Hơn 69.000 người ký kiến nghị đòi quốc hội Việt Nam hoãn thi hành Luật An ninh mạng, 16/10/2018 |
Lo ngại về thông tin cá nhân có nguy cơ
bị xâm phạm nghiêm trọng, hàng chục ngàn người Việt Nam vừa ký tên và đang vận
động những người khác tham gia ký một kiến nghị trên internet kêu gọi quốc hội
hoãn thi hành Luật An ninh mạng.
Tính đến tối 16/10, lượng chữ ký vào
kiến nghị đang tiến dần đến con số 70.000. Bản kiến nghị đăng trên trang
change.org, mở đầu với hàng tít “Dự thảo nghị định về Luật An ninh mạng: Đặc
biệt xâm phạm không gian riêng tư”.
Change.org, diễn đàn do một tổ chức phi
lơi nhuận Mỹ điều hành, cho phép bất kỳ ai ở bất cứ đâu có thể phát động một
chiến dịch hành động xã hội trên internet.
Bản kiến nghị được đăng lên hôm 13/10,
ít ngày sau khi nội dung dự thảo nghị định này được chia sẻ một cách không
chính thức trên mạng và thu hút sự chú ý đặc biệt của giới hoạt động và phản
biện xã hội vào chương 5 của dự thảo.
Theo bản kiến nghị, có hai điểm “cực kỳ
nghiêm trọng” cần lưu ý trong dự thảo nghị định.
Điểm thứ nhất là các doanh nghiệp kinh
doanh dịch vụ internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng và cung cấp theo yêu cầu
từ Cục An ninh mạng, Bộ Công an.
Dữ liệu đó gồm thông tin cá nhân, kể cả
số thẻ tín dụng, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, quan điểm chính trị; dữ liệu do
cá nhân tạo ra như nội dung tương tác, thông tin tải lên; và dữ liệu về mối
quan hệ của cá nhân.
Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh
dịch vụ internet phải lưu trữ thông tin trong suốt thời gian hoạt động hoặc đến
khi không còn cung cấp dịch vụ. Bản kiến nghị cho rằng điều này “tạo nên gánh
nặng lớn” về kinh tế cho doanh nghiệp, đặc biệt với các nhóm khởi nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt
động nổi tiếng có nhiều ảnh hưởng, chia sẻ thêm với VOA về lý do phải phản đối
dự thảo nghị định về thực thi Luật An ninh mạng:
“Nó vi phạm nghiêm trọng quyền con người
của tất cả các cá nhân sử dụng internet ở Việt Nam. Nó sẽ có khả năng gây phiền
hà rất lớn cho các doanh nghiệp. Và một điểm mà nhiều người không nhắc đến là
nguy cơ tiềm ẩn của nghị định này đến cái gọi là an ninh quốc gia thật sự mà
nước nào cũng phải bảo vệ”.
Từng là chuyên gia phần mềm, tiến sĩ
Quang A phân tích rằng dự thảo nghị định trao “sự tập trung cao độ quyền lực”
vào tay Cục trưởng Cục An ninh mạng, song với “khả năng hạn chế của họ về mọi
mặt”, kể cả về phần mềm và phần cứng, điều đó tiềm ẩn “một rủi ro cho an ninh
quốc gia” rất lớn.
Ông nói thêm rằng với một sự tập trung
cao độ như thế, nhiều thế lực trên thế giới có thể tấn công nhằm đánh cắp dữ
liệu của Việt Nam một cách dễ dàng, và đó là “một gót chân Asin của hệ thống
gọi là ‘quản lý an ninh mạng’ này”.
Trong một bài viết dài trên trang cá
nhân mà tác giả đồng ý để VOA trích dẫn, kỹ sư Dương Ngọc Thái, một chuyên gia
công nghệ thông tin nổi tiếng hiện làm việc ở Mỹ, cũng chỉ ra một số nguy cơ
một khi nghị định được ban hành.
Theo ông Thái, việc Bộ Công an tuyên bố
sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu để tiếp nhận dữ liệu mà họ yêu cầu các công ty
cung cấp cũng đồng nghĩa là toàn bộ dữ liệu của người Việt Nam sẽ được lưu ở
một chỗ duy nhất. Nhưng làm như vậy sẽ tạo thành một “mục tiêu béo bở” cho giới
tội phạm chuyên nghiệp hoặc lực lượng tình báo mạng của các quốc gia khác, ông
đưa ra cảnh báo.
Ngoài ra, theo kỹ sư Thái, khi toàn bộ
dữ liệu không chỉ của người dân, mà của cả lãnh đạo cấp cao và toàn bộ hệ thống
chính trị, nằm trong tầm kiểm soát của Cục An ninh mạng, điều này được ông so
sánh với “viễn cảnh u tối như Đông Đức năm 1984” và ông đặt ra câu hỏi “ai còn
muốn đến Việt Nam sống và làm việc?”
Luật An ninh mạng, dù được thông qua hồi
tháng 6/2018 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, luôn bị nhiều giới trong nước
phản đối và một số tổ chức nước ngoài, trong đó có Mỹ, chỉ trích trong suốt quá
trình luật này được soạn thảo và ra đời.
Dự thảo nghị định đi vào chi tiết của
việc thực thi luật càng thổi bùng lên sự phản đối vì nhiều người cho rằng các
quy định trong dự thảo còn “khắt khe”, “tăm tối” hơn cả luật.
Trong những ngày gần đây, nhiều người sử
dụng mạng xã hội viện dẫn Hiến pháp 2013 của Việt Nam và đặt câu hỏi liệu Luật
An ninh mạng có vi hiến.
Điều 21 trong Hiến pháp quy định rằng
mọi người “có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí
mật gia đình”, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
“được pháp luật bảo đảm an toàn”, và mọi người có quyền “bí mật thư tín, điện
thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác”.
Trên trang Facebook cá nhân, bà Phạm
Đoan Trang, tác giả sách “Chính trị bình dân” không được lưu hành chính thức ở
Việt Nam, đưa ra nhận định rằng bản chất của Luật An ninh mạng là “mở đường cho
Tàu cộng [Trung Quốc] vào chiếm cứ không gian mạng ở Việt Nam”. Bà gọi nó là
“một đạo luật bán nước, dâng chủ quyền” cho Trung Quốc.
Trong cùng bài viết, bà Trang đề cập đến
hai vấn đề thu hút được nhiều quan tâm của người Việt trong nhiều tháng gần đây
là dự luật về đặc khu kinh tế, và quy định cho phép thực hiện giao dịch bằng
đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ở một số tỉnh của Việt Nam giáp biên giới với
nước láng giềng phương bắc.
Nhà hoạt động nữ được một tổ chức ở Séc
trao giải thưởng nhân quyền đầu năm nay xem hai động thái kể trên cũng là hành
vi “dâng” hoặc “nhân nhượng chủ quyền cho Tàu”.
Bà Trang nêu lên quan điểm rằng: “Nếu là
người yêu nước Việt, bạn CÓ NGHĨA VỤ KHÔNG CHẤP HÀNH các thể loại luật bán nước
nói trên”.
Kiến nghị trên trang change.org về Luật
An ninh mạng và dự thảo nghị định liên quan kêu gọi mọi người “không thể im
lặng trước một nghị định đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư, càng không thể
dửng dưng trước một luật bóp nghẹt tự do ngôn luận”.
Chung tiếng nói với bản kiến nghị, giáo
sư tiến sĩ Trần Xuân Hoài, người cũng là nhà văn với bút danh Trần Gia Ninh,
viết trên Facebook cá nhân rằng “phải hợp lực có những tiếng nói mạnh mẽ, tập
trung, có lý, có tình” và “muộn còn hơn không” bởi “ngồi yên, câm lặng chấp
nhận là tự hại mình”.
https://www.voatiengviet.com/a/hang-chuc-nghin-nguoi-ky-kien-nghi-doi-qh-hoan-luat-an-ninh-mang/4615697.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire