Trước tòa, bà Châu Thị Thu Nga không được khai ra những lãnh đạo nào đã nhận số tiền 1,5 triệu Mỹ kim để giúp bà trở thành Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Vietnam – Cali Today News – Để nói về công cuộc
chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng-Tổng Bí thư đảng CSVN đã từng phán: “Cái
lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”. Câu nói này hàm ý rằng,
tất cả những cán bộ, đảng viên một khi đã vi phạm, dính líu đến tham nhũng, hối
lộ đều bị xử và không hề có “vùng cấm” trong việc xử lý. Tuy nhiên, sự thật lại
không như vậy. “Củi” đưa vào lò đều có sự chọn lựa kỹ càng, không phải “củi”
nào cũng được ông Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm đưa vào “lò”.
Dẫn lại diễn tiến phiên tòa xét xử bà Châu Thị Thu
Nga-Đại biểu Quốc hội CSVN khóa 14, người đã can tội “lừa đảo chiếm đoạt tài
sản” với số tiền lên đến vài trăm tỷ đồng, diễn ra vào ngày 5/10 được báo Tuổi
Trẻ cho biết, luật sư Hoàng Văn Hướng, người bào chữa cho bà Nga đã đặt câu hỏi
liên quan đến số tiền 1,5 triệu Mỹ kim mà bà này trước đó đã khai dùng để đút
lót để trở thành Đại biểu Quốc hội. Ông hỏi:
“Có việc chạy ĐBQH (Đại biểu Quốc hội-người viết) không?
Bà có thay đổi lời không? Bà trình bày lại cho hội đồng xét xử và mọi người
cùng nghe”.
Ngay khi vừa dứt lời thì chủ tọa phiên tòa ngay lập tức
nhắc nhỡ luật sư là việc vừa nêu ra nằm trong một vụ án khác, không nằm trong
phạm vi của phiên xử này.
Khi nghe tòa nhắc nhỡ, bà Nga liền xin tòa cho được nói
một câu, nhưng thật kỳ lạ và trùng hợp, âm thanh trong phòng dành cho phóng
viên theo dõi phiên xử bị ngắt. Tất cả những phóng viên có mặt để theo dõi
phiên tòa từ xa đều không nghe được bà Nga đã nói gì. Đến khi âm thanh có lại
thì cũng là lúc mà chủ tọa phiên tòa nói sang vấn đề khác.
Điều này cho thấy rằng, nguyện vọng của bà Nga trong việc
mượn phiên tòa để khai ra những người đã nhận tiền đút lót của bà để trở thành
Đại biểu Quốc hội đã không được tòa đáp ứng. Số tiền 1,5 triệu Mỹ kim mà bà Nga
dùng để hối lộ dư luận vẫn không biết lọt vào tay ai. Điều đó cũng cho thấy
phải có nhiều khuất tất, mà đằng sau đó là những lãnh đạo cấp cao đã nhận tiền
của bà Nga để cho bà này trở thành Đại biểu Quốc hội, rồi từ đó, với uy tín của
mình có được thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người.
Những lãnh đạo đã cầm tiền của bà Nga rất có thể thuộc phe cánh của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, vậy nên phiên tòa không cho phép bà Nga khai ra nhằm không để
đối thủ của ông dùng nó phản pháo lại.
Trong một vụ án khác, dù đã nhiều tháng trôi qua kể từ
ngày báo chí phanh phui khối tài sản khổng lồ của ông Phạm Sỹ Quý-Giám đốc Sở
Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái thì Thanh tra Chính phủ cùng với những ban
ngành khác vẫn chưa công bố kết luận sai phạm của ông này. Cho dù trong rất
nhiều lần báo chí đề nghị những cơ quan có trách nhiệm liên quan phải cung cấp
thông tin cho họ. Đáp trả lại, những cơ quan này chỉ biết xin lỗi và khất hẹn
lần sau.
Khối tài sản khổng lồ cùng với việc thăng tiến bất hợp
lý, không đúng quy trình là những sai phạm không chỉ riêng ông Phạm Sỹ Quý, mà
nó còn dính líu đến bà Phạm Thị Thanh Trà-Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, chị ruột ông
Quý. Chưa hết, báo chí còn phanh phui ra cả những căn biệt thự như pháo đài của
Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái Thiếu tướng Đặng Trần Chiếu. Điều này có nghĩa là
một loạt lãnh đạo cao cấp của tỉnh Yên Bái đều dính vào sai phạm. Vậy nhưng, dư
luận vẫn không hiểu vì sao sự việc cho đến nay vẫn không được làm rõ.
Ông Phạm Sỹ Quý dù sai phạm một loạt nhưng đến nay vẫn bình yên vô sự. Ảnh: Báo Đất Việt |
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, những vụ lình xình giữa Chủ
tịch Huỳnh Đức Thơ và Bí thư Nguyễn Xuân Anh lại được báo chí đăng tải rầm rộ.
Cùng với đó, ông Trần Quốc Vượng-Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm
tra Trung ương kiêm Thường trực Bộ Chính trị đảng CSVN rất nhiệt tình, nhanh
chóng công bố ra những sai phạm. Và, trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 6
của đảng CSVN, ông Trần Quốc Vượng đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh
cáo đối với ông Huỳnh Đức Thơ và đề nghị Bộ Chính trị xử lý kỷ luật đối với ông
Nguyễn Xuân Anh.
Tìm hiểu kỹ thì hóa ra Nguyễn Xuân Anh không cùng phe
cánh của Nguyễn Phú Trọng, nếu không muốn nói là đối lập. Vì ông này là thân
tín của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người đang ngấp nghé chiếc ghế Tổng Bí
thư một khi ông Nguyễn Phú Trọng về hưu.
Ngược lại, Trần Quốc Vượng lại là Đại biểu Quốc hội
thuộc đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái. Do đó, bằng quyền lực của mình và nhận được
sự hậu thuẫn của Nguyễn Phú Trọng những sai phạm xảy ra tại tỉnh Yên Bái vẫn
không được Thanh tra Chính phủ công bố. Ủy ban Kiểm tra Trung ương dù rất nhiệt
tình trong việc điều tra ở những nơi khác, chỉ riêng tại Yên Bái là không được
mặn mà là nhằm bảo kê những lãnh đạo ở địa phương.
Từ hai trường hợp bà Châu Thị Thu Nga muốn khai đã
dùng 1,5 triệu Mỹ kim hối lộ cho ai để được trở thành Đại biểu Quốc hội, cho
đến những sai phạm ở tỉnh Yên Bái không được công bố, Ủy ban Kiểm tra Trung
ương không vào cuộc đã khẳng định rằng, công cuộc chống tham nhũng của ông
Nguyễn Phú Trọng chỉ là nhằm thanh trừng băng đảng. Việc đưa củi vào lò, từ củi
tươi cho đến củi khô đều có sự lựa chọn. Đó là những lãnh đạo, cán bộ thuộc phe
đối thủ, những người không cùng băng nhóm để tranh giành quyền lực mà phía đằng
sau đó là giành lại quyền lợi cho mình.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire