Thời điểm Đại Hội 12 đầu năm 2016 sắp tới đòi hỏi chúng ta phải nói thẳng, nói thật, nói hết với quảng đại quần chúng, với toàn thể đảng viên, với niềm hy vọng áp lực lên Đảng cầm quyền toàn trị để mong thoát khỏi sự tụt hậu ngày càng trầm trọng về mọi mặt của đất nước, đồng thời xây dựng một nước VN hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải.
Các bài góp ý đã đăng :
- ông Lê Công Giàu : Thư đảng viên, không phải “Thế lực thù địch”!
- ông Võ văn Thôn : GÓP Ý VĂN KIÊN ĐẠI HỘI ĐẢNG CỘNG SẢN VN.
- ông Tống Văn Công : GÓP Ý VĂN KIÊN ĐẠI HỘI ĐẢNG CỘNG SẢN VN.
- ông Lê Thân : Bản góp ý “ Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 “
- NguyễnThu Giang, nguyên Phó GĐ Sở Tư Pháp Tp/ HCM : “QUY CHẾ BẦU CỬ ỨNG CỬ TẠI ĐẠI HỘI 12 “ ĐCSVN THEO QUYẾT ĐỊNH 244-QĐ/TW"
Chúng tôi giới thiệu bài "GÓP Ý KIẾN VÀO QUÁ TRÌNH TIẾN ĐẾN ĐẠI HỘI LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG" của Giáo sư Tương Lai, một nhà nghiên cứu rất sâu sát chủ nghĩa Mác. Giáo sư Tương Lai là đảng viên và là người rất khâm phục và luôn làm theo lời Chù tịch Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên kiểu "làm theo" của ông mang đậm thực tế xã hội, trái hẳn với kiểu "học tập theo gương Bác" của ông Nông Đức Mạnh trong cung điện nguy nga.
Giáo sư Tương Lai, bằng bài góp ý rất dài với nhiều lý luận rất đáng đọc, chỉ giản dị đề nghị ba điểm:
1- Từ bỏ mô hình Xã hội Chủ nghĩa.
2- Dứt khoát loại bỏ cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin.
3- Thực hiện bằng được “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” chứ không phải là xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
GS Tương Lai: "Quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội XII cũng là quá trình người ta đang ra sức hô hào việc đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh”. Biết bao thời gian, công sức và tiền của đã trút vào công việc mà thực chất là một liều thuốc an thần cho một cơ thể đang lâm vào trọng bệnh nhưng lại không dám dùng những liều thuốc đặc trị. Không dám dùng, vì liều thuốc đặc trị ấy lại có tính công phạt đối với cái ghế quyền lực đã rệu rã mà người ta đang cố duy trì, kể cả việc vời đến các thầy Tàu sang chữa trị."
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
3. Trung thực và nghiêm chỉnh thực hiện “Điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch
Hồ Chí Minh trong Di chúc.
Quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội XII cũng là quá
trình người ta đang ra sức hô hào việc đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh”.
Biết bao thời gian, công sức và tiền của đã trút vào công việc mà thực chất là
một liều thuốc an thần cho một cơ thể đang lâm vào trọng bệnh nhưng lại không
dám dùng những liều thuốc đặc trị. Không dám dùng, vì liều thuốc đặc trị ấy lại
có tính công phạt đối với cái ghế quyền lực đã rệu rã mà người ta đang cố duy
trì, kể cả việc vời đến các thầy Tàu sang chữa trị. Bởi vậy, thay vì nói đến tư
tưởng Hồ Chí Minh, người ta chỉ nói đến “đạo đức” và hô hào “làm theo”! Có lẽ
vì người ta muốn chữa căn bệnh tham nhũng đã ăn vào tận “cao hoang” trong cơ
thể chế độ XHCN đã được xây dựng gần một ba phần tư thế kỷ nay. Nhưng chỉ dùng
thuốc an thần thì chỉ có thể đánh lừa được người nhẹ dạ cả tin, có khi lại làm
bệnh càng thêm nặng. Thì chẳng thế sao khi càng chống thì tham nhũng lại càng
phát triển, đâu phải chỉ tham vặt để được ví một cách ngô nghê là “khó chịu như
ngứa ghẻ”! Chẳng cần thầy lang cao tay bắt mạch bốc thuốc. Bằng mắt thường cũng
thấy chính
cái cơ chế độc tài toàn trị phản dân chủ là nguồn gốc của tham nhũng.
Không xoá bỏ cái cơ chế đó thì chẳng bao giờ trị được tham nhũng, trừ phi cố
tình “mượn màu son phấn đánh lừa con đen”,
lấy cớ chống tham nhũng để loại bỏ đối thủ chính trị.
Đây là ngón “võ Tàu” quen thuộc mà Tập Cận Bình, hậu
duệ xuất sắc của Mao Đặng, đang truyền nghề cho những “đồng chí cùng chung ý thức hệ”. Mà thật ra, hành vi tham nhũng lớn
nhất là tham nhũng quyền lực. Chuyện này thì vốn đã “xưa như trái đất”! Quyền
gắn với lợi, ghế đi đôi với tiền, quyền
lực đẻ ra sở hữu, nguyên lý đó được đúc kết từ lâu. Max Weber, nhà xã
hội học bậc thầy sống cùng thời với C.Mác, đã từng phân tích sâu sắc quy luật
này trong những luận đề phê phán C.Mác.
Cho nên, chỉ riêng
việc đưa ra một khẩu hiệu có ý nghĩa định hướng cho một phong trào được thực
hiện rầm rộ trong suốt nhiều năm trời khi mà đất nước đang đối diện với biết
bao những thách thức và vận hội đủ nói lên được cái tầm trí tuệ của một định
hướng. Chưa nói đến chuyện C.Mác đã từng nói đến lúc nào thì người ta
phải cầu viện đến đạo đức khi phê phán sự cổ vũ cho một quan điểm đạo đức đậm
mùi tôn giáo của Phơbách, một nhà triết học Đức thế kỷ XIX. Đó là một thứ đạo
đức “được gọt giũa cho thích hợp với mọi thời kỳ, mọi
dân tộc, mọi hoàn cảnh, và chính vì thế mà không bao giờ nó có thể đem áp dụng
được ở đâu cả, cả đối với thế giới hiện thực” và thẳng thắn chỉ ra rằng “đạo đức là sự bất lực đưa ra
hành động”!
Dài dòng một chút về
điều này vì hình như trong kiểu hô hào đạo đức của khẩu hiệu trên cũng có hơi
hướng và bóng dáng của sự “bất lực” vừa nói. Và tiếp đó là sự hô hào làm theo.
Trong giáo dục hiện đại người ta đã phê phán việc rèn cho trẻ con quen nếp “làm
theo” người lớn mà không biết cái quyết định của việc hình thanh nhân cách là nuôi
dưỡng và cổ vũ bản lĩnh tự khẳng định, biết tưởng tượng và sáng tạo. Trẻ con đã
thế, vậy mà lại đưa ra một khẩu hiệu, bắt cả dân tộc phải làm theo, chỉ biết làm theo,
thì không hiểu dân tộc ấy rồi sẽ thế nào?
Cách đây cả nghìn năm
mà ông cha ta đã từng khuyên dạy: “Nam nhi tự hữu xung
thiên chí. Hưu hướng Như Lai hành”. Làm trai phải có chí xông trời thẳm, việc gì cứ phải lẽo đẽo lần theo vết chân
của Phật tổ Như Lai. Nên nhớ đây là thơ của một nhà sư, tác giả của bài kệ
“Hưu hướng Như Lai” [“Đừng đi theo vết chân Như Lai”]. Xuất gia đi tu, thế mà
lại bảo không cần phải dẫm theo đường mòn có sẵn, phải ngộ đạo theo cách của
mình. Thật là đã
chống giáo điều từ gốc!
Ây vậy mà, chọn một liều thuốc an thần, do cái tầm hạn hẹp của tư duy
và sự bất cập của trí tuệ, người ta cổ vũ cho một tính cách làm theo, không chỉ của một nhóm người, một cộng đồng
người, mà là của cả một dân tộc
! Rõ ràng đây là một minh chứng tiêu biểu cho cái logic thông thường trong tư
duy của người nắm quyền lực. Họ muốn phát huy tối đa quyền lực đó, muốn tất cả
mọi người phải tuân theo cái gậy chỉ huy của mình. Đôi lúc cần thiết, họ chọn
cách chìa ra củ cà rốt, cách mị dân khá quen thuộc. Nhưng dù cây gậy hay củ cà
rốt, thì trong não trạng của kẻ nắm quyền lực là muốn biến tất cả những người họ
đang cai trị thành đàn cừu! Họ không biết rằng, đã từng có một cảnh báo được
đưa ra “Một xã hội của
loài cừu cuối cùng sẽ phải sinh ra một nhà nước của loài sói”' [Bertrand de Jouvenel]. Phải chăng là
cái nhà nước toàn trị phản dân chủ này đang muốn biến cả dân tộc vốn có truyền thống bất khuất quật cường thành đàn cừu?
Nếu không phải thế thì tại sao cái đáng
học tập và thực hiện nghiêm chỉnh và trung thực nhất, có ý nghĩa lớn lao nhất
đối với sự tồn vong của cả dân tộc, thì người ta lại lờ đi? Đã thế lại sẵn sàng
dùng giải pháp “cả vú lấp miệng em” nhằm bịt miệng những ý kiến phản biện về
những sai lầm về lý luận và thực tiễn bằng luận điệu “con đường Bác đã lựa chọn”! Đã đến lúc phải nói rõ về điều này với
“Điều mong muốn cuối cùng” trong Di
chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn
cái gì.
Theo Hồi
ký của Vũ Kỳ “đó là buổi sáng thứ hai,
mồng 10 tháng 5 năm 1965… đúng 9 giờ, Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên
vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại mãi mãi mai sau. Chọn đúng vào một
ngày tháng Năm, nhân dịp ngày sinh của mình; chọn đúng vào lúc 9 giờ, giờ đẹp
nhất của một ngày; chọn đúng vào lúc sức khoẻ tốt nhất trong những năm gần đây
để viết về ngày ra đi của mình, sao mà thanh thản, ung dung đến thế…”. Ngày
19/05/1969 “đúng 9 giờ, Bác ngồi vào bàn
làm việc với bản di chúc trước mặt… tựa lưng vào thành ghế, thoải mái, ung
dung, nét suy tư hiện lên vầng trán rộng. Hôm nay, Bác xem kỹ lại toàn bộ bản
viết của mình trong bốn năm qua, cả phần chính và phần phụ lục, nhưng chỉ chữa
thêm ba chữ ở phần mở đầu”. Bốn
năm để viết có một nghìn chữ. Sau bốn
năm xem lại
lần cuối cũng chỉ sửa có ba từ.
Một sự dồn
nén, chưng cất của ý tưởng và tình cảm đạt tới độ minh triết của một tầm vóc tư
duy không còn bị ràng buộc và câu nệ bởi bất cứ cái gì: thời gian thúc bách hay
không gian hạn hẹp. Vì thế, chúng ta có quyền tin chắc vào độ “chín”, đạt đến
sự tường minh của tư tưởng trình bày trong
Di chúc. Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch
Hồ Chí Minh đặt bút viết Di chúc, 10/05/1965, thời gian đã tạo ra một độ lùi
cần thiết để cho sự kiện đủ sức trở
thành ấn tượng lịch sử. Mà lịch sử là
cái đã xảy ra, không ai có quyền thêm bớt lịch sử, song ai cũng có quyền cảm
nhận về lịch sử tuỳ theo trình độ nhận thức và chỗ đứng của mỗi người.
“Hồ Chí Minh có sự nhạy cảm đặc biệt đối với
lịch sử, thấu hiểu cuộc sống của con người, có nhận thức sâu về vận mệnh dân
tộc, về hướng đi của thời đại”. [Phạm Văn Đồng] Sự “nhạy cảm đặc biệt”, sự “thấu
hiểu”, sự “nhận thức” đó đã tạo
nên tầm nhìn lãnh tụ, tạo nên bản lĩnh và cốt cách Hồ Chí Minh, hình
thành nên Tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi biết rằng, cuối cùng rồi mình cũng phải thực
hiện cái quy luật khắc nghiệt của cuộc sống, Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiệm vụ
thiêng liêng là căn dặn Đảng phải làm gì cho nhân dân mình, đất nước mình, dân
tộc mình, đó cũng là “muôn vàn tình thân
yêu” để lại cuộc đời này. Lời căn dặn ấy, rốt cuộc được dồn nén lại trong “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây
dựng thực hiện bằng được “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ
tịch Hồ Chí Minh. Nhìn trở lại hành trình lịch sử của Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước,
cho đến khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hoà cho đến Di chúc của Người sẽ hiểu ra điều
đó. Độc lập cho dân tộc, tự
do và hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu trước sau như một của Hồ Chí Minh. “Lúc đầu, chính là chủ
nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin,
tin theo Quốc tế thứ ba”. Cho đến “lúc
cuối”, trong toàn bộ Di chúc của Hồ Chí Minh đã thể hiện nhất quán “chủ nghĩa yêu nước” đó, tập trung
trong “điều mong muốn cuối cùng”
và cũng là câu cuối cùng, câu quan trọng nhất trong “Di chúc”.
Nên lưu ý
rằng, từ sau ngày 10/05/1995 bắt đầu viết Di chúc, “mỗi năm lại dành thời gian xem lại, sửa chữa và bổ sung, tất cả chỉ
trên 1000 từ với biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách”
[Phạm Văn Đồng]. Như vậy rõ ràng là Hồ Chí
Minh viết “Di chúc” trong một
tâm thế bình tĩnh, ung dung để có thể đắn đo cân nhắc từng chữ từng câu, từng
ý. Hoàn toàn không thể có chuyện vội vã nên quên ý này, ý khác, nhầm lẫn hoặc
bỏ sót từ này, chữ kia. Mà ngược lại, mỗi ý, mỗi câu, mỗi chữ, mỗi dấu phẩy,
dấu chấm đều được cân nhắc rất kỹ, sửa đi, sửa lại nhiều lần. Vậy tại sao Hồ
Chí Minh không
nhắc đến mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trong “tài liệu tuyệt mật” và hết sức quan trọng này?
Phải
chăng, với Hồ Chí Minh, mục tiêu dễ hiểu nhất, cụ thể nhất là “xây
dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và
góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” được đọng lại trong câu kết của bản
“Di chúc”!
Bằng sự
từng trải và chiêm nghiệm của một người mà trọn cuộc đời dành hết cho việc tìm
đường cứu nước, toàn bộ trí tuệ và tâm huyết cũng như bản lĩnh và kinh nghiệm
của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, một nhà văn hoá uyên bác đã từng dồn hết
cho công cuộc chèo lái con thuyền cách mạng qua biết bao phong ba, bão táp,
thác ghềnh đến được cận kề với mục tiêu, vào lúc tĩnh tâm nhất để có thể đạt
tới sự minh triết, Hồ Chí Minh
đã hiểu rõ dân tộc mình, nhân dân mình
cần cái
gì.
Nói lên
điều này thì tất cả mọi người Việt Nam vốn nặng lòng vì đất nước, quê hương cùng
có chung nguồn cội, cho dù đang ở đâu, làm gì cũng đều hiểu, đều tán thành. Đây
là sức hút quy tụ mọi tấm lòng Việt Nam yêu nước mà Hồ Chí Minh đã nhiều lần
nhắc nhở. Đây cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy và phát huy tính đồng thuận xã hội, nền tảng của đại đoàn
kết dân tộc. Phải bằng cách hiểu đó, chúng ta mới tiếp cận được với điều mà Hồ
Chí Minh muốn gửi gắm lúc sắp ra đi.
Đây không
thể là một suy đoán cảm tính chủ quan, mà thật sự là một câu hỏi rất nghiêm túc
cần đặt ra để suy nghĩ và tìm lời giải đáp. Một cán bộ lão thành có cho biết là
trong một hội nghị những người cao tuổi nhắc lại những hồi ức về Bác Hồ, có cả
ông Hoàng Tùng dự, một người kể lại: khi Bác đã rất mệt, có một cán bộ lãnh đạo
cao cấp đã được biết về Di chúc đã hỏi Bác: “khi viết di chúc, Bác đã quên
không viết về xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Bác có trả lời: “chú nhầm, Bác không quên, chủ nghĩa xã
hội của Liên Xô và Trung Quốc nhiều vấn đề lắm. Bác không quên, không nhầm, các
chú nhầm”. [theo Đào Xuân Sâm]. Đừng
quên là Hồ Chí Minh đã từng nói rõ: "Trong lúc cần toàn dân đoàn
kết mà chủ trương giai cấp đấu tranh là một điều ngu ngốc".
*
Cần phải
thấy rằng, sự gặp gỡ giữa lý tưởng “ái quốc” và lý tưởng “cộng sản” trong tư
tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ của lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải
phóng con người. Hơn nữa, lại càng phải chú ý, trong tư tưởng và tình
cảm của Hồ Chí Minh, giải phóng con
người là trung tâm. Nhìn lại nhân cách, tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp
của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rất rõ một luận đề: mục tiêu, cứu cánh, phương tiện và động lực cách mạng đều ở trong con
người. Chính ở đây, chủ nghĩa yêu nước trong Hồ Chí Minh bắt gặp lý tưởng
cộng sản, nội dung của lý tưởng đó thể hiện tập trung ở tư tưởng “sự phát triển tự do của
mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”, đó là tư tưởng của C.Mác
trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
Có thể
nói, tư tưởng này là sự hội tụ của những khát vọng của con người, của loài
người trong suốt chiều dài của lịch sử, từ khi con người có tư tưởng, biết tư
duy, biết đau khổ và hy vọng. Vì thế, “Người Yêu Nước” ấy biết phải làm gì trên từng
chặng của con đường vạn dặm nhằm thực hiện khát vọng của loài người mà trước
C.Mác, rồi cả sau C.Mác, đã từng có bao nhiêu trái tim lớn, khối óc lớn mơ ước
và đều đang mày mò tìm con đường thực hiện. Cái đích còn ở chân trời phía trước.
Trong sự
bay bổng của lý tưởng và khát vọng, không sao tránh khỏi những không tưởng.
Biết như vậy để phải bám chắc vào thực tiễn của đất nước mình, nhân dân mình mà dấn bước trên
con đường chưa hề có bản đồ, trong một thế giới đầy biến động không sao dự đoán
hết được. Bằng chính cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh hiểu rõ điều đó, và rồi
chúng ta nhận ra tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh, nhận ra “điều mong muốn cuối cùng” của “Người Yêu Nước” ấy.
Hồ Chí Minh đứng vượt hẳn lên những người đương thời ở tầm tư duy và cái
nhìn biện chứng nhờ vào sự uyên bác của một nhà văn hoá và sự từng trải của một
nhà cách mạng chuyên nghiệp đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, hiểu rõ ngọn
ngành những tinh hoa cũng như những khuyết tật mà phong trào cách mạng đã trải
qua, để khi về đến Tổ quốc, nắm trong tay mảnh đất quê hương đang đói nghèo,
đau khổ, nước mất, nhà tan, Hồ Chí Minh hiểu rõ cần phải làm gì.
Hoàn toàn không
phải ngẫu nhiên mà mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, khai sinh ra nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh đã dẫn ra những câu bất hủ của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ
và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền
của Cách mạng Pháp 1971. Nên nhớ rằng, Hồ Chí
Minh đã yêu cầu các phi công Mỹ thả dù xuống chiến khu Việt Bắc một nguyên bản
của văn kiện lịch sử này vào thời điểm cận kề khởi nghĩa Tháng 8/1945. Đơn vị
“Con Nai” của OSS đã thực thi sứ mệnh độc đáo đó! Và có lẽ cũng nên nói thêm rằng, tại Bảo
tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ hai bức thư Hồ Chí Minh viết bằng tiếng Anh
ngày 18.8.1945 gửi cho hai người bạn Mỹ trong cơ quan tình báo O.S.S để cảm ơn
sự giúp đỡ của Đồng Minh và ngỏ ý tiếc họ đã rời Việt Nam quá nhanh.
Bằng những trải nghiệm của một
người đi tìm đường cứu nước, từng bôn ba khắp năm châu bốn biển, trước khi hôn
lên nắm đất quê hương ngày trở về Hồ Chí Minh đã từng nhiều năm sống trên đất
Liên Xô, Trung Quốc, vì sao lại mở đầu tác phẩm mà Võ Nguyên Giáp viết “như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất
của Người” ?
Chỉ có thể giải thích rằng, với tác giả của Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, những lời trích dẫn ấy chính là những dòng ánh sáng kết tinh trí tuệ của cả loài người chứ không
chỉ của riêng một quốc gia, dân tộc nào. Phải chăng đó chính là ánh sáng tỉnh thức. Chính “ánh sáng tỉnh thức” ấy đã soi rọi con
đường dẫn đến Cách mạng Tháng Tám 1945, cũng là định hướng cho mục tiêu phấn
đấu của dân tộc ta ngay từ buổi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và
ngay từ buổi ấy, Hồ Chí Minh đã hiểu rõ muốn trường tồn và phát triển, đất nước
này, dân tộc này phải đứng vào trong quỹ đạo phát triển của thời đại, phải biết
tiếp nhận nguồn sức mạnh của thời đại đến từ đâu. Những
bước đi oái oăm của lịch sử đã khiến cho trong những bước gập ghềnh của sự
nghiệp dựng nước và giữ nước trong nửa sau của thế kỷ XX, có lúc ánh sáng tỉnh
thức đó bị lu mờ đi, nhưng trong sâu thẳm tâm thức của Hồ Chí Minh, ánh sáng đó
vẫn chiếu rọi để rồi được biểu hiện ra trong câu cuối cùng của Di chúc về điều mong muốn cuối cùng.
Giải đáp một cách đầy đủ và trung thực điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn, tạo ra một bước
phát triển mới của sự đồng thuận xã hội trong giai đoạn cách mạng hiện nay của
nhân dân ta. Chẳng phải chỉ chúng ta hiểu điều đó, thế giới cũng
quan tâm làm sáng tỏ vấn đề mang tầm vóc của một nhân vật đã đi vào lịch sử.
Gần đây, một cuốn sách đã được giới thiệu tại Paris với nhan đề “Le Monde/Histoire-Hồ Chí Minh La Figure de
l’Indépendance retrouvée du Vietnam” [Hồ
Chí Minh-Gương mặt của nền Độc lập được xác lập ở Việt Nam].
Đây là tập sách nằm trong hệ ấn phẩm có nhan đề “Ils sont change le monde [Họ
làm thay đổi thế giới] bao gồm các nhà hoạt động chính trị nổi tiếng
trên thế giới. Sách tập hợp những bài viết có liên quan đến Hồ Chí Minh từng
được đăng trên báo Le Monde xuất bản
ở Paris từ 1946 đến 2005.
Phải chăng nhan đề của cuốn sách cũng đã gợi đến điều mong muốn cuối cùng của Hồ Chí Minh mà
chúng ta đang suy ngẫm? Xin được dẫn ra câu Hồ Chí Minh trả lời nhà báo André
Blanchet, đặc phái viên của báo Le Monde tại Hà Nội vào tháng 2.1946 được giới
thiệu trong cuốn sách đó: “Chúng tôi muốn
gì ư? Cũng một điều như ông: điều mà ông mong muốn cho đất nước ông, đó là độc lập…” . Và André
Blanchet kết thúc bài báo của mình : “Bóng
tối gần như phủ kín căn phòng rộng, tôi chỉ còn nhìn thấy chòm râu thưa và đôi
mắt sáng ngời của người đối thoại… “Nếu như có chiến tranh, hãy quay trở
lại gặp tôi. Chúng ta vẫn sẽ là những người bạn”. Ông chia tay tôi như vậy “.
Bỗng nhớ lại lời của Hồ Chí Minh căn dặn Võ Nguyên
Giáp giữa rừng Việt Bắc ở vào thời khắc quyết định vận mệnh của cả dân tộc. Đại
tướng viết trong Hồi ký : “Bác lúc ấy
chắc cũng thấy mình yếu quá, có ý dặn lại công việc”. Bác dặn gì: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh
tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được
độc lập”.
Ý chí ấy, tầm nhìn ấy trước sau như một chiếm lĩnh
trái tim, khối óc của “Người Yêu Nước
- Hồ Chí Minh” để rồi đọng lại trong “Điều mong muốn cuối cùng” di chúc lại cho nhân dân mình. Ở đấy thể
hiện tập trung nhất mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp Hồ Chí Minh, con người Hồ
Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh và đấy mới chính là điều Hồ Chí Minh đã chọn.
Chính vì thế, quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội
XII phải là quá trình quán triệt tư
tưởng Hồ Chí Minh trong tư tưởng lý luận cũng như trong hành động thực
tế quyết tâm thực hiện “điều mong muốn
cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc. Đương nhiên, trong
diễn biến của tình hình hiện nay, thực hiện điều đó không dễ.
Đây sẽ là một “cuộc chiến đấu khổng lồ” nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt
tươi”. Dự liệu được khó khăn của cuộc chiến đấu đó, Hồ Chí Minh đã căn
dặn phải “động viên toàn dân, tổ chức
và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Từ những vấn đề cơ bản đã trình bày, tôi kiến nghị
với Đảng: quá trình tiến tới Đại hội lần thứ XII phải là quá trình chuẩn bị một
cách quyết liệt để Đại hội ra Nghị quyết về 3 vấn đề sau đây :
1. Từng bước từ bỏ
mô hình Xã hội Chủ nghĩa, nghiêm túc và mạnh dạn tiếp thu những thành công của
mô hình xã hội dân chủ ở các nước Bắc Âu để vận dụng vào việc định hình một thể
chế dân chủ phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.
2. Dứt khoát loại
bỏ cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng lý luận
để định hướng mục tiêu, đề ra chủ trương đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước.
3. Quyết tâm thực
hiện bằng được “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Muốn thế, cần
trở lại với tên nước là Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trở lại với
tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam, trở lại với
những nội dung cơ bản của Hiến pháp 1946 dể xây dựng Hiến
pháp mới thể hiện được khát vọng và ý chí của cả dân tộc, đẩy tới tiến trình
dân chủ hoá nhằm thực hiện quyền làm chủ đích thực của nhân dân, dựa vào dân để
đổi mới Đảng phù hợp với quy luật phát triển trong thời đại của nền văn minh
trí tuệ và kinh tế tri thức thế kỷ XXI.
TP Hồ Chí Minh ngày 11.6.2015
Viết để tưởng nhớ đến Võ Văn Kiệt nhân 7 năm ngày mất của ông, người cộng sản chân chính, noi gương khí phách của ông, sự trung thực và quyết liệt của ông trong cuộc đấu tranh nhằm đẩy tới quá trình dân chủ hoá trong việc chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng.
TP Hồ Chí Minh ngày 11.6.2015
Viết để tưởng nhớ đến Võ Văn Kiệt nhân 7 năm ngày mất của ông, người cộng sản chân chính, noi gương khí phách của ông, sự trung thực và quyết liệt của ông trong cuộc đấu tranh nhằm đẩy tới quá trình dân chủ hoá trong việc chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng.
_______________
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire