Âu Dương Thệ
Ông Trọng đi Mĩ để làm gì? Đi chỉ để thỏa mãn
tự ái cá nhân hão trước khi chấm dứt nhiệm kì Tổng bí thư thì uổng công vô ích!
Nhưng nếu đi vì quyền lợi đất nước phải Thoát Trung thì sẽ được nhân dân VN ủng
hộ và chính giới Mĩ kính trọng. Khi đó Nguyễn Phú Trọng sẽ để lại điểm son
trong lịch sử. Nhưng cái khó khăn lớn nhất là, ông Trọng có đủ đảm lược để tự
thoát khỏi cái bóng đen quá dài của chính mình hay không?
Tình hình đất nước:VN đang đứng ở đâu và như thế nào
trong quan hệ với Trung quốc?
Trả lời dư luận quốc tế kết án gay gắt việc Bắc kinh cố
tình mở rộng nhiều đảo trên biển Đông thành các căn cứ quân sự, bộ trưởng Ngoại
giao Trung quốc Vương Nghị đã khẳng định rất ngang ngược trong cuộc họp báo
ngày 8.3 tại Bắc kinh : Biển Đông là « nhà » và là « sân » của Trung quốc.
Nguyên văn lời đổi trắng thay đen, kẻ cướp đóng vai quan tòa của Vương Nghị:
« Chúng tôi không giống như một số quốc gia
khác đã xây dựng trái phép trong nhà của người khác. Và chúng tôi không chấp nhận
những lời chỉ trích từ người khác khi mà chúng tôi chỉ xây dựng các cơ sở trên
sân riêng của chúng tôi. » ([1])
Vương Nghị thừa biết nhiều đảo này nằm ở trên hai quần đảo
Hoàng sa và Trường sa, Trung quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng của VN mới vài chục
năm trước. Điều này có nghĩa, những người cầm đầu Bắc kinh hành động theo lí lẽ
của kẻ mạnh, chủ quyền phát ra từ nòng súng. Hôm trước chiếm đất, chiếm đảo của
các nước láng giềng, hôm sau bảo đó là sân và nhà của Trung quốc và họ có toàn
quyền sử dụng. Nay họ còn ngang ngược xây các đảo chiếm của VN thành các căn cứ
quân sự cho hải quân và không quân Trung quốc đe đọa toàn bộ biển Đông của VN!
Như vậy tuyên bố trên của bộ trưởng Ngoại giao
Trung quốc Vương Nghị đã báo động cho chúng ta là, Trung quốc đang là kẻ thù
nguy hiểm và trực tiếp của nước ta!
Giữa tháng hai vừa qua các hãng thông tấn xã quốc tế trên
toàn thế giới đã phổ biến sâu rộng những không ảnh rất rõ ràng từ các vệ tinh
và các máy bay chụp trong vài năm gần đây trên nhiều đảo thuộc quần đảo Trường
sa của VN nhưng do Trung quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng. Khi đối chiếu các
không ảnh đã chụp trong một số năm liên tiếp các giới quân sự quốc tế đã đi đến
một nhận định chung là, chế độ Bắc kinh đã thực hiện kế
hoạch mở rộng và xây dựng thêm các căn cứ quân sự và các phi trường trên các đảo
Gạc ma, Chữ thập, Châu viên, Vành khăn, Tư nghĩa… Trong số này các đảo Gạc
ma, Vành khăn, Châu viên và Chữ thập Trung quốc đã chiếm của VN.
Reuters và tập san quốc phòng Jane´s Defense cho biết, các công trình quân
sự này rất qui mô và hiện đại như những pháo đài, „hàng không mẫu hạm không thể
đánh chìm“, chúng được sử dụng như các căn cứ quân sự vừa để tấn công vừa để
phòng ngự, đồng thời còn là các cơ sở hậu cần, tiếp nhiên liệu và lương thực
cho các chiến hạm và tầu dân sự của Trung quốc. Nhiều cơ quan chiến lược quốc tế
đưa ra nhận xét: "Các công trình này lớn và tham vọng hơn chúng ta
từng nghĩ. Về nhiều khía cạnh, khi kế hoạch này tiếp tục được phát triển thì sẽ
đặc biệt khó khăn [cho các nước] trong việc đương đầu với Trung Quốc ở Biển
Đông". Reuters còn cho biết, „mục tiêu trước nhất vẫn là nhằm kiểm soát Biển Đông và kiềm chế các
đối thủ, như Việt Nam, quốc gia đang nắm giữ nhiều đảo và bãi cạn ở Trường Sa“
([2])
Những sự kiện này minh chứng, Tập Cận Bình và những người cầm đầu Bắc kinh
tuyệt nhiên không đếm xỉa gì tới những thỏa thuận với Nguyễn Phú Trọng, Trương
Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng là “không áp dụng
hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp“ biển Đông. Trong thực tế Bắc kinh đã ngang ngược từng bước biến nhiều đảo
chiếm đóng của VN thành các pháo đài và căn cứ quân sự trên biển Đông để trực
tiếp uy hiếp an ninh VN, đồng thời bòn rút tài nguyên trên biển và dưới đáy ở
biển Đông của VN và đe dọa đường hàng hải quốc tế quan trọng.
Trong khi đó VN ngày càng lệ thuộc Trung quốc về kinh tế, thương mại. Trung
quốc đang là thị trường lớn nhất của VN, 20% tổng kim ngach xuất nhập khẩu của
VN là với Trung quốc. Nhưng trong quan hệ thương mại với Trung quốc VN phải
chịu thua thiệt lớn. Mức nhập siêu của VN từ Trung quốc lên tới 28 tỉ USD trong
năm 2014, mức nhập siêu tiếp tục gia tăng mạnh từ năm này sang năm khác. Lệ thuộc
kinh tế, thương mại vào Trung quốc gia tăng nhanh từ khi Nguyễn Tấn Dũng trở
thành Thủ tướng từ gần 10 năm qua và hầu như thao túng trong các quyết định
kinh tế.
Hiện nay các nhà thầu Trung quốc giành tới 77/106 dự án
thầu EPC ở VN, hầu hết là các công trình lớn thuộc hạ tầng cơ sở như chế biến
Bauxit, nhiệt điện, xi măng và hóa chất.([3])
Các nhà thầu Trung quốc sử dụng kĩ thuật thuộc loại tồi, dùng hàng vạn công
nhân Trung quốc, trong đó có rất nhiều người làm chui bất kể luật pháp VN. Các
nhà thầu Trung quốc làm việc rất chậm và thường kéo dài thêm dự án để đòi tăng
vốn đầu tư!
Như vậy rõ ràng Bắc kinh đang ngày càng kiểm soát kinh tế, tài
chính và thương mại của VN, nghĩa là Bắc kinh đang kiểm soát dạ dầy của VN!
Nguyên do: Từ lâu Bắc kinh đã còn nắm cả
cái đầu của VN
Mất đảo,
mất biển, tài nguyên bị bọn rút và lệ thuộc kinh tế, đồng thời ngày nay còn
đang đứng trước nguy cơ Bắc kinh sử dụng các đảo đánh chiếm của VN thành các
căn sứ quân sự đe dọa an ninh toàn bộ biển Đông của VN. Đây là hậu quả trực tiếp
của chính sách cúi đầu chấp nhận sự đỡ đầu của Bắc kinh để bảo tồn chế độ toàn
trị ở VN từ Hội nghị bí mật Thành đô đầu tháng 9.1990 thời Nguyễn Văn Linh-Đỗ
Mười với sự tiếp tay của Lê Đức Anh. Chủ chương thần phục này được đẩy mạnh hơn
dưới thời Lê Khả Phiêu-Trần Đức Lương với các thỏa thuận rất bất lợi cho VN,
như Hiệp ước về biên giới trên đất liền năm1999 và các Hiệp định phân định Vịnh
Bắc bộ và khai thác nghề đánh cá năm 2000. Đặc biệt đặt niềm tin trọn vẹn là, “ĐCS Trung quốc trụ
được thì ĐCS VN cũng trụ được” nên trong chuyến đi Trung quốc cuối
tháng 2.1999 cả Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn
Dũng - sau khi kết thúc các cuộc hội đàm ở Bắc kinh với việc Giang Trạch Dân mớm
cho “16 chữ
vàng” cho quan hệ hai bên - đã bay
sang Thành đô ngày 27.2.1999 và thăm khách sạn Kim Ngưu (con trâu vàng), nơi
trong hai ngày 3-4.9.1990 Nguyễn Văn linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng đã khấu đầu
thề „khép lại
quá khứ“ trước Giang Trạch Dân và Lý
Bằng. Báo Nhân dân đã tường thuật lời tâm sự của Lê Khả Phiêu coi việc về thăm
Thành đô như tín đồ đi hành hương cung kính đến thăm một nơi linh thiêng:
„Ở khách sạn „Kim Ngưu“ (con
trâu vàng) không khí càng cảm động khi Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhắc lại một mốc
lịch sử giữa hai đảng và nhân dân hai nước: Tại đây, tháng 9.1990, các đồng chí
lãnh đạo cấp cao hai đảng gặp nhau, chính thức lập lại quan hệ bình thường giữa
hai đảng và hai nước láng giềng hữu nghị. Từ đó đến nay quan hệ đó không ngừng
củng cố và hôm nay đồng chí Tổng bí thư và đoàn đại biểu cấp cao đảng và nhà nước
ta lại ngồi ở ngay phòng họp lịch sử đó…“ ([4])
Đây là lần
đầu tiên phía CSVN đã công khai xác nhận Hội nghị Thành đô 9.1990. Khi đó phía
Bắc kinh vô tình hay cố ý chọn khách sạn „Con trâu vàng“ làm
nơi hội đàm với phái đoàn CSVN sang cầu hòa? Tục ngữ cả Việt lẫn Trung có câu „ngu như trâu“,
chỉ biết ra sức kéo cày cho chủ! Lê Khả Phiêu và Nguyễn Tấn Dũng hớn hở về thăm
Kim Ngưu nơi gần 10 năm trước Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã vui mừng được Giang
Trạch Dân và Lý Bằng xoa đầu với điều kiện „khép lại quá khứ, hướng tới tương lai“. Nghĩa là
từ nay Hà nội không được phép nhắc tới cuộc chiến tranh xâm lược tháng 2.1979
do Đặng Tiểu Bình phát động „dạy cho VN một bài học“. Từ đó Hà nội đã ngoan
ngoãn làm theo các yêu sách của Bắc kinh không được tổ chức lễ kỉ niệm cũng như
thăm viếng các nghĩa trang nơi hàng chục ngàn bộ đội và thường dân đã bị quân
xâm lược giết hại. Nói cách khác, từ Hội nghị bí mật Thành đô Bắc kinh đã coi VN là con trâu
vàng trong mục tiêu bành trướng về phía Nam.
Lê Khả Phiêu và Nguyễn Tấn Dũng nghĩ như thế nào khi hớn hở và kính cẩn
về thăm khách sạn Kim Ngưu và ca tụng sự thần phục Bắc kinh? ([5])
10 năm
làm Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tiếp tục vun xới quan hệ „16 chữ vàng“ và thêm „bốn tốt“ với phương Bắc, cụ thế là để Bắc kinh khai thác
Bauxit tại Tây nguyên. Đặc biệt những năm dưới thời Nguyễn Phú Trọng làm Tổng
bí thư, mặc dầu những người cầm đầu CSVN càng nhân nhượng, càng tâng bốc thì từ
Hồ Cẩm Đào tới Tập Cận Bình càng lấn tới.
Những câu nói để đời của Nguyễn Phú Trọng đối với các nhà lãnh đạo Bắc kinh là „Tình hình biển Đông không có gì mới“ lúc ông
còn làm Chủ tịch Quốc hội (2010). Khi Hồ Cẩm Đào cử đặc phái viên sang chúc mừng
Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư, khiến ông Trọng rất hãnh diện hả dạ tự khoe: “Chưa bao giờ ngay sau Đại hội, một số đảng anh em như … Đảng
Cộng sản Trung quốc cử đặc phái viên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước sang gặp Tổng
bí thư ta để trực tiếp chúc mừng thành công của Đại hội”!([6])
Liền
sau khi giữ chức Tổng bí thư ông Trọng mong được sang Bắc kinh bệ kiến. Khi ấy
Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã cử Ủy
viên Bộ chính trị kiêm Phó Chủ tịch quân ủy Trung ương ĐCS Trung quốc Thượng tướng Quách Bá Hùng, sang Hà nội gặp
Phùng Quang Thanh và Nguyễn Phú Trọng vào giữa tháng 4.2011 và đặt các điều kiện
cho chuyến đi Bắc kinh sắp tới của Nguyễn Phú Trọng:
„
Một là, tăng cường tiếp xúc chiến lược, nắm vững định hướng đúng
đắn phát triển quan hệ Trung-Việt; hai là, coi trọng tuyên truyền
hướng dẫn, tích cực tạo bầu không khí hữu nghị, đoàn kết, hợp tác
Trung-Việt; ba là, làm phong phú nội dung giao lưu, nỗ lực nâng cao
trình độ hợp tác thiết thực giữa quân đội hai nước.“ ([7])
Tuân theo các điều kiện này nên ông Trọng đã cử lần lượt mấy phái đoàn quân sự cao cấp sang dọn đường. Cuối
tháng 8.2011 tại Bắc kinh tướng Nguyễn Chí Vịnh đã phải uốn lưỡi: “Một thực tế hiển nhiên là Trung quốc cam kết không lấy đất,
lấy biển của Việt Nam“ và còn long trọng hứa ngăn cấm nhân dân VN không
được biểu tình chống Bắc kinh xâm lấn: „Kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với
tinh thần không để sự việc tái diễn. ([8]) Giữa tháng
9.2011 tướng Ngô Xuân Lịch cũng thề tại Bắc kinh „Việt
Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Vấn đề
tranh chấp giữa hai nước thì do hai nước giải quyết.“ và „Việt Nam luôn luôn
cảnh giác với âm mưu phá hoại, chia rẽ tình cảm đoàn kết giữa Việt Nam và Trung
Quốc của các thế lực thù địch. ([9])
Sau khi các điều kiện
trên đây của Bắc kinh đặt ra qua tướng Quách Bá Hùng được nhóm cầm đầu CSVN chấp
nhận toàn bộ thì Hồ Cẩm Đào mới bật đèn xanh cho Nguyễn Phú Trọng thăm Trung quốc
vào giữa tháng 10.2011. Tại đây Nguyễn Phú Trọng đã phải cùng Hồ Cẩm Đào kí Hiệp
định „Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề
trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa.” ([10])
Đây là kết quả trong
cuộc „hội đàm hẹp“
giữa Hồ Cẩm Đào và Nguyễn Phú Trọng chỉ vài giờ sau khi tới Bắc kinh. Trong đó
họ Hồ đã dùng cách nói kẻ cả với ông Trọng, như thiên triều ra lệnh cho chư hầu:
„Tổng Bí
thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chỉ rõ, trước khi tranh chấp trên
biển được giải quyết, không nên áp dụng hành động làm phức tạp hoá
và mở rộng tranh chấp, xử lý những vấn đề xuất hiện bằng thái độ
bình tĩnh và mang tính xây dựng, không để những vấn đề liên quan ảnh
hưởng tới quan hệ hai Đảng và hai Nhà nước Trung Quốc-Việt Nam cũng
như hoà bình và ổn định của Nam Hải…“ ([11])
Các yêu sách trên của
Hồ Cẩm Đào được Nguyễn Phú Trọng chấp nhận toàn bộ và thể hiện rõ trong
Thông báo chung ngày 15.10:
„Trước khi giải
quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định
trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm
phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại
quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng,
không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển
Đông.“ ([12])
Nhưng thỏa thuận chung „ không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm
tranh chấp“ chỉ Hà nội phải đơn phương thi hành còn Bắc kinh lại
tích cực gây hấn và tự do lấn chiếm!
Từ tháng 5.2011 tới tháng
11.2012 Bắc kinh đã ba lần cho các tầu hải giám và tầu đánh cá Trung quốc xâm
nhập hải phận VN, cắt dây cáp của các tầu thăm dò đầu khí của Tập đoàn Dầu khí
VN. Nguyễn Phú Trọng trong tư cách Bí thư Quân ủy Trung ương, tức Tổng tư lệnh
quân đội, đã hoàn toàn im lặng. Tiếp đó Bắc kinh lại công khai gọi thầu quốc tế
để khai thác dầu khí trong các khu vực hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa. Họ
còn thiết lập các cơ quan hành chánh của hai quần đảo này, xây phi trường quân
sự và cho quân đồn trú tại đây. Đồng thời Bắc kinh tiếp tục cho các tầu tuần
giám của hải quân Trung quốc săn đuổi các tầu đánh cá, giết hại nhiều ngư dân
VN đánh cá trên hải phận VN. ([13])
Mặc dầu vậy, Nguyễn Phú
Trọng vẫn gọi những người chủ trương xâm lược ở Bắc kinh là „BẠN“: „BẠN [tức nhóm cầm đầu Bắc kinh –ghi chú riêng của
tác giả] thường nhấn mạnh, không để bị „Tây hóa, tha
hóa, thoái hóa“.([14])
Ông đã tuyên bố như vậy ngay tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc ngày 27.2.2012 trước trên 1000 cán bộ cao cấp
từ quân đội, công an, chính phủ và các cơ quan trung ương và địa phương.
Như vậy Nguyễn Phú Trọng
đã coi những người cầm đầu Bắc kinh đang chiếm đảo, lấn biển của VN là „BẠN“ và còn công khai như thế trước toàn đảng,
toàn quân và toàn dân cũng như dư luận quốc tế. Chính chủ trương cực kì sai lầm
lẫn lộn coi thù
thành bạn của người cầm đầu chế độ toàn trị đã làm tê liệt tinh thần
cảnh giác và đề kháng của quân đội và nhân dân VN, đồng thời làm lạc hướng theo
dõi và mất sự ủng hộ của quốc tế!
***
Từ khi Tập Cận Bình lên
làm Tổng bí thư với chủ trương thực hiện „Giấc mơ vĩ đại của Trung quốc” các hành động chèn ép và khiêu khích với VN càng gia
tăng. Đầu tháng 5. 2014 vào giữa lúc Hội nghị Trung ương 9 họp ở Hà nội, họ đã
cho hàng trăm tầu hải quân, hải giám hộ tống giàn khoan khủng HD 981 dựng ngay
trong hải phận của VN. Trong suốt hai tháng rưỡi Tập Cận Bình đã từ chối các
yêu cầu của Nguyễn Phú Trọng xin gặp để giải quyết. Mãi sau khi HD 981 rút lui
Nguyễn Phú Trọng mới được cử 3 phái đoàn cao cấp lần lượt sang Bắc kinh thương
lượng là Lê Hồng Anh, Trần Đại Quang và Phùng Quang Thanh.
Điều khiến nhiều quan sát
viên quốc tế coi là lạ lùng khi theo dõi thái độ của hai bên trong các chuyến
thăm cao cấp này. Đúng lí ra, Bắc kinh phải đứng ra xin lỗi Hà nội trong vụ dựng
giàn khoan khổng lồ ngay trong lãnh hải VN. Nhưng những người cầm đầu Bắc kinh
lại giữ thái độ hống hách vừa trách mắng vừa ra lệnh ba trưởng đoàn của CSVN.
Trong khi đó các phái đoàn của CSVN lại đứng ra xin lỗi! Ngày 27.8 khi tiếp Thường
trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Đặc phái viên của Nguyễn Phú Trọng, Tập Cận Bình
đã nói như ra lệnh:
„Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cử đồng chí
làm Đặc phái viên sang Trung Quốc tiến hành cuộc gặp cấp cao hai
Đảng, đã thể hiện nguyện vọng của Việt Nam mong muốn cải thiện và
phát triển quan hệ hai nước.
Chủ tịch Tập Cận Bình Tập Cận Bình nhấn mạnh,
Lãnh đạo cấp cao hai Đảng Trung-Việt nên nắm bắt đại cục, duy trì và
tăng cường giao lưu, kịp thời đi sâu trao đổi về các vấn đề quan
trọng, kiên trì định hướng quan hệ hai nước từ tầm cao chiến lược và
góc độ lâu dài, đặc biệt là đưa ra quyết đoán chính trị đúng đắn
trong thời điểm then chốt.“ ([15])
Trong bản tin về chuyến
đi của Lê Hồng Anh sang Bắc kinh bộ Ngoại giao VN đã không kết án việc Bắc kinh
dựng giàn khoan HD 981, nhưng lại xin lỗi các cuộc biểu tình ở VN trong thời
gian này:
"Phía Việt Nam lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra đối với doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc
trong tháng 5 vừa qua, đồng thời lấy làm buồn về việc một số công nhân Trung Quốc
bị thiệt mạng, bị thương trong vụ việc này.“ ([16])
Ngày 26.10 Ủy viên Bộ
chính trị và bộ trưởng Công an Trung quốc Mạnh Kiến Trụ cũng nói như ra lệnh
cho Trần Đại Quang tại Bắc kinh:“Bảo vệ tốt an toàn của cơ quan, doanh nghiệp và
nhân viên nước đối tác tại nước mình“.([17])
Kết quả cuộc hội đàm tại
Bắc kinh của bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cùng với 16 sĩ quan cao cấp từ 16-18.10 lại còn cực kì tệ hại hơn nữa.([18])
Ngày 20.10 chính Phùng Quang Thanh đã thuật rõ lại cho báo chí bên lề phiên họp
khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 về nội dung và không khí trong cuộc gặp
bộ trưởng Quốc phòng Trung quốc Thường Vạn Toàn ở Bắc Kinh. Cũng như Nguyễn Phú
Trọng, ông Thanh đã gọi những người chủ trương chiếm đảo và xâm lấn biển Đông của
VN là „Bạn“:„Bạn đón tiếp ta rất nhiệt tình, trọng thị,
chu đáo và rất hữu nghị“.([19]) Nguy hiểm
nữa là, Phùng Quang Thanh đã nhìn nhận việc Trung quốc chiếm đóng các đảo của
VN là tình trạng Status quo –tình trạng đã rồi:
„Chúng tôi có
trao đổi là giờ phải giữ nguyên hiện trạng, trên biển Đông phải thực hiện cho đầy
đủ DOC - tinh thần, quan điểm chung là không mở rộng tranh chấp, không cắm mới
vào những nơi mà các bên chưa cắm.“([20])
Không chỉ xuống nước như
vậy, Phùng Quang Thanh còn nhìn nhận và bảo vệ Bắc kinh có quyền xây dựng các đảo
chiếm của VN thành các pháo đài quân sự:
„Còn hiện nay
trên biển, nói thật là các bên đều có xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng,
Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng. Việt Nam
cũng có hoạt động xây dựng, đó là tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện
thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để đảm bảo an toàn
trong mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trên đảo. Tuy nhiên nguồn lực của
ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc.“([21])
Với tuyên bố trên Phùng
Quang Thanh đã cố tình từ nhầm lẫn tới sai lầm cực kì nguy hiểm: 1. Các đảo này
cho tới gần đây vẫn thuộc lãnh thổ và thẩm quyền của VN, Trung quốc đã dùng vũ
lực đánh chiếm trái phép, trái luật quốc tế về hàng hải. 2. Nhưng nay Phùng
Quang Thanh đã nhìn nhận như trên, coi như các đảo này từ nay vĩnh viễn thuộc
Trung quốc và mặc nhiên coi việc Trung quốc xây dựng và biến các đảo này thành
các căn cứ quân sự là quyền của Trung quốc. 3. Tuyên bố công khai của Phùng
Quang Thanh cho phép Bắc kinh dùng làm bằng cớ trước dư luận VN, Trung quốc và
thế giới là, việc Trung quốc chiếm đảo và mở rộng các đảo này là hoàn toàn hợp
pháp! Ở dây
Phùng Quang Thanh đã sai lầm rất nguy hiểm, cho kẻ đi cướp có quyền như chủ
nhà!
Vào cuối năm trong cuộc họp
với bộ trưởng Công an Trần Đại Quang bàn về việc đối phó với sự gia tăng chống
đối của nhân dân VN trước các hanh động xâm lấn của Bắc kinh, Phùng Quang Thanh
còn nhấn mạnh „cảnh
báo xu thế “bài” Trung quốc là một diễn biến nguy hiểm.“([22]) Với lập trường và thái độ bênh vực cho những hành động trái phép của Bắc kinh như
trên Phùng Quang Thanh nên xin Bắc kinh làm bộ trưởng Quốc phòng cho Trung quốc!
***
Như vậy ít nhất là từ ¼
thế kỉ vừa qua, từ Hội nghị bí mật Thành đô, những người cầm đầu chế độ toàn trị
VN đã gởi trọn „chiến lược xây dựng niềm tin“ vào Bắc kinh. Điều này
Nguyễn Tấn Dũng đã nói trong diễn văn tại cuộc „Đối thoại Shangri-La 2013“ ở Singapore
cuối tháng 5.13. ([23])
Cái đầu đã bị mua chuộc, dạ dày đã bị nắm, những người cầm
đầu CSVN đã đẩy đất nước vào hoàn cảnh cực kì nguy hiểm.
Nói tóm lại, trong những
năm qua để bành trướng trên biển Đông Tập Cận Bình đã thực hiện chiến lược hai
mặt rất gian xảo là dương đông kích tây. Một mặt mở các vụ khiêu khích ngay
trên lãnh hải VN, sau đó rút lui. Nên Nguyễn Phú Trọng mới vỗ ngực và hô hoán
cho là đã giành thắng lợi trong cuộc tranh chấp „chúng ta xử lý tốt vấn đề Biển Đông. Chúng ta
vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước“.([24]) Nhưng thực
tình giữa khi ấy Bắc kinh đã âm thầm biến các đảo đã chiếm được của VN dọc theo
mấy ngàn cây số trở thành các căn cứ quân sự kiên cố đe dọa trực tiếp an ninh
VN. Nay chính Phùng Quang Thanh cũng phải nhìn nhận thực trạng đã rồi này. Mới
đây Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên tư lệnh Quân khu 4 và Đại tá Bùi Văn
Bổng đã cánh báo rõ là, việc Bắc kinh xây dựng các đảo chiếm được của VN thành
các pháo đài còn cực kì nguy hiểm hơn cả giàn khoan HD 981. ([25])
Chuyến đi Hoa kì cần nhằm
mục tiêu gì?: Hãy đối chiếu chủ trương và chính sách
của Trung quốc và Hoa kì
trong vấn đề biển Đông
Các sự kiện trên đã chứng
minh, Bắc kinh đang cố tình lấn chiếm biển đảo của VN và đang thực hiện ý đồ biến
các đảo này trở thành các căn cứ quân sự đe dọa trực tiếp và thường xuyên an
ninh VN; đồng thời còn đe dọa an ninh đường hàng hải quan trọng nhất trên thế
giới. Như thế Bắc kinh đã trở thành kẻ thù nguy hiểm và trực tiếp của VN và nhiều
nước trong khu vực; đồng thời còn là mối họa cho Hoa kì và EU là những quốc gia
có quyền lợi lớn trong ngoại thương. Từ khi Tập Cận Bình làm Tổng bí thư ĐCS và
Chủ tịch nước Trung quốc mối nguy hiểm lại càng gia tăng. Với khẩu hiệu " Hiện nay,
mọi người đều đang thảo luận giấc mơ Trung quốc, tôi cho rằng, thực
hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ vĩ đại
nhất của dân tộc Trung Hoa kể từ cận đại đến nay." ([26])
Để thực hiện mục tiêu này Tập Cận Bình đang vực dậy chủ nghĩa dân tộc quá khích
ở Trung quốc đồng thời tìm cách phục hồi chủ nghĩa bành trướng đế quốc kiểu mới.
Nguy cơ này đang gia tăng một cách khó lường qua chủ trương dùng chiêu bài chống
tham nhũng „đả hổ,diệt
ruồi“ để thanh toán đối thủ chính trị
trong đảng, tự đề cao thần tượng cá nhân cho Tập Cận Bình; trong khi ấy lại gia
tăng đàn áp giới trí thức, văn nghệ sĩ và thanh niên Trung quốc, cấm các báo điện
tử đối lập và mở phong trào bài xích các tư tưởng tự do dân chủ Tây phương.
Song song với các chính
sách nội trị độc tài, Tập Cận Bình còn nuôi tham vọng mở rộng ảnh hưởng của
Trung quốc trên toàn thế giới. Đối với các nước trong khu vực, họ Tập dùng
chính sách củ cà rốt và cây gậy, hứa chi viện hàng chục tỉ Mĩ kim để lập „Con đường tơ lụa
trên biển“ cho thời đại mới ở Á
châu, cùng lúc tìm cách đe dọa và phân hóa các nước Asean, đem tiền để loại ảnh
hưởng của Hà nội ở Kampuchia và Lào. Để thực hiện mục tiêu bành trướng đế quốc
Tập Cận Bình tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng để hiện đại hóa và tăng cường
hải quân và không quân Trung quốc. Trong kì họp mới đây quốc hội Trung quốc đã
quyết định gia tăng ít nhất 10% ngân sách quốc phòng, mặc dầu mức tăng trưởng
kinh tế giảm xuống ở mức 7%. ([27])
Các tham vọng độc tài và
phiêu lưu của Tập Cận Bình nhằm củng cố quyền lực cá nhân, bằng cách gia tăng
đàn áp nhân dân Trung quốc, đồng thời tăng cường quốc phòng để đe dọa các nước
trong khu vực có thể gây ra những cuộc khủng hoảng lớn không lường trước được ở
ngay Trung quốc và cho cả nhiều nước lân bang, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh
Á châu và thế giới. Trong đó nguy cơ lớn nhất là cho VN. Vì là nước láng giềng
và lại đang lệ thuộc Trung quốc về nhiều mặt.
Trên những cơ
sở này Tập Cận Bình đang mặc cả và thương lượng với Mĩ để chia vùng ảnh hưởng
và quyền lợi trên thế giới. Trong các cuộc thảo luận ở cấp cao giữa Bắc kinh và
Washington, Bắc kinh thường đánh đòn tâm lí „giữa
hai nước lớn phải biết tôn trọng quyền lợi thiết yếu của mỗi bên“. Đây là ý
đồ Bắc kinh muốn chia vùng ảnh hưởng với Washington, ở đây cụ thể là chia vùng ảnh
hưởng ở Thái bình dương, muốn thuyết phục Mĩ công nhận các đảo Trung quốc đang
chiếm đóng ở biển Đông là thuộc Trung quốc và Mĩ không nên can thiệp vào những
cuộc tranh chấp giữa Trung quốc với các nước trong khu vực, hãy để Bắc kinh tự
do tung hoành! Trong chuyến thăm Hoa kì vào cuối năm nay chắc chắn ý đồ này sẽ
được Tập Cận Bình tiếp tục đưa lên bàn hội đàm với Tổng thống Obama.
Trong các xã hội văn minh
thực sự, những người lãnh đạo quốc gia ý thức rằng, muốn cho nước mình vươn lên
thì cùng lúc phải để các nước lân bang cũng tiến lên; sự thịnh vượng và an ninh
của các nước chung quanh cũng là điều kiện tạo phú cường và ổn định của chính
quốc gia mình. Đây là các tiêu chuẩn giá trị rút ra từ những cuộc chiến tàn khốc
bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Âu châu sau Thế chiến 2. Điều này chỉ
diễn ra giữa các xã hội Dân chủ đa nguyên, vì họ biết trân trọng và gìn giữ những
tiêu chuẩn giá trị chung.
Trong khi đó, vì theo đuổi
chủ nghĩa bá quyền đế quốc kiểu mới nên Bắc kinh đặt tiêu chuẩn giá trị chủ
nghĩa dân tộc quá khích lên hàng đầu và coi các nước láng giềng nhỏ hơn là chư
hầu, chỉ nhằm thôn tính và khai thác như con trâu vàng của Trung quốc!
***
Hoa kì nhận định như thế
nào về ý đồ bành trướng của Bắc kinh?
Nhiều nhà hoạch định chiến lược của Hoa kì nhận định, Trung quốc đang trở thành
cường quốc kinh tế và có võ khí nguyên tử, nhưng lại theo chế độ toàn trị, bên
trong thì đàn áp nhân dân, bên ngoài lại theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan,
phiêu lưu bành trướng không chỉ các nước lân bang mà còn toàn Á châu, đe dọa an
ninh và hòa bình thế giới như Liên xô trước đây.
Cho nên sau khi chấm dứt
các cuộc chiến ở Irak và Afghanistan Tổng thống Obama đã đưa ra chủ thuyết đối
ngoại và an ninh „quay trục về châu Á- Thái bình dương“.
Mục tiêu của chiến lược an ninh đối ngoại của Mĩ là răn đe và ngăn chặn Bắc kinh
thực hiện chủ trương bành trướng và đe dọa bằng võ lực các nước trong khu vực
và cả đường hàng hải quốc tế quan trọng nhất xuyên qua biển Đông. Có nghĩa là,
Washington không nhìn nhận việc Bắc kinh chiếm đóng các đảo tại biển Đông cũng
như biển Hoa đông và chống lại việc Bắc kinh đang biến các đảo chiếm đóng của
các nước láng giềng thành các căn cứ quân sự cho hải quân và không quân Trung
quốc trực tiếp đe dọa đường hàng hải quốc tế quan trọng nhất này.
Ở điểm cực kì quan trọng này quyền lợi Mĩ và VN đồng nhất
với nhau. Trong
chiến lược xoay trục quốc phòng an ninh sang châu Á-Thái bình dương VN là một
trong những điểm xung yếu nhất. Nếu VN hợp tác chặt chẽ với Hoa kì thì những
mưu đồ bành trướng của Bắc kinh có thể ngăn chặn hữu hiệu. Vì nếu một nước VN độc
lập, mạnh cả về kinh tế, quân sự , được sự ủng hộ của nhân dân và liên minh với
Hoa kì cũng như với các nước trong khu vực thì Bắc kinh không thể thực hiện ý đồ
đen tối được.
Nhưng trong vai trò là một
siêu cường về võ khí nguyên tử và có nhiều đồng minh tin cậy ở ngay trong khu vực
như Nhật, Nam hàn, Phi luật tân, Singapore, Nam dương, Thái lan và Úc, nếu CSVN
không hợp tác thì Hoa kì vẫn có một số các chọn lựa khác để bảo vệ quyền lợi quốc
gia của Mĩ và các nước đồng minh của Mĩ trong khu vực. Điểm
cốt lõi của chủ thuyết xoay trục sang châu Á-Thái bình dương của Obama là, Hoa
kì không đứng ra làm thay các nước trong vùng, mà chỉ làm đồng minh chiến lược,
ủng hộ tích cực và bảo vệ những nước có chính sách rõ ràng chống lại bành trướng
của Bắc kinh.
Ngược lại đối với VN, việc
Trung quốc chiếm đóng các đảo và nay còn biến các đảo của VN thành các pháo đài
đe dọa trực tiếp an ninh và chủ quyển của VN đã dẫn tới tình hình cực kì nguy
hiểm, Trung quốc đã trở thành kẻ thù nguy hiểm và trực tiếp của VN như ngoại
trưởng Trung quốc Vương Nghị vừa gián tiếp xác nhận.Vì thế hiện nay VN chỉ có
hai giải pháp chọn lựa:
1. Hoặc là tiếp tục cúi đầu để thành chư hầu của Trung quốc
với tất cả những hậu quả tồi tệ nhất trong một tương lai không xa. Nếu CSVN chọn
giải pháp này thì phải tính tới những trường hợp khó lường có thể xẩy ra, nếu
phong trào chỉnh đảng, chống tham nhũng „đả hổ, diệt ruồi“ của Tập Cận Bình đưa Trung quốc
rơi vào rối loạn. Khi đó trước nguy cơ có thể bị mất quyền Tập Cận Bình có thể
mở chiến tranh với lân bang để kích thích tâm lí dân tộc quá khích. Như vậy hiểm họa rất lớn là VN mất độc lập, chủ quyền và toàn
vẹn lãnh thổ, tài nguyên bị bòn rút, đất nước bị chiếm, dân tộc bị đồng hóa!
2. Hay là, sáng suốt chọn giải pháp lập thế liên minh với
Mĩ và các nước khu vực cùng có quyền lợi an ninh và quốc phòng như VN. Nếu chọn
giải pháp thứ hai này thì phải tranh thủ sự đồng tình của chính giới và nhân
dân Mĩ, phải vận động để được sự ủng hộ của cả tổng thống và lưỡng viện Mĩ. Là
một xã hội dân chủ đa nguyên, nên Thượng viện và Hạ viện Hoa kì có những tiếng
nói rất mạnh trong các quyết định đối ngoại của Tổng thống Mĩ. Điều này rất cụ
thể như cuộc tranh chấp đang rất gay gắt giữ Tổng thống Obama và Lưỡng viện Mĩ
trong các cuộc đàm phán hiện nay về cấm Iran chế tạo bom nguyên tử và việc tìm
kiếm giải pháp hòa bình giữa Do thái và các nước Ả rập.
***
Giải pháp cúi đầu cầu hòa
với Bắc kinh suốt ¼ thế kỉ đã tỏ rõ hoàn toàn thất bại và còn đang đưa đất nước
vào nguy cơ phải đối đầu với một cuộc chiến bất lợi. Vì thế mục tiêu cao nhất
và thiết yếu nhất cho VN trong giai đoạn hiện nay là cần lập liên minh chiến lược với Hoa kì,
một siêu cường quân sự và kinh tế, đồng thời là một xã hội dân chủ cao. Liên minh với Mĩ không phải là để mở cuộc chiến chống Trung
quốc, nhưng là để Bắc kinh không dám mạo hiểm phiêu lưu gây chiến tranh, kể cả
sử dụng võ khí nguyên tử đàn áp và khuynh đảo VN. Liên minh chiến lược với
Mĩ sẽ làm Bắc kinh không dám tung hoành
trên biển Đông như chỗ không người. Liên minh chiến lược với Mĩ để khi cơ hội
thuận tiện giành lại chủ quyền đang bị mất trên các đảo. Như vây đây là sách lược
hữu hiệu để gìn giữ hòa bình cho VN và khu vực!
Trong kỉ nguyên võ khí
nguyên tử đã có những thí dụ rất thành công của nhiều nước giữ vững hòa bình
lâu dài, mặc dầu sống bên cạnh các nước thù địch mạnh hơn và có võ khí nguyên tử.
Như Tây Đức sau Thế chiến thứ 2 đã liên minh chiến lược với Mĩ, nhờ cái dù
nguyên tử của Hoa kì che chở nên mặc dầu cựu cường quốc nguyên tử Liên xô hung
tợn nhưng không dám đụng tới Tây Đức. Cuối cùng Tây Đức thống nhất với Đông Đức
không tốn một viên đạn. Đức đang trở thành cường quốc kinh tế thứ ba, thứ tư
trên thế giới và là một nước dân chủ mẫu mực.
Trường hợp Nhật và Nam Hàn cũng tương tự. Cả hai nước này đều sống cạnh
các nước láng giềng có võ khí nguyên tử là cựu Liên xô và Trung quốc, nhưng nhờ
liên minh chiến lược với Hoa kì nên đã giữ được độc lập, hòa bình suốt trên nửa
thế kỉ qua và trở thành những nước dân chủ và có nền kinh tế rất mạnh trên thế
giới.
Những thí dụ chính trị cận
đại này đã chứng minh sự lỗi thời của các quan niệm „nước xa lửa gần“, „bán anh em xa mua láng giềng
gần“. Đức, Nhật và Nam Hàn dù xa Mĩ cả chục ngàn cây số, nhưng trong
thời đại của hỏa tiễn liên lục địa chỉ cần vài phút có thể bay tới các mục
tiêu, nên nó là những võ khí hiệu quả nhất làm cho những chế độ độc tài không
dám thực hiện những tính toán phiêu lưu.
VN không còn ở trong thế
kỉ 20. Sự tan rã của Liên xô, toàn cầu hóa kinh tế-tài chánh và cách mạng của
thông tin điện tử đã làm thay đổi tận gốc tương quan lực lượng quốc tế. Vì thế
chiến lược an ninh đối ngoại của VN cũng phải thay đổi kịp thời mới bảo đảm được
các quyền lợi sinh tử của dân tộc. Thời kì Trung quốc là thiên triều, VN là chư
hầu đã qua rồi. Nay Trung quốc là láng giềng của VN nhưng đang trở thành kẻ thù
nguy hiểm và trực tiếp của VN. Trong khi ấy Mĩ cũng là láng giềng của VN, hiểu
theo bối cảnh khoa học kĩ thuật và quan hệ thế giới của Thế kỉ 21. Quan trọng
khác nữa là Hoa kì và VN lại đang có chung quyền lợi trên biển Đông.
Đi Hoa kì để làm gì? Đi như thế nào?
Mối đe dọa của Bắc kinh
như sợi chỉ treo ngàn cân. Thoát khỏi nguy cơ lệ thuộc Trung quốc, nói gọn „Thoát Trung“ –cả về
ý thức hệ, chính trị, kinh tế và an ninh- là con đường sinh tồn của VN.
ĐCSVN đang phải chịu hai trách nhiệm: Đã độc quyền cai trị đất nước và đã để đất
nước rơi vào sự phong tỏa của Bắc kinh. Vì thế, nếu có ý thức trách nhiệm cao
và nghiêm túc thì những người cầm đầu chế độ toàn trị phải biết lắng nghe tiếng
gọi của nhân dân - đi tiên phong là trí
thức, chuyên viên, thanh niên và cả những đảng viên tiến bộ- thực hiện sớm và
triệt để khát vọng chính đáng „Thoát Trung“ của thời đại.
Nguyễn Phú Trọng có cái
may mắn của lịch sử để thực hiện sứ mạng này, qua đó cũng là cơ hội để ông có
thế chuộc lại những lỗi lầm cực kì nguy hiểm do những người tiền nhiệm và chính
ông gây ra cho dân tộc. Liệu ông có thể nhận ra cơ hội
này hay không và có đủ bản lãnh vượt qua cái bóng đen của mình không? Nếu
Nguyễn Phú Trọng quyết định đi thăm Hoa kì chỉ vì tự ái hão, muốn chứng tỏ rằng
„mình phải như
thế nào thì người ta mới mời chứ!“, như ông rất tự đắc sau khi được
Giáo hoàng và một số thủ lãnh EU tiếp vào cuối tháng 1.2013 thì không nên thăm
Hoa kì. Vì giải tỏa tâm lí tự ti mặc cảm cho cá nhân
mình chẳng giúp được gì trong việc giải quyết vấn nạn làm sao đất nước „Thoát
Trung“!
Còn nếu đặt mục tiêu thăm
Mĩ vì quyền lợi tối thượng của dân tộc là Thoát Trung và gia nhập TPP (Hiệp ước
Đối tác xuyên Thái bình dương) thì ông Trọng phải chuẩn bị thật tốt và phải có
những hành động cụ thể rõ ràng để nhân dân VN hưởng ứng, chính giới Mĩ kính trọng
và thế giới ủng hộ. Trong trường hợp này ông Trọng phải thực hiện song song hai
việc cực kì quan trọng là: 1.Củng cố nội lực bằng chính sách hòa giải và đoàn kết
dân tộc thực sự. 2. Lập liên minh chiến lược với Hoa kì để ngăn chặn hữu hiệu
chủ nghĩa đế quốc mới của Bắc kinh.
Nhưng để tiến tới lập
liên minh chiến lược với Mĩ thì ông Trọng không thể chỉ đàm phán với Tổng thống
Obama mà còn phải gặp lãnh đạo lưỡng viện Mĩ thuyết phục sự ủng hộ của họ. Như
trên đã trình bày, theo Hiến pháp Hoa kì, một hiệp định như vậy phải có sự đồng
ý của đa số lưỡng viện. Nhưng khó có thể mường tượng là, Quốc hội Mĩ sẽ đồng ý
nếu các chính sách đàn áp dân chủ và chà đạp nhân quyền vẫn tồn tại ở VN. Cũng
không thể coi thường tiếng nói và ảnh hưởng của hai triệu người Mĩ gốc Việt
trong chính giới Hoa kì ở liên bang cũng như ở các tiểu bang.
Hiện nay Trần Đại Quang
đang thăm Mĩ để dọn đường cho chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng. Dư luận quốc tế,
đặc biệt Mĩ, rất quan ngại những chính sách đàn áp người dân chủ và chà đạp
nhân quyền qua bộ máy công an mật vụ ở VN. Cho nên chính giới Mĩ, cả hành pháp
lẫn lập pháp và báo chí không thể nào thỏa mãn nếu Trần Đại Quang chỉ hứa cuội
mà lại không hành động cụ thể chứng minh là những biện pháp phản dân chủ phải
được chấm dứt.([28])
Chắc chắn nhân dân VN, đi tiên phong là trí thức, chuyên
viên, thanh niên và cả những đảng viên tiến bộ, sẽ tích cực chủ động mở những
cuộc vận động lớn trước, trong và sau chuyến đi Hoa kì của Nguyễn Phú Trọng để
nói rõ nguyện vọng Thoát Trung, gia nhập TPP cũng như đòi tự do dân chủ. Đây
chính sẽ là thước đo để chính giới Mĩ thấy rõ chế độ toàn trị hiện nay có tôn
trọng các quyền tự do dân chủ căn bản và có được nhân dân VN ủng hộ hay không.
Nếu Nguyễn Phú Trọng đi
thăm Bắc kinh trước rồi mới sang Washington, vì nghĩ rằng có thể dọa già dọa
non được Tập Cận Bình thì là một tính toán cực kì sai lầm và không tưởng. Tập Cận
Bình vẫn chỉ tìm cách xoa đầu ông Trọng như đã làm từ trước tới nay và tiếp tục
bắt VN làm con trâu vàng của Trung quốc! Trong khi đó cả chính phủ và quốc hội
Mĩ sẽ không tin là Nguyễn Phú Trọng dám dứt khoát với Bắc kinh, nên Mĩ sẽ không
ủng hộ VN được.
Vì thế chuyến thăm Hoa kì
của Nguyễn Phú Trọng cần diễn ra trước chuyến thăm Mĩ của Tập Cận Bình vào cuối
năm nay. Vì như đã trình bày, Tập Cận Bình muốn dịp này thảo luận tay đôi trên
thế giữa hai cường quốc, theo cách chia đôi Thái bình dương với trọng tâm là kiểm
soát biển Đông, như họ đã từng tỏ ý. Trong khi ấy cho tới nay Washington không rõ
ý định thực sự của Hà nội: Muốn bảo vệ biển đảo thực sự hay tiếp tục nhượng cho
Trung quốc? Tới mức độ nào? Obama không thể làm thay cho Hà nội! Vì thế Tổng thống
Obama muốn biết rõ chủ đích thực sự của Hà nội trước khi ông ta đàm phán với Tập
Cận Bình.
Thời gian đi thích hợp nhất
cho chuyến thăm Hoa kì của Nguyễn Phú Trọng là thời điểm giữa hai dịp kỉ niệm
40 năm chấm dứt chiến tranh VN (30.4.75) và 20 năm lập quan hệ ngoại giao giữa
hai nước (7.1995). Nếu chuyến đi này tốt đẹp sẽ là cơ hội để Tổng thống Obama
thăm VN vào dịp cuối năm 2015.
Đây là cơ hội rất tốt để
hai cựu thù chứng tỏ với nhân dân hai nước và thế giới biết, cả hai bên thực sự
muốn sang trang lịch sử mới, từ thù thành bạn tin cậy. Nhưng muốn vậy cần phải
tạo không khí chính trị lành mạnh và tâm lí thích hợp cho chuyến đi Mĩ. Trong
tư cách Tổng bí thư, người đứng đầu chế độ, nên ông Trọng có thể thực hiện một
số công việc cụ thể trong tầm tay:
1.Thay vì tổ chức các cuộc diễn binh của bên thắng cuộc -
sẽ chỉ khơi lại hận thù, chia rẽ và đau buồn trong lòng dân tộc- hãy để nhân dân trên toàn quốc tổ chức một
tuần lễ các cuộc viếng thăm các nghĩa trang của quân nhân và thường dân giữa
hai miền đã hi sinh, ủy lạo các thương binh và cô nhi của hai bên; để các chùa
và nhà thờ được tổ chức lễ cầu siêu cho các vong nhân và lễ sám hối cho những
sai lầm trong quá khứ. Trong dịp này cũng nên để nhân dân và đồng đội thăm viếng
các nghĩa trang chôn cất binh sĩ và thường dân trong cuộc chiến chống Trung quốc
ở Hoàng sa (1974), xâm lăng biên giới (1979) và Gạc ma 1988.
2. Trả tự do cho tất cả các tù chính trị và tôn giáo. Chấm
dứt các hành động rình rập theo dõi những người khác chính kiến. Hãy để nhân
dân các giới được tự do hội họp và biểu tình ôn hòa để đòi các quyền chính
đáng, cũng như chống lại các hành động lấn chiếm của Bắc kinh.
Đây là những việc làm hòa
giải dân tộc thực sự đầy ý nghĩa, hợp lòng dân, hợp đạo nghĩa không chỉ với những
người còn sống mà cả với mấy triệu đồng bào đã chết. Đây cũng là thái độ và cử
chỉ hợp thời, cuộc nội chiến tàn khốc đã chấm dứt từ 40 năm! Tại sao ta khép lại
quá khứ với kẻ thù Bắc kinh mà lại vẫn khơi dậy hận thù giữa các tầng lớp dân tộc?
Thực hiện các việc làm
chính đáng và khẩn thiết này, ông Trọng sẽ chứng minh không chỉ cho nhân dân VN
mà cả nhân dân Mĩ và dư luận thế giới biết, từ nay ĐCSVN dưới quyền ông quyết
rũ bỏ những sai lầm để bắt đầu một trang sử mới cho VN và với cựu thù Mĩ cũng
như thế giới tiến bộ! Nếu có những bước đi và hành động như vậy thì sẽ được
nhân dân ủng hộ, kiều bào ủng hộ và chính giới-dư luận Mĩ hưởng ứng và kính trọng.
Khi đó mọi thủ tục nghi lễ sẽ không còn là trở ngại. Tổng thống Obama sẽ trải
thảm đỏ đón một chính khách biết thắng chính mình!
***
Nguyễn Phú Trọng cần hiểu
đúng, trong tư cách cá nhân ông không phải là nhân vật quan trọng. Nhưng vị trí
địa lí chính trị của VN mới quan trọng trong chủ thuyết an ninh đối ngoại „Xoay trục sang
châu Á-Thái bình dương“ của Tổng thống
Hoa kì Obama. Xét về dân số, tài nguyên
và năng khiếu thì VN là một nước lớn trung bình trên thế giới. Nhưng hiện nay
VN đang yếu kém, tụt hậu về kinh tế, đội sổ trong khoa học, kĩ thuật và giáo dục
cũng như nhân quyền, đồng thời lệ thuộc Bắc kinh chỉ vì chế độ chính trị quá tồi,
chính quyền độc tài và tầng lớp lãnh đạo đầy tự ti mặc cảm của một nước nhược
tiểu.
Ông Trọng muốn đi thăm Hoa kì với tư cách một Tổng bí thư
ĐCS chỉ để cứu đảng, hay đi trong tầm nhìn và tư thế của một chính khách quốc
gia để cứu nước?
Giữa thập niên 40 của Thế
kỉ trước, người sáng lập chế độ toàn trị đưa ra khẩu hiệu „Dĩ bất
biến ứng vạn biến” làm tiêu chí
hành động; theo đó trong mọi tình huống phải có những phương sách để giữ ĐCS tồn
tại và độc quyền, tức là đặt đảng lên đầu nhân dân và quyền lợi của đảng cao
hơn quyền lợi của đất nước! Từ đó đã bao nhiêu lần thủ tiêu các người khác
chính kiến, đàn áp các tổ chức đối lập, thậm chí giết hại cả những đồng chí,
coi dân như cỏ dại! Trong khi đó sẵn sàng làm tay sai cho các thế lực ngoại
bang, hết Liên xô đến Trung quốc! Kết quả hiện nay sau gần 70 năm thực hiện
tiêu chí trên cho đảng và đất nước như thế nào thì ai cũng biết. Nhân dân vẫn
không được hưởng tự do, đất nước tụt hậu, độc lập và chủ quyền đang bị Bắc kinh
đe dọa trực tiếp nghiêm trọng. Trong khi ấy ngay cả đảng cũng đang biến thành tổ
chức của những nhóm lợi ích vị kỉ, cán bộ trở thành những bọn trộm cắp, tham nhũng!
Như vậy thứ tự giá trị của tiêu chí
trên đã đặt hoàn toàn sai lầm. Đặt tiêu chuẩn giá trị Đảng trước, Nước sau
không phải khôn lớn mà chỉ là khôn nỏi, không phải là đại trí mà chỉ là đại
ngu!
Hãy tỏ ra là một chính khách có tầm vóc quốc
gia và thời đại, biết khôn lớn của người đại trí, đặt quyền lợi của dân tộc làm
tối thượng và bất biến, coi ĐCS chỉ là một phương tiện trong thế „vạn biến“, nếu
đảng trở thành vật cản bước đi lên của dân tộc thì sẵn sàng để dân tộc lên
trên, hi sinh đảng. Đó là cái khôn lớn của người đại trí! Do đó phải đặt lại thứ tự ưu tiên: đặt dân, đặt
nước lên trên đảng!
Đối với nhiều người cầm đầu chế độ toàn trị hiện nay việc
xoay trục từ Bắc kinh sang Washington không đễ dàng. Tâm trạng của họ như người
đang đứng trước ngọn núi cao hiểm trở hay khúc sông sâu nước cuốn. Tuy khó,
nhưng „Không
có điều gì là không thể“, như lời của Đại sứ Mĩ Ted Osius nói
trước sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà nội ngày 6.3.15 báo tin chuyến thăm Hoa
kì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. ([29])
Ông Trọng đi Mĩ để làm gì? Đi chỉ để thỏa mãn
tự ái cá nhân hão trước khi chấm dứt nhiệm kì Tổng bí thư thì uổng công vô ích!
Nhưng nếu đi vì quyền lợi đất nước phải Thoát Trung thì sẽ được nhân dân VN ủng
hộ và chính giới Mĩ kính trọng. Khi đó Nguyễn Phú Trọng sẽ để lại vết son trong
lịch sử. Nhưng cái khó khăn lớn nhất là, ông Trọng có đủ đảm lược để tự thoát
khỏi cái bóng đen quá dài của chính mình hay không?
Để dứt khoát cắt bỏ con đường mòn „Nguyễn Như Vân“, quyết vượt qua được những trở ngại tâm lí, những
lo âu và ngại ngùng trước một quyết định mang tầm vóc lịch sử là Thoát Trung,
có lẽ Nguyễn Phú Trọng và những người cầm đầu chế độ toàn trị mỗi tối trước khi
đi ngủ hãy đọc ba lần lời khuyên sáng suốt của nhà văn tên tuổi Nguyễn Bá Học:
„Đường đi
khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông!“
20.3.2015
Ghi chú:
[1]. RFI 9.3.15
[6] . Cùng tác giả, „Tháng 6. 2011 là cái mốc lịch sử: Đảng đang
chống lại nhân dân!“ http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2011/adt306.htm
[10] .Về chuyến đi Bắc
kinh của ông Trọng xem bài của cùng tác giả „Những hệ lụy nguy hiểm cho VN sau
chuyến đi Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng !“
http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2011/nptdibackinh.htm)
[13] . Cùng tác giả,
Hai năm làm Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng
đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu?
http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2013/2namTBT.htm
[23] . Cùng tác giả, http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2013/shangri.htm;
J.London,
http://xinloiong.jonathanlondon.net/2015/02/26/noi-dung-phong-van-voi-bao-tuoi-tre/ .
[25] . Infonet phỏng vấn tướng Nguyễn Quốc Thước 3.3.; Đại tá Bùi Văn Bồng 'Âm mưu mới nhất của Trung quốc trên Biển
Đông', BBC 14.3.15
[27] . Heute 15.3.15; K. Strittmatter, Süddeutsche Zeitung 4.3.15; D.
Shambaugh, New York Times 15.3, Wall Street Journal 6.3.15
[28] . RFI phỏng vấn Phạm Chí Dũng, http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150318-cong-du-my-va-nhan-quyen-bo-truong-quang-%C2%AB-dac-biet-%C2%BB-hon-tbt-trong/; Công an nhân dân 16-19.3.15
[29] . Ted Osius, Hai mươi năm quan hệ
ngoại giao với Việt Nam và con đường phía trước, tại ĐHQG Hà nội 6.3.15, Blog
Tòa đại sứ Mĩ ở VN,
http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/ambspeech-060315.html
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire