Tạ Hữu Đỉnh
Tạp
bút
Bản tin thời
sự tối 23 - 4 - 2017, của Đài truyền hình Việt Nam đưa tin Chủ tịch thành phố
Hà Nội, Nguyễn Đức Chung đã đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức,
giải toả được số cán bộ và chiến sĩ cảnh sát bị người dân bắt giữ trái phép.
Coi đó là một thắng lợi quan trọng. Vì ông Chung đã tháo gỡ được “ngòi nổ” của
một “điểm nóng” đe doạ an ninh trật tự xã hội.
Nhưng chẳng
hiểu sao, ngay sau cái tin vui đó, trên màn hình lại thấy hình ảnh các võ sĩ
trang phục mầu đen, đứng dàn hàng biểu diễn võ thuật? Cũng không nhìn rõ được
họ múa “đoản côn”, “trường kiếm”, “roi điện”, “dùi cui” hay loại vũ khí hiện
đại gì? Mà chỉ thấy chung quanh người họ loang loáng phát ra những ánh chớp
sáng loé lên, nhanh đến mức nếu có loại vũ khí gì đó đối kháng, thì cũng không
thể chạm vào người họ được.
Thế rồi, sau
mấy chục giây biểu diễn võ thuật, trên màn hình lại thấy các hàng quân (không
rõ là bộ đội hay cảnh sát cơ động) xếp hàng thành nhiều khối hình chữ nhật, vũ
khí, trang phục chỉnh tề rầm rập bước đi, hết khối này đến khối khác. Họ “đi
nghiêm” y như đi trong một cuộc duyệt binh nào đó vậy.
Ơ, thế ra
cuộc phô trương lực lượng này không phải là ngẫu nhiên? Mà rõ ràng đây là một
trận “đòn gió”, một “thông điệp ngầm” nhằm răn đe người dân rằng: “Chớ có dại
như người xã Đồng tâm, nghe “kẻ xấu” và “các thế lực thù địch” xúi giục mà
chống đối Nhà nước, bắt giữ người thi hành công vụ”.
Trên thị
trường thông tin nước ta, xưa nay, những thông tin có mầu sắc tiêu cực thường
hay bị chắp vá, kín kín, hở hở rất khó hiểu, phải vừa xem vừa đoán! Do vậy, tôi
phải nhờ máy tính. Thì ra cũng lại chuyện đã quá cũ, thu hồi đất!...
Như từ lâu
các phương tiện thông tin đã khẳng định, phải từ 70 đến 75% các vụ khiếu kiện
đông người diễn ra thời gian lâu dài đều là chuyện thu hồi đất và giá cả bồi
thường thu hồi đất.
Trên trang
mạng Trần Nhương có bài: “Đừng để Đồng Tâm thành phân tâm”, tác giả Nguyễn Sĩ
Dũng viết: “…Sự kiện Đồng Tâm một lần nữa cảnh báo cho chúng ta rằng pháp luật
về đất đai đang có vấn đề, mà có lẽ là vấn đề lớn nhất của thể chế. Đất đai
thuộc sở hữu toàn dân mà toàn dân không có cách gì để thực thi quyền sở hữu của
mình; đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà toàn bộ chênh lệch địa tô chỉ làm giầu
cho các nhóm lợi ích nhỏ bé trong xã hội, do đó chỉ là một sự đánh tráo khái
niệm!”.
Tôi tán
thành quan điểm này. Luật đất đai của ta đã tách quyền sở hữu đất đai thành ra
bốn quyền khác nhau: quyền “sở hữu”, quyền “sử dụng” quyền “thừa kế” và quyền
“chuyển nhượng”. Người dân được quyền sử dụng, quyền thừa kế và quyền chuyển
nhượng. Còn quyền sở hữu thì thuộc về toàn dân, mà đại diện cho toàn dân là Nhà
nước.
Cho nên khi
Nhà nước cần sử dụng quyền sở hữu, thu hồi đất, thì cái quyền được sử dụng và
thừa kế đất đai của người dân mặc nhiên chẳng còn giá trị gì. Ngoài một số tiền
bồi thường do chính quyền địa phương tự định giá, mỗi nơi, mỗi lúc một khác. Mà
tất nhiên là giá “quốc doanh” thì bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường rất
nhiều lần. Người dân phải trả lại đất cho Nhà nước, mặc dù từ nghìn đời nay đất
đai vốn vẫn là của họ. Vì ông cha họ là người đầu tiên bổ những nhát cuốc đầu
tiên để khai phá đất hoang thành bờ xôi ruộng mật!
Người ta bảo
mọi so sánh đều khập khễnh. Nhưng cái quyền sở hữu đất đai của người nông dân
cũng tự nhiên và là lẽ đương nhiên như quyền sở hữu hải đảo của những người
lính Hải Đội Hoàng Sa của Việt Nam, lần đầu tiên vượt biển đến Hoàng Sa thu
nhặt hải vật và cắm mốc chủ quyền, thì Hoàng Sa là của Việt Nam, chứ không phải
là của bất cứ quốc gia nào khác.
Bài: “Đối
thoại ở thôn Hoành”, của nhà báo Bảo Hà, phóng viên đầu tiên của giới truyền
thông có mặt ở Đồng Tâm ngay sau hôm xẩy ra vụ bắt người cho biết: “…Chiều ngày
15 – 4, một đoàn cảnh sát gồm cả cơ động, công an, cán bộ huyện đã xẩy ra xô
xát với hàng nghìn người dân, sau hoạt động bắt người theo quyết định khởi tố
đã có trước đó tử hơn một tháng. Hàng chục cảnh sát, công an, cán bộ huyện đã
bị nhân dân giữ lại tại nhà văn hoá thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức…”.
Nhà báo Bảo
Hà không cho biết nguyên nhân vì sao lại có quyết định khởi tố. Nhưng tại bài:
“Chúc mừng nhân dân Đồng Tâm cảm ơn lãnh đạo thành phố”, của tác giả Lương Ngọc
Huỳnh, trên trang mạng Trần Nhương, ngày 23/4/2017, trong đó có tấm ảnh chụp
“Bản cam kết” của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội viết, khi ông
về đồi thoại với nhân dân Đồng Tâm đã cho biết rõ nguyên nhân. Sau đây là toàn
văn “Bản cam kết” viết tay, đã được chụp ảnh, của ông Nguyễn Đức Chung:
“Cộng hoà xã
hội Chủ nghĩa Việt – nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bản cam kết.
Tôi Nguyễn đức Chung - chủ Tịch UBND Thành phố Hà nội. Xin Cam kết như sau:
1- TRực tiếp kiểm Tra đoàn Thanh Tra Chỉ đạo Sát sao làm đúng sự Thực khách
quan và đúng pháp luật. Khu vực đất Đồng Xênh Rõ Ràng đâu là đất quốc phòng,
đâu là đất nông nghiệp không mập mờ đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng
Tâm Theo quy định của pháp luật.
2, Không Truy cứu Trách nhiệm hình sự đối với Toàn Thể nhân dân xã Đồng
Tâm.
3. Cam Kết chỉ đạo điều Tra xác minh việc bắt và gây thương Tích cho cụ Lê
đình Kình, xử lý nghiêm Theo quy định của pháp luật.
Ngày 22 tháng 4 – 2017
Chủ Tịch UBND
Nguyễn Đức Chung (ký)
Nhưng do không đem theo con dấu, nên ông Nguyễn Đức Chung đã điểm chỉ. Cả
nhà sử học Dương Trung Quốc, người chứng kiến cuộc đối thoại cũng ký tên và
điểm chỉ. Rồi UBND xã Đồng Tâm đóng dấu xác nhận chữ ký của ông Nguyễn Đức
Chung Chủ tịch thành phố Hà Nội là đúng.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng diện tích đất thuộc quốc phòng và diện
tích đất canh tác của dân trên cánh Đồng Xênh, vì lý do gì đó đã “mập mờ”, vi
phạm quyền lợi hợp pháp của dân. Cho nên họ không giao đất, do đó mà có quyết
định khởi tố và bắt 4 người dân xã Đồng Tâm. Trong đó có cụ Lê Đình Kình là cựu
chiến binh, 83 tuổi đời, 65 tuổi đảng, từng là Chủ tịch và Bí thư Đảng uỷ xã
Đồng Tâm. Bốn người này, chắc nhà chức trách cho họ là “phần tử xấu cầm đầu”,
nên bắt để truy tố?
Ngày xưa, thời đế quốc phong kiến áp bức bóc lột, vì thiếu thuế anh Dậu
đang ốm cũng bị bắt, bị trói. Thương chồng, chị Dậu van xin các quan tha cho
chồng mình. Nhưng: “Tha này! Tha này!”. Vừa quát, quan vừa bình bịch nện vào
ngực chị!...
Còn bây giờ, thời dân chủ, sau hơn 70 năm, vì bảo vệ quyền sử dụng đất cho
con cháu và dân làng mình, cụ Kình đã bị “bẻ tay, vặn cổ đẩy lên xe” (lời của
nhà văn Tạ Duy Anh). Và bị “gây thương tích” (chữ của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ
tịch UBND thành phố Hà Nội viết trong bản cam kết).
Thương bố tuổi già như chuối chín cây, anh con trai cụ Kình đuổi theo xe
đòi: “Thả bố tôi ra! Thả bố tôi ra!”.
- Thả này! Thả này! Những cú đấm, đạp, vụt, nện cứ tới tấp đập vào thân thể
anh con trai. Anh giận dữ thét lên”
- Chúng mày tống giam ngay bố tao đi, tao cho chúng mày xem! (đoạn đối
thoại này của nhà văn Tạ Duy Anh).
Thế là hàng nghìn người dân xã Đồng Tâm bảo nhau khênh gỗ, vần đá, đắp ụ
đất chặn đường không cho xe cơ giới chở quân vào làng và kéo nhau đi đòi người
bị bắt…
Rồi chẳng hiểu bằng cách nào, người dân Đồng Tâm chỉ có hai bàn tay trắng
với mấy đoạn cây, chắc là được tháo ra từ cán cuốc, cán cào làm gậy, mà lại bắt
được mấy chục cảnh sát vũ trang, công an, cán bộ huyện, giam giữ ở nhà văn hoá
thôn Hoành làm con tin, để yêu cầu được trực tiếp đối thoại với chính quyền
thành phố.
Và cuộc đối thoại thẳng thắn giữa đôi bên đã diễn ra. Có loa phóng thanh
cho người dân cả xã cùng được nghe. Người dân cũng nhận thấy việc bắt giữ người
thi hành công vụ là sai trái. Cho nên họ không “tưới xăng”, không “đánh đập”
con tin như dư luận đồn thổi. Trái lại, dân đã cử một gia đình hằng ngày nấu
cơm cho họ ăn, đưa họ đi vệ sinh, tắm giặt.
Còn về phía những người thi hành cộng vụ ? Khi gặp phải sự phản ứng của
người dân, họ đã ra tay đàn áp, bất chấp cả luật pháp. Cho nên một bà có người
nhà bị công an bắt đã kể lại cuộc xô xát, đánh đập đó với nhà báo Bảo Hà, nhà
báo viết: ”Bà ứa nước mắt kể rằng đời mình chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh
bắt người như hôm qua. Bà không
chịu nổi!...”.
Bài: “Chúc
mừng nhân dân Đồng Tâm cảm ơn lãnh đạo thành phố”, tác giả Lương Ngọc Huỳnh cho
biết: “…Tất cả các điều khoản đối thoại đã xong xuôi. Chỉ riêng điều dân đề
nghị ông Chủ tịch viết giấy cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự, nói đi
nói lại rất lâu cũng chưa đi đến thống nhất. Chủ tịch đi thăm những người bị
nhốt ở nhà văn hoá. Và ở đây lại tiếp tục đối thoại về trách nhiệm hình sự của
dân, gần hai tiếng đồng hồ căng thẳng, đến lúc này chị Đệ và anh Điều nói rằng
nếu Chủ tịch không ký văn bản (Câu này chắc tác giả nhầm? Đáng lẽ phải là
“không viết cam kết”) thì chúng tôi sẽ tự tử trứơc mặt Chủ tịch. Thật là một
tình huống bất ngờ… cuối cùng Chủ tịch suy nghĩ và quyết định viết cam kết…”.
Đúng là một
chuyện hi hữu, xưa nay chưa từng thấy bao giờ. Là cơ quan quyền lực của một
tỉnh thủ đô, tiêu biểu cho cả nước mà phải làm giấy cam kết với những người
nông dân vốn vẫn bị coi là thấp cổ bé họng ở một xã thì quả là lạ lùng!...
Song, “ĐẨY THUYỀN LÀ DÂN, LẬT THUYỀN CŨNG LÀ DÂN”. Câu nói bất hủ đó của Danh
nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi, từ hơn 500 năm nay ai cũng biết. Nhưng chỉ
sau thực tiễn ở Đồng Tâm, chúng ta mới thấy hết sự sâu sắc của câu nói đó.
Báo Văn nghệ
số 17 + 18, ngày 29 - 4 - 2017 có bài bình luận: “Quan hệ Việt - Mỹ một lần và
mãi mãi”, tác giả Đinh Hoàng Thắng viết: “Chiến tranh đã lùi xa mà tại sao bạo
lực vẫn chưa chấm dứt, xung đột giữa cơ quan công quyền, các nhóm lợi ích với
người dân vẩn xẩy ra khá phổ biến và có nguy cơ ngày càng lan rộng. Việc cần
phải làm ngay là phải tháo gấp ngòi nổ từ các “Quả bom dân sự” ấy từ trong
trứng nước. Bất cứ một hình ảnh gây sốc nào trong thời buổi hiện nay đều rất dễ
sinh ra phản ứng dây chuyền, gây những tác động rất tiêu cực, làm cho quốc tế
có thể quay lưng lại với Việt Nam…”.
Thiển nghĩ:
quốc tế quay lưng lại với Việt Nam cũng không quan trọng bằng, nếu để người dân
quay lưng lại với Chính quyền, thì tai hoạ sẽ khôn lường./.
TP Uông Bí,
ngày 3 - 5 – 2017
Tạ Hữu Đỉnh
Nguồn: Theo trannhuong.net
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire