Nguyễn Thanh Giang
Lướt web hôm nay thấy
có ba chuyện buồn …cười:
1- Gắn huy hiệu 75 tuổi Đảng
2- Đối đáp giữa anh Phạm Lê Vương Các với lãnh đạo trường Đại học Kinh Doanh & Công Nghệ Hà Nội
3- Nhà văn Nguyễn Đông Thức
1) Ngày 1 tháng 9 vừa qua người ta đến gắn
huy hiệu 75 tuổi Đảng cho cụ Nguyến Trọng Vĩnh. Cụ đáp từ: “Tôi gia nhập
Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Những đảng viên cộng sản như tôi hồi đó là
đối tượng khủng bố, ruồng bắt của Nhà nước thực dân Pháp. Tuổi Đảng của tôi năm
nay là 76 chứ không phải là 75. Việc trao tặng này lẽ ra phải thực hiện từ năm
ngoái chứ không phải để sang năm nay ...”.
Đại tá Nguyến Đăng
Quang kể lại như sau: Sau khi Chi bộ 14 (nơi cụ Vĩnh sinh
hoạt) biết cụ Vĩnh bị gây khó khăn trong việc nhận Huy hiệu 75 năm, Chi bộ đã
họp 2 buổi để bàn và ra Nghị quyết về việc này. Cả 2 lần Nghị quyết đều có sự
tán thành 100% của số đảng viên chi bộ có mặt (Chi bộ 14 có trên 80 đảng viên
thì có gần 40 đảng viên là Giáo sư, Tiến sỹ và cán bộ trung cao cấp đã nghỉ
hưu). Tất cả đều nhất trí kiến nghị lên Đảng bộ Phường, Đảng bộ Quận và Đảng bộ
Thành phố phải trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho lão đồng chí Nguyễn Trọng
Vĩnh. Chi bộ 14 sau đó bị Đảng ủy cấp trên phê phán là vô nguyên tắc vì đã đưa
kiến nghị vượt cấp! Nhưng chính họ không hiểu hoặc đã cố tình vi phạm quy định
của Đảng là phải trả lời bằng văn bản các kiến nghị của cấp dưới, song họ cố ý
lờ đi, buộc Chi bộ 14 phải gửi lên cấp trên tiếp theo, và Chi bộ 14 dự kiến sẽ
gửi tiếp kiến nghị này lên Trung ương Đảng nếu Thành ủy Hà Nội cố tình không
trao Huy hiệu 75 năm cho lão đảng viên Nguyễn Trọng Vĩnh!
Cụ Vĩnh suốt đời tận
tụy phục vụ ĐCSVN, bọn bán linh hồn cho Bắc Triều thù ghét Cụ vì gần đây Cụ lên
án Trung Quốc rất mạnh.
Câu chuyện này chứng
tỏ có những chi bộ đã “diễn biến” tốt, trong khi cấp trên nói chung còn rất lú.
Thế mà người ta luôn luôn nói: Cấp trên của Đảng bao giờ cũng sáng suốt, chỉ ở
dưới thực hiện sai. Chủ nghĩa Mác Lenin rất tuyệt vời, Liên Xô sụp đổ là do làm
không đúng.
2) Cũng sáng 1 tháng 9 có cuộc đối đáp giữa
anh Phạm Lê Vương Các với lãnh đạo trường Đại học Kinh
Doanh & Công Nghệ Hà Nội như sau:
“Thầy hỏi: “Em có biết
cô Y bên Cục An ninh không”? Tôi trả lời rằng biết vì tôi đã làm việc với cô Y
mấy lần.
Rồi Thầy cho biết, bên Tổng Cục an ninh có báo cáo về trường hợp của tôi
rồi Thầy nói thẳng thừng: “Em nên nghỉ học ở trường này đi, rút lại hồ sơ và
kiếm trường khác mà học”.
Tôi choáng váng mặt mày, tim đập thình thịch, 2 hàm răng bắt đầu run lên và
va vào nhau, lỗ tai bắt đầu nóng lên… Tôi im lặng nhìn đăm chiêu ra ngoài cánh
cửa, phải mất 2 đến 3 phút sau tôi mới lấy lại bình tĩnh và hỏi: “Thầy cho em
biết lý do?”
Thầy nói: “Trường này đào tạo đa ngành, nên đào tạo ngành Luật không tốt
bằng mấy trường khác đào tạo chuyên về Luật. Em nên kiếm những trường chuyên về
Luật, học ở đó thì sẽ tốt cho em hơn”.
Tôi thở dài... sau một lúc im lặng suy nghĩ tôi đã trả lời rằng: “Em sẽ
không rút hồ sơ và sẽ tiếp tục học ở trường này. Vì em đã nhập học được một
tuần rồi, nên không thể thay đổi lựa chọn được nữa, vì đã quá muộn.”
Thầy trả lời lại là chưa muộn đâu, bây giờ vẫn còn có thể được, nhưng tôi
vẫn giữ nguyên quyết định của mình.
Thầy bắt đầu hơi lớn tiếng và đi thẳng vào vấn đề: “Ai cũng có lý tưởng của
riêng mình, em có lý tưởng tự do dân chủ, còn chúng tôi có lý tưởng Cộng sản.
Trường này do những người Cộng sản lập ra, và sẽ đào tạo ra những con người
thuộc về chế độ chính trị Cộng Sản này.”
Tôi cũng lớn tiếng trả lời: “Khi dự tuyển vào trường này em không thấy chỗ nào
giới thiệu trường này là do những người Cộng Sản lập ra, mà trường này là
trường Dân lập. Em cũng không quan tâm và không cần biết trường này do Cộng Sản
hay Tư Bản lập ra.. Và em cũng nói cho thầy biết, chức năng cao cả của giáo dục
không phải là để đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị. Mà là
đào tạo ra những con người tự do trước chế độ chính trị.”
Thầy: “Nếu không đào tạo ra những con người của chế dộ chính trị thì cũng
đào tạo ra những con người để phục vụ cho chế độ chính trị. Giáo dục của Anh,
Pháp, Mỹ cũng đào tạo ra những con người để phục vụ cho chế độ chính trị của
nó, và giáo dục cũng Việt Nam cũng vậy”.
Tôi: “Giáo dục của họ sinh viên được tự do lựa chọn tư tưởng. Còn các
trường đại học ở Việt Nam thì không. Vì các trường đại học của họ được tự trị
mà thế lực chính trị không thể can thiệp được, ít nhất về mặt tự do nghiên cứu,
học thuật. Còn ở Việt Nam thì không. Thầy xem tất cả trường đại học nào ở Việt
Nam mà không có chi bộ Đảng Cộng Sản trong đó không, cho dù đó là trường Dân
lập? Và điều đó có cần thiết không?”
Thầy trả lời là cần thiết, và còn cho biết, không chỉ trong các trường đại
học có chi bộ Đảng mà còn có cả An ninh để quản lý và theo dõi sinh viên nữa,
nên không phù hợp cho tôi theo học trường này.
Một lúc sau Thầy nhẹ giọng: “Tôi biết em đi học Luật để làm gì. Dù An ninh
không ép nhà trường phải cho em thôi học vì nhà trường cũng có sự độc lập
riêng. Nhưng An ninh đã thông báo về trường, thì nhà trường phải…”.
Tôi hỏi lại: “Giả sử an ninh gây sức ép để trường buộc em thôi học thì nhà
trường căn cứ vào đâu để ra quyết định buộc em thôi học?”
Không đợi Thầy trả lời, tôi nói tiếp: “Em nói cho Thầy biết, nhà trường chỉ
có thể buộc em thôi học khi em có những hành vi vi phạm phạm luật qua một bản
án xét xử của Tòa án. Cơ quan An ninh không có chức năng xét xử mà họ chỉ là cơ
quan điều tra. Họ điều tra và báo cáo như thế nào là việc của họ, nhà trường
đừng để họ làm thay công việc của Tòa án và xem họ như là Tòa án” ”.
Thật là đĩnh đạc, thông minh và bản lĩnh. Đúng là hậu sinh khả úy, là mầm mống
tốt để xây dựng xã hội dân chủ. Nếu Phạm Lê Vương
Các bị đuổi học đề nghị các nhà nước dân chủ cho em được tỵ nạn chính trị và bà
con ta hãy chung tay tạo điều kiện để em hoàn thành được chương trình đại học
luật.
3) Nhà văn Nguyễn Đông Thức viết trên Facebook hôm 2/9: “Báo Tuổi Trẻ có
mời tôi viết một bài trong cuốn ‘Chuyện nghề - Chuyện người’, nhân kỷ niệm 40
năm thành lập. Trong phần liệt kê các tên tuổi văn chương sau 1975 xuất hiện từ
những ngày đầu trên Tuổi Trẻ, tôi nhắc hàng loạt tên, trong đó có nhà thơ Đỗ
Trung Quân, tác giả của những bài thơ ‘Quê hương, Phượng hồng, Những bông hoa
trên tuyến lửa’... Ông cũng đã có hơn 12 năm làm phóng viên Tuổi Trẻ …Nhưng khi
in sách, cái tên Đỗ Trung Quân trong bài viết của tôi đã... biến mất.”.
Chắc không có chỉ thị cụ thể từ cấp trên để giải quyết riêng trường hợp này
nhưng vì chủ trương của Đảng đã ngấm vào máu, khoét vào đầu các công bộc nên họ
rắp tâm biến mình thành kẻ xảo trá, ty tiện sẵn sàng vứt bỏ lương tâm, bất chấp
sự thật và công lý một cách thật bỉ ổi.
Từ lâu, tôi đã chứng nghiệm điều này. Tôi đã có bằng Tiến sỹ từ 1982, luận
án của tôi có trong lưu trữ Thư viện Quốc gia, công trình nghiên cứu của tôi đã
được tổ chức CCOP của Liên Hợp Quốc mời trình bầy tại một Hội thảo Quốc tế năm
1982, nhưng trong cuốn “Tiến sỹ Việt Nam hiện đại” do nhà
xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành tháng 9 năm 2004 người ta cố tình bỏ sót tên
tôi. Tập thơ “Những Mẩu Quặng Dọc Đường” của tôi do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn ấn
hành năm 2014 bị Cục Xuất bản bắt thu hồi. Không phải vì Thơ ở trong tập có vấn
đề mà cấp trên bắt phải vứt bỏ các bài bình thơ in trong đó. Những bài bình
luận này là của những tác giả nổi tiếng: nhà thơ Thanh Thảo, phó Chủ tịch Hội
đồng Thơ Việt Nam, nhà thơ Định Hải, nhà thơ Ngô Văn Phú …. Các bài bình đều không mắc tội gì, kể cả tội “sai lập trường” của Đảng, ngoại trừ cái
tội khen thơ và tư chất con người Nguyễn Thanh Giang.
Trời ơi, biết bao giờ xã hội ta mới thoát ra được khỏi cái vũng nhầy nhụa của
xảo trá, ty tiện hỡi cái đảng của giai cấp công nhân này!
Hà Nội 4 tháng 9 năm 2015
Nguyễn
Thanh Giang
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire