17/10/2017

Dân chủ phương Tây tứ bề thọ địch



Một cuộc xuống đường đòi dân chủ ở Hồng Kông năm 2014.Reuters
 


« Nền dân chủ hiện nay thể trạng ra sao ? » là tựa đề bài xã luận của Le Courrier International tuần này. Tuần báo Pháp thừa nhận « trong một thời gian dài được so sánh với một làn sóng mang tính toàn cầu dường như không gì có thể cưỡng lại được, nền dân chủ hiện đang thoái trào ».



Ảnh hưởng của « các tổ chức chính trị có lập trường cực đoan gia tăng », trong các cuộc bầu cử mới đây ở châu Âu, « các guồng máy chính quyền đang ngày càng gặp nhiều vấn đề », « sự ngờ vực thậm chí thái độ thù địch » đối với Nhà nước hay « các quyền tự do liên tục bị sói mòn » trong bối cảnh chống khủng bố… Trên đây là một loạt các dấu hiệu cho thấy nền dân chủ đang bị xuống cấp.

Courrier International dẫn một cảnh báo gây sửng sốt của nhà bình luận chính trị Ý Raffaele Simone : « Tất cả các cột trụ của các nền dân chủ (bao gồm các định chế, tâm thức, huyền thoại) đều mất ổn định, nếu không muốn nói là chúng gần như đang chao đảo ». Viện tư vấn Mỹ Freedom House cũng nêu cùng một nhận xét : năm nay là năm thứ 11 liên tiếp, các quyền tự do trên thế giới bị sụt giảm.

Tuần báo Pháp nhấn mạnh đến kết quả một điều tra mới về nền dân chủ Âu-Mỹ, được công bố trong cuốn sách mang tựa đề « Dân chủ đi về đâu ? », vừa ra mắt hồi đầu tháng 10. Điều tra do Viện thăm dò dư luận Pháp IPSOS tiến hành tại 26 quốc gia, cho thấy hơn 50% công dân các nước châu Âu được hỏi cho rằng dân chủ đang đi theo chiều hướng xấu tại đất nước mình.

Vì sao nền dân chủ hiện nay lại mong manh như vậy ? Courrier International dẫn lời nhà chính trị học nổi tiếng người Bulgari Ivan Krastev – trong cuốn « Vận mệnh của châu Âu », nhận định : « Liên Hiệp Châu Âu là một mục tiêu đầy mạo hiểm, bởi khát vọng ấy dựa trên niềm tin là nhân loại sẽ đi đến một xã hội dân chủ hơn và khoan dung hơn, và tiến bộ là có thể được ». Bài xã luận khép lại với gợi ý nên nối lại với « tinh thần phiêu lưu » này, để vượt qua các thách thức hiện nay.


Học giả Singapore : Sai lầm của phương Tây tạo đất màu cho lãnh đạo độc tài


Hồ sơ chính của Courrier International tuần này giới thiệu « 10 tiếng nói vì dân chủ », được đăng tải trên mục World Review của báo Mỹ The New York Times. Đáng chú ý có bài « Sự trở lại của những người hùng », của nhà cựu ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani, hiệu trưởng Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore.

Theo tác giả, « một số sai lầm » trong khoảng 30 năm trở lại đây của phương Tây đã nuôi dưỡng « tình cảm chống phương Tây » tại một số quốc gia vốn chịu ảnh hưởng phương Tây, đặc biệt là tại Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, tạo mảnh đất màu mỡ cho sự lên ngôi của các lãnh đạo độc tài, thông qua chính thể thức bầu cử tự do. Cụ thể là đề nghị gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1987 liên tục bị ngăn chặn, khiến uy tín của các lực lượng thế tục, thân phương Tây ở nước này suy yếu mạnh.

Nhà nghiên cứu Singapore cũng phê phán chiến lược của phương Tây với Nga. Sau khi dành chiến thắng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh « không tốn một viên đạn », phương Tây đã đi ngược lại các cam kết trước đây, mở rộng NATO đến các quốc gia thành viên cũ của Hiệp Ước Varsava. Sau khi Putin lên nắm quyền năm 2000, phương Tây tiếp tục « đe dọa » mở rộng NATO đến Ukraina, bất chấp khuyến cáo của hai cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger và Brzezinski.

Bên cạnh trường hợp Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, cư dân của hai cường quốc thân phương Tây Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang có xu hướng ủng hộ mạnh hơn các lãnh đạo có quan điểm « độc đoán », « dân tộc chủ nghĩa ». Nhà nghiên cứu Singapore tin tưởng là trong thời gian tới, xu thế này còn tiếp tục phát triển.


Dân chủ Nga thất bại, vì đối lập lo tìm « minh quân »


Về nước Nga, trong chùm bài viết của The New York Times, có ý kiến của một lãnh đạo đối lập Nga, cựu tài phiệt Mikhail Khodorkovski, người từng 10 năm ngồi tù, trước khi được ông Putin ân xá. Người sáng lập phong trào « Nước Nga mở », điểm lại lịch sử tìm kiếm dân chủ đầy gian truân tại Nga.

Một trong những nguyên nhân khiến cả ba cơ hội chuyển đổi sang dân chủ của Nga (hai cách mạng 1905, 1917 và thời điểm Liên Xô giải thể đầu những năm 1990) đều thất bại, đó là do một bộ phận lớn của đối lập Nga tin tưởng là dân chủ sẽ đến là nhờ tìm được « một minh quân », chứ không phải nhờ « một thể chế chính trị cân bằng ». Chính quan niệm phổ biến này đã khiến các chính trị gia – để nhận được sự ủng hộ của dân chúng – tìm cách tỏ ra là « một nhà lãnh đạo mạnh », hơn là xây dựng một cương lĩnh chính trị rõ ràng. Vấn đề của nước Nga không phải là lật đổ tổng thống Putin, mà là thay thế hệ thống độc đoán mà ông ta là người đại diện.

« Bài học lịch sử 1917 - 1991 cho thấy điện Kremli không thể xác lập được nền dân chủ bằng sắc lệnh, và các định chế dân chủ không thể đồng loạt xuất hiện trên toàn quốc ». Người Nga cần xây dựng được một nền văn hóa dân chủ năng động tại các địa phương, với các định chế cần thiết. Nơi cử tri thuộc nhóm đa số biết tôn trọng các nhóm thiểu số, và ngược lại. Nơi các đại diện dân cử phải chịu trách nhiệm trước cử tri. Và điều quan trọng nhất là hệ thống tư pháp phải dựa trên luật pháp, chứ không phải do một thế lực nắm quyền chi phối. Một phương thức điều hành đất nước như vậy mới khiến Nga trở nên một quốc gia thịnh vượng, được tôn trọng và đóng góp tích cực cho quốc tế.

Nhà lãnh đạo đối lập Nga cũng nhấn mạnh là chỉ có dân Nga mới làm được điều này, phương Tây không thể làm thay.


Trung Quốc : Vụ đuổi học xôn xao WeChat


Về văn hóa dân chủ, tôn trọng pháp luật đang phôi thai tại Trung Quốc, Courrier International giới thiệu vụ một học sinh trung học (em Liu Wenzhan, 16 tuổi) bị đuổi vì tố cáo nạn dạy thêm trong trường. Vụ việc được công luận biết đến sau khi được blogger nổi tiếng Vương Vĩnh Trí (Wang Yongzhi) (tên trên mạng là Wang Wusi), đưa lên WeChat - mạng xã hội nổi tiếng nhất tại Trung Quốc, được hàng trăm triệu người sử dụng.

Công luận Trung Quốc phân hóa rõ rệt trong vụ này. Một mặt, rất đông đảo dân mạng ủng hộ người thiếu niên đầy cá tính, bị xã hội đối xử tệ bạc. Mặt khác, cũng nhiều người lên án hành xử như vậy là « ngu ngốc », đáng chịu hậu quả.

Bài giới thiệu của Vương Vĩnh Trí trên mạng Đằng Tấn (Tencent) thuật lại là người học sinh trung học Liu Wenzhan - bị trừng phạt vì nói lên sự thật - rốt cục đã tha thứ cho người giáo viên chủ nhiệm, bị chính quyền dồn vào thế phải trừng phạt học sinh của mình, khi hiểu rằng chính ông ta cũng chỉ là nạn nhân. Liu Wenzhan thương cho thầy giáo, nhưng lên án những kẻ cầm quyền xảo trá.


« Dân chủ hãy tự giúp mình, trước khi Trời cứu ! »


Trở lại với tình thế khó khăn hiện nay, mà có người cho rằng là « nguy nan » của nền dân chủ tại phương Tây, báo Le Point có bài xã luận : « Dân chủ hãy tự giúp mình, trước khi Trời cứu ! ». Le Point nêu ra hai ví dụ tiêu biểu, đó là trường hợp tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng giống với bộ phim hài những năm 80 « Có phi công nào trong buồng lái không ? » (Flying High!), và phong trào ly khai Catalunya đang làm sôi sục Tây Ban Nha và cả châu Âu. Tuy nhiên tình hình này chưa thấm vào đâu so với những biến cố khủng khiếp cách nay 100 năm tại nước Nga, nơi bắt đầu « một trong những cuộc lừa đảo chính trị khủng khiếp nhất trong lịch sử », đặt một phần lớn nhân loại trong vòng nô dịch.

Theo Le Point, cho dù tổng thống Mỹ Donald Trump có dở thế nào, hệ thống chính trị Mỹ vẫn đang « vô hiệu hóa » những hành xử « huênh hoang », « lố lăng » của ông ta, nhờ lực lượng đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Quốc Hội. Le Point nhấn mạnh là sau khi đã chiến thắng « chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản », làm sao mà nền dân chủ phải sợ hãi trước những thách thức dù được coi là ghê gớm hiện nay ? Nền dân chủ sẽ tồn tại chừng nào nó còn tin tưởng vào chính mình.


Chế độ chuyên chế : « 20 bài học của thế kỷ XX »


Học lại những bài học lịch sử để không rơi vào những vết xe đổ, cũng Le Point giới thiệu cuốn sách nhỏ của nhà sử học Mỹ Timothy Snyder, vừa ra mắt bạn đọc Pháp, mang tựa đề « Về các chế độ chuyên chế. 20 bài học của thế kỷ XX ». Tác giả phân biệt rõ « tinh thần yêu nước », người bạn đồng hành của nền dân chủ và « chủ nghĩa dân tộc », sức mạnh hủy diệt. Bởi lòng yêu nước là khát khao làm sao đất nước « vươn đến các lý tưởng phổ quát », khuyến khích mỗi người « đóng góp phần tốt nhất của mình » cùng tập thể.

Lòng yêu nước tìm cách biến đổi « thế giới hiện thực », trong lúc chủ nghĩa dân tộc kích động « những gì tồi tệ nhất », các mặc cảm, thù hận trong mỗi con người. Châu Âu từng nếm trải sự suy tàn của nền dân chủ trong những năm 20, 30, 40 - thời trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc các loại - và điều này cho thấy một điều tương tự có thể xảy ra trong tương lai.


Khủng hoảng Catalunya : Bài học từ thành Athens cổ đại


Khủng hoảng Catalunya tiếp tục là chủ đề lớn của nhiều tuần báo Pháp. « Catalunya, sự lãng phí lớn. Phải chăng phe đòi độc lập đang rơi vào chiếc bẫy của mình » là tựa trang nhất của Courrier International.

Bài phân tích của l’Obs « Catalunya : Chính trị là chân trời duy nhất » nhận định : trong khủng hoảng này chúng ta đang chứng kiến sự đối đầu giữa hai nguyên tắc của nền dân chủ. Một bên là quyền tự quyết của dân chúng với bên kia là Hiến pháp, nguyên tắc tối thượng đối với một quốc gia. Cuộc đối chọi không khoan nhượng giữa « hai chân lý » có thể dẫn đến « sự sụp đổ hoàn toàn », như điều đã trở đi trở lại trong bi kịch Hy Lạp cổ đại, đặc biệt với vở Antigone của Sophocle.

Theo L’Obs, khát vọng xây dựng một chế độ dân chủ thời kỳ đó đã biến một mâu thuẫn mang tính bi kịch, không đường thoát, « thành một vấn đề chính trị ». Đây chính là điều đã được kể lại trong vở Orestie của Eschyle. Các công dân Athens, có thú vui thưởng thức vở diễn này, để trở lại với cội nguồn của thành phố, được coi là nền dân chủ đầu tiên trên thế giới, « để hiểu xem những gì đã làm nên nó và những gì đe dọa sự tồn tại của nó ».


Bức thư gửi vua Tây Ban Nha


Để góp phần hóa giải cuộc khủng hoảng Catalunya, Le Point giới thiệu bức thư gửi vua Tây Ban Nha Felipe VI. Nữ tác giả Laurence Debray phê phán việc Nhà nước Tây Ban Nha đã bỏ mặc cho công luận Catalunya ngả theo xu hướng cực đoan (đến mức tiếng Tây Ban Nha trở thành một ngoại ngữ ở Catalunya), đồng thời kêu gọi vua Felipe đóng vai trò dẫn dắt đàm phán, hướng đến thỏa hiệp, giống như vua cha Juan Carlos đệ nhất đã từng làm, để đưa nước Tây Ban Nha hậu độc tài Franco chuyển hóa êm thấm sang dân chủ.

Người viết bức thư cũng chính là tác giả một cuốn tiểu sử cựu hoàng Juan Carlos.


Quản lý lơi lỏng, buôn lậu rác thu lời hàng tỉ đô la


Khủng hoảng của nền dân chủ không thể tách khỏi cuộc khủng hoảng về môi sinh. Báo l’Express có hồ sơ cảnh báo « Buôn lậu rác thải : một hoạt động sinh lời », nhấn mạnh là với việc Liên Hiệp Châu Âu siết chặt các tiêu chuẩn về môi trường, khiến giá thành xử lý rác thải công nghiệp tăng vọt.

Riêng từ năm 2015 đến 2016, hải quan Pháp cho biết số lượng các vụ bắt giữ tăng 40%. Trong tháng 7 vừa qua, Interpol – với sự phối hợp của 43 quốc gia - bắt được một đường dây rác thải lậu 1,4 triệu tấn (gấp 140 lần tòa tháp Eiffel), một vụ chưa từng thấy. Theo một báo cáo của cơ quan môi trường Liên Hiệp Quốc, rác thải lậu mang lại khoản lời 17 tỉ đô la hàng năm.

Rất nhiều chất thải độc hại đã được chở sang nhiều nước châu Phi, châu Á, nơi gần như không có kiểm soát trong lĩnh vực này.

Lý do nạn rác thải lậu hoành hành một phần là vì tội phạm loại này bị xử rất nhẹ. Các mạng lưới tội phạm này « đang được tổ chức ngày càng tốt hơn » trên quy mô toàn châu Âu.

Trước sự lơi lỏng của chính quyền các nước, l’Express chỉ còn biết khuyên người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi quyết định thay điện thoại cầm tay mới, bởi điều đó cũng có nghĩa làm trầm trọng thêm ô nhiễm ở những nơi khác.


Khí hậu : Bruno Latour chỉ đích danh nhóm tinh hoa « ích kỷ »


Trong các bài viết tuần này, không thể bỏ qua bài giới thiệu quan điểm về môi trường của nhà xã hội học Pháp Bruno Latour, được coi là một trong 10 nhà tư tưởng « được trích dẫn nhiều nhất thế giới ». Bài viết mang tựa đề « J’accuse/Tôi cáo buộc ».

Bruno Latour vốn là người có chống biến đổi khí hậu với thái độ « chừng mực ». Thế nhưng, trong cuốn tiểu luận vừa ra mắt « Où atterir ? Hạ cánh ở đâu ? », ông trực diện lên án các thủ phạm. Đó là « một bộ phận giới tinh hoa đã quyết định bỏ rơi phần còn lại của nhân loại, để bảo vệ các đặc quyền ».

Về tình hình nước sôi lửa bỏng của nhân loại hiện nay, được ví với « con thuyền Titanic », nhà xã hội học Bruno Latour nêu lên một giả thuyết lạnh gáy.

Bất chấp các cảnh báo của giới khoa học, trong những năm 80, một bộ phận những người giàu có nhất thế giới đã quyết định phớt lờ. Họ hiểu rằng khí hậu Trái Đất sẽ biến đổi nghiêm trọng, do các hoạt động của con người. Để thoát khỏi viễn cảnh này, cần phải làm kinh tế theo hướng khác. Tuy nhiên, thay đổi sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của họ.

Theo tác giả, nhóm tinh hoa nói trên tin rằng con tàu chung chắc chắn rồi cũng sẽ đắm, « sẽ không có tương lai (tốt đẹp) chung cho toàn nhân loại », vì vậy con đường mà họ lựa chọn là « những ca nô cứu mạng riêng ».

Bruno Latour dự đoán nhóm tinh hoa này sẽ còn tiếp tục phủ nhận thực tế biến đổi khí hậu đến cùng, họ sẽ để cho « dàn nhạc chơi những bản nhạc ru ngủ » đến cùng, và nhân đêm tối sẽ tìm cách tẩu tán.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire