Các nhà hoạt động và luật sư có nhiều
ảnh hưởng trong những ngày gần đây liên tiếp kêu gọi người sử dụng internet
quan tâm tới và lên tiếng phản đối các dự thảo nghị định gắn với Luật An ninh
mạng của Việt Nam.
Các dự thảo nghị định được công bố hôm
9/10 chứa đựng các quy định cụ thể về việc thực thi Luật An ninh mạng bắt đầu
từ ngày đầu tiên năm 2019. Báo chí trong nước cho hay Bộ Công an được giao
nhiệm vụ soạn 3 văn bản trình chính phủ, gồm nghị định về trình tự, thủ tục áp
dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng; nghị định đi vào chi tiết một số
điều trong Luật An ninh mạng; và quyết định của thủ tướng ban hành danh mục hệ
thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Trong số các dự thảo, người sử dụng mạng
hiện quan tâm nhất đến bản thảo chứa đựng các quy định chi tiết về một số điều
của Luật An ninh mạng.
Dự thảo Nghị định Luật An ninh mạng |
Nội dung bản dự thảo này được chia sẻ một
cách không chính thức trên internet sau ngày 9/10 nhanh chóng thu hút sự chú ý
đặc biệt của giới hoạt động và phản biện xã hội vào chương 5 trong dự thảo.
Trong số các tiếng nói phản đối hoặc bày
tỏ hết sức lo ngại về tác động của nghị định, nếu được chính phủ ban hành, là
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư tiến sĩ Trần Xuân Hoài, luật sư Trần Vũ Hải,
cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Già, và chuyên gia phần mềm Dương Ngọc Thái.
Chủ đề này cũng dẫn đến nhiều thảo luận
ở các diễn đàn trên nền tảng Facebook, như nhóm “Bàn luận về Kinh tế - Chính
trị” có hơn 192.000 thành viên, hay “Góc nhìn Báo chí - Công dân” có gần 81.000
thành viên, trong đó đa số các ý kiến đều phản đối dự thảo nghị định.
Trong một bài viết dài trên trang cá
nhân mà tác giả đồng ý để VOA trích dẫn, kỹ sư Dương Ngọc Thái, một chuyên gia
công nghệ thông tin nổi tiếng, đưa ra ý kiến rằng cần phải bỏ chương 5 của dự
thảo.
Theo tóm tắt của chuyên gia hiện làm
việc ở Thung lũng Silicon, Mỹ, bốn điều từ 54 đến 57 của chương này trao cho
Cục An ninh mạng, Bộ Công an, những quyền rất lớn.
Đó là cấp phép cho bất kỳ công ty trong
và ngoài nước nào về cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên internet tại Việt Nam; yêu
cầu các công ty về internet phải lưu trữ tất cả dữ liệu ở Việt Nam và phải cung
cấp dữ liệu có yêu cầu của cục; và các công ty đó phải lưu trữ và chuyển
giao cho cục "nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP
truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch" sau
36 tháng kể từ lúc dữ liệu được thu thập. Ngay cả khi công ty đóng cửa hoặc ngừng
cung cấp dịch vụ, họ cũng vẫn phải chuyển giao tất cả thông tin người dùng cho
Cục An ninh mạng.
Ông Thái nêu ra một số lý do để cho rằng
dự thảo nghị định này không đem lại lợi ích gì mà còn tạo ra nhiều nguy cơ kinh
tế và an ninh. Theo ông, khi toàn bộ dữ liệu không chỉ của người dân, mà cả
lãnh đạo cấp cao và toàn bộ hệ thống chính trị nằm trong tầm kiểm soát của Cục
An ninh mạng, điều này được ông so sánh với “viễn cảnh u tối như Đông Đức năm
1984” và ông đặt ra câu hỏi “ai còn muốn đến Việt Nam sống và làm việc?”
Các trí thức Việt Nam phản đối Luật An ninh mạng. Photo Goc nhin Thoi dai |
Một lý do khác, theo kỹ sư Thái, việc
bắt buộc các công ty lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam sẽ khiến họ chỉ có hai lựa chọn
là hoặc rút khỏi thị trường Việt Nam, hoặc sao chép dữ liệu thô từ trung tâm dữ
liệu của họ sang các máy chủ thuê mướn ở Việt Nam. Chuyên gia này đưa ra nhận
định rằng rất nhiều công ty nước ngoài phản đối Luật An ninh mạng vì việc sao
chép dữ liệu thô làm gia tăng rủi ro cho họ về việc dữ liệu bị xâm phạm.
Ngoài ra, kỹ sư tại Thung lũng Silicon
lưu ý đến việc Bộ Công an tuyên bố sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu để tiếp nhận
dữ liệu mà họ yêu cầu các công ty cung cấp. Việc này, theo ông, đồng nghĩa là
toàn bộ dữ liệu của người Việt Nam sẽ được lưu ở một chỗ duy nhất. Nhưng ông
cảnh báo rằng làm như vậy sẽ tạo thành một mục tiêu béo bở cho giới tội phạm
chuyên nghiệp hoặc lực lượng tình báo mạng của các quốc gia khác.
Từ góc độ của một chuyên gia về xã hội
dân sự, tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định với VOA rằng dự thảo nghị định tạo ra
nguy cơ hiện hữu về vi phạm nhân quyền và ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp.
Ông Quang A, người từng là chuyên gia
tin học, cũng có chung mối quan ngại giống kỹ sư Thái về chính lỗ hổng an ninh
mạng, hay cao hơn là an ninh quốc gia, mà trớ trêu thay sẽ xảy ra nếu dự thảo
được thông qua. Vị tiến sĩ nói:
“Với sự tập trung cao độ quyền lực vào
tay Cục trưởng Cục An ninh mạng, mà với khả năng hạn chế của họ về mọi mặt,
toàn bộ phần mềm, phần cứng của họ, thì tiềm ẩn một rủi ro cho an ninh quốc gia
một cách hết sức là cao độ. Với một sự tập trung cao độ như thế, nhiều thế lực
trên thế giới này có thể tân công một cách dễ dàng, và đấy là một gót chân Asin
của hệ thống gọi là quản lý an ninh mạng này”.
Với
sự tập trung cao độ quyền lực vào tay Cục trưởng Cục An ninh mạng, mà với khả
năng hạn chế của họ về mọi mặt, toàn bộ phần mềm, phần cứng của họ, thì tiềm ẩn
một rủi ro cho an ninh quốc gia một cách hết sức là cao độ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A |
Bày tỏ ý kiến về dự thảo gây nhiều phản
ứng, giáo sư tiến sĩ Trần Xuân Hoài viết trên Facebook cá nhân rằng những người
soạn thảo đã “lạm quyền” để “bóp nghẹt” mọi tiếng nói của lương tri, quyết tâm
kiểm soát mọi người “từ phòng ngủ trở ra”.
Vị giáo sư cũng là nhà văn với bút danh
Trần Gia Ninh lo lắng về tương lai mà ông gọi là “không còn một chút riêng tư
nào nữa, tất cả chúng ta - những người dùng internet - đều là tù nhân dự bị”.
Trước tình hình đó, ông Trần Xuân Hoài
kêu gọi: “Phải hợp lực có những tiếng nói mạnh mẽ, tập trung, có lý, có tình
đến thủ tướng chính phủ”. Theo ông, làm được như vậy “may ra có giảm bớt sự
lộng quyền này phần nào”. Ông khẳng định: “Muộn còn hơn không. Ngồi yên, câm
lặng chấp nhận là tự hại mình”.
Một khi được ban hành chính thức, các
nghị định mới sẽ mở đường cho việc thực thi Luật An ninh mạng của Việt Nam từ
ngày 1/1/2019.
Luật này từ trong quá trình soạn thảo
cho đến khi được thông qua hồi giữa năm nay đã gây ra nhiều tranh cãi, cũng như
bị một số chính phủ và tổ chức nước ngoài, trong đó có Mỹ, gọi là “một bước lùi
lớn” cho Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/gioi-hoat-dong-luat-su-keu-goi-phan-doi-du-thao-nghi-dinh-an-ninh-mang/4614056.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire