04/03/2015

Dừng lại

Nguyễn Minh Nhựt



"Có lẽ đã đến lúc xã hội cần phải dừng lại để mọi người cùng nhau lấy ra các hòn đá tảng kia, cùng nhau sửa xe, thay bánh nếu xe hỏng, bánh hư, và cùng nhau làm lại con đường thật chắc chắn rồi mới tiến lên được chăng?

Chỉ dừng lại một chút thôi mà sẽ phải mất đến vài thế hệ sao, Việt Nam ơi!?"
 


Khoảng 8h tối, dừng lại cạnh lối qua đường cho người đi bộ, hắn định chờ chiếc taxi chạy qua trước rồi mới qua. Nhưng người lái xe vẫn cho xe đứng yên, nhất định chờ người đi bộ qua đường rồi mới đi. Thấy vậy, không để mất thời gian thêm cho cả hai, hắn chạy nhanh qua đường và tỏ vẻ cảm ơn người tài xế.
Đó là một lần hắn qua đường ở Singapore cách đây nhiều năm. Thái độ lịch sự của người lái xe đã để lại cho hắn một ấn tượng tốt đẹp về đất nước xinh xắn này.

Ở các thành phố lớn của Việt Nam, đặc biệt là Tp. HCM và Hà Nội, mỗi lần hắn qua đường đều rất cẩn thận và lo lắng. Có những lần hắn đang qua đường trên lối có vạch trắng, người tài xế vẫn thản nhiên nhấn ga, chiếc xe lao thẳng vào người đi bộ đang qua đường, làm anh ta phải vội vàng bước lùi lại và ném một cái nhìn tức giận vào người lái xe.

Cơn giận bốc lên rồi tan dần, thay vào đó là những cảm xúc lẫn lộn khó tả, hắn biết là người lái xe không phải là cố ý lao xe vào hắn mà chỉ không muốn mất thêm mấy giây để nhường đường. Hình như người lái xe ấy không hề nghĩ là hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người qua đường.

Đã có nhiều người bị xe đụng đến tử vong khi qua đường. Chỉ cần người ta chịu nhường nhau một vài giây thôi thì tai họa đã không xảy ra.

Hiện tượng xã hội đầy rẫy những cách hành xử cực kỳ ích kỷ, chỉ muốn dành phần lợi cho riêng mình mà bất kể hậu quả xảy đến cho người khác ra sao là một sản phẩm tệ hại của xã hội, tức là nó được hình thành và phát triển từ sự tác động lẫn nhau của các yếu tố: cách thức tổ chức và vận hành xã hội của các cơ quan công quyền, sự giáo dục từ nhà trường các cấp, và sự giáo dục từ trong gia đình.

Bức tranh giao thông tại các thành phố lớn vào những giờ cao điểm mô tả rõ nét nhất sự ích kỷ cực kỳ này, nhất là những nơi không có cảnh sát giao thông (CSGT) hay những người tình nguyện điều khiển giao thông. Người ta lao xe lên cả lề đường, lấn xe qua hết cả phần đường của chiều ngược lại, trông họ thật quyết tâm tiến tới bằng mọi cách!? Và kết quả là những người đi đường trái luật đã dần nêm cứng chính mình và những người đi đường đúng luật khác.

Một đám đông cùng đi đường mà người người phạm luật, người người chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, chỉ cần mình tiến tới bằng mọi cách, bất kể người khác ra sao thì chỉ có thể dậm chân tại chỗ mà thôi. Và từ cách hành xử của một đám đông người ta có thể suy ra mức độ văn minh của xã hội.

Rất nhiều người đi đường phạm luật một cách rất tự nhiên. Vì sao vậy? Vì có rất nhiều người cùng phạm luật? Vì chẳng có ai nói? Vì chẳng có ai phạt? Vì người ta làm vậy quen rồi?

“Đi đi! Tới luôn đi! Chẳng có ai thấy đâu! Chẳng có đụng ai đâu! Chắng có ai phạt đâu! Ai cũng làm vậy mà!”, nghe thật là lén lút và ngụy biện làm sao!

Có câu chuyện mà hắn hay nghe người ta kể là: “Tối đó tao về khuya quá, thấy đường sá không có ai, gặp đèn đỏ là vượt luôn. Ai ngờ mới qua đường một đoạn thì thấy có mấy CSGT bước ra huơ gậy. Tao rút ra tờ 200 là được cho đi với lời nhắc nhở ân cần là không nên vượt đèn đỏ. Giờ đó thì ai mà không vượt đèn đỏ!? Dừng lại thì có mà khùng à!?”

Nghe xong hắn im lặng, hắn biết có nói gì thì cũng như thêm dầu vào lửa thôi. Người kể chuyện vẫn khăng khăng mình làm vậy là chẳng có gì sai, mặc dầu trước đó anh ta không dám tranh cãi với nhóm CSGT, có lẽ anh ta còn đủ tỉnh táo để cân nhắc lợi hại.

Với những người chủ xe khách đường dài, những người tài xế, những người phụ xe và cả những người hành khách đi xe, ai cũng biết các trạm CSGT trên các quốc lộ làm việc miệt mài bất kể giờ giấc ra sao. Họ làm việc ngày đêm vì sự an toàn của người đi đường chăng? Thường thì họ không có kiểm tra xe mà chỉ kiểm tra giấy tờ thôi. Và có lẽ chủ xe, tài xế, phụ xe lẫn hành khách cũng đồng thuận với cách làm việc nhanh nhẹn của CSGT để nhanh được đi tiếp!?

Làm việc nhanh nhẹn để đôi bên cùng có lợi thì cũng hay, nhưng người đi đường chỉ thật sự an toàn khi những sai phạm lớn nhỏ đều được xử lý. Những người quản lý các cơ quan hữu trách có bao giờ thử làm phụ xe, hay hành khách đi xe đường dài để hiểu rõ thực trạng giao thông ra sao chưa nhỉ?

Người dân phạm luật để được lợi, nếu người thực thi pháp luật phớt lờ hành vi phạm luật để được lợi thì những hành vi phạm luật ấy như những hòn đá tảng chặn lại các bánh xe của xã hội. Các bánh xe vẫn cứ quay miệt mài và đào thêm hố sâu nên xã hội không tiến thêm được chút nào, thậm chí còn tụt hậu nữa.

Có lẽ đã đến lúc xã hội cần phải dừng lại để mọi người cùng nhau lấy ra các hòn đá tảng kia, cùng nhau sửa xe, thay bánh nếu xe hỏng, bánh hư, và cùng nhau làm lại con đường thật chắc chắn rồi mới tiến lên được chăng?

Chỉ dừng lại một chút thôi mà sẽ phải mất đến vài thế hệ sao, Việt Nam ơi!?

 

Motbaica


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire