10/12/2016

'Vụ phó trung chuyển' : Mánh lới thăng quan, hay thu hút nhân tài?

Nguyễn Hồ

Trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và quyết định chuyển ông Hoàng về UBND TP.Cần Thơ (ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
  Chuyện kỳ lạ vừa phát hiện tại TP.Cần Thơ: Một người chỉ lo đi học, không làm việc ngày nào vẫn được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, rồi nhanh chóng được đề bạt làm Phó vụ trưởng, sau đó được UBND TP.Cần Thơ xin về, đề bạt làm Phó giám đốc một trung tâm
 
 


Theo thông tin từ Báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 1.8.2014, ông Vũ Minh Hoàng, sinh năm 1990, lúc này đang du học ở Trung Quốc, vẫn được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (trụ sở nằm ở TP.Cần Thơ) tuyển dụng làm công chức tập sự, thời gian tập sự 12 tháng.

Theo quyết định tuyển dụng, ông Hoàng được bố trí làm việc tại phòng Nghiên cứu - Tổng hợp trực thuộc văn phòng ban chỉ đạo. Nhưng sau đó ông Hoàng không làm việc tại cơ quan 1 ngày nào, vì vẫn đang đi học ở nước ngoài.

Đến ngày 1.8.2015, ông Hoàng được công nhận hết thời gian tập sự. Chỉ 5 tháng sau, tức vào ngày 15.1.2016, ông Hoàng vẫn đang học ở nước ngoài nhưng ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lại ký quyết định điều động, bổ nhiệm ông Hoàng làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế!

Chỉ 32 ngày sau khi ông Hoàng lên chức phó vụ trưởng, vào ngày 17.2.2016, chính ông Nguyễn Quốc Việt lại ký tiếp quyết định cho ông Hoàng chuyển công tác về UBND TP.Cần Thơ.

Nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết sau khi nhận thông tin vụ việc, Phó thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ đã yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ kiểm tra, báo cáo vụ việc này...

Thực ra, việc tuyển dụng người không thông qua thi tuyển, thậm chí đề bạt chức vụ sớm khi tuổi đời còn trẻ, đều nằm trong quy định về thu hút nhân tài. Điều này có lẽ không sai? Bởi theo giới thiệu, ông Hoàng có học lực rất tốt, có 2 bằng thạc sĩ của các trường nổi tiếng và có chất lượng trên thế giới, sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ, đồng thời đang học tiến sĩ tại Nhật.

Nhưng vấn đề ở chỗ, nếu ông Hoàng học giỏi thực sự, phải chăng vì “sợ” nhân tài này khi tốt nghiệp sẽ về công tác nơi khác, mà Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhiệt tình thái quá, hăng hái nhận người dù anh này vẫn đang đi học?

Điều này thì không có trong quy định! Đi học thì cứ đi học, khi nào xong thì tính chuyện nhận vào làm, ưu tiên nếu trình độ nổi trội. Không có chuyện còn đang đi học mà đã giành chỗ làm của người khác, lại còn “giành” cả ghế Phó vụ trưởng!

Và đề bạt sớm cũng là chuyện không sai. Nhưng bất kỳ ai làm công chức, cán bộ nhà nước đều biết, quy trình đề bạt, bổ nhiệm không hề đơn giản! Từ quy hoạch cán bộ nguồn, xét quá trình công tác, trình độ…

Và quan trọng nhất, là phải thông qua tập thể. Trong khi đó, nhiều cán bộ cấp cao của ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thậm chí còn không biết mặt ông Hoàng, không biết có tên ông này đang công tác tại cơ quan mình, nói chi chuyện đề bạt! Chính ông Vụ trưởng Vụ Kinh tế, cũng không biết mình từng có người phụ tá tên Hoàng!

Vậy chuyện đề bạt ông Hoàng chỉ sau 5 tháng hết thời gian tập sự, mà làm Phó vụ trưởng hẳn hoi, trong khi cả cơ quan ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chỉ một vài cán bộ lãnh đạo biết việc bổ nhiệm, rõ ràng là điều kỳ lạ, khó bào chữa là “đúng quy trình”!

Còn lương thì hồ sơ từ ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chuyển sang UBND TP.Cần Thơ, thể hiện ông Hoàng không được nhận lương trong thời gian du học tự túc và chính sách đó xuyên suốt quá trình học cho đến nay. Do đó hiện UBND TP cũng chưa trả lương cho ông Hoàng.

Nhưng nhận lương hay không chẳng quan trọng. Quan trọng nhất là ông Hoàng chưa hề làm việc ngày nào, chưa hề cống hiến được gì mà đã được ưu ái, chễm chệ “giành” sẵn chiếc ghế Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư- Thương mại và Hội chợ triển lãm, rõ ràng quá bất công và… kỳ lạ!

Người dân nghe chuyện còn thấy kỳ lạ, và liên tưởng đến câu nói: “Đồng chí này là con của đồng chí nào”, huống chi cán bộ công chức, những người hiểu rõ sự phức tạp và khó khăn của quy trình tuyển dụng và bổ nhiệm 1 cán bộ trong bộ máy nhà nước!

Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết, Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ An ninh Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chiều 8.12, đã trả lời báo chí, rằng việc tiếp nhận, đề bạt ông Vũ Minh Hoàng ông không biết vì không hề được tham gia, bàn bạc. Đến thời điểm hiện tại ông cũng không biết mặt ông Hoàng.

“Tôi thấy việc bổ nhiệm ông Hoàng là hy hữu, cá biệt, vì tôi ở cơ quan này 10 năm mà chưa thấy trường hợp nào như thế. Nhà báo nói nhanh thì chưa đúng mà là... quá nhanh!”, thiếu tướng Kết nói.

Hoàng quê ở Bắc Ninh, nhưng được ưu ái "rước về" Cần Thơ, nơi cách xa hàng ngàn kilômét để bổ nhiệm thành cán bộ có chức vụ? Theo nhiều người am tường, có lẽ đây là một thương vụ "gửi gắm" từ các cán bộ có chức vụ ở Bắc, và Hoàng là người thân của họ.

Cán bộ "lánh nạn" như Trịnh Xuân Thanh, từng chọn tỉnh Hậu Giang- miền Tây, xa thủ đô, xem như là nơi an toàn nhất. Và cán bộ ngoài thủ đô Hà Nội, gửi con em vào miền Tây xem ra cũng là chuyện không khó, ví gần giống như sự "trả ơn"" của cán bộ vùng chân chất với "các anh" ngoài ấy.

Báo chí gần đây thông tin nhiều về chuyện cả họ làm quan, nên chọn nơi nào ấy xa xa để Hoàng được vào công tác, là cách an toàn nhất?

Nhưng vì sao Hoàng được tuyển dụng và bổ nhiệm quá "lén lút", khiến nhiều người chung cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ còn không biết mặt, biết tên? Có lẽ, đây chỉ là nơi được chọn để Hoàng được bước chân vào cơ quan nhà nước.

Còn đích thứ 2 chính là cái chức Phó giám đốc Trung tâm? Bởi vậy, họ cố làm cho nhanh quy trình nhận người và bổ nhiệm, và "đẩy" Hoàng về cho UBND TP.Cần Thơ là xong, xem như không ai để ý? Không ngờ, mọi việc được phanh phui...

Với các chức ấy, không bao lâu sau, Hoàng có thể dễ dàng rút lại ra miền Bắc, giữ một chức vụ nào đó tương xứng với cương vị mình đang giữ tại miền Tây. Rõ ràng, công tác cán bộ đang có vấn đề, và một số người đang tìm cách "lách". 

Nguyễn Hồ

 
Nguồn: Theo Blog Nguyễn Hồ
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire