19/12/2017

CHUYỆN CŨ VIẾT LẠI

MÊNH MÔNG THẾ SỰ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI

SỐ 25


Tương Lai



Hồi còn học lớp ba, lớp tư tôi vớ được một số sách của Tự Lực Văn Đoàn rồi đọc ngấu nghiến. Một trong những hình ảnh còn đọng lại sâu trong ký ức vì đã in đậm trong trái tim bé nhỏ dễ xúc động của tôi là hình ảnh hai vợ chồng nghèo liều mạng chèo chiếc thuyền mỏng manh giữa cơn lũ gầm gào trên dòng sông Hồng cuộn chảy để vớt củi từ thượng nguồn trôi về.Thuyền bị cơn sóng dữ lật úp. Người chồng cố cứu vợ, ngoi lên ngụp xuống và cố hét lên trong tiếng sóng “u nó nắm chặt tay tôi, chớ buông ra”. Cứ thế người chồng cố vừa bơi xuôi dòng nước hướng về bờ, tay vẫn cố nắm chặt cánh tay vợ, nhưng dòng nước cứ đẩy họ chìm vào dòng chảy. Người chồng ngày càng đuối sức. Biết vậy, người vợ gào lên trong tuyệt vọng “thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé…Không anh phải sống”. Và chị buông tay chồng, trôi theo dòng lũ chìm sâu!



Mấy tháng sau đó, ầm ầm, ào ào những đoàn người kéo vào thành phố. Mẹ tôi nói: “dân dậy, dân dậy” mà không biết rằng trong đó có anh Long tôi. Và rồi hình như sau đó khá lâu tôi đọc được trên một mẩu báo mà tôi không hiểu gì cả: “Cách mạng. Cách mạng Tháng Tám”. Dần dà, tôi hiểu ra rằng, trong mấy tiếng “dân dậy” mà mẹ tôi nói chắc có hai vợ chồng nghèo vớt củi trong truyện “Anh phải sống” của Khái Hưng & Nhất Linh đang cùng trong đoàn người nổi dậy phá kho thóc Nhật để cứu đói khi đất nước chìm trong tang tóc vì nạn vỡ đê, mất mùa. Người ăn xin từng đàn, từng lũ từ làng quê kéo ra đô thị. Xác chết không kịp chôn nằm rải rác bên vệ đường. Đến khi đọc được “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, tôi bần thần cả buổi để đắm mình trong những dòng chữ cứ như phát ra ánh sáng của đại văn hào Pháp:

Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc. Cái đám quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời. Ta hãy biết khai thác các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó. Những bàn chân không ấy, những cánh tay trần ấy, những giẻ rách ấy, những ngu độn ấy, những ô nhục ấy, những bóng tối ấy có thể dùng để chinh phục lý tưởng. Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ nhìn thấy chân lý. Cái thứ cát ô uế mà bạn xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ trở thành pha lê rực rỡ. Chính nhờ cái pha lê ấy mà Galilê và Niutơn phát hiện những vì sao”.

Vấn đề là phải “ném nó vào lò nấu, phải “để nó chảy ra, để nó sôi lên, để nó sẽ trở thành pha lê rực rỡ”. Đúng như thế! Nhưng cái bi kịch lớn của lịch sử cũng nằm ngay ở đây.

Mọi thế lực thống trị, mọi giai cấp cầm quyền đều biết được cái ẩn số này và tìm mọi cách khai thác một cách khôn khéo nhất, thông minh nhất và cũng có thể là lì lợm, giả trá nhất cái sức mạnh của cái gọi là “quần chúng” này sao cho có lợi nhất. Bởi lẽ, có một sự thật quá phũ phàng mà lịch sử, hầu như của mọi quốc gia, đã phơi bày: “Nếu lời nói dối đủ lớn và cứ tiếp tục lặp đi lặp lại lời dối trá của mình, quần chúng rồi sẽ tin vào lời dối trá ấy” đó là tuyên ngôn củaPaul Joseph Goebbels, bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và tuyên truyền từ 1933 đến 1945 của nhà nước Đức Quốc xã, nhân vật thứ 2 sau Adolf Hitler đã tạo lập ra cái nhà nước phát xít khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người.

Không có một bộ máy khổng lồ của Goebbels đầu độc một đại bộ phận người Đức, đặc biệt là lớp trẻ sau thế chiến lần thứ nhất với tư tưởng đi tìm “không gian sinh tồn” cho dân tộc Đức, "chủng người ở bậc cao nhất trong số nhân loại trên quả đất này" và “luôn sẽ như thế nếu họ quan tâm đến tính thuần khiết của dòng máu của họ”, chủ nghĩa phát xít của Hítle sẽ không tồn tại. Goebbel từng nói với sinh viên Đức trước đống tro tàn của hàng vạn cuốn sách nổi tiếng nhất trong kho tàng văn hóa Đức và kho tàng văn hóa của cả loài người vừa bị thiêu cháy trên quãng trường đối diện với Đại học Berlin: “Tâm hồn của dân tộc Đức rồi sẽ cất lên tiếng nói trở lại. Những ngọn lửa này không những rọi chiếu hồi kết cục của một kỷ nguyên cũ, mà còn soi sáng cho kỷ nguyên mới”! Cuốn sách Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi") thực thi “sứ mệnh soi sáng” ấy. Đó là cuốn sách được bộ máy tuyên truyền Quốc xã biến thành sách gối đầu giường của thanh niên Đức buổi ấy trong đó tuyên bố rõ “tính chất của nhà nước Quốc xã sẽ không có cái trò "dân chủ ngu xuẩn" và Đế quốc thứ Ba sẽ đặt được một thể chế độc tài”. Có nhà nghiên cứu đã tính ra rằng mỗi chữ mà Adolf Hitler viết ra có khoảng 25 người chết, mỗi trang có 470 người sang thế giới bên kia, mỗi chương có khoảng 120.000 người thiệt mạng. Chính Hitler chỉ rõ: “Bằng tuyên truyền khôn ngoan và dai dẳng, người ta có thể khiến cho quần chúng nghĩ rằng thiên đường là địa ngục, địa ngục là thiên đường”.

Nhưng còn có một sự thật khủng khiếp hơn thế nữa: đâu chỉ có Goebels, chỉ có Hitler làm được điều đó! “Quần chúng” không “quần chúng” như người ta tưởng nên đã và đang bị cả một bộ máy tuyên truyền mê hoặc, làm cho ngu muội đi, biến thành chỗ dựa cho mọi mưu ma chước quỷ trong cuộc tranh bá đồ vương để giành giật cái ngai vàng quyền lực được khoác tấm áo mỹ miều của “cách mạng” và cuộc đấu tranh giữ vững ý thức hệ! Hãy nhìn những cuộc thanh toán đẫm máu trong Đảng cộng sản Trung quốc để giành địa vị thống trị một đất nước có số dân đông nhất thế giới từ Mao Trạch Đông cho đến Tập Cận Bình hiện nay để thấy rõ, quá rõ sự thật ghê rợn ấy. Hãy nhìn cách Mao triệt hạ một cách tàn bạo các đối thủ chính trị của mình để hiểu về sự ghê rợn ấy. Những đối thủ bị Mao hạ độc thủ lại là những người “đồng chí” thân cận, gần gũi nhất của mình như Lưu Thiếu Kỳ là Chủ tịch Nước và là Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản TQ. Không thể nhớ xuể những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị Mao triệt hạ với tội danh “phản đảng”, “kẻ đi theo con đường tư bản” những vị tướng lừng danh nhưng bị Mao nghi ngờ, những nhà lý luận sắc sảo, uyên bác có thể làm lu mờ uy danh của Mao. Chẳng phải chỉ khi Mao đã chiếm được ngôi vị độc tôn ở Bắc Kinh sau năm 1949 mà ngay từ “Phong trào chỉnh đốn Diên An” Mao đã triệt hạ hơn 1000 người trong đó có nhà trí thức nổi tiếng Vương Thực Vị, người đã từng dịch tác phẩm của K Marx ở Diên An mà người ta tính ra đến hơn 2 triệu chữ! Vì dám vạch ra “khoảng tối” trong “cuộc sống mới” ở nơi “căn cứ địa cách mạng” này ông đã bị kết tội chống cách mạng và là “đặc vụ ngầm” của Quốc dân đảng!

Trí thức là đối tượng truy sát của chế độ chuyên chính của Mao mà các phong trào “tam phản”, “ngũ phản” rồi “Đại cách mạng văn hóa vô sản” là những ví dụ sống động về sự vô nhân tính của nó.Năm 1957 “phản cánh hữu”, chụp mũ và giám sát 550.000 người phe cánh hữu, hầu hết là thành phần tri thức. Rất nhiều người khi bị phê đấu đã tự sát. Số này nhiều đến mức không kể xiết.Đây là cuộc chiến chống lại nhiều người trí thức nhất củathế giới do Mao khởi xướng. Trong 10 năm Đại Cách mạng Văn hóa, hơn 20 triệu người bị giết chết, tự sát và thảm sát. Đây là tội ác giết người vô tội, tàn khốc và vô nhân tính lớn nhất trong lịch sử loài người từng được biết đến.

Lâm Bưu từng chỉ thị cho những “hồng vệ binh” được điều đi làm “cách mạng”: “Chính quyền chính là quyền trấn áp, có chính quyền rồi, hàng triệu phú ông, hàng tỷ phú ông, trong một đêm có thể đánh ngã”. Và rồi chính người được xác định là sẽ kế vị Mao cũng phải kết thúc sự nghiệp lừng lẫy và bi thảm của “nhân vật số 2 kề cận Mao”. Số phận của những nhân vật từng kề cận Mao như hai trường hợp Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu vừa dẫn có thể liệt kê dài dài bao gồm các tướng lĩnh lừng danh thuộc loại “khai quốc công thần” như nguyên soái Bành Đức Hoài, nguyên soái Hạ Long hay các nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng khác như Bành Chân, Lục Định Nhất... Kế tục bước đường của Mao, thời Đặng cũng không thiếu những nhân vật lãnh đạo như tổng bí thư Triệu Tử Dương cũng cùng chung số phận.

Sự thật tàn nhẫn ấy đã được chính những ngòi bút có tiếng tăm của Trung Quốc viết rõ ra trên giấy trắng mực đen như tướng Lưu Á Châu gần đây phân tích về sự kiện Lưu Thiếu Kỳ “Ngày nay Mao Trạch Đông đã không còn nói gì, Lưu Thiếu Kỳ cũng vậy. Nhưng tư tưởng Mao Trạch Đông thì vẫn không ngừng phát ngôn. Chúng ta dùng nó để đấu trời, đấu đất, đấu người khác. Người khác cũng dùng nó để đấu chúng ta. Ai lên cầm quyền thì người đó đều tuyên bố mình nắm được tư tưởng Mao Trạch Đông; ai bị hạ bệ thì bị kẻ khác tuyên bố là đã phản bội nó. Lên hoặc xuống, bánh xe lịch sử quay lộc cộc, chỉ cái bánh xe ấy lừng lững không lên không xuống”. Đừng quên rằng Tập Cận Bình đang làm sống lại hình ảnh và tư tưởng của Mao để tạo nên một quyền uy tuyệt đối cho mình theo mẫu hình Mao.

Cách triệt hạ đối thủ chính trị để nắm trọn quyền lực như Tập Cận Bình với Đại hội 19 Đảng Cộng sản TQ trong tháng 11.2017 vừa rồi cũng là minh chứng cho điều đó. Hãy chỉ dẫn ra đây một ví dụ về việc triệt hạ phe “thái tử Đảng” của Tập và phe cánh của ông ta cũng đủ rõ. “Bên cạnh giường mình ngủ, sao có thể cho người khác ngáy”, đây là giáo huấn truyền qua các vương triều phong kiến. Là một “thái tử Đảng”, ông Tập Cận Bình hiểu sâu sắc thuật làm vua, hiểu sâu sắc trò quyền lực trong cung đình.

Cho nên, để thực hiện được độc tài quyền lực, phải chặn đứng âm mưu tranh giành của những “thái tử Đảng” khác, vì thế ông Tập Cận Bình phải triệt hạ những đối thủ có khả năng đe dọa vị thế của mình. Dưới chiêu bài chống tham nhũng để tranh thủ quần chúng, Tập từng bước loại bỏ dần những đối thủ chính trị mà theo truyền thống sẽ có khả năng thay thế mình, đó là thế lực được mênh danh là “thái tử đảng”. Từ một thế lực chính trị quan trọng được vun trồng qua nhiều năm, nhưng đến nay phe “thái tử Đảng” đã bị loại khỏi vũ đài lịch sử. Trong thời gian ấy như báo chí quốc tế đưa tin, ở Trung Quốc chính biến, đảo chính, mưu sát các lãnh đạo chóp bu diễn ra liên tục. Những chống đối quyết liệt diễn ra triền miên và gay gắt trước khi Tập Cận Bình trở thành “hạt nhân lãnh đạo”, thâu tóm trọn quyền lực, nếu so sánh chỉ kém Mao mà thôi. Tuy nhiên, ông ta hiểu rõ rằng hỗ to khi mắc bẫy thường quẫy rất mạnh. Cho nên, lý thuyết gia Vương Hỗ Ninh, người từng là “quốc sư” của cả ba triều đại: giúp Giang Trạch Dân đưa ra thuyết “ba đại diện”, giúp Hồ Cẩm Đào đưa ra thuyết “lý luận phát triển, khoa học, hài hòa” còn với Tập Cận Bình là tư tưởng chính trị “chuyên quyền mới”.

Theo nhà nghiên cứu Jude Blanchette, cả hai quan điểm chính trị “chuyên quyền mới” và “tân bảo thủ” đều tiếp tục phát triển song hành trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của Tập Cận Bình (2012-2017).Trong thời gian sau này, họ Vương không còn viết gì thêm về “thuyết chuyên quyền mới” nữa. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có cần viết gì nữa không, khi giờ đây « trật tự và ổn định đã khải hoàn” và tuy “bầu trời vẫn ở trên cao, nhưng Hoàng đế đã gần hơn bao giờ hết”.Điều đó có thể được hiểu là giờ đây, khi các điều kiện ổn định đã hội đủ, ông Vương đã phai nhạt giấc mơ chuyển tiếp từ chuyên chế sang dân chủ chưa hoàn thiện mà ông từng nung nấu.Và rồi “thuyết chuyên quyền mới” mà ông từng chủ trương rút cục cũng chỉ là một phương thức hiện đại và hấp dẫn, để biện minh cho truyền thống cai trị độc đoán ngàn năm của đế chế Trung Hoa đang được Tập khoác ra ngoài một tấm áo mới để lừa bịp thiên hạ?

Chính Vương Hỗ Ninh đã giải thích “cần mô hình lãnh đạo tập trung bởi điều này giúp mở rộng chưa từng có phạm vi quyết sách của lãnh đạo chính trị" cho nên, Trung Quốc nên theo đuổi cơ chế lãnh đạo "tập quyền" chứ không phải "phân tán". Bởi lẽ,"mô hình này cho phép giới cầm quyền phản ứng nhanh, mạnh với các vấn đề đột biến, ngăn chặn phân hóa và biến động xã hội trong quá trình hiện đại hóa"! Trong mô hình đó thì “dùng Đảng trị nước” là nguyên tắc tối cao.

Nói một cách đơn giản và dễ hiểu nhất thì đó là một chế độ toàn trị phản dân chủ mang đặc sắc Trung Quốc thời Tập Cận Bình trong thế kỷ XXI. Hân hoan chào đón người đồng chí “cùng chung vận mệnh, Nguyễn Phú Trọng đã ghi trong bức điện chào mừng:  “Chúng tôi đánh giá cao những tình cảm tốt đẹp, thái độ thiện chí đối với Việt Nam và những đóng góp xây dựng hết sức quan trọng cho quan hệ Việt – Trung của cá nhân Đồng chí trong những năm qua; chân thành mong muốn cùng các đồng chí tiếp tục đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc không ngừng phát triển tốt đẹp”!

Vậy đó! Cái gọi là “quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Việt Nam và Trung Quốc như thế nào thì nhân dân ta đã biết quá rõ. Đây là một sự lừa mị tệ hại đã kéo dài quá lâu và chắc sẽ còn tiếp tục mang “đặc sắc Nguyễn Phú Trọng”. Càng “đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Trung Quốc không ngừng phát triển tốt đẹp” chừng nào thì sợi giây thòng lọng siết vào cổ dân tộc ta càng được thít chặt chừng ấy. Thế nhưng, đây cũng là lúc bộ máy tuyên giáo, các lọai công cụ tuyên truyền, các “loa truyền thông” được mở hết công suất.

Khi ông Trọng hào hứng “đánh giá cao bước phát triển sáng tạo lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới và tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do Đồng chí làm hạt nhân lãnh đạo, toàn Đảng và nhân dân Trung Quốc nhất định sẽ hoàn thành các nhiệm vụ do Đại hội đề ra” thì nhiều đảng viên trung thực và đại bộ phận nhân dân ta càng hiểu rõ những bước đi của họ Tập thanh toán các đối thủ chính trị nhằm thâu tóm quyền lực về mình và bộ sậu thân cận cùng chung lợi ích với mình đã được lặp lại nguyên xi tại Việt Nam như thế nào, đặc biệt từ đại hội XI, Đại hội XII, nhất là trong những chỉ thị, nghị quyết vừa được ban hành bất chấp nguyên tắc và Điều lệ Đảng.

Những người đang thực thi những hành vi tội ác này, những người đang tô son điểm phấn cho những điều tệ hại ấy qua hê thống tuyên truyền kiểu Goebels hiện đại của thế kỷ XXI xảo quyệt hơn, rộng khắp hơn mà tác hại của sự đầu độc tư tưởng quần chúng cũng khủng khiếp hơn có thấy được sự tệ hại này không? Tôi tin rằng không ít người trong số đó thấy được và phần nào hiểu được. Nhưng thay vì lên tiếng thì người ta im lặng, trong đó có những trí thức. Có nhiều lý do ẩn dấu trong sự im lặng đó.

Nhưng lại có một sự thật rất nghiệt ngã và cũng hết sức phũ phàng: Nếu cứ để “lời nói dối đủ lớn và cứ tiếp tục lặp đi lặp lại lời dối trá của mình, quần chúng rồi sẽ tin vào lời dối đó” thì cái nguy cơ từ “mật ước Thành Đô” sẽ trở thành hiện thực trực tiếp đe dọa nền độc lập của đất nước, triệt tiêu dần truyền thống quật cường của dân tộc. Một khi cái mệnh đề “cùng chung vận mệnh” với kẻ thù, mà ông cha ta chưa bao giờ mất cảnh giác, không được vạch trần cùng với những thỏa thuận khác mà trong bài trước đã nêu lên thì mất nước vào tay ông bạn láng giềng “cùng chung ý thức hệ XHCN” là nhỡn tiền. Tuy nhiên, lại có một sự thật đanh thép khác từng được lịch sử chứng minh: một khi nạn ngoại xâm trực tiếp gọi dậy truyền thống yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc, điểm nhạy cảm bậc nhất trong tâm thế Việt Nam thì truyền thống quật cường dân tộc sẽ truyền vào khối quần chúng đang nhẫn nại và âm thầm chịu đựng sẽ bật dậy như một “cơn gió lốc”. Và rồi, “cái đám quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời. Ta hãy biết khai thác các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó”.

Ai sẽ “làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc” nếu không phải là những trí thức có lương tri. Đã không ít những trí thức, những người từng trải nghiệm trong môi trường tranh đấu, những người hiểu rõ vai trò tiên phong từng cống hiến tuổi trẻ và sự nghiệp cho nước cho dân đã dám dấn thân vì nghĩa lớn, bên cạnh những người khác đang im lặng và đợi chờ trong sự lựa chọn thời cơ và tình huống. Để rồi “trong những giờ phút nào đó” như V. Hugo tiên đoán, họ sẽ bật dậy. Điều này mang tính quy luật. Có người hiểu ra và vận dụng được quy luất ấy. Nhưng vẫn còn nhiều, khá nhiều những người đang do dự vì chưa vượt qua được sự sợ hãi trước bạo lực và cường quyền ngày càng gia tăng tỷ lệ thuận với sự rệu rã của bộ máy quyền lực với những thối nát đã lộ liễu phơi bày. Đến “những giờ phút nào đó”, trước những đột biến bất ngờ, sự sợ hãi sẽ được vượt qua, mọi sự lừa mị sẽ buộc phải cáo chung khi mặt trời của sự thật đủ sáng để xua đi bóng tối của sự ngu dân có tính toán.

Thực ra, đây không là chuyện mới. Đã có những ngòi bút có lương tri từ lâu đã từng vạch rõ điều tệ hại này. Để khỏi dẫn ra dài dòng, chỉ xin đưa hình ảnh một nhân vật trong “Sa đọa” [La chute] của Albert Camus khi ông quay về với hiện sinh trong cái nghĩa sâu xa nhất: “đi tìm bản thể con người”. Đó là Jean Baptiste Clamence một hình tượng từng ám ảnh suy tư của tôi trong một thời gian dài hồi tôi còn trong tổ nghiên cứu của Viện Triết học những năm 60. J. BClamence là một người vừa thời đại, vừa muôn thuở. Hắn biết mình đóng kịch, đóng vai bi kịch của kẻ hai mặt. Tất cả những gì "hiện hữu", "thấy được", chỉ là một hiện thực lừa dối. "Quan tòa liêm khiết", "anh hùng cứu khốn phò nguy" thật không? Hay đằng sau bình phong là một bộ mặt khác? Một kẻ sát nhân? Một tay hèn hạ? Qua Clamence mọi người soi thấy bóng mình. (Dẫn lại theo Thụy Khuê).

Khi con người soi thấy bóng mình, họ sẽ biết rồi sẽ phải suy nghĩ và hành động như thế nào. Có được điều đó khi họ đã trải nghiệm trong cuộc sống đầy rẫy sự lừa mị và tráo trở, khi họ được “ném vào lò nấu, để chảy ra, để sôi lên, đểtrở thành pha lê rực rỡ” như mong ước của đại văn hào Pháp, tác giả của “Những người khốn khổ”.

Một người, nhiều người, đông đảo những con người cùng suy nghĩ và cùng hành động. Chính  àolúc đó, nhìn vào họ “bạn sẽ nhìn thấy chân lý”. Và chân lý đang tiến lại gần. Tại sao? Tại vì sngột ngạt, oi bức đang nén dồn báo hiệu một cơn dông bão sắp ập đến.

Cũng đúng như một cảm nhận của Việt Phương có dáng dấp như một dự báo mang tính tiên tri đã có dịp nói đến trong “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” số 6.

 “Thời thế xấu đến sắp thành ra tốt”.



                                                                                                                Ngày 17.12.2017

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire