02/02/2017

Cần 480 tỉ đô-la để tái cơ cấu kinh tế! Ở đâu ra vậy?


 
Việt Nam sẽ cần 480 tỉ đô la Mỹ để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2022. Ảnh: Reuters
  


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu rằng cần 480 tỉ đô la Mỹ (tức 10,567 triệu tỷ đồng) để tái cơ cấu nền kinh tế. Không hiểu đây là phát biểu thật hay đùa, và căn cứ nào để ông Bộ trưởng phát biểu như thế?

Số tiền này là cần cho thời kỳ 2016-2020, tức là mỗi năm cần đến 90 tỉ đô-la Mỹ.

Trong khi GDP năm 2015 là 199 tỉ đô-la Mỹ và tổng tích lũy là 50 tỉ đô-la Mỹ.  Như thế, chi phí tái cơ cấu hàng năm vượt cả tổng tích lũy của nền kinh tế!



Với yêu cầu vốn trong 5 năm như trên thì cũng nhiều hơn hẳn tổng đầu tư của suốt  hơn 10 năm trong thời kỳ 2006-2015 (404 triệu đô-la Mỹ).

Lấy đâu ra tiền để đáp ứng yêu cầu điều ông Bộ trưởng đưa ra? Phải chăng ông tuyên bố với tinh thần trách nhiệm của một người có trách nhiệm. Đặt ra thế để thấy rằng từ những năm 2006 đến nay, các kế hoạch đầu tư có vẻ vĩ đại, nhưng nền kinh tế ngày càng bị đẩy dần tới chỗ cực kỳ khó khăn: kinh tế dù có tăng trưởng nhưng là tăng trưởng thiếu chất lượng, lạm phát cao trong rất nhiều năm, thiếu hụt ngân sách tiếp tục tăng không kiểm soát được, và tỷ lệ nợ so với GDP không chỉ của Chính phủ và của cả nền kinh tế ngày càng tăng.

Cái đạt được là tính chất thiếu chất lượng của các dự án đầu tư, tiêu rất nhiều tiền quốc gia, nhưng hầu hết đều lỗ vốn và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong dân chúng.

Số tiền lớn đó, đến 480 tỉ đô-la Mỹ dùng làm gì? Để tái cơ cấu? Các quan chức và báo chí nói rất nhiều đến “tái cơ cấu”, nhưng người đọc như tôi thì vẫn không hiểu tái cơ cấu là gì? Nội dung cụ thể của nó gồm những gì?

Thời trước đây: khi nói đến đổi mới là nói đến thị trường hóa sản xuất với giá cả được tự do hơn thay vì tập trung vào quyền quyết định của một vài quan chức nhà nước. Cụ thể ở nông nghiệp, thị trường hóa là giao đất cho nông dân tự sản xuất và tự tiêu thụ. Cái lợi của đổi mới là rất lớn. Lợi lớn như thế nhưng đâu cần chi, bởi vì thời đó nhà nước khánh kiệt, làm gì có tiền mà chi, chỉ là chuyển đổi cơ chế.

Vậy thì cần hỏi lại: tái cấu trúc có nội dung gì? Mục đích của tái cơ cấu là mang lại lợi ích hay là để chi tiền ra?

Nếu là phát huy vai trò của tư nhân, thì đầu tư là do tư nhân quyết định, đâu cần gì đến vốn nhà nước. Giảm thiểu vai trò của các tập đoàn quốc doanh bằng cách chứng khoán hóa thì lại đưa thêm vốn tiền mặt vào tay nhà nước. Nói tóm lại nếu tái cấu trúc là “cổ phần hóa” thì chính quá trình này tập trung vốn trở lại vào tay nhà nước để đầu tư vào các công trình có công ích thực sự.

Nếu tái cơ cấu là nâng cao vai trò kiểm tra chất lượng của các công trình nhà nước thì thậm chí có thể giảm chi phí mà hiện nay đang bị phung phí, rơi vào tay tham nhũng đầu thời đưa đến công trình chất lượng kém.

Vậy cần phải hiểu tái cơ cấu một cách cụ thể là gì đây? Và đâu là các hành động cụ thể đưa đến yêu cầu 480 tỉ đô-la Mỹ trên?


VQV/VnN-TVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire