các nước trên thế giới, từ Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Israel cho tới Úc, Nhật đều đã xuống đường để ủng hộ cuộc tuần hành ở Pháp.
Hưởng ứng ở Hà Nội
Vào khoảng 9 giờ tối giờ Việt Nam, tức là khi cuộc tuần hành bắt đầu ở Paris, một số nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam đã cũng đến Tòa đại sứ Pháp ở Hà Nội để hưởng ứng cuộc tuần hành này.
Trao đổi với BBC, nhà văn Nguyễn Huệ Chi, người quản lý trang bauxitevietnam, nói ông cùng Tiến sỹ Nguyễn Quang A, người đại diện cho Diễn đàn Xã hội Dân sự Việt Nam, đã ‘không quản ngại đêm lạnh, giá rét để đi quãng đường rất xa đến Đại sứ quán Pháp’ vào tối 11/1.
"Cuộc tuần hành ở Paris cho thấy nhân loại văn minh không đứng cùng với những kẻ độc tài, khủng bố, những kẻ muốn người ta cúi đầu vâng lệnh mình," ông Chi nói. "Những người tuần hành muốn cất lên tiếng nói của tự do."
Ông cho biết vụ thảm sát ở tòa soạn báo Charlie Hebdo hôm 7/1 là ‘nỗi đau của những người trí thức’.
“Đúng giờ tuần hành tôi và anh Nguyễn Quang A cùng nhau đến Đại sứ quán Pháp để đưa hoa và chia sẻ nỗi đau.”
Ông Chi cho biết ông đã nói với người đại diện của Tòa Đại sứ Pháp rằng việc làm của các ông ‘là đại diện cho những người trí thức dân chủ yêu tự do của Việt Nam’.
"Chúng tôi quyết liệt phản đối kẻ nào muốn chống lại nền báo chí tự do bằng bất kỳ hành vi đê mạt nào và ở bất kỳ địa điểm nào trên thế giới và giành tiếng nói tự do cho thế giới văn minh."
Không thể hạn chế tự do ngôn luận
Cuộc tuần hành ở Paris được hưởng ứng ở nhiều nơi trên thế giới |
Khi được hỏi về liệu vụ việc ở tòa soạn Charlie Hebdo có phải thể hiện mặt trái của quyền tự do ngôn luận hay không, ông Chi nói ông "không tán thành bất cứ sự hạn chế nào đối với quyền tự do ngôn luận".
"Tự do ngôn luận, tự do báo chí chính là cái làm cho con người văn minh, tốt đẹp và cư xử với nhau một cách dân chủ hơn," ông giải thích.
"Chúng tôi nghậm ngùi khi ở Việt Nam có những người cầm bút cũng vì hăng hái dấn thân, vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chống Trung Cộng (TC) xâm lược và bảo vệ quyền tự do ngôn luận nhưng cuối cùng chịu tai họa," ông nói và cho biết ông và ông A đã đem theo các khẩu hiệu ‘Je Suis Charlie’, ‘Tôi là Anh Ba Sàm’, ‘Tôi là Bọ Lập’ đến Tòa Đại sứ Pháp.
Anh Ba Sàm, tức ông Nguyễn Hữu Vinh, và ông Bọ Lập, tức Nguyễn Quang Lập, là những blogger đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam vì những tội ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ’ và ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’.
"Chúng tôi thấy số phận chúng tôi giống như số phận của Anh Ba Sàm và Bọ Lập," ông Chi nói.
"Chúng tôi mong muốn Nhà nước cải thiện luật pháp và cách cư xử với người cầm bút, không còn người bị bắt vào tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận."
Nguồn: Theo Thế Giới Mới
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire