17/05/2016

Tôi từ chối làm việc!


J.B Nguyễn Hữu Vinh
 
Sáng 8/5/2016, đường Hà Nội không đông đúc lắm. Tôi từ phố sách Nguyễn Xí bước ra đường Tràng Tiền vừa đi qua một ngã tư, một Cảnh sát giao thông chặn anh bạn đi bên cạnh cầm cuộn giấy lại: "Anh đi đâu?" Anh bạn đi bên cạnh trả lời: Đi biểu tình môi trường, hỏi làm gì? Tôi hỏi cậu ấy: Hỏi đi đâu để làm gì? Đó là trách nhiệm của chú phải không? Cậu ta giơ tay định vớ lấy cuộn giấy trên tay anh bạn. Tôi bảo: Này, định cướp tài sản công dân à? lại mà lo giữ trật tự đường phố cho người ta đi lại đi, đó mới là nhiệm vụ của chú đấy.



Tôi từ chối làm việc! - Phần I

Chú CSGT bỏ đi ra ngã tư. Đi một đoạn nữa, hai CSGT chạy xe đến, một chú xông đến dừng anh bạn lại: "Kiểm tra hành chính". Tôi hỏi: "Đi bộ cũng bị CSGT kiểm tra hành chính à? Có lệnh chưa?". Chú ngớ người và ú ớ nhìn mình như trên trời rơi xuống.

Xung quanh đó, đã có sẵn máy quay phim, ghi hình và một đám đông đúc xông lại.

Ngay lập tức một đám cô hồn xông đến: Hốt, hốt lên xe. Thế là anh bạn kia bị đẩy lên trước, tôi bị đẩy lên sau một cách thô bạo.

Về số 7 Thiền Quang

Khi lên xe, một đám người xông lên giữ hai chúng tôi, thậm chí chẳng dám ngồi xuống, tôi ngồi và bảo: "Các cậu là ai?" Không một câu trả lời, chỉ nghe hò hét: Đưa về 90, sau đó là đưa về số 7.

Tôi và anh bạn bị đưa về số 7 Thiền Quang. Đám thanh niên như bụi đời đẩy chúng tôi vào một căn phòng, trong đó có một người đàn ông đã đứng tuổi ngồi đó.

Một bầy lao nhao mặt tỏ ra hung hãn bao vây chúng tôi. Một tên nhỏ tuổi nhưng thái độ rất hống hách và bặm trợn xông lại:

- Hai anh tên gì?

Tôi không thể im lặng được nữa:

- Cậu là ai? Có trách nhiệm gì? tại sao tôi đang đi trên đường lại bắt cóc chúng tôi về đây? Hỏi tên tôi làm gì?

- Tôi là người dại diện cho cơ quan pháp luật.

- Đại diện cái gì? Cậu hành động lỗ mãng như côn đồ, bắt chúng tôi vào đây mà đến giờ tôi chưa biết cậu là ai? Đại diện cơ quan pháp luật là cơ quan nào?

- Tôi là Tuấn Anh, đội phó đội đặc nhiệm CSHS Công an Hà Nội.

Nghe cậu ta xưng tên là Tuấn Anh, là đội phó Cảnh sát hình sự, CAHN tôi thoáng trong đầu ý nghĩ: Hay mình lại gặp lại tên lừa đảo cũng xưng là Tuấn Anh, CSHS đã hai lần lừa đảo tiền và tình của các cô gái ở Thái Nguyên và một cô gái ở Xuân La, Tây Hồ mà chính báo Công an đã đưa tin? Tôi hỏi:

- Vậy à, vậy cậu có giấy tờ gì chứng minh cậu là công an không? Ăn mặc thế này là công an à? Hành động của cậu lúc nãy đến giờ càng không phải là công an. Nếu đúng là công an, cậu đưa chúng tôi xem giấy tờ rồi hỏi gì thì hỏi nhé.

- Công an hình sự có quyền ăn mặc hóa trang, anh đừng cãi, bỏ tất cả đồ dùng trong người ra. Anh em đâu, khám người.

Một đám du thủ du thực khác xông lại, cậu ta bẻ tay anh bạn đi cùng để lấy điện thoại.

Tôi bảo:

- Không cần, vậy các cậu định dùng luật rừng và sức mạnh trâu bò ở đây chứ gì? Thích thì tớ bỏ ra cho các cậu xem. Nhưng nên nhớ là các cậu đang vi phạm pháp luật.

- Luật lệ gì, đây là cơ quan công an.

Khi cậu ta ngang nhiên tuyên bố những điều đó, thì tôi thấy không còn gì để có thể lý lẽ với đám này. Tôi bỏ cái điện thoại lên bàn, đặt cái ví lên đó. Cậu ta thò ta vào người tôi lấy cái bật lửa zippo đặt lên bàn và định thò tay cầm ví của tôi. Tôi quát lên:

- Bỏ tay ra, không được đụng vào ví của tôi, định ăn cắp à?

Cậu ta rụt tay lại, cầm lấy điện thoại của tôi đặt chế độ máy bay. Cậu ta nói:

- Tôi nói cho các anh biết, vào đây là phải...

- Này cậu, cậu đừng hỗn láo. Cậu chưa cho chúng tôi biết cậu là ai, lấy gì chứng minh cậu là công an, ăn nói hỗn hào với người lớn tuổi, cậu nghĩ đã là công an thì muốn làm gì thì làm à?

- Anh có biết đây là cơ quan nào không?

- Tớ lạ gì, đây là số 7 Thiền Quang, ở đây, tớ đã gặp Chung con, Giám đốc Công an HN và giờ là Chủ tịch Tp này hồi cậu ấy đang là Đại tá Trưởng Phòng và là đội trưởng đặc nhiệm ở đây. Nhưng dù là cơ quan nào, thì cậu cũng phải theo luật pháp nhé, kể cả cậu có là Thủ tướng, thì vẫn phải giới thiệu. Cậu có biết cái câu đằng sau cậu là gì không: "Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép".

- Nhưng các anh không phải là nhân dân.

- Vậy tôi không là nhân dân thì là gì? Là đồng đội của cậu chắc?

Bó tay, có lẽ với đám kiêu binh ở số 7 Thiền Quang, nơi xuất thân của Giám đốc, Phó Giám đốc CA Hà Nội, là nơi hành xử với người dân theo quan niệm đã bị chúng đưa vào đó thì không còn là nhân dân. Cậu này ra vẻ hống hách và hách dịch trắng trợn bất chấp mọi điều cơ bản nhất là thái độ của một con người. Tôi ngao ngán bởi những chiến sĩ, đội phó, đội trưởng ở đây mà thái độ vô lễ đến thế. Tôi bảo:

- Cậu hãy hỏi người đàn ông đứng tuổi kia đi, xem những hành động của các cậu như từ nãy đến giờ có đúng tư cách con người không, chưa nói là chiến sĩ, cán bộ công an nhân dân nhé.

Người đàn ông từ đầu đến khi đó im lặng, khi đó ông ta bảo mấy cậu kia:

- Thôi, đưa đi chỗ khác đi.

Chắc hẳn ông ta cũng thấy ngứa mắt trước đám thanh niên hỗn láo với người lớn tuổi mà ông ta không tiện nói chăng. Đám du thủ đó đưa chúng tôi sang phòng bên cạnh, một vài tên ngồi canh chừng, còn đám kia thì tiếp tục bắt người.

Anh bạn đi cùng ngồi cãi vã với mấy đứa ngồi canh, đám này cũng chẳng khác mấy với tên cầm đầu lúc nãy. Cũng bặm trợn, cũng chẳng có thái độ cho ra con người là mấy. Hình như, ngành công an chọn vào đây một loại người khác hẳn với những loại người khác trong xã hội, hành xử như xã hội đen và luật rừng, lấy sức mạnh trâu bò làm cơ sở hành động. Chỉ có một điều khác, là họ được mang danh "Công an nhân dân".

Một lúc sau, đám kiêu binh kia gọi anh bạn tôi ra ngoài. Trong phòng còn tôi với mấy cậu kia, tôi im lặng quan sát.

Về Quận

Ngồi một lúc, một đám người khác đến và bảo:

- Mời anh Vinh và anh về Quận.

Tôi nói:

- Về quận nào? Tôi không biết các cậu là ai. Tôi không đi đâu hết, thả tôi ra ngay.

- Thôi anh, bọn em ở Quận Hoàng Mai, bọn em sẽ đưa anh về Phường. Anh đi về với bọn em đi. Tôi bước ra cùng anh bạn, một chiếc xe 7 chỗ chở chúng tôi về Công an Quận Hoàng Mai.

Một vài gương mặt trong đám côn đồ bắt tôi, một số cũng đi xe máy đến Công an Hoàng Mai.

Tại Công an Quận Hoàng Mai. Hai người được đưa ra hai phòng khác nhau.

Họ đưa tôi vào một căn phòng ở tầng 1, ghi là Phòng Tiếp dân. Cùng ngồi với tôi, luôn có hai hoặc ba người trong phòng, một người trực tiếp mặc quần áo công an, một hoặc hai người khác là nhân viên an ninh mà tôi đã nhẵn mặt trước ngõ hoặc xung quanh nhà tôi mỗi khi có sự kiện gì đó.

Chợt Đại tá Nguyễn Hồng Thái - Trưởng Công an quận Hoàng Mai, người mà khi mới nhậm chức đã ghé thăm nhà tôi nhận đồng hương - xuất hiện. Ông lớn tiếng:

- Ông Vinh à.

- Vâng, chào anh, tôi đây.

- Ông lại đi lên đó biểu tình.

- Tôi đang đi bộ trên vỉa hè, một đám mất dạy lại bắt tôi lên xe. Mà nếu đi biểu tình thì càng tốt chứ sao? Không biểu tình vì môi trường thì ngay cả gia đình bố mẹ và em út, cháu chắt ông trong quê lại được ăn cá chết nhiễm độc rồi ung thư cả loạt đấy.

Ông ta nói vậy rồi bỏ đi ngay.

Cậu công an đưa chúng tôi về lúc nãy, trở lại với bộ cảnh phục, quân hàm quân hiệu đầy đủ với một tập giấy Biên bản ghi lời khai.

Ngội trong phòng, cậu cảnh sát mới mặc quân phục cho người pha ấm chè mới, rót ra chén nước xong cậu ta bảo:

- Mời anh Vinh uống nước rồi ta làm việc. Cũng nói với anh là việc này không phải là việc của em, em bên đội Phòng chống Ma túy, nhưng hôm nay đội em trực nên phải làm việc với anh.

Tôi hỏi:

- Làm việc gì?

- Thì làm việc về việc anh có mặt trên đó và Công an Thành phố mời anh về giao cho bọn em làm việc.

- Tôi yêu cầu chú cho tôi xem cơ sở pháp luật nào để bắt tôi như bọn cướp trên đường, rồi đưa tôi về đây để làm việc? Tôi không có bất cứ việc gì để làm việc với các chú hôm nay.

- Đó là mời chứ ai bắt anh đâu.

- Theo ngôn ngữ Việt Nam, không có từ "mời" nào được sử dụng trong trường hợp một nhóm người như côn đồ chặn bắt người khác như bắt cướp rồi đưa về nhà bảo là mời cả. Chú thử xem, nhà chú có đám cưới, chú cho người chặn bắt như bắt giặc với người khác về nhà, gọi là mời về ăn cưới thì đúng không? Người Việt Nam chúng tôi không sử dụng từ mời trong trường hợp như vậy bao giờ.

(Còn nữa)

Hà Nội, ngày 9/5/2016

· J.B Nguyễn Hữu Vinh

Tôi từ chối làm việc! - Phần II

Cậu cảnh sát ngừng lại môt lúc rồi nói tiếp:

- Vậy thì chúng ta làm việc vì việc đó, đề nghị anh cho biết anh lên đó làm gì?

- Tôi từ chối làm việc bất cứ việc gì. Còn chú hỏi, thì tôi trả lời, là tôi đi có việc của tôi, tại sao tôi lại phải khai báo? Tôi chỉ biết: Tôi đang đi bộ trên vỉa hè, một bọn du đãng đã xông lại bắt tôi, đẩy tôi lên xe trái pháp luật. Cho đến bây giờ, tôi chưa được trả lời câu hỏi: Đám du côn đó là ai, bắt tôi vì lý do gì? Nếu mời, thì giấy mời đâu? Nếu bắt, thì lệnh bắt đâu? Khi nào trả lời cho tôi câu hỏi đó, tôi sẽ xem xét việc làm việc. Còn không, tôi sẽ giữ quyền im lặng nếu chú cố tình ép buộc tôi.

Một người vào từ lúc nãy ngồi bên cạnh, anh ta mặc chiếc cáo kẻ vuông, người gầy, được cậu cảnh sát mặc trang phục đang nói chuyện với tôi giới thiệu là Tiến, đội phó An ninh Quận. Anh ta cầm một tập giấy in đặt lên bàn và lên tiếng:

- Đi bộ nhưng không phải đi bộ.

Tôi hỏi lại ngay:

- Đi bộ nhưng không phải đi bộ nghĩa là sao? Nghĩa là tôi đi bộ nhưng là bay? hay đi bộ nhưng là bò?

- Tức là vì, anh đã tụ tập tự phát ở những cuộc trước đó. Chúng tôi có hình ảnh đây - Anh ta vừa nói vừa giơ mấy tờ giấy in từ trang Facebook JB Nguyễn Hữu Vinh một số hình ảnh cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược, bức ảnh cầm tấm biển Tự do cho Ba Sàm Nguyễn HữU Vinh chụp ở nhà thờ Thái Hà.

- Vậy thì tôi có tội gì không? Những người tụ tập phản đối Trung Cộng xâm lược kia cả mấy ngàn người tham gia đấy, họ có tội không? Có tội sao không bắt đi?

- Không, anh mà có tội người ta bắt anh lâu rồi.

- Vậy không có tội thì anh nhắc lại làm gì? Có phải anh định giải thích là vì tôi có mặt ở những nơi đó nên bây giờ anh thấy là bắt về không sao? Đúng không?

- Nhưng, đây anh nhìn đi, ảnh của anh đây, rõ ràng là anh có mặt ở những cuộc tập trung tự phát đó.

- Tôi nói cho anh biết: Anh giơ những tấm ảnh đó ra để làm gì? Anh có tin là nếu bây giờ tôi chụp một tấm ảnh của anh, thì chiều nay, tôi sẽ làm cho anh được 10 tấm ảnh anh đang cầm khẩu hiệu: "Đả đảo Đảng Cộng sản Việt Nam" không? Anh có tin không?

- Anh thử chụp và làm đi.

Tôi lập tức giơ điện thoại lên ghé vào anh ta, anh ta cuống quýt đứng dậy:

- Anh bỏ cái máy ảnh xuống, anh không được chụp tôi.

Tôi chán nản:

- Tôi tưởng anh được giới thiệu là đội phó an ninh, nhưng vừa bảo tôi chụp xong lại hoảng hốt bảo thôi, thế thì nghĩa là làm sao? Bản lĩnh đâu? Tôi rất ghét người nói đằng trước phủi đằng sau.

Anh ta chống chế đưa mấy tờ giấy có hình ảnh tôi lên, trong đó có một tờ in câu: Xuống đường, là mệnh lệnh của trái tim. Anh ta nói:

- Trên phây búc của anh, anh viết như thế nào chúng tôi biết cả.

- Anh giỏi nhỉ, anh xem trên facebook nào?

- Thì đây, anh ta đưa tôi mấy tờ giấy kia.

Tôi ném toẹt xuống nền nhà.

- Tôi nói cho anh biết: Sao anh bảo nó là của tôi? Tôi làm gì có phây búc phây biếc, anh biết Facebook là của ai làm ra nó không? Anh đã xem trên mạng trang Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Tấn Dũng chưa? Sao không đi truy nã mấy ông đó về cho ra tòa rồi bỏ tù vì tội chửi lãnh đạo đảng và nhà nước như chó ăn vã mắm? Cứ ông này chửi ông kia, trong đó có cả tài liệu tuyệt mật của nhà nước nữa đấy.

- Nhưng anh đã có tụ tập ở những cuộc tụ tập tự phát.

- Tôi hỏi anh: Tụ tập là như thế nào? Tôi tụ tập ai, anh có chứng cứ không? Tôi đi một mình, đến đó một mình, không khoác tay hoặc lôi ai đến đó, sao anh bảo tôi tụ tập? Vậy nếu tôi đến chợ, anh cũng bảo tôi tụ tập cả chợ à?

- Nhưng phải theo luật, tụ tập, biểu tình là phải xin phép.

- Luật nào? Hiến pháp quy định 70 năm nay, công dân có quyền biểu tình, hội họp, lập hội... luật ở đâu anh đưa tôi xem? Còn xin phép ư? Tôi phải xin phép ai khi tôi đến đó?

- Thì xin phép cơ quan chức năng.

- Vậy à? Nếu thế 90 triệu dân này cứ sáng dậy muốn đi đâu như đám cưới, đám ma hoặc đi chợ, đi học đều phải xin phép à? Tất cả đều là tụ tập cả đấy, sao không bắt hết đi? Vậy nếu sáng nay, tôi định đến Bờ Hồ, ở đó có nhà vệ sinh, tôi vào đái ở đó một bãi rồi về thì có phải xin phép không? Ở đó cũng có đông người đấy.

Anh ta cãi cố nhưng vẫn to tiếng:

- Nhưng, anh hỏi vì sao lại bị bắt thì là vì anh đã đến những cuộc tụ tập tự phát đó nên anh đi sáng nay với mục đích là tụ tập.

- Sao anh là đội phó an ninh mà dốt thế? Tôi nói cho anh biết: Dù tôi đã đến những cuộc đó, và những cuộc đó có là có tội đi nữa, thì cũng không thể vì thế mà sáng nay anh suy diễn ra là tôi đi tụ tập trái phép khi tôi đang đi trên đường.

Anh không thể áp đặt theo lối suy diễn của anh, là thằng kia đã bị đi tù về tội ma túy, thì khi nào anh cũng có thể bắt nó khi đi trên đường vì anh nghĩ mục đích của nó hôm nay cũng là để mua ma túy. Anh làm sao biết nó hôm nay định đi đâu? Sao anh suy ra được tôi đi tụ tập mà không suy diễn luôn là đi với mục đích để nghiên cứu chế tạo bom để nổ luôn nhà hát lớn hoặc nổ luôn Ba Đình mà bắt bắn luôn đi cho gọn? Anh không thể vì có người gần nhà anh đã ỉa bậy, thì hôm nay có cứt là anh bảo nó ỉa, biết đâu lại là con anh, bố anh ỉa bậy thì sao?

Anh có biết luật pháp quy định như thế nào không? Vấn đề là anh có chứng cứ gì để khẳng định khách quan rằng đúng chính xác là thằng kia ỉa bậy? Luật pháp là như thế đấy. Anh có biết nguyên tắc suy đoán vô tội không?

- Là sao?

- Là khi anh chưa có đủ bằng chứng để khẳng định rằng thằng kia ỉa bậy, thì nguyên tắc là phải suy đoán nó không ỉa, cho đến chừng nào có đủ bằng chứng khách quan chứng minh ngược lại. Anh hiểu chưa? Cũng như dù tôi có ý định đi tụ tập đi nữa, nhưng hành động đó không có tội. Nếu tụ tập là có tội, thì anh không đủ bằng chứng, cũng phải suy đoán là tôi không đến đó để tụ tập. Chứ không phải cứ giữ não trạng như anh là suy đoán có tội, ngược lại với nguyên tắc pháp luật như vậy. Tôi thách các anh tìm được bất cứ hành vi nào vi phạm luật pháp của tôi hôm nay. Vì thế khi nào chứng minh được điều đó, thì tôi mới làm việc

Thấy đã dài dòng mà anh ta vẫn không hiểu. Tôi nói tiếp:

- Thôi, nói mãi với anh mà anh không hiểu thì tôi không nói chuyện với anh nữa nhé. Tôi nói chuyện với anh ở đây, là tư cách công dân với nhau, anh không hiểu thì tôi nói cho biết. Còn nếu anh muốn làm việc với tôi, thì cứ về mặc quần áo và cảnh phục cho đủ rồi sang đây nhé. Tôi đang có việc với chú này.

Rồi tôi quay lại cậu cảnh sát mặc cảnh phục:

- Tôi nói với chú, tôi chỉ làm việc với chú là cảnh sát, còn những người này không cảnh phục, không biết là ai, dù chú giới thiệu là ông Trời đi nữa, thì tôi cũng không biết và yêu cầu chú cho những người này ra ngoài. Trường hợp, chú cho người không phải cảnh sát vào đây ngồi cùng, thì tôi sẽ gọi bạn tôi cùng vào đây ngồi nói chuyện hoặc cãi nhau. Chúng ta bình đẳng trước pháp luật.

Hà Nội, ngày 10/5/2016

· J.B Nguyễn Hữu Vinh

Tôi từ chối làm việc! - Phần III

Tôi quay lại nói với viên đội phó An ninh Quận:

- Còn anh, những cách nghĩ của anh và sự việc hôm nay, tôi sẽ ghi lại đầy đủ để người khác xem thử cách nghĩ của anh đúng hay sai.

- Anh cứ viết.

Rồi anh ta đi ra khỏi phòng. Và để thực hiện lời hứa đó, tôi viết lại chi tiết cuộc nói chuyện đó, dù ít khi tôi viết về những buổi làm việc với an ninh.

Cậu cảnh sát mặc cảnh phục nói khi anh ta đã ra khỏi phòng:

- Thôi anh, giờ ta làm việc của ta đi anh. Anh cho rằng như vậy là không phải mời, nhưng người ta cho rằng như vậy là mời.

- Anh đã nói với chú về chuyện mời, chưa thấy ở đâu có cách mời kỳ lạ như của Công an. Ngay cả cái Giấy mời.

- Giấy mời sao anh?

- Chú thử lấy cái Giấy mời của Công an ra xem đi. Trên Giấy mời thì "Kính mời ông, bà..." nhưng cuối thì đưa một câu "Yêu cầu ông, bà... có mặt đúng thời gian và địa điểm trên" thì là cách mời của đám lục lâm thảo khấu, lấy thịt đè người. Chú có thấy ai đi mời người khác là: "Mời cụ chiều mai 5 giờ về nhà cháu ăn giỗ bố cháu, nhưng yêu cầu cụ có mặt đúng thời gian và địa điểm" thì có bị ăn cái tát vào mặt không?

- À, cái mẫu này lâu lắm rồi mà.

- Thì lâu hay nhanh tôi không rõ. Dù lâu hay mới, nhưng đã thấy sai là phải sửa, đã không phù hợp là phải bỏ, thế thôi. Tôi không nghĩ là lâu hay nhanh, mà đó là thứ văn hóa tao là cha thiên hạ, tao đã nói là mày phải nghe dù mày là ai.

- Hôm nay, Công an Thành phố yêu cầu bọn em lên nhận anh về làm việc.

- Làm việc về vấn đề gì? Tại sao tôi lại phải làm việc hôm nay?

- Thì đấy, Công an Thành phố, cấp trên giao thì phải làm.

- Tôi thấy đó chẳng phải là lý do để tôi phải làm việc với chú. Lẽ ra cấp nào thì cấp, kể cả Thủ tướng có giao chú thì chú phải hỏi ngay: Làm việc gì? tại sao phải làm việc? Chứng cứ, cơ cở pháp luật nào để tôi làm việc. Chú đã nhận, thì nó phải giao lại cho chú chứ. Còn trường hợp nó bắt mà không chứng cứ, vi phạm pháp luật, chú phải từ chối ngay chứ. Chẳng lẽ giờ chú cũng chẳng có cơ sở nào để làm việc thì chiều chú lại giao về cấp phường là cấp dưới, thế là chúng nó lại cứ "làm việc vì cấp trên giao" à?

- Nhưng, đấy là nhiệm vụ, bọn em chỉ thi hành nhiệm vụ thôi.

- À, cứ nhiệm vụ thì có nghĩa là bất chấp luật pháp và lương tâm à? Tôi nói chú rõ nhé: Con người ta khác với con vật, khác với cái robot, nghĩa là cứ theo lệnh chủ, bấm nút là cắt, dù là rau, thịt hay là cắt đầu người.

Bởi vì sao chú biết không? Vì chúng ta là con người. Mà con người thì có một trái tim và một khối óc để nhận biết điều gì sai, điều gì đúng. Nếu đúng ta làm, nếu sai thì ta có quyền từ chối. Pháp luật không buộc được ai phải làm điều sai trái, ngay cả với lương tâm mình. Do vậy, chú đừng nại ra lý do là"nhiệm vụ", nếu còn là con người. Người công nhân, khi được giao nhiệm vụ làm việc gì mà họ thấy không đúng, không an toàn, họ có quyền từ chối, luật lao động cũng quy định như vậy. Giờ bọn Thành phố thấy việc này không đúng, giao cho chú, chú làm thì có phải là nguy hiểm cho chú không? Vì chú sẽ vi phạm luật pháp. Còn thằng trên, thì chú làm được việc, nó hưởng thành công, chú làm sai, khi có hậu quả gì thì chú chịu.

Về lương tâm, thì thằng Ninh, cũng ở Quận này, dù nó là công an nên chỉ bị xử tù có 4 năm khi giết ông Tùng, giờ đã về. Nhưng thử hỏi cả đời nó có được thanh thản không? Con cháu nó sẽ được hưởng điều gì khi có một ông bố giết người?

Phần tôi, tôi không chấp nhận bất cứ sự vi hiến và phi pháp nào. Do vậy mà tôi không chấp nhận cách làm này. Còn nếu chú muốn, hôm sau chú cứ đưa giấy mời hẳn hoi, tôi sẽ xem xét và nếu thấy hợp lý, tôi sẽ lên đây làm việc với chú thoải mái. Còn hôm nay thì không.

- Thôi, nhưng đã về đây thì chúng ta cũng làm việc chút, nhanh hay chậm là do anh. Đề nghị anh tắt điện thoại đi để ta làm việc cho nhanh.

- Này chú. Tôi nói thật nhé. Khi đã bị bắt về công an, thì tôi đã xác định rồi, nên nhanh hay chậm đâu có mấy ý nghĩa. Với lại, tại sao tôi phải tắt điện thoại? Tôi bị bắt vào công an, mọi người và gia đình ở ngoài không biết khi nào thì tôi lại được giáo dục rồi ân hận mà tự tử bằng dây xỏ giày, hoặc treo cổ ngồi, hoặc bị đánh chết vì rửa bát không sạch... nên tôi phải có điện thoại để họ nắm được thông tin. Sau này gia đình còn biết giờ chết, ngày giỗ mà thông báo và làm giỗ cho tôi, sao tôi lại phải tắt khi anh là một công dân có đầy đủ quyền của mình?

Chú thử xem, chú bảo làm việc là việc gì? Tôi chẳng có kế hoạch làm việc với công an hôm nay, cũng chẳng có hợp đồng hay nghĩa vụ gì. Chú xem cái tờ giấy chú đang định viết đó là gì? Biên bản ghi lời khai? Vậy tôi là gì mà phải biên bản ghi lời khai hôm nay? Tội phạm à?

- Vậy là anh nhất định không làm việc?

- Không. Tôi từ chối làm việc theo cách này và tôi phản đối cách hành xử ép buộc công dân kiểu xã hội đen như hôm nay của Công an. Thôi, giờ cũng trưa rồi, tôi về.

- Không được anh ạ. Anh ngồi chờ chút.

Rồi cậu cảnh sát mặc cảnh phục đi ra khỏi phòng, lần lượt các chú an ninh mà bao năm nay lượn lờ, canh gác rình mò quanh nhà tôi xuất hiện. Một chú nói:

- Em biết anh từ lâu, các cuộc biểu tình trước đây cũng vậy. Thôi anh ạ. Mọi việc thì đã có đảng và nhà nước lo.

- Chú nói thế đã hiểu đảng và nhà nước lo như thế nào chưa? Chú có học hành không, có biết lịch sử đất nước này bao đời nay không hề lấy một tấc đất giao cho giặc, vì cha ông đã nói: Lấy một tấc đất làm mồi cho giặc thì phải tru di. Vậy mà chỉ có khi Cộng sản chiếm đất nước này 70 năm nay, đất nước này lần lượt mất từng phần vào tay giặc phương Bắc, bạn vàng của đảng. Bắt đầu là Hoàng Sa, giờ là Trường Sa, rồi hiệp định, hiệp ước của đảng với giặc về biên giới, lãnh thổ... mất dần. Vậy theo chú, đảng và nhà nước lo được cái gì? Lo giao cho giặc hay lo bảo vệ thì chú biết rồi đấy.

Thế nên, đừng khi nào cũng cứ đã có đảng và nhà nước lo nhé. Sao đảng và nhà nước không lo mẹ nó luôn cả các thứ thuế đi, lại bắt dân đóng cho đảng tiêu?

- Anh thấy đấy, đi biểu tình phản đối như vậy đâu giải quyết được gì?

- Làm sao mà giải quyết được gì khi người ta đang đi bộ trên phố thì công an đã xông vào như đám trộm cướp rồi bắt về làm việc như hôm nay. Làm sao làm được gì khi đảng sử dụng tiền thuế người dân để nuôi công an, mua sắm các thiết bị, vũ khí đàn áp người dân tay không tấc sắt mà chỉ có đóng thuế và lòng yêu nước.

Nhưng, dù làm được gì hay không, thì đó cũng là một thái độ cần có khi mất nước, khi môi trường sống bị hủy hoại, con cháu ta sẽ lãnh hậu quả, trong đó có gia đình các chú, con cháu các chú. Cũng như con chó thôi, khi bị đá một cái, dù nó không cắn lại được, thì nó vẫn ẳng lên mấy cái để phản đối chứ nó không chui vào gậm giường chấp nhận đá nó vô lý. Chú hiểu chứ.

- Nhưng làm gì thì cũng cần có thế và lực anh ạ. Đất nước chúng ta bé so với Trung Quốc, thế và lực chúng ta không đủ đánh nó.

- Vì sao ra nông nỗi thế chú biết không?

- Không, theo anh là vì sao?

- Vì "sự lãnh đạo tài tình và tuyệt đối của đảng". Vì tham nhũng, ăn cắp, ăn cướp đã là quốc nạn, đục khoét ngân khố, bán tài nguyên khoáng sản tiêu không cần biết đến tương lai con cháu. Vì tiêu diệt lòng yêu nước của người dân bằng công an rình rập như các chú, bằng trấn áp, bắt bớ, bằng giữ mối quan hệ bạn vàng với kẻ thù của dân tộc... Thử hỏi đất nước này đã có bao giờ là to và lớn so với Trung Quốc chưa? Vậy mà cha ông ta sao lại không bán mẹ nó đi cho Tàu vì "thế và lực" như chú nói?

Cậu cảnh sát mặc cảnh phục quay lại - cứ một lúc, cậu ấy lại đi hội ý- ngồi vào ghế:

- Vậy nếu là anh, trong vai trò lãnh đạo có quyền quyết định, thì anh sẽ làm gì?

- Làm gì ư? Trước hết, là xóa bỏ chế độ độc tài. Bởi bất cứ sự độc tài nào cũng dẫn đến tha hóa và lạm dụng quyền lực. Đơn giản thế thôi, giờ cả thế giới chỉ còn mấy cái ổ độc tài và nó là nguyên nhân đói khổ, tụt hậu và là địa ngục của người dân như Bắc Hàn, Cuba, Việt Nam.

- Chẳng hạn như vụ cá chết này, anh sẽ làm gì?

- Nếu là tôi, trước hết, cần ngay lập tức khoanh vùng lại, kiểm tra phonng tỏa ngay nguồn nghi gây ô nhiễm. Huy động các cơ quan để xác định xem vùng nào đã bị nhiễm độc, loài hải sản nào đã bị nhiễm đến đâu, khu vực nào sử dụng được, loại nào ăn được loại nào không và nhất là thông báo rộng rãi, công khai, minh bạch để dân biết mà còn liệu cho mình. Chứ đếch phải là mấy thằng lãnh đạo kêu dân cứ ăn cá nhiễm độc, cứ tắm biển nhiễm độc mà không cần biết nó nhiễm đến đâu, nguy hiểm như thế nào. Thậm chí là còn đi quảng cáo cho thần chết bằng trò thi nhau tắm và ăn hải sản khi mà dân chưa hiểu chỗ nào nguy hiểm, chỗ nào an toàn.

Nhưng, vấn đề ở đây lại khác, sự loanh quanh của nhà nước - loanh quanh chứ không phải là bất lực trong việc này - đã đưa đến cho người dân suy nghĩ đến điều gì đằng sau nó. Và họ không tin, và họ phát biểu ý kiến, và họ xuống đường, và công an bắt, và công an lộng hành.

Nhưng, tớ nói thật việc đàn áp, bắt bớ như vậy, chỉ phản tác dụng mà thôi. Điều này nó thể hiện được một câu trả lời cốt lõi: Đảng, nhà nước đang đứng về phía nào trong thảm họa này: Thủ phạm hay nạn nhân.

Và kẻ nào đứng về phía chống lại nạn nhân, thì hoặc đó là đồng lõa, hoặc chính đó là thủ phạm mà thôi.

(Còn nữa)

Hà Nội, ngày 11/5/2016

· J.B Nguyễn Hữu Vinh

Tôi từ chối làm việc! - Phần IV

Đã quá giờ trưa, cậu cảnh sát nói:

- Giờ để em gọi cơm về đây anh em cùng ăn nhé.

Tôi nói ngay:

- Tôi không có nhu cầu ăn cơm của công an. Thôi, muộn rồi tôi về, khi nào cần gì, chú cứ đưa giấy mời, nếu bố trí được thời gian, tôi lên làm việc với chú sau.

- Không được anh ạ. Nếu anh đồng ý làm việc thì xong từ lâu, nhưng anh không làm việc.

- Tôi đã nói rõ từ đầu, là tôi không làm việc gì hết. Mà có làm việc, thì chẳng có luật pháp nào bắt tôi phải làm việc qua buổi trưa. Còn nếu chú cứ ép tôi làm việc, thì tôi sử dụng quyền im lặng của tôi hoặc tôi sẽ mời luật sư.

Khi tôi nhất định về, cậu cảnh sát và mấy cậu an ninh đứng chắn ngang cửa. Tôi nói rõ:

- Tôi phản đối cách làm việc của các chú. Giờ thì kể cả chú chặt chân tôi ngay, hay đánh chết tôi tại chỗ, tôi vẫn về.

- Thôi, anh chờ em chút. Nói rồi, chú cảnh sát mặc cảnh phục ra ngoài.

Tôi lại ngồi xuống ghế, bên cạnh là một chú an ninh vẫn ngồi từ đầu đến giờ, khổ thân chú là vẫn chưa được ăn uống gì. Một lúc sau chú cảnh sát mặc cảnh phục quay lại. Bỗng nhiên, anh đội phó an ninh lại vào:
...

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire