29/11/2016

Người Việt, Nhất và Bét (2)


Xuân Dương
 
 (GDVN) - Để cho phù hợp với thực tế có lẽ nên đổi câu thành ngữ "tham như mõ" thành dạng hiện đại “tham như cán bộ”.
Xuân Dương :  "Chúng ta sẽ làm thế nào để xây dựng thành công một đất nước “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” khi mà nguồn lực quan trọng nhất là con người lại đang bị xuống cấp nghiêm trọng cả về đạo đức lẫn trình độ khoa học."
Doanh nghiệp cấu kết với tham quan để ăn cắp tài sản công. (Ảnh: VnEconomy.vn)



Thứ tư, nói về doanh nghiệp và doanh nhân

Đóng góp vào chuyện Việt Nam xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới phải kể đến các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu gạo.

Song đóng góp vào việc làm nghèo người nông dân cũng chính là các doanh nghiệp này.

Câu chuyện “được mùa mất giá”, luôn là câu chuyện thời sự không chỉ với người trồng lúa mà còn với người trồng vải thiều, dưa hấu, thanh long…

Người kinh doanh buôn bán - kể cả trong một số siêu thị - sẵn sàng bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng thực phẩm quá hạn, mốc meo…

Hàng nhập lậu (thuốc lá, đồ chơi trẻ em, hoa quả…) bán tràn lan khắp mọi ngõ ngách không được quản lý có “đóng góp to lớn” của những người buôn bán nhỏ.
Doanh nghiệp làm đường xây dựng sẵn sàng bớt xén nguyên vật liệu, dùng vật tư rẻ tiền…  khiến công trình vừa làm xong đã xuống cấp.

Công nghệ bòn rút vật liệu làm đường” là bài viết trên Laodong.com.vn có đoạn:

tham nhũng trong thi công đường sá đã xảy ra từ lâu, nhưng đau xót là các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Giao thông vận tải chẳng có động thái nào chấn chỉnh.

Đường lớn thì ăn theo kiểu lớn, đường nhỏ thì ăn theo nhỏ, thậm chí cả đường làng cũng còn bị cắt xén đủ kiểu”?

Chuyện doanh nghiệp cấu kết với đội ngũ quan chức biến chất hoặc người nhà có chức vụ khai khống khối lượng, nâng giá, đội vốn không có gì bí mật.

Thủy điện xả lũ “đúng quy trình” gây chết người, thiệt hại tài sản của dân xảy ra chưa có hồi kết.

Xe tải trốn trạm thu phí phá nát đường làng, doanh nghiệp xả chất thải chưa xử lý ra môi trường là chuyện “thường ngày ở huyện”. 

Những ví dụ nêu trên chỉ là chuyện nhỏ, chuyện vừa vừa là những mối liên kết làm ăn giữa doanh nghiệp và quan chức nhà nước, những cuộc “đấu thầu công khai” tài sản công mà dư luận đã phanh phui…

Chuyện lớn là doanh nhân vận động hậu trường, hình thành “nhóm lợi ích” nhằm ban hành các chủ trương, đường lối mà truyền thông gọi là “tham nhũng chính sách”… 

Một trong những biểu hiện của “tham nhũng chính sách” là câu chuyện làm đường cao tốc theo kiểu BOT.

Không phải mọi người đều biết ai, nhóm nào được hưởng lợi đầu tiên và nhiều nhất từ chủ trương BOT của Bộ Giao thông Vận tải. 

Chỉ biết rằng “Quốc hội đã có kế hoạch đưa BOT vào chương trình giám sát để chấn chỉnh hoạt động đầu tư này bởi vì động vào là lộ sai phạm”. [5]

Những vụ tiêu cực “chìm xuồng” sẽ vẫn tiếp tục chìm hay sẽ “nổi” như quyết tâm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trước Quốc hội:

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, không để “chìm xuồng” bất cứ vụ tiêu cực nào khi phát hiện” (Tienphong.vn 18/11/2016).

Phản ứng tiêu cực của người dân trong “Vụ nổ súng khiến 19 người thương vong tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông) vào ngày 23/10 là hệ lụy tất yếu do việc tranh chấp đất căng thẳng, dai dẳng giữa người dân với các công ty nhưng không được giải quyết dứt điểm”.

Điều tra của phóng viên Vietnamnet.vn cho thấy “việc giải tỏa, cưỡng chế đất của Công ty Long Sơn có dấu hiệu bất thường, vi phạm pháp luật”. [7]

Được thưởng huân chương như Minh “Sâm”, trở thành người nổi tiếng như Bầu Kiên hay doanh nhân sáng giá như Hà Văn Thắm… vẫn phạm tội phải vào tù không phải là trường hợp cá biệt.

Khuyến khích doanh nhân làm giàu không có nghĩa là để cho doanh nghiệp tự do cướp đất của người dân, không có nghĩa là dung túng cho các hành động vi phạm pháp luật. 

Một trong số ít điểm sáng của doanh nghiệp Việt là ngành kinh doanh sữa.

Tuy nhiên kết quả tìm kiếm với cụm từ “ô nhiễm tại trang trại bò sữa” cho thấy còn có nơi trang trại bò sữa gây ô nhiễm môi trường. 

Vì sao lại ô nhiễm, vì thiếu hệ thống xử lý chất thải, vì đầu tư thêm hệ thống sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và cũng còn vì cái tâm của người kinh doanh.

C.Mác đã từng nói rằng, nếu lợi nhuận lên 300% thì tự treo cổ mình lên nhà tư bản cũng sẵn sàng làm. Bản chất của giới kinh doanh là như vậy và họ không dễ gì từ bỏ.

Liệu có phải phần lớn “doanh nhân thành đạt” đều không tham gia “nhóm lợi ích”, đều công khai, minh bạch, đều không lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi? 

Chỉ khi nào doanh nhân không phải là “nhà tư bản” thì họ mới không vì lợi nhuận.

Thứ năm, nói về cơ quan công quyền và quan chức

Đánh giá tình trạng tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu: "Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có..." và “cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều khiến người dân như bị ngứa ghẻ” (Dantri.com.vn 13/3/2016).

Tuy nhiên, như bình luận trên bài báo đã dẫn “Tham nhũng vẫn… ung dung cười ngạo nghễ”.

Truy tìm nguồn gốc tham nhũng, có ý kiến cho rằng đó là do cơ chế, do công tác cán bộ, do pháp luật không nghiêm…

Những hệ lụy phát sinh từ thói tham lam đang tàn phá sự phát triển của xã hội văn minh. (Ảnh: Tienphong.vn)
Thực ra nguồn gốc của tham nhũng là thói tham lam - đặc tính nguyên thủy nhất mà loài người giữ lại sau khi thoát khỏi đời sống động vật hoang dã.

Ba nguyên nhân của cuộc chiến sinh tồn trong thế giới động vật là tranh giành lãnh thổ, tranh giành nguồn thức ăn và tranh giành con cái (mái).

Trở thành con người văn minh nhưng thật hiếm hoi nếu có ai đó không muốn sở hữu cho riêng mình những thứ mà tổ tiên loài người từng giành giật suốt chiều dài lịch sử.

Sự khác biệt là ở chỗ tại các quốc gia tiên tiến, người dân và quan chức xem thượng tôn pháp luật là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, công dân bị luật pháp  quản lý để không muốn và không dám tham nhũng.

Trong khi đó tại nước ta, có những “nhóm lợi ích độc quyền kinh tế và chính trị” mà sức mạnh của nó nằm trên cả hiến pháp.

Trong khi luật pháp chưa hoàn thiện, công dân chưa được giáo dục theo những chuẩn mực tiến bộ, văn minh thì đội ngũ cán bộ lại - như lời thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ:

Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng.

Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.

Theo xếp hạng mức độ tham nhũng thế giới năm 2015, Việt Nam xếp thứ 112/168 quốc gia được khảo sát.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ mà Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thái Học đề cập:

“Trong năm 2015 có 75% công chức, 85% viên chức trên tổng số công chức, viên chức vi phạm, có hành vi tham ô, tham nhũng, cờ bạc, sinh con thứ 3”, tính bình quân là 80%. [8]

Nếu số liệu ông Nguyễn Thái Học đưa ra là chính xác thì 75% công chức nghĩa là 3/4 số người làm việc trong các cơ quan công quyền “có hành vi tham ô, tham nhũng, cờ bạc, sinh con thứ 3”.

Bao nhiêu người
trong số 75% đó trở thành đại biểu Quốc hội nếu biết rằng Quốc hội khóa 14 có 496 đại biểu trong đó có 21 người ngoài Đảng và 2 người tự ứng cử chiếm 4,6%?

Khái niệm “bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất” xuất hiện trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 đến nay đã lên đến 75% nghĩa là đã trở thành “bộ phận rất lớn”.

Có lẽ vì thế nên thay cụm từ “bộ phận không nhỏ” bằng một cụm từ khác thích hợp hơn.

Điều đáng nói nhất là khá nhiều người trong số 75% công chức “có vi phạm” nêu trên đang hàng ngày rao giảng đạo đức, đang huấn thị người khác phải sống thế nào, làm việc thế nào…

Một đất nước có số công chức tham ô, tham nhũng như thế mà không tụt hậu, không thua kém các nước khác chỉ có thể tìm trong cổ tích.

Quan chức lúc đương nhiệm vừa lót ổ cho mình, vừa lo cho ghế hậu duệ, nhận sổ hưu là nhảy sang công ty, là lập hội để tiếp tục có chức, có quyền.

Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “có thứ trưởng về hưu lại lập hội xin nhà, xin xe”. [9]

Số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy câu nói dân gian “tham như mõ” hoàn toàn sai bởi Việt Nam ngày nay không còn nhóm người gọi là “mõ”, để cho phù hợp với thực tế có lẽ nên đổi câu thành ngữ này thành dạng hiện đại “tham như cán bộ”. 

Nếu không “tham như cán bộ”, vì sao tại Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Hải Dương người ta nhận chức trưởng/phó phòng chỉ để làm nhiệm vụ “đưa công văn, đun nước, pha trà”?

Nếu không “tham như cán bộ” bằng cách nào mà ông Đặng Xuân Thọ - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum, ông Lăng Văn Hòa - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn, ông Trần Cang, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Định,… lại được Vietnamnet.vn “vinh danh” qua bài “Trộm vào nhà, quan chức lộ ra vàng khối, tiền tỷ”? [10]

Trong khi tham nhũng thuộc vào hàng đầu thì việc xử lý hình sự quan tham lại gần như ít nhất thế giới ngoại trừ nét độc đáo mà các nhà nước pháp quyền chưa biết là “rút kinh nghiệm”?

Chúng ta sẽ làm thế nào để xây dựng thành công một đất nước “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” khi mà nguồn lực quan trọng nhất là con người lại đang bị xuống cấp nghiêm trọng cả về đạo đức lẫn trình độ khoa học.

Đây là điều khó khăn nhất, chưa từng có với Đảng, Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ hiện tại.

Muốn vượt qua giai đoạn đầy cam go này, quyết tâm chính trị của lãnh đạo là chưa đủ, còn phải làm sao cho tất cả dân chúng không thờ ơ, không xem đó là nhiệm vụ của người khác. 

Tự làm trong sạch Đảng, bộ máy công quyền là chưa đủ, còn phải chặn đứng đà suy thoái đạo đức xã hội, phải làm sao cho dân biết tuân theo phép nước chứ không phải hành xử như vụ Đoàn Văn Vươn hay quán cà phê Xin Chào.

Không có cách nào khác là Đảng - Chính quyền phải thượng tôn pháp luật, muốn dân tuân theo pháp luật thì người lãnh đạo phải làm gương, cán bộ, đảng viên tham nhũng, thoái hóa chính là tấm gương xấu mà người dân noi theo, điều này đã được cổ nhân đúc kết “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Tài liệu tham khảo:











Xuân Dương

Nguồn: Theo GDVN
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire