Xuân Dương: "Gây thiệt hại cho ngư dân bằng cách đóng những con tàu
“rởm” chính là bọn hại dân.
Khiến các tàu của ngư dân không thể hiện diện trên
vùng biển tổ quốc, tạo điều kiện cho ngoại bang xâm hại chính là bọn bán nước. "
Một tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị gỉ sét vỏ tàu sau vài tháng xuất xưởng - Ảnh: CÔNG VĨNH (Tuổi Trẻ) |
(GDVN) - Tác phẩm "Les Misérables" của đại
văn hào Pháp Victor Hugo ra đời năm 1862. Tên cuốn sách từng được dịch giả
Nguyễn Văn Vĩnh dịch là "Những kẻ khốn nạn".
Tác phẩm "Les Misérables" của đại văn hào
Pháp Victor Hugo ra đời năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là
một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19.
Tại Việt Nam,
theo một số tài liệu trên mạng xã hội, bản dịch đầu tiên tác phẩm "Les
Misérables" sang tiếng Việt là của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản năm
1926.
Tên cuốn sách được dịch là "Những kẻ khốn
nạn", sau này tác phẩm được thay với cái tên nhẹ nhàng hơn: “Những người
khốn khổ”.
Khi viết loạt bài với chủ đề “chết dưới tay Trung Quốc”, người viết không nghĩ mình sẽ đề
cập lại chủ đề này với chính đồng bào mình.
Thay vì chọn tít bài “Chết bởi đồng bào mình” người
viết xin dựa ý cụ Nguyễn Văn Vĩnh mà chọn tít bài “Những kẻ khốn nạn”.
Tít bài ấy, không có ý ám chỉ hay quy kết cho ai, mà
chỉ đơn giản là một hướng suy nghĩ, một luồng tư duy về nhân tình thế thái với
mong muốn sao cho nó đừng bao giờ xảy ra nữa.
Đó là câu chuyện những ngư dân miền biển ở Bình Định,
Phú Yên,… được Chính phủ cho vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ sắt đánh cá xa bờ.
Những đơn vị tham gia đóng tàu cho ngư dân có Công ty
trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương - Nam Định, Công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên Đóng tàu Nam Triệu - Hải Phòng;
Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu Phà Rừng - Hải Phòng,…
Hợp đồng ngư dân ký với doanh nghiệp là vỏ tàu bằng
thép nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã bị Đại Nguyên Dương đánh tráo thành thép
Trung Quốc.
Còn hãng đóng tàu Nam Triệu thì nhặt máy nơi này, hộp
số nơi khác ghép lại với nhau, đã thế còn giảm cấp hộp số từ năm xuống ba khiến
tàu không thể chạy khi có tải trọng lớn…
Các ngư dân còn phải trả tiền thiết kế từ 130 triệu
đến 240 triệu đồng cho bản thiết kế mỗi tàu cho dù chế độ thì họ được
miễn.
Nếu đóng một loạt 5 tàu giống nhau cho các chủ tàu
khác nhau nghĩa là cùng bản thiết kế, người ta đút túi ngon ơ từ 500 triệu đến
một tỷ đồng!
Một tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị gỉ sét vỏ tàu sau vài tháng xuất xưởng - Ảnh: CÔNG VĨNH (Tuổi Trẻ) |
Được biết Nghị định số 67/2014/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban
hành ngày 7/7/2014 nhằm mục đích “quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo
hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy
sản”.
Theo đó “chủ
tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới
với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù
6%/năm…”.
Hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn khai thác hải
sản không chỉ nhằm giúp người dân sinh kế mà còn nhằm mục đích sâu xa hơn đó là
sự khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với vùng biển, vùng đặc quyền
kinh tế theo quy định của công pháp quốc tế.
Ngư dân không chỉ
kiếm sống trên biển mà còn là lực lượng trợ giúp đắc lực cho Kiểm ngư, Cảnh
sát biển, Hải quân trong việc phát hiện những vụ xả chất thải, những vụ buôn
lậu, các hoạt động xâm phạm chủ quyền quốc gia của các lực lượng nước ngoài.
Gây thiệt hại cho ngư dân bằng cách đóng những con tàu
“rởm” chính là bọn hại dân.
Khiến các tàu của ngư dân không thể hiện diện trên
vùng biển tổ quốc, tạo điều kiện cho ngoại bang xâm hại chính là bọn bán nước.
Đành rằng bị thiệt hại thì dân có quyền khởi kiện
doanh nghiệp nhưng có một câu hỏi khác không chỉ liên quan đến dân mà còn đến
Chính phủ.
Khoản 3 điều 7 Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định: “Hỗ trợ 100% chi phí các thiết kế mẫu tàu vỏ thép khai
thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đối với tàu có tổng
công suất máy chính từ 400CV trở lên”.
Khi các doanh nghiệp vi phạm Nghị định của Chính phủ
(thu tiền thiết kế mẫu tàu của dân) thì Chính phủ có trách nhiệm cùng dân xử
lý.
Người dân có quyền khởi kiện cơ quan công quyền thực
hiện sai các quy định của pháp luật, ngược lại cơ quan công quyền cũng có quyền
khởi kiện người dân không tuân thủ pháp luật.
Nếu Nghị định của Chính phủ bị doanh nghiệp xâm phạm
thì không thể chờ hoặc “nhờ” dân kiện hộ!
Nói thế nhưng hầu như dân chúng đều biết một thực
trạng rất “Việt Nam” của Việt Nam đó là dân sai thì phải ra tòa, bị phạt hành
chính hoặc ngồi tù còn cơ quan công quyền sai thì thường là xin lỗi là xong.
Thậm chí khi cơ quan sai phải xin lỗi hoặc bồi thường
thì tiền bỏ ra vẫn là tiền của dân, chẳng cơ quan nào có “tiền túi” để bồi
thường oan sai như từng xảy ra với các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén,…
Liệu các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có đủ bằng chứng
để khởi tố hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp đóng tàu khi thu tiền
thiết kế mẫu tàu của ngư dân hay còn phải điều tra làm rõ?
Không biết từ bao giờ, từ thứ vô tri như quả trứng đến loài vật như con dê lại trở nên thông minh như bây giờ.
Thông minh đến mức câu thành ngữ “chim khôn chọn cành
mà đậu, người khôn chọn chủ mà thờ” được cải biến thành “dê khôn chọn nhà bác
Bí, trứng khôn chọn giỏ quan Phòng”.
Và cũng không biết từ bao giờ một bộ phận không nhỏ
người Việt bỗng trở nên ngu muội, độc ác như những gì đang diễn ra hàng
ngày, hàng giờ trên mọi nẻo đường từ Nam ra Bắc?
Không ít doanh nghiệp, cả tư nhân và quốc doanh,
không ít tổ chức, cá nhân đang góp phần “xẻ thịt” chính quê hương mình, đầu độc
chính đồng bào mình.
Nếu có ai đó cho nói như vậy là quá đà thì xin nêu vài
ví dụ.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên vừa quyết định xử phạt
hơn 550 triệu đồng đối với Chi nhánh Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) -
Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp dệt may Phố Nối, vì doanh nghiệp này
đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. (Vietnamplus.vn -
11/12/2016).
Dòng sông “đông đặc” vì nước thải, nghìn ha lúa nguy
cơ mất trắng. Nhiều cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp Tân Hồng (tỉnh Hải
Dương) ồ ạt xả thải khiến sông Bắc Hưng Hải có màu đen đặc, bốc mùi hôi thối và
cá chết hàng loạt. (Baoxaydung.com.vn - 19/4/2017)
“Xẻ thịt” rừng đặc dụng Sóc Sơn: Kiểm điểm hàng loạt
cán bộ. (Dantri.com.vn - 13/5/2013)
Cận cảnh dự án “xẻ thịt” bán đảo Sơn Trà. (Tienphong.vn 18/4/2017) |
Gần đây nhất là hành vi đổ dầu luyn trộn nước cống vào
người và số thịt lợn của chị Đỗ Thị Xuyến tại chợ Lương Văn Can - Hải Phòng chỉ
vì chị bán giá rẻ hơn so với tiểu thương trong chợ.
Những kẻ thực hiện hành vi ấy không chỉ là bọn khốn
nạn - theo nghĩa về đạo đức - mà còn là bọn coi thường kỷ cương, phép nước,
không bắt bỏ tù chúng thì làm sao có thể giữ yên lòng dân?
Có không ít kẻ đang ngộ nhận, rằng trong năm tiêu chí
xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì “văn
minh” nằm ở vị trí cuối cùng và “dân giàu” chiếm vị trí đầu tiên nên cần làm
giàu trước khi cần văn minh?
Bên cạnh những cán bộ, công chức, doanh nhân làm ăn
đàng hoàng, tuân thủ pháp luật thì xã hội hiện đại cũng hình thành một đội ngũ
địa chủ, tư sản mới hành xử theo kiểu maphia.
Chị Đỗ Thị Xuyến với số thịt lợn bị bọn bất lương hắt dầu luyn tại chợ. (Ảnh: vietnamnet.vn) |
Số này hơn hẳn địa chủ tư sản ngày xưa bởi tiềm lực
kinh tế cho phép họ thao túng cán bộ, thao túng chính sách. Không những thế,
bằng tiền họ còn có thể bẻ cong ngòi bút của không ít người.
Trong khi chúng ta chưa hình thành được “những con
người xã hội chủ nghĩa” thì chúng ta lại đang làm suy giảm truyền thống nhân ái
nghìn đời nay của dân tộc, đang tạo nên một đội ngũ khá đông đảo những kẻ vô
cảm, độc ác từ cộng đồng dân cư đến cơ quan công quyền.
Những gì chúng ta đang làm hôm nay, nếu không kịp thời
khắc phục, một trăm năm sau, con cháu chúng ta không thể không nêu câu hỏi “sao
người xưa lại độc ác như vậy?”.
Xuân
Dương
Nguồn: Theo GDVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire