Ngô Nhân Dụng
Hôm Thứ Năm, 28 Tháng Sáu,
Tổng Thống Donald Trump tới khai trương một cơ xưởng của công ty Foxconn tại
Wisconsin, khen ngợi công ty này mang công việc làm tới cho người lao động ở
Mỹ. Foxconn sẽ đầu tư $10 tỷ vào nhà máy này.
Foxconn cũng là
một trong những công ty Đài Loan đã mở màn quá trình phát triển của kinh tế
Trung Quốc trước đây 30 năm, khi mở một nhà máy ở Thẩm Quyến (Shenzhen), tỉnh
Quảng Đông. Từ đó, các công ty Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn bắt đầu đem công
việc lắp ráp máy móc sang làm ở nước Tàu, vì lương công nhân rẻ mạt so với xứ
họ.
Trong 30 năm qua,
những công ty ngoại quốc như Foxconn đã thiết lập một mạng lưới tiếp liệu toàn
cầu, đem các bộ phận từ nhiều quốc gia đến Trung Quốc, ráp lại, rồi đem bán ra
ngoài. Những thứ hàng hóa đó đề “Made in China” khiến người ta có cảm tưởng
China là một xứ tiến bộ, biến xứ này thành một trung tâm xuất cảng khắp thế
giới.
Khi điện thoại lưu
động iPhone của Apple được đưa từ Trung Quốc qua nước khác bán, số tiền thu nhờ
xuất cảng tăng lên, trong khi đó, nhiều người quên rằng nước này đã phải nhập
cảng những bộ phận để ráp thành những cái iPhone đó.
Người Trung Quốc
chỉ được hưởng khoảng 5% giá bán một chiếc iPhone, từ $500 đến $1000 mỗi chiếc.
Từ thời Foxconn đến thời Apple, vai trò của nước Trung Hoa vẫn không thay đổi
bao nhiêu, chỉ là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất những hàng hóa kỹ
thuật cao.
Ông Tập Cận Bình
muốn chấm dứt tình trạng chậm tiến đó. Ông đã công bố chương trình Made in
China 2025, lấy năm 2025 làm mục tiêu cải thiện nền tảng công nghiệp, để đuổi
kịp các quốc gia Tây phương.
Tập Cận Bình yêu
cầu các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật phải biến Trung Quốc thành một
cường quốc kỹ thuật cao, trong khi chính phủ Mỹ đang ra lệnh cấm bán các bộ
phận cho ZTE, một công ty sản xuất khí cụ truyền thông lớn hàng thứ hai ở nước
Tàu.
ZTE đã vi phạm
luật cấm vận của Mỹ, khi bán cho Iran các dụng cụ dùng bộ phận do Mỹ sản xuất.
Nếu bị cấm vận, ZTE sẽ phải ngưng hoạt động vì phần lớn công việc tùy thuộc vào
những món phụ tùng mua từ Mỹ. Tổng Thống Trump muốn cứu ZTE, nhưng quốc hội Mỹ
ngăn cản. Công ty này đã phải trả tiền phạt $1.4 tỷ để được miễn chấp.
Vụ ZTE cho thấy
ngành kỹ thuật cao của Trung Quốc còn khập khiễng không thể đứng trụ một mình.
Công ty này đã “bi thảm hóa” tình trạng của họ bằng một thủ thuật có tính chất
hài hước. Họ thông báo cho nhân viên ngưng sử dụng một nhà cầu đang bị hư, vì
công ty không được phép mua đồ sửa chữa của hãng American Standard, tiểu bang
New Jersey, nước Mỹ, trong lúc còn bị chính phủ Mỹ cấm vận!
“Made in China 2025”
(Trung Quốc Chế Tạo, 中國製造) là một kế hoạch
lớn của Tập Cận Bình. Ông ra lệnh giới kinh doanh Trung Quốc phải gia tăng
nghiên cứu, đầu tư vào mười lãnh vực chiến lược. Bảng liệt kê đầy tham vọng nêu
tên ngành tin học, với các hệ thống 5G cho thế hệ mới; các máy móc tự điều
khiển, robotics; xe hơi chạy bằng điện; ngành hàng không và không gian; các
nông cụ mới; nghiên cứu sản xuất năng lượng mới; sáng chế vật liệu mới; dược
phẩm sinh học và dụng cụ y học; semiconductors dùng trong ngành trí khôn nhân tạo
(AI, artificial intelligence); vân vân.
Để thực hiện
chương trình này, Tập Cận Bình sẽ cho lập năm trung tâm sáng chế công nghiệp
trên tòa quốc để tiến tới 40 trung tâm ở 48 tỉnh vào năm 2025. Bắc Kinh sẽ đầu
tư $1.5 tỷ vào chương trình này, và các địa phương sẽ góp $1.6 tỷ. Mục tiêu là
sản xuất những hàng kỹ thuật cao, không lệ thuộc vào dây chuyền tiếp liệu từ
nước khác, đặc biệt là trong những ngành công nghiệp tự động hóa. Các chi tiết
sẽ tính sau!
Chính phủ Mỹ và
các nước Châu Âu đều chú ý đến dự án “Made in China 2025,” coi như một mối đe
dọa kinh tế tương lai. Họ lo lắng người Trung Hoa sẽ ăn cắp những kỹ thuật cao
mà dân trong nước họ sáng chế. Trung Quốc cũng có thể tìm cách ngăn cản các
công ty Tây phương, không cho cạnh tranh với các xí nghiệp bản xứ khi vào thị
trường Trung Quốc.
Và Mỹ đã phản ứng.
Trong số những hàng hóa của Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ, chính quyền Trump sẽ
đánh thuế 25% trên $50 tỷ hàng nhập, phần lớn nằm trong kế hoạch Made in China
2025, bắt đầu từ ngày 6 Tháng Bảy tới.
Trước phản ứng của
Mỹ và Châu Âu, Tập Cận Bình đã thấy mình dại! Ông lại được nghe giới doanh
nghiệp và các nhà kinh tế trong nước lên tiếng cảnh cáo không nên to mồm lớn
tiếng nói chuyện xa vời quá. Tập Cận Bình đã ngầm ra lệnh các cơ quan truyền
thông bớt to mồm, không nói đến Made in China 2025 nhiều như trước nữa!
Trong 12 tháng
qua, Bắc Kinh đã cho đăng 190 bài cổ động cho Made in China 2025. Nhưng trong
ba tháng vừa rồi, con số tụt giảm dần, trong 30 ngày gần nhất chỉ còn một bài
thôi.
Giáo Sư Trọng Vĩ (仲伟, Zhong Wei), trường Đại Học Sư Phạm Bắc Kinh, là một nhà giáo đã khuyên
Trung Quốc không nên nói nhiều về Made in China 2025, trong lúc sức còn quá
yếu. Ông nêu trường hợp ZTE như là một tấm gương chứng tỏ mình còn thua xa các
nước Tây phương. Phương pháp duy nhất để tiến bộ là hợp tác với các nước tiến
bộ trước mình! Nên coi Made in China 2025 chỉ là một viễn kiến, không phải là
một chương trình! Nó khác những kế hoạch ngũ niên, vì chưa có chi tiết cụ thể
nào về ngân sách, nhân sự, và tài nguyên.
Trong tuần qua,
chủ bút tờ Khoa Kỹ Nhật Báo đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc không nên nuôi ảo
tưởng rằng mình có thể sớm đuổi kịp các nước Tây phương. Ông Lưu Á Đông (Liu
Yadong, 刘亚东), đọc bài diễn văn ở Bắc Kinh hôm Thứ Năm tuần trước, sau khi tờ báo của
ông đăng một loạt bài nêu rõ còn 29 lãnh vực kỹ thuật mà người Trung Quốc còn
thua kém các nước tiên tiến. Một trong các bài đó nêu câu chuyện ZTE bị cấm
không được mua các bộ phận làm ở Mỹ.
Lưu Á Đông nói
rằng mặc dù Trung Quốc đã phát triển kỹ thuật đáng kể, song vẫn còn nhiều
chướng ngại khiến cho họ chưa đủ sức cạnh tranh với các nước Âu Mỹ.
Trung Quốc còn
chậm tiến trên nhiều mặt. Thí dụ, ngành nghiên cứu khoa học thuần túy chưa phát
triển; trong khi ai cũng biết tất cả các tiến bộ kỹ thuật đều bắt nguồn từ những
khám phá mới trong khoa học thuần túy. Trung Quốc cũng còn thiếu “tay nghề”
trong nhiều ngành kỹ thuật vì thiếu kinh nghiệm. Một trở ngại khác Lưu Á Đông
nêu ra là tinh thần làm việc của người Trung Quốc còn thấp kém, họ không kiên
trì thực hiện các công trình dài hạn.
Lưu Á Đông nêu thí
dụ một bài của Tân Hoa Xã, trong đó họ đề cao bốn “sáng chế lớn” của dân lục
địa. Bài này đăng từ mùa Thu năm ngoái, rồi được truyền bá rộng rãi trên các
mạng xã hội. Bốn “sáng chế” được nêu danh là xe lửa cao tốc, mua bán trên mạng,
thanh toán tiền tiền trên mạng, và xe đạp sử dụng chung (bike sharing) ở các
thành phố.
Nhưng, Lưu Á Đông
vạch ra, tất cả các “sáng chế” này đều đã được tìm ra và sử dụng ở nước khác!
Người Trung Hoa không hề “sáng chế” mà chỉ áp dụng các kỹ thuật được tìm ra ở
các nước phương Tây hoặc Nhật Bản! Với dân số hơn một tỷ, cái gì làm ở Trung
Quốc cũng rất lớn, rất rộng. Đường xe lửa cao tốc dài nhất thế giới, Alibaba
bán hàng trên mạng nhiều nhất thế giới, Alipay chuyển nhiều tiền trên mạng nhiều
nhất. Nhưng rốt cục vẫn chỉ là bắt chước các sáng kiến của người ta!
Lưu Á Đông đã buộc
tội những quan chức chính quyền, các cơ quan truyền thông (Tân Hoa Xã trong đó)
đã thổi phồng những “thành tựu” không có thật, lừa gạt giới lãnh đạo đảng,
khiến họ “tưởng bở!” Đó là thói quen “báo cáo hay” trong tất cả các nước Cộng
Sản! Tháng Tư năm nay, một cuốn phim đề cao nước Tàu được rất nhiều người coi
mang tên “Kinh Thán Trung Quốc” (惊叹中国), chỉ để ca ngợi
các thành công dưới thời Tập Cận Bình!
Chính phủ Donald Trump đã nhắm vào Made in China 2025
khi ra lệnh ngưng hoặc hạn chế không xuất cảng sản phẩm kỹ thuật cao sang Trung
Quốc, vì sợ bị ăn cắp. Ông bộ trưởng tài chánh khéo léo chữa lại, nói lệnh này
áp dụng cho tất cả các nước, không riêng gì nước Tàu. Sau đó, ông Trump chữa
lại lần nữa, cho biết ông sẽ chuyển tất cả vấn đề xuất cảng kỹ thuật cao cho
quốc hội Mỹ quyết định.
Nhưng Tập Cận Bình đã tỉnh giấc kịp thời. Giấc mộng
của ông, Trung Quốc Mộng, đã va chạm thực tế: Trung Quốc vẫn còn chạy theo sau
các nước Âu Mỹ về khoa học kỹ thuật; còn rất lâu mới bắt kịp.
Bài diễn văn của Lưu Á Đông được truyền đi trên mạng
để cảnh tỉnh người dân trong lục địa. Nhưng điều đáng kể nhất là tờ Hoàn Cầu
Thời Báo, một tiếng nói chính thức của Cộng Sản Trung Quốc, đã lên tiếng ca
ngợi các ý kiến của ông!
Cộng Sản Trung Quốc đã xuống thang tuyên truyền. Chính
quyền đã ngầm ra lệnh bớt nói đến kế hoạch Trung Quốc Chế Tạo, Made in China
2025!
Trong một cuộc họp báo ngày 26 Tháng Sáu vừa qua ở Bắc
Kinh của nhân viên Bộ Khoa Học Kỹ Thuật và Bộ Công Nghiệp và Tin Học, họ không
nói đến những chữ đó một lần nào, mặc dầu mục đích của họ là để thông báo cuộc
Triển lãm “Công nghiệp Thông minh” đang khai mạc ở Trùng Khánh!
Ngô Nhân Dụng
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire