Phạm Đoan Trang
Những năm tháng ấy, dù chẳng biết gì về chính trị, nhưng tôi đã loáng thoáng nghe về blog Anh Ba Sàm – một nơi đăng rất nhiều tài liệu về sự thật quan hệ Việt-Trung, chiến tranh biên giới, tranh chấp chủ quyền biển đảo, v.v. Tôi nhớ láng máng có lần tôi tình cờ mò vào Thông Tấn Xã Vỉa Hè, đọc vài bài mà… thất kinh, phải chạy vội ra, vì thấy toàn chủ đề nhạy cảm – trong mắt một phóng viên lề phải là tôi hồi ấy.
Rồi trang web của Ba Sàm dần dần nổi lên, ngay cả với giới báo chí quốc doanh. Có nhiều lý do: Vì người ta thích đọc những bình luận dí dỏm, hài hước của một ông “ba sàm” nào đấy (tự nhận mình như thế, chứng tỏ khả năng tự trào của ông ấy phải rất cao). Vì người ta thấy ở đó một nguồn tư liệu dồi dào, gồm những bài của cả hai phía, chính thống và “phản động”. Hay cũng có thể vì người ta thấy Ba Sàm gần gũi, thân thiết với độc giả hơn là một trang web nào đó đặt ở hải ngoại…
Riêng tôi thì tôi biết, có những nhà báo lề phải rất ngại, rất sợ trang Thông Tấn Xã Vỉa Hè, nhưng vẫn hay lặng lẽ vào đó đọc, và đặc biệt vui mừng khi thấy bài của họ được Ba Sàm điểm. Bởi bài mà Ba Sàm điểm thường là bài báo tốt, có nhiều thông tin, và sau khi được Thông Tấn Xã Vỉa Hè dẫn link thì thể nào lượng đọc bài báo đó cũng tăng lên.
Tôi tin Ba Sàm là một nhà báo xuất sắc, một người thực sự có khả năng khai dân trí như anh luôn mong mỏi. Cách tiếp cận của anh sắc sảo, nhưng cũng vừa đủ độ ôn hòa để không làm những người đọc bình thường khiếp hãi (tất nhiên, trừ những người quá nhát như tôi hồi đó). Anh cũng luôn bảo vệ nguồn tin, như một nhà báo phương Tây chuyên nghiệp vậy, và điều ấy khiến nhiều nhà báo lề phải có thể tin tưởng ở anh để mà gửi thông tin, tài liệu… cho anh, thậm chí nhờ anh phổ biến giúp.
Với tôi, anh đã như là chiếc cầu nối của hai lề, trái và phải. Và còn hơn thế nữa, anh là hiện thân của niềm hy vọng rằng Việt Nam còn có thể chuyển đổi ôn hòa thành một nền dân chủ.
Từ sau khi anh bị bắt, tôi không còn tin vào xu hướng đó nữa. Bắt Anh Ba Sàm, công an Việt Nam đã từ chối cơ hội mong manh cho một sự thay đổi ôn hòa. Nói cách khác, việc bắt giam một trong vài gương mặt ôn hòa nhất trong những người đấu tranh dân chủ cho thấy công an cần gì ôn với hòa, họ khoái bạo lực hơn nhiều và đương nhiên, rất ghét sự thay đổi.
Ngày 22/9 này, Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy lại ra tòa, tại một trong vô vàn phiên tòa nhạo báng công lý ở Việt Nam. Nhưng tôi biết, dù bản án có là bao nhiêu năm đi chăng nữa, cả hai người cũng sẽ chẳng bao giờ hối hận. Họ có thừa tư cách để tự hào, vì đã làm nên trang blog nổi tiếng nhất trong những blog cổ súy lòng yêu nước, yêu tự do-dân chủ, yêu con người và thúc đẩy sự thay đổi ở Việt Nam.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire