06/06/2017

ĐỒNG TÂM:SAI PHẠM CHỦ YẾU LÀ CỦA AI?

                       - Nguyễn Đăng Quang -

Nguyễn Đăng Quang(*): "Trong biến cố Đồng Tâm, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Thành phố Hà Nội, đã cam kết 3 điều cụ thể. Nếu thực hiện nghiêm túc và đầy đủ 3 cam kết này, chính quyền sẽ được nhiều hơn là mất!
Riêng cam kết “Trực tiếp kiểm tra đoàn Thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật. Khu vực đất Đồng Sênh rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, bảo đảm đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật”(cam kết 1) là quan trọng nhất, vì đây là cam kết then chốt, nó sẽ đụng vào nhiều vùng cấm!"




(*) Nguyên Đại tá An Ninh, Bộ Công An 

Bị bắt hay tự nguyện bị bắt? Cảnh sát cơ dộng trở về sau khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký Cam kết.

Trả lời báo chí về hướng giải quyết vụ Đồng Tâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hôm 4/5/2017 tuyên bố: “Các cơ quan chức năng đang vào cuộc với tinh thần MINH BẠCH, CÔNG BẰNG! Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!”. Câu nói này làm rất nhiều người bất bình và bất an, đặc biệt là đối với người dânxã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Tp.Hà Nội)!

Người viết bài này cho rằng ông Mai Tiến Dũng tuyên bố như trên cho dù với tư cách cá nhân hay danh nghĩa Bộ trưởng,là đều không ổn và rất sai trái! Câu nói này thể hiện não trạng coi thường pháp luật của các quan chức nhà nước ta lâu nay! Ở vế trước, ông MTD khẳng định “Các cơ quan chức năng đang vào cuộc với tinh thần minh bạch, CÔNG BẰNG!”. Nhưng ngay vế sau, ông lại phủ định tinh thần vế trước: “Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!”. Nếu đây là quan điểm của Chính phủ, thì người dân có quyền nghi vấn, đặt câu hỏi: Công lý và công bằng ở nước ta có hay không? Nếu có, thì nó vì ai và phục vụ cho ai? Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa mà lâu nay ĐCSVN ra sức tuyên truyền là thật hay giả? Nếu câu trên của ông MTD được nói ra với tư cách Bộ trưởng, thì người dân làm sao có thể hy vọng tìm được công lý và công bằng trong quan hệ của họ với chính quyền? Nếu đấy lại là quan điểm xử lý “SAI, ĐÚNG” của thể chế chính trị nhà nước ta hiện thời, thì Điều 16 Hiến pháp hiện hành là vô nghĩa hay sao? Có nên để Điều 16 này tồn tại hay xóa nó đi? Vì Điều 16 Hiến pháp 2013 quy định:Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đới sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.!

Xin miễn đi sâu phân tích khía cạnh đạo lý của câu nói trên, vì cá nhân người viết bài này cho rằng, câu nói của ông MTD chỉ là tai nạn “nhỡ mồm, xảy miệng” thôi, chứ không phải là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước! Và câu nói này có lẽ không phải là hiệu lệnh cho chính quyền Hà Nội bội ước, phá bỏ cam kết “Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”. Không, tôi nghĩ chính quyền (cả Hà Nội và Trung ương) sẽ không dại gì mà “bội ước”! Nếu làm vậy thì chính quyền sẽ mất rất nhiều, sẽ mất sạch lòng tin không chỉ của người dân trong nước mà của cả cộng đồng quốc tế nữa! Trong biến cố Đồng Tâm, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Thành phố Hà Nội, đã cam kết 3 điều cụ thể. Nếu thực hiện nghiêm túc và đầy đủ 3 cam kết này, chính quyền sẽ được nhiều hơn là mất! Riêng cam kết “Trực tiếp kiểm tra đoàn Thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật. Khu vực đất Đồng Sênh rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, bảo đảm đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật”(cam kết 1) là quan trọng nhất, vì đây là cam kết then chốt, nó sẽ đụng vào nhiều vùng cấm! Nếu công tâm và chỉ tuân theo luật pháp, cơ quan thanh tra đưa ra kết luận đúng với bản chất sự việc, tôi tin sẽ phát lộ nhiều khuất tất và sai phạm ở tầm vĩ mô trong việc giao đất, quản lý và sử dụng đất tại địa phương này! Nếu các tố cáo, khiếu nại và kiến nghị của người dân Đồng Tâm trong nhiều năm qua, và trí nhớ của cụ Lê Đình Kình,“già làng đáng kính” của người dân Đồng Tâm, đều có cơ sở thì các sai phạm của các cấp chính quyền trong quản lý,sử dụng đất ở Đồng Tâm nói riêng và toàn quốc nói chung là vô cùng nghiêm trọng!

 
cụ Lê Đình Kình, 60 tuổi đảng, linh hồn của cuộc đấu tranh Đồng Tâm


Hai tuần lễ nữa, ngày 20/6/2017,Tp. Hà Nội sẽ công bố kết luận (kết quả) thanh tra như đã cam kết. Sau đây là các vấn đề mà Thanh tra Thành phố Hà Nội không thể không làm rõ:


1/. Trách nhiệm của Chính phủ:



Năm 1980, Chính phủ thu hồi 208ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) và 3 xã lân cận huyện Chương Mỹ giao cho BQP để mở rộng sân bay Miếu Môn. Nhưng do BQP thẩm định yếu kém nên kế hoạch mở rộng sân bay bị hủy bỏ, không thực hiện được. Việc mang một khối tài sản lớn của dân giao cho BQP rồi để hoang hóa suốt 37 năm qua, không đưa vào sử dụng, là đúng hay sai? Trách nhiệm của Chính phủ đến đâu? Trong khi đó, theo luật Đất đai, mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình được nhà nước giao đất sau 1 đến 2 năm mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích đều bị thu hồi tức thì! Việc Chính phủ không thu hồi lại 208 ha đất này, và BQP không trả lại diện tích đất trên cho dân, có vi phạm Luật Đất đai 2013 hay không? Liệu Thanh tra Hà Nội có “thượng tôn pháp luật”, có dám kết luận theo đúng luật pháp, hay lại lẩn tránh, đá lên Thanh tra Chính phủ chăng?


2/. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng:


Sau khi không thể mở rộng sân bay Miếu Môn, đáng nhẽ BQP phải báo cáo Chính phủ và trả lại 208ha đất cho dân. Nhưng BQP không làm thế, cứ “ôm” số đất này để hoang phí suốt mấy chục năm qua, gần đây lại chuyển giao lòng vòng trong nội bộ quân đội dùng vào nhiều mục đích khác nhau, kể cả việc dùng làm nơi đóng quân và làm kinh tế, trái với mục đích khi Chính phủ giao đất. Việc không sử dụng và chuyển giao lòng vòng này rõ ràng là vi phạm Luật Đất đai 2013. Ngày 27/3/2015, Bộ Tổng Tham mưu(chứ không phải BQP) ra quyết định thu hồi 50,03ha trong số 208ha đất trên giao cho Quân chủng PK-KQ. Đơn vị này bèn giao lại cho Tập đoàn Viettel làm cái gọi là “Công trình A1”. Việc này (tức BTTM thu hồi đất và giao cho Quân chủng PK-KQ để đơn vị này giao cho Viettel) là có đúng với quy định của pháp luật? Nếu A1 là công trình quốc phòng thì BQP (chứ không phải BTTM) báo cáo Chính phủ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rồi sau đó giao cho Binh chủng Thông tin-Liên lạc chứ không thể giao cho Viettel là doanh nghiệp làm kinh tế, dù cho Viettel là Tập đoàn thuộc BQP! Rõ ràng đây là dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai 2013. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho việc tranh chấp đất đai bùng phát trầm trọng trong mấy năm qua ở địa phương này. (Để rộng đường dư luận, xin mời quý độc giả tham khảo thêm 3 thông tin liệt kê ở cuối bài về “đất quốc phòng” lâu nay được BQP tùy tiện sử dụng ra sao qua ý kiến phát biểu và kiến nghị của một số ĐBQH Tp. HCM ngày 1/6/2017 về “Sân golf, nhà hàng, khách sạn mọc trên đất quốc phòng trong sân bay Tân Sơn Nhất” để chúng ta hiểu và thấy rõ hơn thực trạng này!)


3/. Trách nhiệm của Thành phố Hà Nội:

     
 Năm 2014, UBND Thành phố Hà Nội tiến hành đo đạc lại thấy diện tích lên đến 236,7ha đất chứ không phải là 208ha! Như vậy BQP nhận dôi ra 28,7ha đất suốt 35 năm qua! Việc UBND Thành phố Hà Nội không thu hồi diện tích đất “dôi ra” này để trả lại cho dân Đồng Tâm vốn là chủ sử dụng xưa nay, là có đúng với Luật Đất đai 2013? Việc quản lý, sử dụng 28,7ha đất này trong 3 năm qua để lại hậu quả ra sao, có vi phạm Luật Đất đai 2013 không, ai chịu trách nhiệm,v.v… là những vấn đề Hà Nội phải làm rõ trước công luận. Đây là những khúc mắc mà Thanh tra Thành phố Hà Nội phải kết luận rõ ràng, không thể lẩn tránh! Vấn đề mấu chốt nữa là Tp.Hà Nội phải rạch ròi, chỉ rõ đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp! Đại diện người dân trong buổi đối thoại với Chủ tịch Hà Nội trưa hôm 22/4/2017, đã vạch rõ: Xã Đồng Tâm có 47,36ha đất trong số 208ha mà Chính phủ đã thu hồi năm 1980. Việc Tập đoàn Viettel sử dụng trong phạm vi 47,36ha đất này thì không sao, nhưng cớ sao Viettel lại lấn chiếm sử dụng 59ha nữa vốn là đất nông nghiệp của người dân Đồng Tâm đã sản xuất ổn định từ những năm 1950, không hề có quyết định thu hồi đất hay văn bản nào chứng minh đó là đất quốc phòng? Đây chính là nguyên nhân tranh chấp không hồi kết giữa người dân Đồng Tâm và Tập đoàn Viettel mấy năm qua. Hai việc nổi cộm này (tức 28,7ha đất dôi ra và 59ha đất lấn chiếm), Tp. Hà Nội sẽ đưa ra kết luận và sẽ giải quyết thế nào đây để yên lòng dân?


4/. Trách nhiệm của huyện Mỹ Đức:


Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức đã buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đất đai ở xã Đồng Tâm, làm cho tình trạng chiếm dụng, chuyển đổi, tranh chấp, khiếu kiện đất đai kéo dài, ảnh hưởng xấu không chỉ đến ổn định xã hội mà cả đến tình hình an ninh chính trị ở địa phương, đã và đang để lại hậu quả rất nghiêm trọng! Thậm chí, chính quyền ở đây còn hợp thức hóa, “biến” đất quốc phòng thành đất thổ cư để trục lợi! Do việc vi phạm luật pháp và kỷ luật trong lĩnh vực này, đến nay Huyện ủy Mỹ Đức đã có 8 đảng viên bị khai trừ, 1 bị cách chức, 5 bị cảnh cáo và 5 bị khiển trách! Kết quả này có đau xót không? Sự việc thôn Hoành xã Đồng Tâm vừa qua buộc phải “rào làng chiến đấu” ngay trong thời bình, trước cửa ngõ Thủ đô, không phải để chống giặc ngoại xâm mà là để chống giặc nội xâm. Đây là việc vạn bất đắc dĩ, một hệ quả đau lòng cho cả người dân và chính quyền! Việc này có tác động tiêu cực trước dư luận toàn quốc, mà còn ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh nước ta trước con mắt của dư luận và bạn bè quốc tế! Hậu quả và trách nhiệm này thuộc về Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức. Đây là vấn đề không chỉ lãnh đạo huyện Mỹ Đức phải giải trình trước người dân Đồng Tâm, mà còn là việc Thanh tra Tp. Hà Nội phải làm rõ trong kết luận của mình!



        Trên đây là những vấn đề nhức nhối ở Đồng Tâm mà Tp.Hà Nội phải đề cập rõ ràng trong kết luận thanh tra tới. Không chỉ người dân Đồng Tâm mà người dân toàn quốc đang trông đợi những kết luận thẳng thắn, trung thực, chỉ tuân theo luật pháp và sự thực khách quan, không chịu sức ép của bất cứ ai và sợ động chạm đến bất cứ vùng cấm nào trong việc đưa ra những kết luận thanh tra mà Tp.Hà Nội sẽ công bố vào ngày 20/6/2017 tới! Quan trọng hơn cả là kết luận thanh tra phải được đa số người dân Đồng Tâm, trong đó phải có cụ Lê Đình Kình, đồng tình thì mới có thể nói là công bằng, khách quan và mới dễ thực hiện!                                                                                              

Nhân đây xin được dẫn lại lời răn dạy của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên Đảng Lao động Việt Nam gần 60 năm trước để thay cho lời kết bài viết này: “ Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không dám quyết tâm sửa chữa!”



Hà Nội, ngày 5/6/2017.

N.Đ.Q.



Xin mời quý độc giả đọc thêm 3 bài dưới đây :   
     



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire