Phạm Thanh Nghiên
Sài Gòn ngày 11 tháng 10 năm 2016.
Nấm yêu thương!
Bác sẽ không xưng là bác Nấm như mọi hôm nữa dù đó là tên thân mật được bố mẹ bác đặt cho khi còn nhỏ. Bác xưng là “bác Nghiên” để các cô chú khác khỏi phải cằn nhằn “Nấm bác, Nấm cháu nghe rắc rối quá”. Rồi lại cười hai bác cháu mình.
Nấm thương! Cháu có biết hôm nay là ngày gì không? Là ngày mà 5 năm trước Liên Hợp Quốc chọn làm “Ngày Quốc tế của Trẻ em gái”. Có nghĩa là Nấm của bác cũng thuộc về tất cả những bé gái trên thế giới này mà người lớn có trách nhiệm phải bảo vệ, chăm sóc và che chở.
Nhưng Nấm của bác lại sinh ra tại một đất nước mà ngay cả quyền căn bản nhất là quyền được sống, thậm chí quyền được an táng sau khi chết còn không được tôn trọng. Hơn thế, Nấm lại được sinh ra bởi một người mẹ dám đứng lên chống lại bất công và dấn thân cho công lý, sự thật. Cho nên, Nấm phải trở thành một đứa trẻ đặc biệt ngoài ý muốn.
Tuổi thơ của Nấm và em Gấu phải chứng kiến nhiều lần cảnh mẹ Quỳnh bị bắt bớ, đánh đập, sách nhiễu. Không ít lần Nấm ôm bà ngoại hỏi: “Mẹ con đi đâu rồi?”, “Mẹ con có về nữa không?”, “Mẹ con lại bị bắt hả bà?”..., rồi nhạt nhòa nước mắt. Nhưng rồi lần nào mẹ Quỳnh cũng về với Nấm và Gấu, dù có muộn một tí, dù có bị vài vết thương trên người, trên mặt.
Đêm qua, mẹ Quỳnh không về. Sáng nay bà ngoại nói chuyện điện thoại với bác Nghiên, méc là thằng Gấu khóc lắm, nó không chịu ngủ. Bà phải nói dối: “Mẹ con đi công tác ít hôm sẽ về”, nó mới chịu ngủ. Nhưng bác Nghiên cũng không chắc là bà ngoại còn có thể nói dối Gấu đến bao giờ. Thằng Gấu khôn lắm, nói dối nó đâu có dễ. Bác Nghiên chợt rùng mình với ý nghĩ: lỡ sau này thằng Gấu lớn bằng chị Nấm, mẹ Quỳnh mới về thì sao?
Nấm thương yêu!
Bác Nghiên biết là Nấm rất giỏi, và ngoan nữa.
Hôm qua, Nấm là người đầu tiên trong nhà nhìn thấy mẹ Quỳnh bị còng tay. Rồi các chú công an đông lắm, rầm rầm tràn vào nhà khám xét, lục lọi. Nấm cứ ngồi một góc quan sát mọi thứ đang diễn ra trước mắt. Bà cố năm nay 90 tuổi ngồi xe lăn, cũng phải xem hết những cảnh ấy từ đầu đến cuối, suốt bốn tiếng đồng hồ.
Bà ngoại giục Nấm ăn cơm để còn đi học. Trước khi đi, Nấm còn chào mẹ Quỳnh. Mẹ Quỳnh lúc ấy vẫn bị còng tay, cười với Nấm. Cả Nấm lẫn mẹ Quỳnh đều bình thản đến khó tin. Bác Nghiên hiểu điều gì đang diễn ra trong đầu óc và tâm hồn một bé gái mới mười tuổi chứng kiến cảnh hàng chục công an còng tay bắt mẹ nó, mà nó không khóc.
Nấm yêu thương! Đến giờ bác vẫn tiếc vì tháng trước đến thăm, bác Nghiên không chụp chung với cả nhà tấm hình nào. Nhưng bác vẫn còn giữ chú Gấu bông mà hai chị em Nấm-Gấu tặng bác hồi mùa đông 2014. Cả lá thư với những lời lẽ đầy yêu thương và hồn nhiên mà Nấm viết cho bác nữa. Nhưng bác lại để lá thư và món quà nhỏ ở Hải Phòng mất rồi, không mang theo vào Sài Gòn để chụp hình lên khoe với mọi người.
Bác phải cảm ơn Nấm và Gấu, cảm ơn mẹ Quỳnh. Hồi mẹ bác mất, bác suy sụp lắm và đau ốm luôn. Không ít lần bác nghĩ đến cái chết. Bác Nghiên hư quá, đúng không Nấm và Gấu? Chính vì thế mà mẹ Quỳnh luôn an ủi, khích lệ tinh thần bác. Nhưng bác nói thật, mẹ Quỳnh không khéo ăn khéo nói, không có sức thuyết phục bằng Nấm và Gấu tẹo nào hết. Nấm hứa là sau này không được méc lại với mẹ Quỳnh là bác Nghiên nói xấu mẹ Quỳnh nhé. Nói chuyện với hai đứa, và nhất là lúc nhận được quà từ tận Nha Trang gửi vào Hải Phòng, bác vui ơi là vui. Bác cảm ơn hai chị em nhiều nghen.
Nấm biết không? Lần nào nói chuyện với bác Nghiên, mẹ Quỳnh cũng giục bác sinh em bé đấy. Còn hứa là sẽ cho em bé nhà bác Nghiên được làm “anh” hoặc “chị” của Nấm và Gấu vì hai đứa là con bà dì mà, hihihi.
Nhưng làm sao mà bác Nghiên có em bé để làm anh hay chị của Nấm và Gấu được. Bác Nghiên và bác Tú đều lớn tuổi rồi, trong người lại mang nhiều bệnh tật. Với lại bác Tú khi ra tù, không được người ta cấp giấy tờ tùy thân. Thế nên hai bác lấy nhau không được làm giấy kết hôn. Khi không có giấy hôn thú thì em bé ra đời sẽ không được làm giấy khai sinh. Mà như thế thì không được quyền có bảo hiểm y tế, không được đi học bình thường. Nói chung là không được bình đẳng như những đứa trẻ khác. Đấy là về luật pháp của nhà nước này, Nấm ạ. Nhưng hai bác đâu có quan trọng chuyện đó. Được gia đình, họ hàng, bạn bè và nhất là được Thiên Chúa chứng giám, là hạnh phúc và đủ đầy lắm rồi.
Với lại, bác sợ nếu có em bé, một ngày nào đó bác hoặc bác Tú phải đi tù lần nữa, thì em bé không có ai chăm sóc. Bác viết đến đây, nước mắt lại ứa ra khi nghĩ đến Gấu và Nấm bé nhỏ của bác. Dù bác biết là bên cạnh hai đứa còn có ngoại. Nhưng ngoại cũng lớn tuổi rồi. Ngoại còn có bà cố năm nay 90 tuổi. Hôm qua, chứng kiến cảnh người ta bắt mẹ Quỳnh, cố sốc và bị lên tăng xông đấy. Cố mới được về nhà sau đợt nằm viện vừa rồi, yếu lắm rồi. Nấm phải trở thành người lớn sớm hơn các bạn khác để còn tự lo cho bản thân, chăm em Gấu và đỡ đần ngoại, đỡ đần cố đấy nhé.
Một trong những điều bác lo nhất bây giờ, là Nấm sắp bước vào tuổi dậy thì. Cái tuổi mà con gái cần đến mẹ nhất. Chỉ có mẹ mới nắm bắt được những thay đổi, hiểu được những tâm tư, cảm xúc của để sẻ chia, chỉ bảo, định hướng cho con gái. Thế giới kỷ niệm “Ngày Quốc tế vì Trẻ em gái”, nhưng chưa chắc họ hình dung nổi có những đứa trẻ như Nấm, như Gấu bị mất đi tuổi thơ chỉ vì mẹ nó đấu tranh cho công bằng.
Nấm ơi! Đến đây thì bác không thể viết thêm được gì nữa rồi Nấm ạ. Bác chỉ dặn Nấm là, hãy xứng đáng là con gái mẹ Quỳnh. Khi nào nhớ mẹ, cháu cứ khóc cho thỏa thích nhé. Và nhớ, đừng bao giờ ngừng tự hào về mẹ mình.
Ôm Nấm và Gấu thật chặt!
Bác Nghiên!
11.10.2016
http://phamthanhnghien.blogspot.com/2016/10/thu-cho-nam.html
#FreeMeNam
Mong nước Việt mau có một ngọn gió đổi thay sớm...Thương con của Mẹ Quỳnh!
RépondreSupprimerThay đổi có được kg nhờ vào mong, mà nhờ vào hành động thay đổi ngay bây giờ của chúng ta.
RépondreSupprimer