19/11/2018

Không thạo với phong bì


Dạ Ngân
 
màn trời chiếu đất trong bệnh viện

20 năm trước, một người nhà của chúng tôi bỗng phải vào viện. Tức là không thuộc loại bệnh nhân thường xuyên với thứ bệnh mãn tính nào đó. Vậy cũng có nghĩa là chúng tôi rất lóng ngóng với chuyện phong bao cho y bác sĩ dù có nghe nói, cảm ơn người thực hiện một ca mổ là bao nhiêu, bồi dưỡng cho ê kíp trực đêm những thứ gì và nên thủ tiền lẻ ra sao để nhét cho y tá, cho nhân viên thay thiệm, nói chung là tiền “biết điều” cho anh chị em làm những việc thấp bé.



Việc cho tiền vào phong bì quá đơn giản, thuần túy một cử chỉ không đến mươi giây. Nhưng với những người nệ cổ chúng tôi, chuyện ấy không thực sự dễ làm. Từ bao giờ chúng ta không còn gập người để nói một lời cảm ơn tận đáy lòng với người thầy thuốc nữa?
Vâng, không biết từ bao giờ mà chuyện phong bao trong ngành y đã chi phối tất cả chúng ta như vậy. Hình như nó bắt đầu cùng với kinh tế nhá nhem vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi bệnh viện công bắt đầu có kênh dịch vụ. Cùng một mái nhà bệnh viện ấy mà người thu nhập khá nhờ có yếu tố tư nhân và người thì đồng lương chan chát. Vậy là người bệnh tự thấy cần điều chỉnh sự bất công, hoặc là họ nhận thấy thái độ của y bác sĩ ở những nơi không “dịch vụ” có phần bất mãn. Và thế là dù không ai vòi vĩnh công khai, người bệnh bắt chước nhau ở thủ tục phong bì.
Chúng tôi đưa người nhà của mình vào viện trong bối cảnh ấy. Xin được nhấn nhá lại, bối cảnh chưa có bệnh viện tư, chỉ có các chỗ gọi là “dịch vụ” ở từng khoa trong bệnh viện công. Khi ấy, 20 năm trước ấy ở cái bệnh viện công nổi tiếng ấy, lần đầu đôi vợ chồng nhà văn không biết làm sao với chiếc phong bì để “bôi trơn” quan hệ với y bác sĩ theo mách nước của rất nhiều người - một hành vi phản văn hóa trong quan niệm của những người luôn đòi hỏi văn hóa trong mọi cư xử. Y đức còn được hiểu là xả thân, quên mình, cũng như ngày trước ở miền Nam, bệnh viện còn được gọi là Nhà thương. Bao nhiêu tiền cho đủ với một bác sĩ giỏi mà không có người ấy, mình hoặc người thân của mình sẽ chết? Vâng, không biết bao nhiêu là đủ, vì vậy mà có những cái ơn được giữ ở trong lòng suốt đời nên người ta chỉ dành chữ thầy viết hoa cho hai đối tượng ân nghĩa thiêng liêng là Thầy thuốc và Thầy giáo.
Biết vậy nhưng mọi người đều đã hành xử tự nhiên với chiếc phong bì mà sao chúng tôi cứ nghiêm trọng nó? Trong nhóm nuôi bệnh, nhà văn Nguyễn Quang Thân ở vị trí đầu lĩnh nhưng anh không làm sao nói được mấy lời cảm ơn cùng với chiếc phong bao mà anh cứ thấy lấn cấn, thậm chí thấy phản cảm. Một đứa cháu trẻ đã giành lấy, nói nhanh: “Bác để cháu!”. Nó bước vòng qua mặt bàn, đến sát bên người bác sĩ và, như một nhà ảo thuật, nó đưa êm ru chiếc phong bì vào túi áo blouse của người ấy. Gọn ghẽ và dễ dàng thật, một thế hệ khác đã hình thành, thực tiễn, biết ở bầu ở ống, không lăn tăn gì cả.
5 năm sau, tôi đi nuôi một bà chị họ mổ bướu cổ. Chị là cô giáo ở quê ra, mổ bảo hiểm y tế, nghĩa là chị không chịu tốn tiền cho cái gọi là “dịch vụ” của hệ thống y tế nửa công nửa tư quái gở xứ mình. Bệnh nhân hai người một giường, người nhà của bệnh nhân loại nghèo này, xin mời, vạ vật ở đâu tùy ý nhé. Nhiều người ra hành lang, tôi dân viên chức thủ đô chịu khó đi nuôi chị họ, tôi được ưu tiên nằm nền gạch bên chân giường của người nhà. Đêm đó, y tá dựng bệnh nhân dậy tiêm thuốc, chị tôi kêu đau quá trời. Người nhà các bệnh nhân khác dồn tôi “Sao không lót tay cho y tá, không biết cái lệ đó hay là tiếc mấy đồng bọ lẻ?” Tôi không chuẩn bị, nếu có, tôi nghĩ mình không mạnh dạn để làm việc đó và cũng không biết sẽ làm như thế nào?
Nhưng chị tôi đau, tôi không đành, tôi đi đổi tiền lẻ ngay. Tôi đi sang phòng y bác sĩ trực mong tìm người y tá ban nãy để sửa sai. Thấy một thanh niên trẻ ngồi bên bàn, tôi nhoài người nhét vào túi áo blouse của người ấy tờ năm nghìn (số tiền ấy cỡ 20 nghìn bây giờ). Người ấy ngạc nhiên nhưng tôi vội nói: “Để cà phê đêm ấy mà”. Chao ơi, các bạn biết không, sáng sớm ra y tá đến cặp nhiệt, đo áp và tiêm thuốc, tôi ngờ rằng đây không phải người hồi đêm tôi đã lót 5 nghìn để đỡ đau cho chị tôi. Quả nhiên sáng đó, bệnh nhân được khám lại trước giờ giao ban, tôi phát hiện, người “bị” tôi nhét cho 5 nghìn chính là bác sĩ trực chứ không phải y tá!
Sao tôi tệ đến mức ấy? Hay là tôi quá miễn cưỡng nên không để ý gì cả, tôi chỉ làm chiếu lệ, tôi làm cho qua? Tôi xấu hổ cho đến tận bây giờ dù tôi luôn thấy nguyên do khiến tôi xấu hổ không nằm ở bản thân tôi, đúng, nhất định không nằm ở bản thân tôi.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire