Thiện Tùng
Đổ lỗi khách quan trở thành căn bịnh mãn tính
của giới cầm quyền Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Trước 1975, ở miền Bắc xuất
hiện câu “Thất mùa đổ tại Thiên tai, được mùa do bởi thiên tài Đảng ta”.
Sau 1975, từ khi đất nước thống nhứt cho đến nay, giới cầm quyền VN chưa bao
giờ nhận mình có sai lầm, thiếu sót trong đường lối, chủ trương, chính sách.
Hãy nhớ lại xem, mỗi khi khó khăn, dân chúng kêu than, họ tìm mọi cách đổ lỗi
cho khách quan, nào là: do tàn dư của chế độ cũ để lại; do hậu quả
chiến tranh; do thời kỳ quá độ lên CNXH; do biến cố Châu Âu; do chiến tranh
Vùng Vịnh; do chiến tranh Irad; do khủng hoảng kinh tế thế giới… và giờ đây, do
biến đổi khí hậu.
Lũ đã về! |
Thiên nhiên cũng là vạn vật chất luôn vận động
thay đổi, sao giới cầm quyền không phát huy tính năng động chủ quan
để ứng phó với sự biến đổi khách quan. Nếu cứ hết đổ lỗi cho Đất (hạ giới), giờ
đây lại đổ cho Trời (thượng giới) thì chỉ còn “bó tay.com”?!
Trong 2 ngày 26 và 27/09/2017, với số lượng 500
khách mời, toàn là những nhà “tai mắt mũi họng”, “nội ngoại tương tề” tụ hội
tại TP Cần Thơ bàn về biến đổi khí hậu. Khuynh hướng chung cho
rằng việc xâm nhập mặn, sạt lở… ở Đồng bằng sông
Cửu Long (ĐBSCL) là do biến đổi khí hậu. Để đối phó với vấn nạn
này chỉ còn cách thay đổi tập quán canh tác đối với cư dân ở
đây. Tôi cho rằng bắt mạch và đưa ra phác đồ điều trị như thế chưa chắc
đúng.
Trước khi truy nguyên về xâm nhập mặn và sạt lở
ở ĐBSCL, người viết nói kỹ một chút về lũ và lụt ở ĐSCL: Lũ là nước từ trên cao
đổ xuống, lụt là nước từ dưới thấp dâng lên. Từ bao đời, ở ĐBSCL hàng năm đều
có lũ và lụt. Lũ vào mùa mưa, nước ngọt (nước mưa) từ hướng Bắc đổ về hướng
Nam. Lụt vào mùa nắng, nước mặn (nước biển) từ hướng Nam lấn về hướng Bắc. Cứ
đầu mùa mưa, nước lũ tràn về trên các con sông, cao điểm mưa, các con sông
không thoát kịp, nước lũ tràn đồng, thao chua đẩy lùi mặn về hướng biển, cung
cấp phù sa cho ruộng vườn. Cứ đầu mùa nắng, khi lũ yếu đi, nước biển len lỏi
thâm nhập vào các sông rạch trong nội địa, bên cạnh việc gây hại cho ruộng
vườn, nó cũng đãi cho dân sở tại cá tôm nước mặn. Chúng ta hình dung: lũ và lụt
như 2 võ sĩ đẩy cây, lũ lợi thế vào mùa mưa, lụt lợi thế vào mùa nắng. Lũ tùy
thuộc vào lượng mưa, lụt tùy thuộc vào mực nước biển. Mùa mưa lũ đẩy lụt lùi về
hướng biển; mùa nắng lụt mò vào nội địa thay vào những chỗ lũ đã kiệt sức theo
nguyên tắc thông nhau.
Theo quan sát của tôi, xâm nhập mặn và sạt lở ở
ĐBSCL do nhân tai là chính yếu, thiên tai chỉ là thứ yếu, bằng chứng là:
Nguyên nhân xâm nhập mặn: Đồng
chí “môi hở răng lạnh” của “đảng ta” ngăn nước làm thủy điện gần phân
nửa chiều dài sông Mékong về thượng nguồn. Cũng chưa sao, mùa mưa nước Tây và
Nam Trường Sơn đổ xuống khúc Mékong còn lại và 4 con sông Đồng Nai, Sài Gòn,
Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây cũng đủ cho 3 nước Lào, Miên, Việt sống đắp đổi qua
ngày. Đàng nầy, ông bạn chí thân “Việt Lào hai nước chúng ta, tình sâu như
nước Hồng Hà Cửu Long” (lời Phạm văn Đồng) bất chấp hiệp ước của Ủy
ban Mékong, làm nhiều đập thủy điện ở khúc giữa sông Mékong, khiến 2 nước Miên,
Việt ở hạ lưu, vào mùa nắng khan hiếm nước ngọt vì bị chặn ở thượng và trung
nguồn. Việt Nam ở cuối nguồn, theo nguyên tắc thông nhau, nước biển lấn vào
ĐBSCL là điều tất nhiên. ĐBSCL khốn đốn vì thiếu nước ngọt phù sa và nguồn thủy
sản là do những đập thủy điện ở thượng nguồn cướp đi là chính chứ không phải do
biến đổi khí hậu.
Những đập thủy điện ở thượng nguồn gây thiệt hại
cho ĐBSCL cũng có giới hạn: chịu xâm nhập mặn mùa nắng, thiếu phù sa, hạn chế
tôm cá nước ngọt. Chứ còn nước ngọt dầu muốn dầu không họ cũng phải xả xuống,
nhất là mùa mưa. Có điều lượng phù sa trong nước ít đi vì chúng lắng xuống
những đáy hồ chứa. Nước ngọt về ĐBSCL nhiều hay ít hoàn toàn lệ thuộc về lượng
mưa ở thượng nguồn. Hai năm trước lượng mưa ở thượng nguồn ít, ĐBSCL khan hiếm
nước, năm 2017 này, lượng mưa ở thượng nguồn nhiều, ĐBSCL chẳng những thừa nước
ngọt mà còn đẩy mặn lùi xa về hướng biển. Vậy việc thay đổi tập quán
canh tác ở ĐBSCL cũng cần phải cân nhắc kỹ.
Nguyên nhân về sạt lở: Nói do
thiếu nước gây ra sạt lở là không đúng. Vì có bao giờ dưới sông thiếu nước, có
điều là nước mặn hay nước ngọt mà thôi? Việc sạt lở do 2 nguyên nhân:
1/ Đắp lộ, đê
bao, bờ bao
Lụt là nước dưới thấp dâng lên, tùy thuộc vào
mực nước biển, len lỏi xâm nhập vào sông rạch. Lũ là nước từ trên đổ xuống, tùy
thuộc vào lượng mưa, nó rất ngang tàng. Vì vậy lực của lũ bao giờ cũng mạnh hơn
lực của lụt. Người ta có thể đắp đê ngăn lụt chớ không thể đắp đê ngăn lũ. Từ
1975 về xa xưa, người dân ĐBSCL chỉ có đắp đê ngăn lụt, còn lũ thì chung sống
với nó, khai thác triệt để nó cho cuộc sống. Sau 1975, giới cầm quyền miệng nói
“chung sống với lũ”, nhưng kỳ thực lại “chống lũ”, thi nhau đắp lộ, làm đê bao,
bờ bao… chống/ngăn lũ. Do đắp như thế, “tức nước vỡ bờ”, lũ “nổi giận” quậy phá
khắp nơi không kể sao cho siết. Chỉ đơn cử:
- Tỉnh Tiền Giang đắp lộ phía bắc kênh Nguyễn
văn Tiếp A, dài khoảng 40 km, đầu Đông giáp Quốc lộ 1A, đầu Tây giáp huyện Tháp
Mười (Mỹ An cũ), tỉnh Đồng Tháp. Lộ chắn ngang dòng lũ, buộc nước phải đổi
chiều, tìm đường thoát, chảy dồn về các con sông, cường suất nước quá mạnh gây
sạt lở các bờ sông là lẽ đương nhiên. Đó là chưa nói nước còn tràn sang tỉnh
Long An tìm đường ra Vàm Cỏ Tây gây thêm phiền phức cho bên ấy.
- Tỉnh Đồng Tháp đắp con lộ dài khoảng 30 km,
cũng chắn ngang dòng lũ, nối từ đầu Tây lộ Bắc Nguyễn văn Tiếp A của tỉnh Tiền
Giang đến tỉnh lộ 30 (sát bờ Sông Tiền). Mùa lũ nước chảy dồn ra Sông Tiền,
cường suất mạnh, gây sạt lở khủng thị xã Sa Đéc bên bờ Tây Sông Tiền.
- Tỉnh An Giang đắp con lộ từ bờ Tây Sông Tiền
sang bờ Đông Sông Hậu (Bassac). Lộ nầy có chiều dài khoảng 15 km, cũng chắn
ngang dòng lũ, buộc nước phải chạy dồn ra Sông Hậu, gây sạt lở đáng kể cầu bắc
Vàm Cống.
.v.v…
2/ Về hút đất
cát dưới lòng sông
Đã nói đồng bằng là nói vùng đất thấp (trũng),
chưa tính việc bán chui ra nước ngoài, muốn đắp lộ, tôn nền, lấp hố… phải lấy
đất cát ở đâu nếu không hút từ đáy những dòng sông? Đất cát dưới đáy những dòng
sông được xem như vô chủ, không phải mất tiền mua, vận chuyển bằng ghe lớn, chỉ
có hút lên và bơm ra, không phải khuân vác, vừa tiện lợi, ít hao tốn. Những tổ
chức, cá nhân kinh doanh nghề hút bơm đất cát xuất hiện ngày càng nhiều, được
mệnh danh bằng những mỹ từ “nạo vét các dòng sông”. Lòng sông bị hút hết đất
cát sát mé, sâu hẫm, không sạt lở mới là lạ?! Thử hỏi, máy hút và bơm đất cát
nổ ầm ầm, phương tiện vận chuyển cồng kềnh, chậm như rùa, cớ sao các cơ quan
chức năng không phát giác, ngăn chặn? Quan chức có ăn chia gì với bọn đất cát
tặc nầy không?
Trong thế giới tự nhiên luôn có sự cân đối hài
hòa. Việc biến đổi khí hậu, suy cho cùng là do nhân tai – Trái đất không nở,
con người cứ nở ra riết muốn chật đất. Ai cũng muốn được phần mình, giành ăn,
giành ở… quậy phá tùm lum, khí hậu không biến đổi mới là lạ. Sớm nhận ra nguy
cơ nầy, khi đương quyền, trong cuộc họp cấp cao, thủ tướng Võ văn Kiệt
nói: “Mâu thuẫn cơ bản hiện thời không phải giữa chủ nghĩa Tư bản và
chủ nghĩa Xã hội mà giữa con người và môi trường sống”. “Con ếch chết
vì cái miệng” – Chính từ câu nói nầy, ông Kiệt bị Bộ Chính trị Đảng CSVN quy
tội “mất lập trường”.
Một đất nước không thể yên bình, người dân không
thể sống yên ổn khi mà không tặc, hải tặc, lâm tặc, lục tặc, gian tặc nghểu
nghếnh. Còn chối cãi gì nữa: Khách tham gia chuyến bay, ngoài bị gây khó, phải
luôn để mắt trông chừng hành lý, không khéo sẽ bị chôm; Ngư dân khổ vì cướp
biển; Lực lương kiểm lâm trở thành lâm tặc, cầm đầu trong việc đốn cây rừng đem
bán; Ra đường bị BOT và cảnh sát giao thông “làm luật”; Vào bịnh viện thì chật
như nêm, lương y như ác mẫu và thuốc giả; Vào trường thì phải đóng học phí cao
ngất trời, phải học thêm, phải góp phần tiêu thụ sách giáo khoa vừa “đổi mới”;
Vào chợ thì đụng thực phẩm nhiễm độc; Vào công sở như người ăn xin, bị hạch
sách đủ điều; Vào Tòa án chỉ được nói những điều Tòa hỏi, .v.v.
Tôi còn nhiều việc muốn nói thêm, nhưng sợ độc
giả trách: “Biết rồi, nói mãi, khổ quá!”. Những gì tôi vừa viết ra là sản phẩm
chủ quan, moi tự đáy lòng mình, chỉ có giá trị tham khảo.
05/10/2017
T.T.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire