Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn duyệt đội ngũ tại cảng Cao Hùng. |
Việc Đài Loan "liên thủ" với Trung Quốc chủ yếu là do hòn đảo này
và Bắc Kinh có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông giống nhau. Theo phán quyết
của PCA, đảo Ba Bình tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Đài
Loan đang chiếm đóng trái phép chỉ được xem là "đá" chứ không phải là
đảo và không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý quanh đảo.
Ngay lập tức ngày 13.7, một tàu chiến Đài Loan đã thực hiện cuộc tuần
tra trái phép quanh đảo Ba Bình để thể hiện sự chống đối của Đài Bắc với phán
quyết của PCA.
Trước khi tàu chiến khởi hành, nữ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã đến
thăm và phát biểu trước các thủy thủ trên tàu. Bà Thái chỉ đạo lực lượng này
"bảo vệ lãnh thổ của Đài Loan" ở Biển Đông cùng cái gọi là "chủ
quyền Đài Loan" ở quần đảo Trường Sa.
"Phán quyết Biển Đông, đặc biệt là việc phân loại đảo Thái Bình (cách
Đài Loan gọi đảo Ba Bình của Việt Nam) đã gây phương hại đến lợi ích của
chúng ta trên các đảo ở Biển Đông và các vùng biển liên quan", nữ lãnh
đạo Đài Loan tuyên bố trong chuyến thăm tàu hộ vệ tên lửa Khang Định ở cảng Cao
Hùng.
"Sứ mệnh tuần tra lần này sẽ thể hiện quyết tâm của Đài Loan trong
việc bảo vệ quyền lợi của mình", bà Thái nói trước khi rời khỏi tàu
hộ vệ tên lửa. Cơ quan quân sự của Đài Loan cũng tuyên bố sẽ tiếp tục điều thêm
máy bay và tàu chiến tuần tra trong khu vực, đồng thời duy trì "cảnh
giác cao độ" để bảo vệ an ninh.
Trước đó, trong một tuyên bố hôm 12.7, bà Thái Anh Văn nói rằng phán quyết
của PCA không có đủ thẩm quyền để Đài Bắc phải tuân theo. Tuyên bố
của lãnh đão Đài Loan trái ngược với tuyên bố của đồng minh hòn đảo này
là Mỹ về việc Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của PCA.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản hồi về phán quyết của Tòa Trọng tài,
nói rằng Bắc Kinh không công nhận phán quyết của PCA được thành lập
theo đề nghị của Philippines.
"Phán quyết mà tòa đưa ra không có giá trị và không có tính ràng buộc.
Trung Quốc không chấp nhận và cũng không công nhận phán quyết này... Chủ quyền
lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc trong bất kỳ trường hợp nào
đều sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết này. Trung Quốc phản đối và không
bao giờ chấp nhận bất cứ chủ trương hay hành động nào dựa trên phán quyết
này", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hôm 12.7, thách thức phán
quyết của PCA.
Cùng ngày, Tân Hoa Xã thông báo rằng trước khi PCA ra phán quyết
về vụ kiện của Philippines, một máy bay dân sự của Trung Quốc đã đáp xuống
2 sân bay trên các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc
chủ quyền của Việt Nam để... "kiểm tra đường băng".
Trung Quốc và Đài Loan cùng chia sẻ yêu sách "đường chín
đoạn", theo đó đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Bản đồ "đường
chín đoạn" ban đầu là "đường mười một đoạn" do chính quyền Tưởng
Giới Thạch vẽ nên vào năm 1947. Sau nội chiến tại Trung Quốc, năm 1949 quân của
Tưởng Giới Thạch rút chạy ra đảo Đài Loan và trở thành một hòn đảo lý khai cho
tới ngày nay.
Khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, Bắc Kinh tuyên
bố mọi yêu sách lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc trước kia đều sẽ được họ tiếp
nhận. Trung Quốc luôn tuyên bố sẽ thống nhất với Đài Loan, kể cả phải dùng vũ
lực.
Theo giáo sư Nick Bisley, một giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại
học La Trobe ở Melbourne, Úc thì bà Thái Anh Văn sẽ "gặp khó"
khi đưa ra lập trường của hòn đảo này giống với Trung Quốc. "Để duy
trì lập trường lãnh thổ của Đài Loan mà không giống với Trung Quốc là điều
rất khó", ông Bisley nói.
Ba Bình là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị lực lượng
Đài Loan chiếm đóng phi pháp từ năm 1946. Đài Loan đang quản lý hàng loạt cơ sở
quân sự, dân sự và một sân bay trên đảo Ba Bình. Đài Bắc cũng nhiều
lần nâng cấp, cải tạo đảo Ba Bình nhưng với quy mô nhỏ.
Gần đây nhất, ngày 15.4, chính quyền Đài Loan đã tổ chức chuyến đi trái
phép dành cho các học giả quốc tế đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của
Việt Nam và tuyên bố chuyến đi "nhằm khẳng định đảo Ba Bình là một hòn
đảo, chứ không phải bãi đá".
PCA ngày 12.7 đã ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách
chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, theo đó khẳng định “không có cơ sở
pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên
trong vùng biển nằm trong đường chín đoạn”.
Thiên Hà (theo BloomBerg, Daily Mail)
Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire