14/07/2016

Điều gì sẽ xảy ra sau phán quyết Biển Đông?


Vĩnh Nguyên

Liệu sau phán quyết của PCA, hạm đội Nam Hải của Trung Quốc có còn tập trận ở Hoàng Sa (của Việt Nam) như thời điểm tháng 5.2016 hay không?

Phán quyết trong vụ kiện Biển Đông của Philippines chống lại Trung Quốc được nhìn nhận là một thắng lợi rất ý nghĩa về mặt pháp lý, song không nhiều người tin rằng nó sẽ làm Biển Đông ít dậy sóng hơn.
 
 


Phán quyết của tòa đã bác bỏ những yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc, từ đường lưỡi bò tham lam mà Trung Quốc vẽ ra bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế cho các cấu trúc mà họ chiếm đóng cũng như những hành động cải tạo đảo sai trái nước này tiến hành hơn 2 năm qua trên 7 cấu trúc ở quần đảo Trường Sa.
 

Richard Javad Heydarian, chuyên gia về an ninh khu vực tại Đại học De La Salle ở Malaysia, nhận định: Phán quyết là kịch bản tốt nhất mà ít người cho là có thể xảy ra. Các luật sư của Philippines vui mừng với một thắng lợi quan trọng cho vụ kiện mà họ đeo đuổi suốt 3 năm qua.

Luật sư Paul Reichler của Công ty luật Mỹ Folay Hoag LLP, đại diện cho Philippines trong vụ kiện, nói rằng, phán quyết này không chỉ có lợi cho Philippines mà cả các nước khác giáp giới Biển Đông như Indonesia, Malaysia và Việt Nam. “Nếu đường lưỡi bò của Trung Quốc vô giá trị với Philippines, nó cũng vô giá trị như thế với các nước đó và có lẽ với cả các nước còn lại trong cộng đồng quốc tế”.

Nhưng giờ đây, điều gì sẽ diễn ra sau vụ kiện, nhất là trong bối cảnh Philippines có chính quyền mới, quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở nên phức tạp?

Trước hết, về phía Philippines, hy vọng cho quan hệ với Trung Quốc, hy vọng cho mối quan hệ này trôi chảy hơn giờ phụ thuộc vào phản ứng của Bắc Kinh, Ramon Casiple - bình luận viên chính trị ở Manila - nói. Ông cảnh báo phản ứng dữ dội từ Trung Quốc có thể cô lập Tổng thống Rodrigo Duterte - người chủ trương một thái độ mềm mỏng hơn với Trung Quốc về vấn đề này. “Quả bóng giờ trong sân Trung Quốc, mọi chuyện phụ thuộc vào họ”, Casiple nói.

Phán quyết có thể sẽ khiến Tổng thống Duterte tiến thoái lưỡng nan. Khác với người tiền nhiệm đã khởi kiện và rất cứng rắn với Trung Quốc, ông Duterte muốn sửa chữa quan hệ này, nhưng ông cũng không thể tỏ ra yếu ớt khi động đến vấn đề bảo vệ chủ quyền của Philippines. Chưa rõ ông sẽ làm thế nào, song các quan chức của ông đều khẳng định chủ quyền là tối thượng và không thể thỏa hiệp.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Cater (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin trên máy bay của hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS John Stennis trên Biển Đông tháng 4.2016. 
Các nhà phân tích cũng nhận định, sóng Biển Đông có dậy lên mạnh mẽ hơn hay không là phụ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc, mà Trung Quốc trước hết sẽ nhìn vào phản ứng của các nước. Trong khu vực, các nước láng giềng của Philippines cũng theo dõi vụ này chặt chẽ. Trước phán quyết, Bộ Ngoại giao Indonesia kêu gọi các bên kiềm chế những hành động có thể gây căng thẳng. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nói rằng, tranh chấp có thể giải quyết “phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã “lo liệu” trước từ lâu để ngăn ASEAN có quan điểm thống nhất mạnh mẽ về vấn đề này. Campuchia, nước thân thiết với Trung Quốc, đã lên tiếng trước phán quyết nói họ sẽ không tham gia bất kỳ tuyên bố chung nào của ASEAN về phán quyết.

 Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai cho biết, ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý. Hơn ai hết, ASEAN hiểu rất rõ rằng, chỉ có đoàn kết mới duy trì được sức mạnh của khu vực, nhất là khi họ không thể thay đổi láng giềng và chỉ có một môi trường hòa bình, ổn định trong quan hệ với Trung Quốc mới có thể tạo điều kiện cho cả hai bên phát triển.

Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng, gọi quyết định dài 479 trang của tòa là “vô giá trị” và nói sẽ “không chấp nhận hoặc công nhận nó”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thậm chí còn gọi phán quyết là trò hề. Tất nhiên, quan trọng hơn những gì Trung Quốc nói là những gì Trung Quốc sẽ làm và họ sẽ phải tính toán kỹ hành động của mình.

Trung Quốc có thể tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nhưng điều này sẽ khiến Mỹ và các nước khác thách thức ADIZ. Rút khỏi UNCLOS thì Trung Quốc sẽ mất đi quyền khai thác đáy biển cũng như các lợi ích khác mà UNCLOS quy định. Còn nếu họ cải tạo bãi cạn Scarborough nằm cách căn cứ hải quân của Mỹ tại Philippines chỉ hơn 200km thì có thể Mỹ sẽ có đáp trả hải quân - mọi lựa chọn đều có giá không dễ chịu.

Các công trình Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma thuộc Trường Sa của Việt Nam. 

Nhưng Trung Quốc cũng sẽ khó mà tỏ ra mềm mỏng khi tham vọng và hình ảnh của họ bị đe dọa. Trung Quốc tập trận trên vùng biển Hoàng Sa cả tuần và kết thúc bằng ngày tập bắn đạn thật ngay trước phán quyết. Trong thời điểm phán quyết được đưa ra thì Trung Quốc cũng tuyên bố thử hiệu chỉnh thành công ở các sân bay xây trên các đảo nhân tạo Vành Khăn và Xu Bi - đó là những dấu hiệu mang tính cảnh báo rất rõ. Song các nhà phân tích cho rằng, đương nhiên Trung Quốc sẽ căng thẳng nhưng không thể để mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát.

Chắc chắn giờ đây Trung Quốc thấy rằng, chiến thuật bắt nạt, cưỡng ép của họ như cách hành xử lâu nay trên Biển Đông là không hiệu quả, nó gây căng thẳng trong khu vực hơn là khiến các nước láng giềng phải đầu hàng và khoan nhượng trong tuyên bố chủ quyền, nên họ đã vừa đấm vừa xoa, vừa thể hiện sức mạnh quân sự, vừa dùng sức mạnh mềm của kinh tế, viện trợ.

“Phán quyết chắc chắn sẽ làm gia tăng xung đột và thậm chí đối đầu” - Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiện Khải, 12.7.2016.

Mỹ, Nhật, Australia đều lên tiếng kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết và ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế. Nhưng phán quyết có thể làm quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng hơn, như vốn thế từ lâu nay xuất phát từ cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc. Trước mắt, Mỹ đang có năm bầu cử nên Biển Đông sẽ không phải là chú ý lớn của Mỹ. Cho dù Mỹ không muốn chiến tranh với Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Mỹ luôn lo ngại việc nhượng bộ sẽ khiến Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo trên tuyến đường hàng hải đông đúc bậc nhất thế giới.

Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã nói rằng, Trung Quốc có “khả năng to lớn” để tăng cường sức mạnh quân sự đáng kể ở khu vực vào năm 2017.

Victor Gao - nhà phân tích các vấn đề quốc tế, cựu phiên dịch của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình - cũng đồng ý: “Trung Quốc đã nói với Mỹ rằng những ngày mà Trung Quốc có thể bị bắt nạt đã qua mãi mãi” - ông nói với kênh NBC News của Mỹ.

“Nếu Mỹ có thể đưa tàu chiến đến Biển Đông, Trung Quốc cũng có thể làm tương tự - đưa tàu đến Carribea, vịnh Mexico và vùng biển ngoài khơi California. Nếu Mỹ không tin điều đó, hãy đợi xem những gì xảy ra và lúc đó có thể là quá muộn”.

Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển đã ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc với các điểm chính sau:

- Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.

- Không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế.

- Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này. Các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của Philippines.

- Hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc của quần đảo Trường Sa đã gây hại nghiêm trọng với môi trường, vi phạm nghĩa vụ bảo tồn.

- Hoạt động bồi đắp của Trung Quốc phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các bên.
 

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire