Tương Lai
Trí tuệ, khí phách Việt Nam nào cho phép Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng đục bỏ tấm bia
tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc
chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979
|
Là trí tuệ và khí phách của ông Tổng đòi hỏi báo chí đấy. Báo Tuổi Trẻ ngày10,8.2015 đã giật một cái tít rất oách, “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : Báo chí phải góp phần xây dựng trí tuệ, khí phách Việt Nam”. Nguyên văn đoạn này trên báo Nhân Dân là: “báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới… Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, có tính chiến đấu, định hướng dư luận...; kiên quyết loại bỏ những tin, bài ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm, đời sống xã hội;… đừng làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin”. Quả vậy! Dứt khoát không được “làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin” vì vậy mà phải “kiên quyết loại bỏ những tin, bài ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm, đời sống xã hội”.
Chẳng hạn như phải loại bỏ ngay những bài dám nói đến chuyện phải thực hiện đạo lý cao cả của ông cha “uống nước nhớ nguồn” khi nhắc đến những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới hay trên đảo Gạc Ma dưới họng súng quân xâm lược vì sẽ kinh động đến tình hữu nghị bền vững giữa những người “đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN” với ông Tổng.
Một cuộc săn lùng
quyết liệt những ngòi bút nào dám mon men đến gần lĩnh vực được xem là “nhạy
cảm bậc nhất” với một “khí phách” thật là mạnh mẽ trong
thái độ trấn áp, đe doạ theo một chỉ đạo nhất quán từ cấp chóp bu. Thậm chí
những hành động phản phúc, táng tận lương tâm như xoá bỏ tên ngôi trường mang
tên Hoàng Thị Hồng
Chiêm, người từng được truy tặng "Huy
chương tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc", lấy lại tên trường cũ sau khi đã xoá đi dòng chữ ghi tên chiến tích của người dũng sĩ anh hùng trong cuộc
chiến đấu ở Pò Hèn, Quảng Ninh năm 1979 trên bức tượng đã được dựng lên tại đây.
Sự phản phúc và táng tận lương tâm này được tiến hành cùng lúc với việc đục bỏ những dòng
chữ ghi trên bia mộ liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đầu biên giới theo một “định
hướng” quyết liệt ngăn chặn và trừng trị ngay nhà báo nào định đưa tin
về những sự kiện “nhạy cảm” kia nhằm vừa lòng “thiên triều”!
Tượng liệt sĩ Hoàng thị Hồng Chiêm được dựng tại sân trường từng mang tên người nữ anh hùng chống Trung Quốc xâm lược. |
Thật là “bản
lĩnh” và “trí tuệ” khi huy động cả một bộ máy đồ sộ nhằm kiên quyết không
để lọt dòng chữ nào “xúc phạm” đến tội ác xâm lược của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” với ông Tổng, cho dù điều ấy
xúc phạm đạo lý truyền thống muôn đời của dân tộc, xúc phạm lòng tự tôn dân tộc
của mỗi một người Việt Nam yêu nước thương nòi, xúc phạm đến lương tri của
những người yêu chuộng công lý và hoà bình trong khu vực Đông Nam Á và trên thế
giới. Cũng thật là “có tính thời sự cao… thiết thực, có tính chiến đấu, định hướng dư luận” để kiên quyết
không làm “phân tâm xã hội, phân rã niềm tin” nên đã “quá trí tuệ” khi đổi trắng thay đen mà
sáng tác ra hai từ “tàu lạ” thay vì điểm mặt chỉ tên những tàu Trung Quốc ăn cướp
đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam! Thói quỷ biện của ngôn từ nhằm phục vụ ý
đồ chính trị thật là hay “chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài, xưa nay em
vẫn chịu ngài” [Tú Xương], là tú tài văn chương cơ đấy! Cái “định hướng dư luận” ấy
kéo dài trên tất cả những tờ báo chính thống suốt nhiều năm bất chấp sự phẫn nộ
của nhân dân.
Đó cũng là “định
hướng” cho việc quyết liệt ngăn chặn một cách tàn nhẫn những bàn chân
nổi giận rầm rộ xuống đường hô vang khẩu hiệu lên án Trung Quốc xâm lược và
vạch mặt sự đớn hèn của một bộ phận người cầm quyền cam tâm quay lưng lại với
dân tộc để giữ trọn mật ước Thành Đô mà mục tiêu “thiết thực” của nó chính
là cái ghế quyền lực đã rệu rã đang rất cần phải có sự hà hơi, tiếp sức của
người láng giềng “cùng chung ý thức hệ XHCN”. Đau đớn và nhục nhã hơn nữa là “định
hướng” ấy lặp lại gần như nguyên mẫu sự “định hướng” của chế độ
độc tài toàn trị Maoít ở nước láng giềng cùng chung ý thức hệ mà chính những
học giả Trung Quốc có lương tri đã mạnh mẽ lên án.
Xin hãy đọc mấy
dòng sau đây của giáo sư Tiêu Quốc Tiêu trích trong bài “Thảo phạt Ban Tuyên huấn” từng làm chấn động chính trường và báo
chí Trung Quốc năm 2008 và những năm tiếp sau đó: “ở Trung Quốc duy nhất chỉ có Ban
Tuyên Huấn TƯ là hoạt động không theo luật, họ là “vương quốc tối tăm” mà ánh
sáng của “mặt trời pháp luật” không chiếu tới.. Họ là kẻ thù ghét những người
tài đức, ai tỏ ra vượt trội thì “diệt”, ai ủng hộ chính nghĩa thì “chôn sống”…
biến Tổng biên tập các cơ quan báo chí thành những người vô cảm, phi chính
nghĩa và thiếu văn hoá… Gây ra sự vô cảm là tai họa lớn nhất thế giới; chà đạp
lên sự đồng cảm với chính nghĩa là sự chà đạp tàn bạo nhất thế giới. “Bịt
miệng” được một nhà báo, một học giả hay một tờ báo tâm huyết với chính nghĩa
là làm nhụt chí khí của xã hội Trung Quốc. Sở dĩ hiện tại ở Trung Quốc tinh
thần sáng tạo cạn kiệt, đạo đức suy đồi, chính nghĩa co cụm, ác bá hoành hành,
chính khí lụn bại… thì 99% là trách nhiệm của Ban Tuyên Huấn TƯ”.
Sở dĩ Tiêu Quốc
Tiêu chĩa mũi nhọn đấu tranh vào Ban này này vì đây là nơi “xâm
phạm nặng nề tới các quyền tự do ngôn luận và cản trở đất nước trên con
đường phát triển văn minh”. Là nơi “bao che cho tệ tham nhũng và
có quyền lực không kém gì giáo hội La Mã thời Trung Cổ”. Là nơi "biến
hươu thành ngựa" và hoạt động "bất chấp đạo lý, chà đạp văn
minh, làm sỉ nhục cả nhân cách của người Trung Quốc" như học giả
này viết.*
Dẫn ra chuyện bên
Tàu để tìm hiểu chuyện bên Ta, chuyện “định hướng mới” sau chuyến đi của ông Tổng sang Hoa Kỳ với những
xúc cảm dạt dào mà báo chí thế giới nhặt ra : “thú
vị,” “sâu sắc,” “ngỡ ngàng,” “kỳ diệu,” “hết sức tâm đắc” đang thăng hoa với Tuyên
bố tầm nhìn chung Việt-Mỹ.
Liệu có phải nhờ
ăn theo cảm hứng đó không mà gần đây báo chí đột nhiên có giọng điệu khác trước,
những bài phê phán trực diện một số hành động xâm lược của Trung Quốc? Tuy
không dấu được việc cố kiềm chế để thận trọng trong ngôn từ, nhưng khá nhiều
cây bút trên các tờ báo “quốc doanh” đã đỡ run rẩy hơn khi vừa viết vừa nghe
ngóng xem thái độ của nơi ban ra những “định hướng”. Đặc biệt là những “cố
sự tân biên”. Chuyện cũ về những trận chiến đẫm máu trong cuộc chiến biên
giới 1979 hay Gạc Ma 1988 được viết lại kèm theo những tấm hình
được cất giữ lâu ngày nay được bung lên trên mặt báo. Lắt léo trong chính
trường, sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng là chuyện cơm bữa,
chẳng phải bõ công bàn luận.
Điều cần bàn là, để không tiếp tục “làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin” thì phải có bản lĩnh và khí phách vạch rõ sự nguy hại của những định hướng phản phúc và táng tận lương tâm trước đây vừa dẫn ra ở trên. Ai, từ đâu vạch ra và ban phát cái định hướng nhục nhã và tệ hại đó? Không dám làm điều này thì việc “làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin” sẽ còn tiếp tục đẩy tới ngay trước thềm Đại hội Đảng XII.
Xin trích nguyên
văn một đoạn trong bài viết của Nguyễn Trung nhân 20 năm bức thư của Võ Văn
Kiệt gửi Bộ Chính trị ngày 9.8.1995 trước thềm đại hội VIII: “bất kể sự
lựa chọn hay thủ đoạn nào khác của Đảng trong mối quan hệ toàn diện đã xác định trong Tuyên bố tầm nhìn chung Việt-Mỹ, dù là ngập ngừng lúc tả lúc hữu,
câu giờ, quay lui, nghi binh, trá hình, hai mặt, tay trái hợp tác với Mỹ tay phải
tiếp tục trấn áp dân, giẫm chân tại chỗ, v… v… sẽ chỉ có chung một kết cục tất
yếu: Nội lực dân tộc không được giải phóng, tạo thuận lợi cho Trung Quốc sẽ
ngày một siết chặt hơn cái thòng lọng chư hầu đã khoác lên cổ đất nước, sự nghiệp
của Đảng sớm muộn sẽ kết thúc trong sự phản bội lại lợi ích sống còn của quốc
gia, nhân dân sẽ đoạn tuyệt và kiên quyết chống lại”.
Mong sao ông Tổng giữ lại được và hâm nóng lên cảm hứng
thăng hoa “thú vị, sâu sắc, ngỡ ngàng, kỳ diệu, hết sức tâm đắc” sau buổi rời phòng Bầu dục ở nhà Trắng trước thịnh tình
của Tổng thống Barack Obama để dứt khoát không lặp lại tình thế “tạo thuận
lợi cho Trung Quốc ngày một siết chặt hơn cái thòng lọng chư hầu đã khoác lên cổ
đất nước”, tự trở thành một tội đồ của lịch sử.Hâm nóng nhằm giữ
được chút nào hay chút ấy cái “khí phách” dám khẳng định “khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa
thành công”.
Nói theo kiểu dân giả là sự khẳng định thật oai
như cóc! Tuy là nhắc lại danh ngôn của một tổng thống Mỹ khác, Theodore
Roosevelt, nhưng dù sao thì cảm hứng thăng hoa vẫn còn ấp ủ chứ không đến nỗi bẽ
bàng “thiếp bén duyên chàng có thế thôi”. Đừng, tuyệt đối đừng “có thế
thôi” để khỏi phải dẫn tiếp câu kết tai quái:
“Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhẽ. Nghìn vàng
khôn chuộc tiếng bôi vôi”[Hồ
Xuân Hương]!
______________________________
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire