17/10/2017

Chấn hưng bằng cấp

                                                                 Trần Trường Sa



Gần đây, nhiều vụ bằng giả, bằng thật-học giả liên tục được đề cập, xin trình bày mấy ý để mọi người tham khảo, mong có thể góp phần cải thiện phần nào hệ lụy của vấn nạn này ngay từ bây giờ hoặc về sau này.



1/ Định nghĩa “thế nào là bằng giả” : Nếu không coi bằng cấp là một loại hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về hàng giả thì rất nhiều quan chức hiện nay không dùng bằng giả. Nếu áp dụng khoảng b/, c/ (áp dụng cho thuốc phòng, chửa bệnh) hoặc khoản d/ (áp dụng cho thuốc bảo vệ thực vật) thì lại có quá nhiều quan chức dùng bằng giả.

b) Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc trong các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa

d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

Bởi đơn giản nếu chọn ngẫu nhiên 10 đề thi một môn học nào đó, mà vị quan đó cũng đã từng học và có điểm thi môn đó, của trường đã cấp bằng thì nếu vị quan đó có không đến 7 bài đạt điểm 5 trở lên, có nghĩa bằng đó là bằng giã. Bộ giáo dục Việt Nam không phải là cơ quan kiểm định các trường đại học ở nước ngoài thì lấy cơ sở nào để công nhận bằng trường này mà không công nhận bằng trường kia. Kể cả việc công nhận đó là vô tư và hợp lý đi nữa thì cũng không thể bảo đảm được không thể mua điểm, mua bằng tại các trường đó. Trong nước còn chưa kiểm soát được, huống chi là mấy trường tư của nước ngoài. Vì vậy, nếu xem bằng cấp là một mặt hàng quan trọng như thuốc phòng chửa bệnh hay thuốc bảo vệ thực vật thì bằng giả ở nước ta nhiều vô kể.

2/ Từ trường giả đến bằng giả: Hai thành phần chính của trường học là học sinh và thầy cô giáo. Trường nào có học sinh ở lại lớp thì sẽ mất danh hiệu tiên tiến (thầy cô mất tiền thưởng cuối năm, hiệu trưởng nhiều khả năng mất chức), cho nên học sinh bị bắt buộc phải lên lớp. Học sinh nào không đạt cũng phải làm cho đạt (bằng cách dạy bồi dưỡng ngoài giờ, cho điểm khống, ra đề thi học kỳ cực dễ ….). Một cách tích cực và một chục cách tiêu cực, không tới một phần trăm số học sinh không đạt trở thành đạt nhờ bồi dưỡng ngoài giờ. Bằng chứng là kết quả kiểm tra chất lượng đầu năm của bất cứ lớp học nào đều rất thấp so với kết quả cuối năm của lớp đó. Nếu suy luận một cách logic thì tất cả các thầy cô Việt Nam đều thuộc loài siêu giáo viên và trí tuệ học sinh sau dịp hè là siêu lãng đảng.

Nói thế thôi chứ hiện thực đã phơi bày trần trụi : nhiều học sinh trung học cơ sở khi đọc phải đánh vần mà còn chưa chắc đúng. Nhiều trường trung học phổ thông ở thành phố nhận học sinh (>70%) có điểm thi đầu vào hai môn Văn và Toán đều dưới 3 điểm. Còn các trường ở Huyện không thi thì sao? Chắc chắn là khó mà hơn thành phố về tỷ lệ.

Đại học thì sao ? Với tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông xấp xỉ 99% trong tình trạng học sinh bị bắt buộc phải lên lớp như thế. Trường đại học mở ra như nấm. Chỉ có một số em không muốn học đại học mà thôi, chứ nếu muốn thì 90% học sinh tốt nghiệp phổ thông hiện nay đều có thể vào một trường đại học nào đó.

Vì thế: Tỷ lệ “trường giả” tăng dần từ

Tiểu học → TH cơ sở → TH phổ thông → Đại học

Về Cao học, tiến sỉ thì miển bàn. Quảng cáo viết luận văn thuê trên mạng công khai (chưa nghe công an mạng vào cuộc).

“Trường giả” ắt sẽ cấp “bằng giả”.

3/ Chuẩn hóa bằng cấp cán bộ thúc đẩy phát triển bằng giả: Trước năm 1985, nhiều cán bộ quan chức chả có bằng biếu gì cả. Trình độ được xem xét bởi hiệu quả công việc. Không có bằng vì không được đào tạo có trường lớp, tất trình độ quản lý sẽ thấp. Nhiều cán bộ (tốt) khắc phục nhược điểm đó bằng cách tự tìm tòi học hỏi những thứ cần cho công việc hiện tại của mình. Có cán bộ tin dùng cấp dưới là người có trình độ, được đào tạo bài bản làm trợ lý để giúp việc cho mình. Vì thế công việc cũng trôi chảy. Ông Sáu Dân, Chị Ba Thi, Ông Năm Hoằng … là những ví dụ.

Sau 1985 tình hình trở nên khó khăn vì số cán bộ đại học mới ra trường chạy theo nền kinh tế thị trường mới manh nha. Lớp trẻ thích  “ thà làm tớ thằng khôn hơn làm thầy thằng dại”, họ chỉ làm việc nhiệt tình khi có chức tước địa vị chứ không chịu giúp khống cho ai. Nhưng giao trọng trách cho lớp trẻ này thì Đảng chưa đủ lòng tin. Bởi thế Đảng đưa ra chủ trương chuẩn hóa bằng cấp cán bộ.

Khoảng năm 1988 có chỉ thị cán bộ trưởng phòng trở lên hạn trong 5 năm phải có bằng đại học mới được tiếp tục công tác. Lúc đó, ở cơ quan đôi khi tôi phải kiêm đến bốn năm việc để cho các anh em chưa có bằng đi học tập trung (hệ tại chức). Lúc anh em đi học về tôi được đãi một chầu nhậu. Hỏi: “mấy ông học được gì?” Trả lời : “lên đô” (hồi đó chỉ mời thầy nhậu thôi chứ chưa mọc thói phong bì như hiện nay). Thỉnh thoảng đi công tác gặp mấy đứa bạn dạy đại học, hỏi: “dạo này mấy ông hay dạy tại chức thấy thế nào?” Trả lời : “lên đô”.

Tính tôi ít ưa nghỉ xấu về ai, kể cả đảng nên cứ cho chủ trương “Chuẩn hóa bằng cấp cán bộ” do đảng đề ra với ý muốn nâng cao trình độ và nhận thức của cán bộ là rất tốt, nhưng chả đúng tí nào! (Cũng như Mac đề ra chủ nghĩa cộng sản với ý muốn giải phóng người nghèo khổ là rất tốt, nhưng chả đúng tí nào!). Vì thế chẳng bao lâu sau bị cả đống người lợi dụng cho mục đích xấu.

Giảng viên đại học tăng thêm thu nhập: Lúc đầu đa phần giảng viên cũng muốn dạy cho đàng hoàng nhưng dần dần ý muốn của họ trở nên vô vọng vì : học viên không đủ năng lực tiếp thu, học viên là quan chức bận rộn không muốn học chỉ muốn có bằng, lượng học viên đông thời gian tập trung thì ít, giảng viên không dám đánh rớt học viên vì như thế lần sau nhà trường sẽ không phân công bạn đi dạy tại chức nữa (đói)…. Không lâu sau cơ chế thị trường trong giáo dục mở ra: các TTGD thường xuyên cũng mở lớp dạy đại học từ xa, các đại học tư mọc lên như nấm… chất lượng giảng viên giảm sút, chất lượng bằng cấp quá thấp đến độ có đủ điều kiện để gọi là bằng giả dù được cấp có chử ký của người có thẩm quyền.

Thành phần con ông cháu cha lười học (hoặc ngu không học được) vẫn dể dàng có bằng cấp để chuẩn hóa. Chúng được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước và thăng tiến đúng quy trình một cách nhanh chóng.

Ý muốn tốt của người đề ra chủ trương nhanh chóng bị vùi lấp để tạo nên một hiện trạng đau đớn: giá trị các học vị cử nhân, thạc sỉ, tiến sỉ; học hàm giáo sư đi theo đường (P) có a<0. Bằng giả ở đây mang ý nghĩa : hàng kém chất lượng đến phế phẩm dù vẫn có qua xưởng sản xuất!

Từ việc chất lượng bằng cấp thấp đến độ có thể coi là hàng giả làm cho một số người có thẩm quyền ký ký luôn bằng cho người chưa từng tham gia lớp học vì họ biết thừa là đứa có ngồi trong lớp học chưa chắc đã có chữ hơn đứa chưa từng tới lớp. Đã từng có ông hiệu trưởng ký bằng C tiếng Đức cho một quan chức (cần đi Đức) tại thời điểm trung tâm ngoại ngữ của trường chưa từng có lớp tiếng Đức. Bằng giả đạt một tầm cao mới! Hàng không qua xưởng sản xuất! Hàng giả do không đúng quy trình!

Bọn vô pháp (ngoài vòng pháp luật) lợi dụng đục nước béo cò làm luôn bằng giả. Chúng đánh cắp phôi bằng (hoặc làm phôi giả) điền luôn tên người cần có và chi tiền cho chúng. Hàng giả thực sự!

Ở tầm trên đại học, giới có chử thực sự cũng nhân cơ hội bán chử (viết luận văn thuê) kiếm tiền vì họ cần tiền chứ không cần bằng. Chất lượng luận văn ngày càng dể dãi nên mặt hàng này ngày càng nhiều thêm (nhờ công nghệ copy→paste). Nghe rằng bên Mỹ cũng có nghề này. Phức tạp quá, chuyện thật giả ngày càng rối rắm đến độ người ta đẻ ra thêm mấy khái niệm: “bằng cấp không phù hợp”, “bằng cấp không được công nhận”.

Với mục đích cao hơn thì người ta còn dùng cả bằng nước ngoài (dân ta vốn chuộng đồ ngoại). Liệu bằng nước ngoài có thật! Gần đây lộ ra bên Tây cũng có đồ giả lắm loại như ta. Có cô bảo học bên Tây trường nọ trường kia nhưng lên mạng tra ra bên ấy chỉ có một trường dạy chó tên như vậy! Không biết cô ấy đã có bằng chưa. Ông NXN bảo có ông bạn từng là giảng viên đại học VNCH qua Mỹ bí nghề quá (do tuổi cao) cũng viết luận án thuê cho mấy anh chàng châu Á cần bằng (lúc này phát đạt lắm). Nghe có mấy anh hồi xưa ở miền Nam học dốt lắm nay vượt biên sang Mỹ đều thành kỷ sư cả, không rỏ kỷ sư trường nào!

Cách đây nhiều năm nghe thành phố Hà Nội có đề xuất đến năm 2020 cán bộ trưởng phòng trở lên đều phải có bằng tiến sỉ. Không lâu sau một loạt các tỉnh tuyên bố không công nhận bằng đại học tại chức, từ xa làm anh Hà Nội cụt hứng quên luôn chuyện nọ.

4/ Nhà nước và xã hội cần đối phó thế nào với bằng giả: Dù gì thì tình trạng lạm phát học vị, học hàm cũng đã tồn tại. Quy tội chẳng có ích gì cho xã hội. “Bằng” không đồng nhất như “tiền” để có thể đổi khi lạm phát cao! Phải tìm cách sống chung với lủ đã. Nếu có quyết tâm thì 50 năm sau mới đưa vào nề nếp được. Đừng vội!

       Nguồn cơn tạo nên bằng giả là sự coi trọng bằng cấp mà không coi trọng thực học. Vì vậy, nhà nước cần công khai công bố từ nay không lấy bằng cấp làm thước đo để tuyển dụng công chức nữa. Bằng cấp chỉ là tờ giấy cần có để nộp đơn xét tuyển. Ai muốn dự tuyển thì đóng một khoản tiền bằng chi phí khảo hạch; ai không có bằng thì đóng gấp đôi. Nếu được tuyển dụng thì được hoàn lại 90%. Nếu không đạt yêu cầu thì mất trắng. Nhà nước cần bao cấp cho một số trường đại học lớn có uy tín ra đề và chấm bài kiểm tra chuyên ngành xét tuyển, trình độ ngoại ngữ, khả năng soạn thảo và trình bày văn bản tiếng Việt (trên máy vi tính). Khi yêu cầu trường ĐH nào đó ra đề và chấm bài cần bí mật mục đích tuyển dụng công chức cho đơn vị nào. Thống kê, lưu trử dử liệu và đánh giá công chức sau 1 năm công tác. Nếu có công chức nào không đạt yêu cầu thì phải biết công chức đó qua kỳ khảo hạch nào, do trường nào ra đề và chấm bài. Một tỉnh ở vùng miền này nên nhờ một trường ở vùng miền khác (càng xa càng tốt) ra đề và chấm bài.

       Các doanh nghiệp không trực thuộc nhà nước thì tùy, nhưng nhà nước cũng cần khuyến cáo về chất lượng bằng cấp không đồng đều ở ta hiện nay. Doanh nghiệp có khả năng tự phỏng vấn hoặc thuê chuyên gia phỏng vấn để đánh giá năng lực người ứng tuyển.

       Bao cấp một số trường có chất lượng cao hiện nay (gọi là Trường Quốc gia) , các trường này có quyền cấp “Bằng quốc gia”. Trước hết, chỉ thực hiện trong hai lỉnh vực giáo dục (khoảng 6 trường sư phạm) và y tế (khoảng 3 trường Y khoa). Không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp các TQG đều được cấp BQG mà chỉ những sinh viên qua được các kỳ kiểm tra theo chuẩn mực khắt khe (do hội đồng giáo sư liên TQG thống nhất ấn định). Sinh viên các trường khác muốn tham gia các kỳ khảo hạch tại các TQG phải đóng lệ phí. Nếu đạt vẫn được cấp BQG. Dần dần triển khai ở các ngành khác (có đủ điều kiện thuận lợi) một cách từ tốn, không vội vàng.

       Tất cả các cơ quan nhà nước phải gởi kế hoạch tuyển nhân sự (các ngành có BQG) đến TQG (theo sự phân bố của cơ quan chủ quản ở TW). Các đơn vị khác hoặc doanh nghiệp tư nhân vẫn có quyền gời yêu cầu về TQG mình chọn với điều kiện hoàn trả chi phí đào tạo cho TQG đó (nếu tuyển được nhân sự). Nhà trường theo nguyện vọng của sinh viên được cấp BQG theo thứ tự vị thứ cao chọn trước, thấp chọn sau. Cơ quan nào tuyển thiếu thì được phép hợp đồng ngắn hạn (< 1 năm). Kế hoạch nhân sự còn thiếu sẽ dồn vào năm sau.

       Bỏ tư duy chuẩn hóa cán bộ (đặc biệt là theo bằng cấp). Ngày xưa trong chiến tranh có súng dùng súng, có dao dùng dao; không thể ảo tưởng coi súng là dao được. Ngày nay, các vùng sâu vùng xa chưa có bác sỉ thì dùng y tá làm trưởng phòng y tế, chưa có giáo viên tốt nghiệp đại học thì dùng GV  tốt nghiệp cao đẳng … Từ từ thu hẹp khoảng cách do vùng miền bằng cách có chế độ ưu đải về thu nhập để khuyền khích người nơi khác đến. Tạo điều kiện cho người địa phương đi học các ngành địa phương thiếu bằng cách trợ cập vật chất, ưu tiên về điểm số không quá 1 điểm, với cam kết về làm việc tại địa phương trên 10 năm.

       Không nóng vội chạy theo nhu cầu. Người được cấp BQG phải đúng chuẩn mực, bảo đảm phải giỏi chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp tốt. Số lượng người được cấp BQG phải luôn trong tình trạng thiếu so với nhu cầu xã hội. TQG nào cho ra nhiều sinh viên được cấp BQG nhưng thiếu năng lực, đạo đức gây sự cố khi công tác thì trường đó sẽ bị thu hồi quy chế TQG. Trường bình thường nhưng theo điều tra số sinh viên ra trường công tác tốt đạt tỷ lệ cao và quản lý tuyển sinh đầu vào chặt chẻ, chất lượng cao thì được cấp quy chế TQG.

       Dần dần mở rộng chuẩn mực quốc gia không chỉ cho bậc đại học mà chú trọng chuẩn trình độ quốc gia cho các vị trí công nhân kỷ thuật, kỷ thuật viên… bằng cách xét công nhận chuẩn quốc gia cho một số trường nghề, trường trung cấp kỷ thuật , cao đẳng… trên tinh thần coi chất lượng là quyết định. Không chạy theo nhu cầu xã hội, chưa đủ nhân lực chuẩn thì sử dụng nhân lực chưa chuẩn. Ưu tiên chọn việc công khai đối với lực lượng nhân sự đạt chuẩn quốc gia.

       Không cần thiết xây dựng chuẩn quốc gia đối với bậc trên đại học và học hàm. Cần có luật bắt buộc khi xưng danh phải kèm theo tên đơn vị cấp bằng hoặc phong học hàm.

5/ Hiệu ứng xã hội : Nếu áp dụng nghiêm túc kế hoạch này sẽ tạo nên một số hiệu ứng như sau :

       Xã hội quen dần với tính công khai, người dân dần quan tâm tham gia kiểm tra một số hoạt động xã hội.

       Nạn tham nhũng, tiêu cực trong tuyển dụng nhân lực sẽ giãm thiểu đến mức thấp nhất.

       Xã hội sẽ coi trọng thực học hơn. Nạn sính bằng cấp, danh hiệu sẽ được xóa bỏ.

Tuy nhiên, cần nhắc lại là không được vội vàng. Chấn hưng kinh tế cần 20 năm thì chấn hưng văn hóa cần 50 năm mới có kết quả mong muốn.

                                            Tháng 10 , 2017

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire