Lê Minh Nguyên
Ngày 8/6/2015 trên
các trang webs truongtansang. net, nguyentandung. org, và nguyenthiennhan.
net... có đăng ý kiến đóng góp của ông Nguyễn Thu Giang, nguyên Phó GĐ Sở Tư
Pháp Tp.HCM về “Quy Chế Bầu Cử Ứng Cử Tại Đại Hội 12 ĐCSVN Theo Quyết Định
244-QĐ/TW" (QĐ-244) mà theo trong thư ông Giang thì chính Tổng Bí Thư
Nguyễn Phú Trọng là tác giả (bit.ly/1B1kr57).
Theo ông
Giang, QĐ-244 qua các Điều 13, 14, 17, 19 đã thu hẹp dân chủ, tăng cường tính
tập trung đến mức vi phạm quyền tự do bầu cử, ứng cử của “công dân đảng viên”,
là quyền tự do sơ đẳng mà Đảng đã quy định từ khi mới thành lập. Ông cho rằng
dân chủ trong Đảng đã bị QĐ-244 thủ tiêu, thay bằng độc đoán, chuyên quyền, vi
phạm ĐLĐ của thế lực đang cầm quyền trong Đảng.
QĐ-244 không
cho ứng cử viên được tự ứng cử hay được người khác đề cử ra, mà phải theo danh
sách nhân sự do Bộ Chính Trị (cũ) đề nghị, để vào các cơ quan đầu não của Đảng
như Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư. Nó cũng tương tự như vậy ở các cấp dưới, tức không
được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy
(cũ).
Ông Giang
chỉ ra những vi phạm Điều Lệ Đảng (ĐLĐ) của QĐ-244 như vi phạm Điều 3 vì triệt
tiêu quyền của đảng viên; vi phạm Điều 9 Khoản 2 vì tước quyền quyết định của Đại
hội về nhân sự khóa mới của Đảng; biểu hiện sự áp đặt ý chí của cá nhân (ủy
viên), hoặc của bộ phận nhỏ (Bộ chính trị, Ban Bí thư, Ban thường vụ-cấp ủy)
sắp hết nhiệm kỳ để cố tình chi phối, khuynh đảo nhân sự của Đại hội, biểu hiện
của vấn nạn “lợi ích nhóm” và tham quyền cố vị.
Cuối thư ông
Giang kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương nhanh
chóng có quyết định hủy bỏ Điều 13, chỉnh sửa các điều 14, 17, 19 của QĐ-244 để
Đại hội thật sự dân chủ, trong sáng, văn minh.
Điều khá lạ
lùng là bức thư được gởi đến rất nhiều uỷ viên TW Đảng (các webs mang tên uỷ
viên, do an ninh đối ngoại Đảng kiểm soát), rất nhiều uỷ viên hưởng ứng đăng lá
thư này (hiển thị trên Google để search lá thư) nhưng chỉ có vài webs không bị
blocked như truongtansang, nguyentandung, nguyenthiennhan..., tức của các nhân
vật quyền lực, đại đa số còn lại đều bị blocked không mở được. Ngược lại, các
webs không đăng lá thư như nguyenphutrong, nguyensinhhung, trandaiquang... đều
chạy rất tốt không có vấn đề gì (lúc 11:30PM khuya, giờ VN ngày 8/6).
Sự hiển thị trên Google rất nhiều webs của ủy viên bị blocked cho thấy con số
phản đối QĐ-244 rất lớn trong nội bộ Đảng CSVN.
Chưa đầy một
ngày sau thư phản đối QĐ-244 của ông Giang, sáng ngày 9/6/2015 Quốc
Hội nghỉ họp sớm (9:15) với lý do "không đại biểu nào tham gia ý
kiến". Báo Tuổi Trẻ cho rằng "điều này là trái ngược hoàn toàn với
các phiên thảo luận, chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp, khi có
quá nhiều đại biểu đăng ký phát biểu, thậm chí nhiều đại biểu đã không có cơ
hội phát biểu vì hết giờ", và "Phó chủ tịch quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn,
người điều hành phiên thảo luận cũng khá bất ngờ và có phần bối rối trước tình
huống này" (bit.ly/1e51y7q).
Hiện tượng
này chỉ có thể giải thích là cuộc tranh chấp quyền lực trong Đảng đã lan ra
ngoài Quốc Hội, bởi vì các uỷ viên trung ương đảng cũng là đại biểu Quốc Hội.
Hai ngày
sau, trên tờ Quân Đội Nhân Dân ngày 10/6/2015, ông Th.S Nguyễn Đức Thắng
viết bài "Phòng ngừa, đẩy lùi nguy cơ 'tự diễn biến', 'tự chuyển
hoá'", mà trong đó ông đổ lỗi cho các thế lực thù địch đã vận dụng chiến
lược “Diễn biến hòa bình” như một trong những thủ đoạn hết sức thâm hiểm để
thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng CSVN, muốn chuyển
chế độ XHCN sang một quỹ đạo khác (bit.ly/1MHkuVp).
Mới vào bài
ông Thắng đã tỏ vẻ xem thường cán bộ Đảng, xem nhận thức về thế giới quan của
họ, việc họ mở rộng kiến thức, nhìn dòng văn minh nhân loại một cách chân thực
và hiện đại là do bị ai đó dụ dỗ. Ông không muốn họ có khả năng nhận thức khách
quan mà phải mang mặt nạ của Ban Tuyên Giáo.
Ông Thắng
viết "...quá trình và mức độ 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' chủ yếu do
nguyên nhân bên trong, nguyên nhân chủ quan, tức là do chính chúng ta quyết
định... Vì vậy, để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đòi
hỏi chúng ta phải kịp thời phát hiện và triệt tiêu các mầm mống, khả năng gây
ra 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội."
Ông thừa nhận chính những người CS đã thay đổi, nhưng ông lại xem "các thế
lực thù địch" là "mầm mống" và cần phải "triệt tiêu".
Ở đây có hai
vấn đề (1) ông thú nhận tự diễn biến tự chuyển hoá là do đảng viên nhưng nguyên
nhân là do thế lực thù địch xúi trẻ..., tức ông coi các đồng chí của ông khờ
khạo, và (2) "các thế lực thù địch" là ai? Ông TBT Nguyễn Phú Trọng
sắp đi Mỹ, vậy có phải Mỹ là "mầm mống" có khả năng gây ra “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” lên ông Tổng Bí Thư? Ông Trọng từng nói "...xây
dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện
ở Việt Nam hay chưa." (Tuổi Trẻ 23/10/2013), như vậy ông Trọng có bị thế
lực thù địch đầu độc để đi nói xấu CNXH hay không?
Nếu không
phải Mỹ thì ai là thế lực thù địch? -Người Việt hải ngoại? Nếu thế thì người
Việt hải ngoại nào mà "một bộ phận không nhỏ từ bên trong và từ bên
trên" của Đảng chịu nghe và làm theo họ vậy? Trong truờng hợp này thì cái
logic là người Việt hải ngoại dụ dỗ đồng chí Ba Dũng, đ/c Ba Dũng dụ dỗ đ/c Tư
Sang và cứ thế mà "bộ phận không nhỏ" lan ra "phủ nhận nền tảng
tư tưởng, lý luận của Đảng ta là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đòi
Đảng phải từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hiện đa nguyên chính trị,
đa đảng đối lập".
Nghe sướng
thật! Nhưng ông Thắng nên biết rằng các đồng chí của ông có lẽ khôn hơn ông do
thế giới quan của họ lớn hơn ông. Hơn nữa, người Việt hải ngoại ít ai tin là
người CS có khả năng xây dựng một chế độ dân chủ thực sự. Giữa các ông trong sự
tranh giành quyền lực trước thềm Đại Hội 12, một bên muốn quyết tử theo chiếc
thuyền mục nát sắp chìm, một bên sẵn sàng tách ra phần nào còn xài được của
thuyền để đóng nhanh một con thuyền mới với lỗi hệ thống ít hơn và kiến trúc ít
lỗi thời hơn. Đối với người Việt hải ngoại như người viết bài này, thì đó là
tình trạng vỏ dưa vỏ dừa, cả hai đều làm cho người ta trượt ngã.
"Thế
lực thù địch" là một từ chung chung và mơ hồ mà người CS nặn ra với một
nội hàm không rõ ràng. Có thể nói nguời CS cố ý như vậy trong lý luận cũng như
trong luật pháp để dễ nguỵ biện, vì hệ tư tưởng của họ đã bị phá sản. Chủ nghĩa
Mác-Lênin đã bị nhân loại cho vào sọt rác, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng của
một người tự nhận mình không có tư tưởng vì Mao Chủ Tịch đã nói hết rồi. Cho
nên thực tế là CSVN không có tư tưởng, tức không có chính đáng tính để nắm
quyền, các đảng viên thức thời thì muốn sửa lỗi hệ thống CNXH, còn các đảng
viên "hoàng đế băng hà, vạn tuế hoàng đế" thì không chấp nhận thay
đổi và muốn đánh trận thua dù nguời cầm cờ có tên là Thắng.
Ông Thắng
trích lời ông PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn
học nghệ thuật Trung ương, rằng "những thủ đoạn các thế lực thù địch, phản
động đưa ra rất cũ, nhưng tác hại, hậu quả lại hết sức khôn lường. Việc chúng
cố tình rỉ tai nhau để 'nói dối việc lớn', ra sức nhào nặn, thêm thắt thông
tin, lan truyền những tin đồn thất thiệt... gây nhiễu thông tin, tạo sự hoài
nghi, phân tâm trong xã hội, khiến một bộ phận người dân mất phương
hướng." Câu này nếu thay "các thế lực thù địch, phản động" bằng
"CSVN" thì đúng không chổ nào chê.
Người CS hay
suy bụng ta ra bụng người, hai cột trụ để chống đỡ chế độ là bạo lực và tuyên
truyền (nói láo có tổ chức) thì nay không còn áp dụng được. Bạo lực thì phải
cho công an giả dạng côn đồ, tuyên truyền thì hết lý nên nặn ra những từ mơ hồ
"thế lực thù địch", "phản động" mà nếu áp dụng hết ý thì
phải bao gồm cả tổng bí thư, thủ tướng... chứ không chỉ riêng bọn Mỹ-Nguỵ.
Không gì
khôi hài bằng nội bộ CSVN đấm đá nhau đến hồi cao điểm để tranh giành quyền lực
thì nguời CS lại đổ lỗi là do thế lực thù địch, phản động. Cố gắng để nhận diện
xem thế lực này là ai thì thật là khó. Cho rằng là Mỹ cũng không ổn vì nếu thế
thì tại sao TBT Đảng lại sắp qua thủ đô Mỹ để tay bắt mặt mừng với TT Obama?
Cho rằng là người Việt hải ngoại cũng không xong vì chẳng lẽ họ siêu nhân đến
độ có thể lung lạc được một bộ phận vừa không nhỏ vừa từ bên trên như TT Nguyễn
Tấn Dũng và đa số trung ương uỷ viên trong camp của ông Dũng?
Câu trả lời
sẽ không khó nếu chúng ta chịu theo cách diễn tả của ông Thắng và ông Vinh. Các
yếu tố như không tin vào CNXH, muốn bắt tay với tổng thống của đế quốc Mỹ, lập
ra QĐ-244 để gây chia rẽ Đảng, cố tình rỉ tai nhau để 'nói dối việc lớn'... thì
không ai khác hơn là chính ông đảng trưởng. Thế lực phản động chính là ngài
Tổng Bí Thư.
Người CS
ngày nay không còn nhiều chọn lựa, duy trì hiện trạng thì rõ ràng là không thể
được, nên chỉ còn con đường thay đổi, và nó dẫn đến sự chọn lựa tiếp theo là
thay đổi ôn hoà hay thay đổi bạo lực. Có thể nói mà không sợ sai là đa số trong
cả hai phía CS và không CS đều muốn thay đổi ôn hoà. Nhưng để làm được điều này
thì người CS cần có khả năng "let go"/buông ra một hệ thống đã lỗi
thời đầy lỗ hổng để vừa tự cứu mình vừa làm được một điều có nghĩa lý cho đất
nước.
Đã đến lúc
Đảng CSVN nên chấp nhận đa đảng thực sự (trước khi quá trễ), để vừa giải quyết
được vấn đề nội bộ, vừa đi lên tầm quan hệ chiến lược với Mỹ, cái bước phải
đến, nhưng đến sớm hơn thì dân tộc sẽ lợi nhiều hơn, vừa khởi động được các
điều kiện cần có cho một tiến trình xây dựng nội lực dân tộc.
Bất cứ một
chính quyền nào ở VN trong hiện tại và tương lai, nếu muốn liên hệ cấp cao với
Mỹ và có kèm bảo hiểm (tuy không cao) trong mối liên hệ này, đều không thể
shortcut/đi tắt cộng đồng người Mỹ gốc Việt được.
Chọn một sự
thay đổi chính trị ôn hòa, hay chọn một sự thay đổi chính trị đầy bất trắc -
quả banh hiện đang nằm trong chân của đảng CSVN.
(An
Ninh Quốc Phòng) – Một
nguyên tắc có từ thời Mao Trạch Đông vẫn bất di, bất dịch là: Sẽ nổ ra chiến
tranh thế giới thứ III, và Bắc Kinh sẵn sàng với tình huống như vậy.
Nhưng cũng
có nhiều điểm mới, và ngoài những điểm mới là – những tin tức không mấy tốt
lành đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga.
Việc giới
thiệu “Sách trắng” (hơn nữa giống như một cuộc họp báo, không phải là cốt cách
đặc trưng của người Trung Hoa) – là sự thị uy, trước hết nhằm vào người châu Âu
và người Mỹ. Đồng thời văn phòng báo chí của Hội đồng nhà nước đã cố gắng trình
bày toàn bộ nội dung, sao cho hệ thống khái niệm Trung Hoa phù hợp với hệ thống
logic và những hình dung về địa chính trị của châu Âu.
Về tổng thể,
có cảm giác, “Sách trắng” – không chỉ là những điểm bổ sung cho học thuyết quân
sự, mà còn là sự đáp trả được dự kiến từ lâu của Bắc Kinh trước tình hình đã có
nhiều thay đổi, được đưa ra ở hình thức, nhằm làm cho mọi người hiểu được,
những điều mà bản thân Trung Quốc muốn nói.
Các học
thuyết quân sự trước đây của Trung Quốc, được xây dựng từ dưới thời Mao Trạch
Đông, theo cách nhìn nhận của phương Tây đã không thể coi là học thuyết quân
sự. Trong đó phần nhiều là những suy tưởng triết học và địa chiến lược về lịch
sử thiên niên kỷ, hơn là những định nghĩa chính xác với vô số thuật ngữ kỹ
thuật và liệt kê nhiệm vụ của các thứ quân, đã trở nên quen thuộc đối với chúng
ta về các mối đe dọa và sự đáp trả với chúng.
Ở Trung Quốc
mọi thứ đơn giản hơn, nhưng đồng thời cũng phức tạp hơn. Bắc Kinh từ năm 1946
đã cho rằng, chiến tranh thế giới thứ III là điều không tránh khỏi. Cùng với đó
bản thân người Trung Hoa không tự an ủi mình bằng những câu chuyện về việc, sau
10 năm CHND Trung Hoa sẽ vượt toàn thế giới về GDP – họ chẳng việc gì phải hư
trương thanh thế, mà vì nó đã từng làm bận tâm các nhà phân tích gần như toàn
thế giới.
Người Trung
Hoa trong học thuyết quân sự của mình thừa nhận một cách trung thực rằng, trong
cuộc chiến tranh thế giới thứ III (dù nó nổ ra khi nào, và do ai phát động) họ
sẽ chiến đấu chống lại đối phương được trang bị tốt hơn và tiên tiến hơn về mặt
công nghệ, và họ không thể khắc phục được sự lạc hậu về công nghệ trong suốt
thế kỷ XXI, nếu châu Âu, Mỹ và Nga không rơi vào trạng thái chết lâm sàng.
Cho tới thời
điểm gần đây nhất, họ vẫn dự kiến đối phó với ưu thế về công nghệ của đối tượng
tác chiến (bất luận đó là ai, dù rằng có những nghi hoặc mơ hồ) bằng ưu thế về
quân số (biển người). Nhưng học thuyết riêng cho hải quân và không quân hoàn
toàn không được xây dựng vì trên thực tế chưa có các quân, binh chủng này.
Nói đúng ra,
vấn đề hiệp đồng quân, binh chủng trong hành động cũng chưa có. Nhưng việc tái
vũ trang quân đội căn bản và cấp tốc, mà Trung Quốc buộc phải bắt đầu cách đây
một thập niên, cũng đòi hỏi phải có quan điểm hiện đại hơn đối với các nguyên
tắc của chiến tranh và nghệ thuật quân sự, đã có những bước tiến rất xa kể từ
thời Lão Tử.
Trong khi đó
quan điểm chủ đạo của “Sách trắng” vẫn bất di, bất dịch là – sẽ nổ ra chiến
tranh thế giới thứ III. Văn kiện này lý giải rằng, sẽ có 3 nhân tố gây ra nó:
chủ nghĩa bá quyền và chính sách vũ lực của một bên, khoảng cách giữa các nước
giàu và nghèo tăng lên và tranh chấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Học thuyết
“chiến tranh nhân dân” hiện nay đã lỗi thời. Nó được thay thế bằng học thuyết
“phòng thủ chủ động”. Nói một cách ngắn gọn. Trung Quốc giữ cho mình quyền thực
hiện các cuộc tiến công cục bộ phòng ngừa, nếu hệ thống phòng thủ và các đường
biên giới của nước này có nguy cơ bị đe dọa. Tất nhiên với những lời rào đón.
Rằng, trước hết dự kiến sử dụng toàn bộ các biện pháp ngoại giao, pháp lý,
thông tin và “dân sự” khác. Vẫn giống như trước đây, các nguy cơ được cho là
tình hình chưa giải quyết ngã ngũ trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Taiwan và yêu
sách chủ quyền trên Biển Đông.
Mối đe dọa
thứ yếu đối với Bắc Kinh vẫn là tình hình tại Tân Cương, và nạn hải tặc tại các
vùng biển phía Nam, mà từ đó Trung Quốc nhận được 80% lượng dầu mỏ. Các phần tử
ly khai Tây Tạng cũng nguy hiểm, nhưng không tới mức như người Duy Ngô Nhĩ. Dầu
sao các tín đồ Phật giáo và Lạt Ma giáo cũng ít bị lịch sử ghi nhận về hoạt
động khủng bố hơn, so với những người Hồi giáo. Tuy nhiên mọi sự đang thay đổi,
bánh xe luân hồi cũng có thể trang bị thuốc nổ dẻo.
Thay đổi
đáng kể nhất của học thuyết quân sự liên quan tới hải quân (sẽ đề cập dưới
đây). Bắc Kinh đã chuyển từ chiến lược “phòng thủ ven biển” sang chiến lược
“phòng thủ các vùng biển gần bờ”.
So với các
tàu chiến Mỹ thì tàu Trung Quốc lạc hậu hơn. Trong ảnh: Tàu chiến Mỹ tập trận.
Theo cách
hiểu của chúng tôi, tất cả ở đây chỉ nhiều hơn có một chữ tượng hình, mà trên
thực tế xác định việc hải quân Trung Quốc tiến lên một cấp độ mới về chất, cho
phép lực lượng này thường xuyên hiện diện ở chiều sâu chưa phải là đại dương
thế giới, nhưng ở Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đây là kết quả của
tiến bộ kỹ thuật và công nghệ – tới nửa cuối thập niên 80 Trung Quốc hãy còn
chưa có những chiến hạm hoạt động ở vùng biển đúng nghĩa.
Xin nói
thêm, một thời nước Nga là cội nguồn tiến bộ duy nhất đối với Trung Quốc, khi
thường xuyên đóng cho lực lượng hải quân nước này những chiến hạm hiện đại.
Thêm vào đó học thuyết tái vũ trang cho hải quân tại Trung Quốc có sự tiến bộ
và nhất quán: trong giai đoạn hiện nay họ đang xây dựng hải quân vùng biển, dựa
trên các khu trục hạm Nga kiểu “Sovremenưi” và các tàu ngầm diesel.
Đồng thời
người Trung Hoa tự đóng một lượng lớn tàu chiến theo các mẫu thiết kế của mình,
và nhìn chung chương trình đóng tàu của họ có lẽ có quy mô lớn nhất thế giới.
Chỉ sau khi
phiên chế 3 hải đoàn vùng biển (theo truyền thống tất cả các bộ máy quân sự của
Trung Quốc đều được chia thành 3 khu vực địa lý – Bắc, Trung và Nam, trong
chuyện này không có bất kỳ biểu hiện nào của Nho giáo). Bắc Kinh đang bắt tay
vào xây dựng lực lượng hải quân đại dương, cũng sẽ bao gồm 3 hải đoàn, chỉ có
điều trong mỗi hải đoàn sẽ có 1 tàu sân bay.
Không có hải
quân đại dương thì không thể giải quyết được vấn đề Taiwan hay Biển Đông, cũng
như Senkaku. Nhưng ở thời điểm hiện tại, hải quân Trung Quốc giống như một con
ngoáo ộp hơn là một lực lượng chiến đấu thực sự. Ngoài các chiến hạm do Nga
đóng, phần lớn số còn lại đang hải hành, được trang bị vũ khí cổ lỗ, và điều
đặc biệt quan trọng là trên thực tế không có hệ thống phòng không và phòng thủ
chống ngầm hiện đại.
Vì thế mới
cần phải có những sân bay nhân tạo trên các đảo ở Biển Đông, nếu thiếu chúng
các hải đội của Trung Quốc – sẽ là chiếc bia mỏng đối với máy bay và tàu ngầm
của các đối tượng tác chiến tiềm tàng.
Trong vấn đề
hạt nhân, Trung Quốc cũng thừa nhận sự tụt hậu về công nghệ của mình và chính
thức không có ý định vươn lên ngang tầm các quốc gia dẫn đầu thế giới. Nhưng
các lực lượng hạt nhân chiến lược được gắn cho vai trò rất lớn.
Ở đây trong
khái niệm của Trung Quốc không hề có gì thay đổi từ thập niên 70: các lực lượng
hạt nhân chiến lược phải gây cho đối phương tổn thất không thể chấp nhận được
và vì vậy sẽ vẫn phải duy trì ở mức độ đủ đáp ứng nhiệm vụ này về số lượng và
kỹ thuật.
Về bản chất
thực sự, các lực lượng hạt nhân Trung Quốc – là vũ khí tiến công, nhưng các cam
kết quốc tế và chiến lược “phòng thủ chiến thuật” không đặt ra việc sử dụng
chúng trước.
Lực lượng
không quân hiện đại đối với Trung Quốc – hiện nay mới chỉ là mục tiêu. Chương
trình tái vũ trang cấp tốc dự kiến phiên chế các lực lượng không quân và phòng
không mới linh hoạt và hiện đại hơn, có tầm hoạt động lớn hơn. Tại thời điểm
hiện nay số máy bay hiện đại chiếm không quá 15% đội máy bay của các lực lượng
không quân CHND Trung Hoa, lượng vũ khí trang bị phòng không hiện đại trong
tổng số vũ khí cũng có tỷ suất giống như vậy.
Đa số là
những loại máy bay Nga, hoặc phiên bản Trung Quốc tương tự của chúng mà phần
lớn đều thua kém phiên bản gốc, nguyên nhân một lần nữa lại là sự tụt hậu về
công nghệ. Ở dạng hiện nay các lực lượng không quân Trung Quốc được định hướng
thực hiện những nhiệm vụ hạn hẹp, chủ yếu là bảo vệ các đường biên giới và chi
viện cho lục quân. Các phương tiện phát hiện tầm xa chỉ bây giờ mới bắt đầu
được đưa vào quân đội, điều này sẽ cho phép mở rộng tầm hoạt động của máy bay
Trung Quốc.
Thách thức
chủ yếu nhất đối với quân đội Trung Quốc hiện nay (và được mô tả tương đối kỹ
lưỡng trong “Sách trắng”) là – việc nhanh chóng chuyển sang các loại hình chỉ
huy hiện đại và những phương pháp chiến tranh phức hợp, bỏ qua toàn bộ nửa sau
thế kỷ XX với kinh nghiệm của nghệ thuật quân sự gần như đã trở nên vô nghĩa
đối với Trung Quốc.
Nói một cách
ngắn gọn là, quân đội Trung Quốc cần phải từ trạng thái thập niên 60, trong
trường hợp khả quan nhất là – thập niên 70, ngay lập tức tiến vào thế kỷ XXI.
Tuần tự sẽ
phải tiến hành vi tính hóa triệt để toàn bộ hệ thống chỉ huy, bao gồm cả lực
lượng hạt nhân chiến lược. Đây có thể là điều không ai ngờ tới, nhưng “dất nước
của các hacker” cho tới lúc này vẫn chưa thiết lập được các hệ thống hiệp đồng
giữa các quân, binh chủng riêng của mình và chưa có khả năng sử dụng vũ khí
chính xác cao ở mức độ cần thiết.
Trong “Sách
trắng” chỉ rõ, kinh nghiệm của những thập niên gần đây cho thấy tầm quan trọng
của việc sử dụng vũ khí chính xác cao, hiệp đồng các quân, binh chúng khác nhau
(đây lại là một phát hiện nữa đối với Bắc Kinh kế từ thời Lão Tử – cần phải
phối hợp không những chỉ phong thủy, mà cả các quân, binh chủng).
Cuộc chiến
tranh tương lai sẽ được tiến hành trong “không gian 3 chiều”, điều này đòi hỏi
phải hiệp đồng với cả các lực lượng vũ trụ, các hệ thống trinh sát và chỉ huy
tác chiến. Ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương trong những điều kiện như
vậy bị xóa nhòa, thậm chí cả biên giới thực tế cũng bị xóa nhòa, vì vậy sự quan
tâm đặc biệt trong học thuyết mới phải được dành cho Internet và cuộc chiến
tranh mạng.
Sự cần thiết
phải tiến hành các cuộc “chiến tranh thông tin” được đặc biệt nhấn mạnh, thậm
chí dự kiến thành lập một binh chủng riêng, được hoàn toàn định hướng vào việc
tiến hành hoạt động tuyên truyền.
Thông tin
hóa và máy tính hóa một đội quân 2,5 triệu người (còn có 800 nghìn quân dự bị
chiến lược và 1,5 triệu đơn vị cảnh sát) về tổng thể phải hoàn tất trước năm
2020. Cũng vào thời điểm đó “phải đạt được tiến bộ chung về các hướng hiện đại
hóa chủ yếu”.
Và nhiệm vụ
chính – “đạt được về cơ bản mục tiêu chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang
thông tin hóa” – phải hoàn thành trước năm 2050. Tư duy chiến lược lừng danh
không phải là đôi hài vạn dặm đưa người Trung Hoa “tiến được bước tiến thiên
niên kỷ về phía trước”, trên thực tế họ không thể hiện đại hóa một đội quân lạc
hậu tới mức độ thê thảm trong một thời hạn ngắn hơn.
Quả thật,
trong “Sách trắng” thậm chí không đưa ra các đặc điểm chung của việc cải tổ
chính lục quân, với số lượng bộ binh khổng lồ. Có sự quan ngại bởi vì quan điểm
chủ yếu của chiến lược là – phòng thủ trên bộ chống lại đối tượng tác chiến
tiên tiến hơn về công nghệ – ở tầm vĩ mô vẫn không có sự thay đổi, và việc hiện
đại hóa lục quân sẽ diễn ra theo nguyên tắc sử dụng lượng ngân sách dôi dư. Đây
là tin tức không mấy tốt lành đối với tổ hợp công nghiệp quân sự Nga, không
biết sẽ phải bán đi đâu không chỉ các loại máy bay và hệ thống phòng không, mà
cả xe tăng “Armata”.
Còn Trung
Quốc dường như lúc này vẫn chưa sẵn sàng cho việc tiến hành tái vũ trang tổng
lực cho lục quân – thậm chí bất chấp vũ khí của lực lượng này cũng đã lạc hậu
so với những phiên bản tương tự của thế giới. Nỗ lực tự sản xuất “theo kiểu sao
chép” các mẫu vũ khí trang bị nước ngoài, kể cả vũ khí bộ binh hết lần này tới
lần khác của CHND Trung Hoa đều thất bại – khi thì nhãn hiệu không phải thế (và
nó luôn không phải thế), khi thì viên đạn bị cong vênh.
Có một sự
loại trừ đặc biệt duy nhất – đó là lực lượng phản ứng nhanh mà Bắc Kinh thành
lập. Đó là đội quân gần 300 ngàn người, cần phải trong khoảng thời gian 10 giờ
sau khi nhận lệnh có mặt tại bất kỳ điểm nào của Trung Quốc. Điều này phù hợp
với chiến lược “phòng thủ trên bộ” không thay đổi, bởi vì một quân đoàn đổ bộ
đường không, 6 sư đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn hải quân đánh bộ không có các
phương tiện chuyên chở tới những cự ly xa hơn, hơn nữa được không quân hoặc các
tàu đổ bộ hiện đại bảo vệ.
Nếu chúng
còn có thể đủ đối với Biển Đông, thì trong trường hợp với Taiwan và các lực
lượng Nhật trên quần đảo Senkaku chúng đã không thể cạnh tranh. Cùng với đó các
tiểu đoàn đặc nhiệm, về mặt hình thức nằm trong thành phần lực lượng phản ứng
nhanh này, nhưng trên thực tế được chuyển thuộc cho các khu vực lãnh thổ, và
còn có những nghi ngờ lớn về việc, sau 10 giờ cần thiết có thể tập hợp họ ở 1
địa điểm.
*********
Nguồn: Theo nguyentandung.org
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire