Trần Trọng Thức
Không biết người Nhật có rao giảng “tiết kiệm là quốc sách” hay không, nhưng có điều chắc chắn họ xem đó là một cách tích lũy nguồn vốn quan trọng giúp đất nước đi lên. Ảnh: T.L |
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, người Nhật đã đứng dậy trên điêu tàn với niềm hy vọng cùng giấc mơ lớn và họ đã làm được.
Còn Hàn Quốc trải qua cuộc chiến ba năm huynh đệ
tương tàn, đất nước được xem thuộc hàng nghèo nhất châu Á mấy chục năm về
trước, nay đã khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Điều gì đã làm nên những kỳ tích ấy nếu không phải là
một quyết tâm của cả dân tộc, một sự chọn lựa con đường đúng và trí tuệ
lãnh đạo xuất sắc.
Từ cả ba phương trời ấy, bản giao hưởng về sự cường
thịnh đã vang lên trên toàn thế giới. Olympic Tokyo được tổ chức tại Nhật
năm 1964, chỉ 19 năm sau khi chấm dứt Thế chiến 2 làm suy sụp đất nước này.
Đây là lần đầu tiên một đại hội thể thao mùa hè tổ chức tại châu Á với sự
tham dự của 90 quốc gia.
Olympic Munich tổ chức năm 1972, tuy chậm hơn Tokyo,
nhưng cũng chỉ sau 27 năm nước Đức vươn lên từ sự hủy diệt. Vận động viên
của 121 nước đã thi tài ở kỳ thế vận hội này.
Olympic Seoul năm 1988, diễn ra sau 35 năm Hàn Quốc
vượt qua sự tàn phá khắc nghiệt của chiến tranh với hơn 159 đoàn thể thao
các nước đã biết đến một “kỳ tích sông Hàn”.
Điều gì
làm nên những kỳ tích nếu không phải là một quyết tâm của cả dân tộc, một
sự chọn lựa con đường đúng và trí tuệ lãnh đạo xuất sắc.
|
Các kỳ thế vận như vậy không chỉ giới thiệu về những
đất nước mới mẻ với con người lạc quan, mà còn là sự khẳng định về nội lực
của nền kinh tế, trình độ quản lý xã hội và các quan hệ cởi mở trong thế
giới hội nhập.
Đây không chỉ là ước mơ mà còn là bài học cho nhiều
quốc gia có cùng hoàn cảnh, trong đó có chúng ta.
Trí
tuệ của người Đức
Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, nước Đức của
Hitler bại trận kéo theo những hậu quả thật khó hình dung: nền công nghiệp
thuộc loại hàng đầu chỉ còn lại 20%, gần phân nửa nhà cửa bị xóa sạch, 12%
dân số tử vong, nạn đói kéo dài ba năm mà cao điểm là vào mùa đông 1946,
lạm phát phi mã, trao đổi mua bán chủ yếu là ở các khu chợ trời, trộm cắp
hoành hành khắp nơi.
Bức tranh kinh tế xã hội càng u ám hơn khi nước Đức
bại trận phải chịu những khoản bồi thường chiến tranh vượt quá tiềm năng và
bị chia cắt thành bốn vùng chiếm đóng của phe đồng minh chiến thắng áp đặt
thể chế của riêng mình, điều đó trong thực tế là sự chia cắt đất nước thành
hai miền Đông - Tây với hai chế độ chính trị đối lập.
Vậy mà chỉ 11 năm sau khi thành lập nước cộng hòa
liên bang vào năm 1949, dân tộc Đức đã có những bước dài phát triển mà các
nước phải ngưỡng mộ và nay trở thành nền kinh tế thứ ba của thế giới, là
đầu tàu của châu Âu.
Đúc kết quá trình hồi sinh thần kỳ của một nước Đức
mới, nhiều nhà phân tích cho rằng đó là sự tổng hòa của ba yếu tố căn bản
mang thuộc tính của dân tộc Đức.
Trước hết đó là sự khôn khéo vận dụng hoàn cảnh lịch
sử, vừa nhẫn nhục, vừa âm thầm nỗ lực tìm kiếm con đường đi riêng. Người
Đức đã tận dụng được sự khác biệt của các nước chiếm đóng, đặc biệt là giữa
người Mỹ và người Nga ở hai cực ý thức hệ, để có được sự hỗ trợ kinh tế qua
kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ vào năm 1948, dùng các khoản viện trợ làm vận
tốc đầu cho cuộc hồi sinh ngoạn mục, trong điều kiện một cuộc Chiến tranh
lạnh đang manh nha.
Thứ hai, đó là nhờ vào vốn tri thức quá lớn mà cho dù
hàng loạt tài năng xuất chúng trên nhiều lĩnh vực bỏ nước ra đi trước và
sau chiến tranh như Sigmund Freud, Von Braun... nhưng vẫn còn quá nhiều trí
thức - được thuyết phục bởi các chính sách sử dụng chất xám đã không ngừng
chung sức cho một nước Đức hùng cường. Sự hình thành của chủ thuyết kinh tế
thị trường xã hội với ba nhân vật chủ chốt Walter Eucken, Alfred Muller
Armack và Ludwig Erhard - người sau này làm Thủ tướng lèo lái con tàu kinh
tế Đức từ 1963-1966 - là một điển hình sống động.
Kinh tế thị trường xã hội (Social Market Economy -
khác với kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam) là một nền kinh
tế hướng tới ba mục đích vốn là tiền đề phát triển lành mạnh, đó là (1)
phục vụ tự do con người; (2) công bằng và an ninh xã hội và (3) hòa hợp
giữa mọi xu hướng xã hội.
Yếu tố thứ ba đó là một nền dân chủ pháp trị - pháp
quyền được hình thành ngay sau khi thành lập một nước cộng hòa liên bang,
thoát khỏi sự kìm kẹp của lực lượng chiếm đóng.
Tất cả tạo nên một bản hợp ca hoàn chỉnh: nước Đức
thống nhất hai miền Đông Tây sau “cuộc bỏ phiếu bằng đôi chân”.
Nhật
bản - bài học về giáo dục và tiết kiệm
Khi hai trái bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hiroshima
và Nagasaki vào tháng 8-1945 thì Chiến tranh thế giới thứ 2 đã thật sự chấm
dứt trên một nước Nhật điêu tàn: 3 triệu người chết và mất tích, 40% đô thị
bị phá hủy - trong đó những thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Nagoya, Kobe, Kagoshima
trở thành bình địa.
Bại trận phải ký hiệp ước đầu hàng phe đồng minh,
Nhật mất tất cả từ các thuộc địa trước đây lẫn chủ quyền vì là nước bị
chiếm đóng. Cũng như người đồng minh Đức, những khoản bồi thường chiến
tranh càng không cho thấy đất nước Phù Tang có thể nhanh chóng phục hồi nội
lực.
Nhưng người dân Nhật không mất ý chí. Kẻ bại trận ý
thức về thân phận của mình nên mang niềm tin và hy vọng về sự trỗi dậy của
đất nước nghèo nàn về tài nguyên. Câu chuyện thần kỳ của Nhật được biết đến
khi chỉ 10 năm sau chiến tranh, kinh tế đã khởi đầu khôi phục, rồi 10 năm
tiếp theo là thời kỳ phát triển thần tốc với mức tăng trưởng bình quân 10%.
Năm 1968 Nhật trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và chỉ chịu nhường vị
trí này cho Trung Quốc khoảng ba năm trở lại đây, do không vượt qua nỗi
khắc nghiệt của cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Có người cho rằng, sự đi lên từ đống tro tàn của
người Nhật là nhờ tinh thần kiên nhẫn vốn có, trong khi các cường quốc lao
vào cuộc chạy đua vũ trang thì người Nhật tập trung vào phát triển kinh tế,
nhẫn nhục trên con đường tìm đến thịnh vượng.
Suy nghĩ này chưa cho thấy hết nội lực của một nước
châu Á có nhiều nhất những giải Nobel thuộc nhiều lĩnh vực từ khoa học đến
văn chương, một dân tộc mà tinh thần võ sĩ đạo đã ăn sâu trong tiềm thức.
Kẻ bại trận ý thức về thân phận của mình nên nặng lòng về sự trỗi dậy của
một đất nước luôn nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng.
Tinh thần tiết kiệm được xem là đặc tính nổi trội so
với nhiều dân tộc khác, sau chiến tranh lại càng đậm nét trong xã hội. Trẻ
con Nhật không được dạy dỗ một cách hoang tưởng về sự giàu có “rừng vàng
biển bạc” mà về sự nghèo khó sau chiến tranh của một đất nước khan hiếm tài
nguyên thiên nhiên nên mọi người đều phải biết tiết kiệm trong mọi hoạt
động đời sống.
Không biết người Nhật có rao giảng “tiết kiệm là quốc
sách” hay không, nhưng có điều chắc chắn họ xem đó là một cách tích lũy
nguồn vốn quan trọng giúp đất nước đi lên. Nhiều công ty dẫn dắt nền kinh
tế Nhật đi lên sau chiến tranh từ những nhà xưởng nhỏ bé. Sony khởi nghiệp
từ một căn phòng tồi tàn ở tầng 3 một cửa hàng bách hóa tại Tokyo vẫn còn
dấu vết một cuộc không kích của Mỹ.
Kỳ
tích sông Hàn
Năm 1988, pháo hoa thắp sáng sông Hàn mở đầu cho ngày
hội thể thao toàn thế giới, người Hàn Quốc ôm nhau nhảy múa trong niềm vui
vỡ òa, đánh dấu ngày đất nước này đứng vào hàng ngũ các quốc gia cường
thịnh.
Cuộc chiến tranh hai miền Nam - Bắc Triều Tiên kéo
dài ba năm, kết thúc vào năm 1953 đã tàn phá Hàn Quốc dữ dội, nhiều thành
thị chỉ còn là đống tro tàn. Vào thời điểm ấy, thu nhập bình quân đầu người
chỉ vào khoảng 67 đô la Mỹ, nhiều vùng nông thôn buộc phải ăn đến cọng rau
ngọn cỏ, phải lên núi kiếm thức ăn. Đó là những tháng năm cùng cực đói
nghèo.
Nhưng người Hàn không đầu hàng số phận, họ biết tận
dụng những khoản viện trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó chỉ riêng viện
trợ của Hoa Kỳ đã chiếm đến hơn 30% ngân sách chính phủ. Người Mỹ đã giúp
Hàn Quốc cho đến năm 1957 và họ đã chọn đúng đất nước biết sử dụng hiệu quả
những khoản tiền vào nền công nghiệp tạo sức bật kinh tế sau này.
Sau khi hàng loạt tuyến đường sắt được xây dựng từ sự
giúp đỡ tiền bạc của quốc tế, mạch máu kinh tế của đất nước thuộc vào hàng
nghèo nhất thế giới bắt đầu nhịp đập cho sự phục hồi sau chiến tranh.
Một nền kinh tế tự chủ được sự đồng thuận sau khi
nhiều ý kiến yêu cầu chính phủ bớt dần sự lệ thuộc vào viện trợ nước ngoài,
theo đó tập trung phát triển công nghiệp và kích thích tiêu dùng hàng trong
nước bằng các giải pháp dứt khoát xem hàng tiêu dùng ngoại nhập là xa xỉ.
Không hô khẩu hiệu, nhưng chính khát vọng xây dựng một đất nước độc lập tự
chủ và cường thịnh đã đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế thứ ba của châu Á
và thứ 13 thế giới.
Sau 40 năm gây ngạc nhiên bằng tốc độ tăng trưởng
bình quân 7,6%, người Hàn Quốc đã vượt châu Âu với thu nhập bình quân đầu
người hơn 32.000 đô la Mỹ. Sản phẩm công nghiệp của Hàn Quốc chinh phục
người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới.
Điều gì làm nên sự kỳ diệu ấy nếu không phải là sự
kết hợp giữa tăng trưởng và dân chủ, giữa phát triển kinh tế và chăm sóc có
hiệu quả đời sống người dân, là lấy giáo dục làm bệ phóng đưa cả dân tộc đi
lên. Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Lee Sung Man (Lý Thừa Vãng) nguyên là
một nhà giáo dục, xuất thân là tiến sĩ triết học tại Đại học Princeton của
Mỹ. Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh Liên Triều, ông vẫn hết lòng cho sự
nghiệp giáo dục.
Người Hàn đã biết tận dụng tính ưu việt của nền giáo
dục Nhật Bản có bề dày hàng trăm năm. Người Hàn không có khái niệm làm chủ
tập thể nhưng ý thức rõ ràng trước khi làm chủ phải biết làm thuê, học tính
kỷ luật và đạo đức của các xã hội văn minh với các chương trình “dạy làm
người” và “dạy làm ăn”.
Trong khi kinh tế Nhật Bản phát triển với tốc độ phi
mã trong hai thập niên sau chiến tranh để trở thành nền kinh tế thứ hai thế
giới vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước, thì Hàn Quốc với xuất phát điểm
thấp hơn cũng đã trở thành con rồng kinh tế vào đầu thập niên 1990.
Trông người mà nghĩ đến ta, nhất là vào cuối thập
niên 1960, so với Sài Gòn thì Seoul vẫn đang ở “chiếu dưới”.
Nguồn: Theo Thesaigontimes
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire