18/03/2016

Vì sao Đại biểu Dương Trung Quốc tự thấy… “xấu hổ”?

Bùi Hoàng Tám


(Dân trí) - Phải chăng cái “dây thần kinh xấu hổ” của ông quá nhạy cảm để còn biết “xấu hổ”? Và chẳng biết có ai cũng tự “xấu hổ” như ĐB Dương Trung Quốc nữa không nhỉ? Những đại biểu “chẳng phát biểu gì" rồi cả những đại biểu có những ngôn từ “xúc phạm dân” ví như nói rằng nước ta “dân trí thấp” hay những người đã từng bị bãi miễn, thậm chí bị truy tố trước pháp luật… không biết họ có “xấu hổ” không nhỉ? Chịu!



Trải qua 3 nhiệm kỳ tham gia Quốc hội, ĐB Dương Trung Quốc được coi như một “lão thần” của nghị trường. Nhưng sau 14 năm (nhiệm kỳ Quốc hội XII chỉ có 4 năm) với vai trò người đại diện của cử tri, ĐB Dương Trung Quốc đã thảng thốt nói lời “tự thú”: “Có lúc tôi xấu hổ khi gặp cử tri” khi ông trả lời phỏng vấn báo Vietnam Net.

Không thể nói khác, Nhà nghiên cứu Lịch sử Dương Trung Quốc là một trong những typ đại biểu không nhiều trong nghị trường Quốc hội bởi những phát biểu thẳng thắn, hùng biện và khúc triết của mình.

Ngay từ những ngày đầu tiên tham gia Quốc hội, ông đã được đi vào văn học dân gian qua câu “thành ngữ”: “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Trong đó, “nhất Thước” là chỉ Đại biểu Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. “Nhì Trân” là chỉ GS Nguyễn Văn Trân, một nhà kinh tế học. “Tam Lân” là chỉ GS Nguyễn Lân Dũng và “tứ Quốc” chính là ĐB Dương Trung Quốc. Đây là 4 “lò thuốc súng” thường làm bùng nổ nghị trường bởi những lời phát biểu thẳng thắn và nhiều khi quyết liệt.

Đối với ĐB Dương Trung Quốc, suốt 14 năm qua, tại các phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp, cử tri đều hồi hộp theo dõi những lời phát biểu của ông trong nhiều lĩnh vực. Với cách nói thuyết phục cùng với những lập luận sắc sảo và bằng chứng chân thực, ông đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng cử tri.

Có thể nói, hầu như không có lĩnh vực nào ĐB Dương Trung Quốc không tham gia đóng góp và những ý kiến của ông thường đều được cử tri đón nhận và đồng tình.

Ví như đối với việc phòng chống tham nhũng, ông từng nói “Nhìn lại 7 năm qua ta thấy việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả, kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng huy động rất hùng hậu, mệnh lệnh ra quân rất dứt khoát và lại được nhân dân cổ vũ mạnh. Vậy mà khi lâm trận thì súng nổ rất to mà không sát thương được ai vì đạn không có đầu. Quan trọng hơn là quân xanh hay quân đỏ đều là quân ta cả”.

Về Biển Đông, ông bày tỏ: “Chúng ta không thổi phồng, không kích động, không để hoang mang là cần thiết, nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường được. Nó phải được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ đúng tầm mức, phải được phản ảnh trong chương trình nghị sự của Quốc hội đúng tầm mức để nhân dân tin tưởng, thông suốt…”.

Trong lĩnh vực ngoại giao và cả… “nội giao”, ông đề nghị: “Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa Chính phủ và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết”.

Bình luận nhân việc ông Tập Cận Bình sang thăm nước ta và những bất ổn ở Biển Đông, ĐB Quốc nói: “Ông Tập nói về dân tộc Trung Hoa, mình lắng nghe thôi và tự kiểm chứng bằng chính những trải nghiệm của mình. Còn những lời nói, thông điệp mang tính chất ngoại giao thì đương nhiên phải tích cực, ôn hòa, nhất là trong bối cảnh hiện nay”.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Dương Trung Quốc còn chất vấn Thủ tướng. Đó là, “Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân”.

Thậm chí, trong bài trả lời phỏng vấn Vietnam Net gần đây nhất, ông còn đặt những vấn đề không phải ai cũng đủ dũng khí để đề cập đến. Ông nói: “Điều trăn trở nhất đối với tôi là cơ chế và cao hơn là thể chế. Chúng ta kiên định một định hướng phát triển đất nước nhưng sự kiên định cần dựa trên tinh thần thực tiễn chứ không rơi vào ảo tưởng”.

Là một trong những đại biểu có tầm hiểu biết khá sâu rộng cùng với cách nói thuyết phục, giàu hình ảnh, trong 3 nhiệm kỳ của mình, ĐB Dương Trung Quốc đã đề cập đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Từ góp ý cho Hiến pháp, đề nghị tuyên thệ khi nhậm chức, công khai việc bấm nút, hát Quốc ca hay bảo vệ voi rừng ở Tây Nguyên…

Trong việc tiếp xúc cử tri, ông không chỉ lăn lộn ở địa bàn mình ứng cử mà nhiều tập thể và cá nhân còn đến tận nhà riêng để gặp gỡ ông.

Chính vì thế, ông chiếm được cảm tình của đông đảo cử tri và ý kiến của ông được đánh giá cao trong các phiên họp của Quốc hội. Đặc biệt với báo chí, ông luôn là cầu thông tin tin cậy, được nhiều cơ quan báo chí gặp gỡ phỏng vấn.

Thế nhưng không hiểu sao, tại cuộc trả lời phỏng vấn báo Vietnam Net ngày 16/3 mới đây, ông lại tự thấy mình “xấu hổ” nhỉ?.

Phải chăng cái “dây thần kinh xấu hổ” của ông quá nhạy cảm để còn biết “xấu hổ”? Và chẳng biết có ai cũng tự “xấu hổ” như ĐB Dương Trung Quốc nữa không nhỉ? Những đại biểu “chẳng phát biểu gì" rồi cả những đại biểu có những ngôn từ “xúc phạm dân” ví như nói rằng nước ta “dân trí thấp” hay những người đã từng bị bãi miễn, thậm chí bị truy tố trước pháp luật… không biết họ có “xấu hổ” không nhỉ? Chịu!

Bùi Hoàng Tám

Nguồn: Theo Dân Trí

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire