Cựu Bộ trưởng Đường
sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân, người bị tuyên án tử hình treo năm 2013 vì tội nhận hối lộ. Nguồn: Fox News. |
Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình đã hạ bệ được nhiều “con hổ” cấp cao trong chính phủ và
được ca ngợi rộng rãi như là một thành phần chủ đạo trong các cải cách cơ cấu
sâu rộng mà Trung Quốc cần thực hiện nếu nó muốn xây dựng một nền kinh tế dựa trên
thị trường toàn diện và bền vững hơn. Nhưng lại có rất nhiều lo ngại rằng ở một
đất nước nơi mà quan chức chính phủ đóng vai trò chủ yếu trong việc thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế, việc nhổ bỏ tận gốc rễ nạn tham nhũng có thể làm suy yếu
sự phồn vinh.
Một số đã viện dẫn những khó khăn đáng
kể gần đây của các khách sạn và nhà hàng sang trọng (mà ở Trung Quốc được hỗ
trợ rất nhiều bởi chi tiêu chính phủ) như một bằng chứng cho thấy chiến dịch
chống tham nhũng đang làm nản lòng các hoạt động nâng cao tăng trưởng. Nhưng sự
sụt giảm này rất có thể là tạm thời, với các khách hàng mới đang nổi lên sau
một thời gian điều chỉnh.
Một mối lo ngại đáng tin hơn là liệu
những nỗ lực nhổ tận gốc nạn tham nhũng có làm suy yếu động lực để quan chức
chính phủ thúc đẩy tăng trưởng hay không. Rốt cuộc, các mức tăng trưởng cao
thường chuyển thành các khoản tiền tô (rent) lớn mà có thể, thông qua các hành
vi tham nhũng, được phân phối cho chính các quan chức cũng như cho bạn bè và
những người họ đỡ đầu. Theo logic thì nếu loại bỏ các hành vi như vậy, các quan
chức sẽ không thể thu được những phần thưởng lớn từ tăng trưởng kinh tế, và như
vậy sẽ có ít động lực hơn để khuyến khích tăng trưởng.
Nhưng lập luận này không kín kẽ. Một
trong các dạng tham nhũng phổ biến nhất là việc “bán” các “ghế” trong chính phủ
– một hành vi ít liên quan đến tăng trưởng, nhất là khi nó được tiến hành bởi
các sĩ quan cao cấp trong quân đội, chẳng hạn như các vị tướng trong Giải phóng
Quân Nhân dân đã bị bắt giữ trong chiến dịch tiêu diệt nạn mua quan bán chức.
Một mối quan ngại lớn nữa là, nếu các
doanh nghiệp không còn khả năng “bôi trơn bánh xe” – tức hối lộ quan chức để
cho phép họ đi vòng qua các quy định tràn lan – thì thành tích kinh doanh của
họ có thể bị ảnh hưởng. Và, thực tế là thậm chí sau 30 năm cải cách, kinh tế
Trung Quốc vẫn còn bị trói buộc bởi các thủ tục quan liêu, điều làm hạ thấp
năng suất một cách đáng kể.
Nhưng cũng có những lỗ hổng trong lập
luận này. Điều quan trọng nhất là nếu sự hối lộ như vậy muốn thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế bằng bất kỳ cách thức bền vững và đáng kể nào, thì nó cần phải
được tiến hành bởi hàng loạt doanh nghiệp – không chỉ những doanh nghiệp giàu
có nhất và có nhiều mối quan hệ nhất. Nhưng hiện tại thì không phải vậy; hầu
hết các quan chức Trung Quốc bị buộc tội cho đến nay đều chỉ nhận hối lộ từ một
doanh nhân đơn lẻ, qua đó cho phép doanh nghiệp của họ giành được vị trí độc
quyền.
Như vậy, trong khi nạn hối lộ ở Trung
Quốc có thể tạo điều kiện cho tăng trưởng ở một mức độ nào đó thì nó lại không
tạo ra được loại môi trường kinh doanh cạnh tranh ủng hộ các lợi ích lâu dài.
Thật vậy, thực tế là tham nhũng áp đặt một loại thuế lớn nhưng vô hình lên
doanh nghiệp, đặc biệt là bằng cách khiến các quan chức không muốn loại bỏ các
thủ tục quan liêu cho mọi doanh nghiệp – một hành động vốn thật sự thúc đẩy
tăng trưởng.
Kết luận là rõ ràng: chi phí của tham
nhũng lớn hơn nhiều so với lợi ích – và không chỉ ở Trung Quốc. Từ Thế Chiến
thứ hai, nhiều nước đã cố gắng chuyển đổi tình trạng từ thu nhập thấp lên thu
nhập cao, nhưng chỉ có 13 nước thành công – và tất cả đều có mức tham nhũng
chính thức khá thấp.
Do đó, người ta có thể hỏi làm thế nào
mà Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như vậy trong 20 năm qua,
mặc dù tham nhũng tràn lan. Câu trả lời có lẽ nằm trong chế độ “cử tuyển”
(“selectocracy”) của nó. Không giống như trong một nền dân chủ, nơi mà công dân
bầu ra quan chức chính phủ dựa trên những chuẩn mực mà họ lựa chọn, trong chế
độ “cử tuyển” của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn ra các quan chức để
đề bạt dựa trên khả năng thúc đẩy các mục tiêu chính của đảng – đặc biệt là
tăng trưởng.
Tất nhiên, quan hệ chính trị và lòng
trung thành cũng tác động đến các quyết định đề bạt, đặc biệt ở các cấp chính
quyền cao hơn. Tuy nhiên, như nhà khoa học chính trị ở Mỹ Pierre Landry và các
đồng nghiệp của ông nhận thấy, tăng trưởng kinh tế là then chốt, nhất là trong
số các quan chức cấp quận và thành phố, nơi diễn ra nhiều hoạt động hỗ trợ tăng
trưởng của chính phủ, chẳng hạn như đầu tư cơ sở hạ tầng.
Việc được đề bạt đem đến cho các quan
chức một động lực tích cực để thúc đẩy tăng trưởng. Hãy xem xét trường hợp của
Lưu Chí Quân (Liu Zhijun), cựu bộ trưởng đường sắt, người đã thúc đẩy cơn sốt
xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Mong ước của ông về thành tích
chuyên môn – và nhất là ước vọng được thăng chức của ông – đã thúc đẩy ông đóng
góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc.
Nhưng Lưu cũng dính líu vào các vụ lạm
dụng quyền lực quy mô lớn– gồm có việc nhận hơn 10 triệu USD tiền hối lộ tới
lúc ông bị bắt năm 2011 – dẫn đến các tổn thất đáng kể về kinh tế cho nhà nước.
Án tử hình (treo) của ông sẽ giúp ngăn chặn các quan chức khác đi theo con
đường đó.
Nếu các quan chức tham nhũng có thể có
những đóng góp đáng kể như vậy cho tăng trưởng thì hãy tưởng tượng xem các quan
chức khác vốn tuân thủ pháp luật có thể làm được gì? Những gì họ cần là những
động lực mạnh mẽ để trở nên tích cực (trong công tác). Theo nghĩa đó, chế độ
“cử tuyển” của Trung Quốc vốn hứa hẹn thăng chức cho các quan chức chứng minh
là mình hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng, có thể là chìa khóa để
giải thích cho thành tích kinh tế ấn tượng của nước này.
Nguồn: Yao Yang, “Graft or
Growth in China?”, Project Syndicate, 04/05/2015.
Biên dịch: Trần Anh
Hòa | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp/(Nghiên Cứu
Quốc Tế)
----------/
(*) - Yao Yang (Dương Diêu) là
Giám đốc Trung tâm Trung Quốc về Nghiên cứu Kinh tế và là Hiệu trưởng Trường
Quốc gia về Phát triển, Đại học Bắc Kinh.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire