Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Duterte thăm Bắc Kinh - Ảnh: New York Times |
Một nhà phân tích an ninh quốc phòng Philippines đã cảnh báo: Tổng thống
Rodrigo Duterte và các đồng minh có thể bị phe đối lập xem là “tay sai” của
Trung Quốc, vì ông Duterte vẫn còn phải chờ “hưởng lộc” từ lời hứa của lãnh đạo
Trung Quốc.
Theo Reuters ngày 19.11, hai năm sau
khi Tổng thống Philippines tuyên bố “ly dị” với đồng minh Mỹ để xoay qua quan
hệ thân cận với Trung Quốc, ông Duterte vẫn chưa nhận được lợi lộc gì từ quyết
định này.
Hãng tin
Anh nhắc sau chuyến thăm Bắc Kinh hồi năm 2016, Tổng thống Duterte về nước với
lời hứa của lãnh đạo Trung Quốc rằng sẽ đầu tư và cho vay 24 tỉ USD, để ông
Duterte thực hiện chương trình phát triển - nâng cấp cơ sở hạ tầng, mà chính
phủ Philippines đã đặt tên là “Xây, Xây và Xây”.
Ông
Duterte nhận được lời hứa đó chỉ vài tuần sau khi ông tuyên bố Washington đối
xử với Philippines như với một con chó, và tốt nhất nước ông nên lập quan hệ
với Trung Quốc.
Nhưng
theo Reuters, lời hứa của Trung Quốc chỉ mới được thực hiện một phần
nhỏ, và ông Duterte bị chỉ trích rằng ông đồng lõa khi cho phép Trung Quốc đe
dọa chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Philippines, và bị Bắc Kinh bỏ mặc khi ông
đối mặt với tình cảnh khó khăn mà không giúp đỡ gì.
Trong bối
cảnh đó, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Manila trong tuần này, ông
Duterte sẽ cần ông Tập hứa chi tiền, để giúp ông Duterte biện hộ cho những
nhượng bộ địa - chính trị đối với một đối thủ lịch sử, theo nhận định của nhà
phân tích an ninh - quốc phòng Richard Heydarian (sống và làm việc ở Manila).
Ông
Heydarian nói: “Nếu không, thì chúng tôi có thể kết luận rằng chẳng được gì cả,
và Philippines đã bị lừa. Tính ngây thơ của ông Duterte với Trung Quốc đã là
một cú bổ lưới chiến lược của Trung Quốc, không còn nghi ngờ gì nữa”.
Trong
chương trình “Xây, Xây và Xây”, trung tâm chiến lược kinh tế của Tổng thống
Philippines liên quan 75 dự án mà một nửa là từ vốn vay của Trung Quốc, hoặc do
Trung Quốc đầu tư. Nhưng theo các tài liệu mà chính phủ Philippines đăng lên
trang web chính thức (Reuters đã xem) thì mới chỉ động thổ 3 dự án - xây
2 chiếc cầu và một hệ thống tưới tiêu, có tổng trị giá 167 triệu USD.
Các dự án
còn lại gồm 3 dự án đường sắt, 3 tuyến đường bộ cao tốc và 9 chiếc cầu vẫn còn
ở các giai đoạn lên kế hoạch và xét kinh phí, hoặc chờ sự phê chuẩn của chính
phủ Trung Quốc về tài chính, hoặc chờ sự giới thiệu các nhà thầu Trung Quốc.
Bộ Ngoại
giao Trung Quốc nói các dự án lớn mà hai bên đã nhất trí “đang xúc tiến và tiếp
tục đạt những kết quả tích cực”. Trong tuyên bố gởi e-mail đến Reuters, Bộ
khẳng định Trung Quốc muốn tăng cường thương mại và đầu tư, “quảng bá sớm sự
khởi công các công trình xây dựng đã được chấp thuận”.
Theo Cục
Thống kê Philippines, trong nửa đầu năm 2018, Trung Quốc mới thực hiện đầu tư
33 triệu USD ở Philippines, và thương mại giữa Trung Quốc - Philippines đã tăng
đáng kể, nhưng các dữ liệu cho thấy hoạt động này đem lại nhiều lợi lộc hơn cho
Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc xuất qua Philippines tăng 26% trong 9 tháng đầu
năm 2017, trong khi hàng hóa Philippines xuất qua Trung Quốc chỉ tăng 9.8 %.
Bên cạnh
đó, khoản đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc đạt 181 triệu USD trong 8 tháng đầu
năm 2018, tăng so với 28,8 triệu USD trong toàn năm 2017, theo số liệu của Ngân
hàng Trung ương Philippines.
Vẫn theo Reuters,
ông Duterte ngày càng tỏ thái độ nghiêng hẳn về Trung Quốc, gồm nói công khai
rằng ông “yêu” ông Tập, và từng nói đùa rằng Philippines có thể trở thành một
tỉnh của Trung Quốc
Nhiều
người dân Philippines cùng các nhà ngoại giao, các luật sư quốc tế đã bức xúc,
khi ông Duterte thậm chí không đề cập với Trung Quốc về phán quyết của Tòa án
Trọng tài Thường trực (PCA) hồi năm 2016, đã tuyên xử Philippines thắng kiện và
không công nhận việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông.
Thay vào
đó, ông Duterte đang muốn cùng Trung Quốc khai thác khí đốt ở Biển Đông. Một số
nghị sĩ lo ngại, như thế là công nhận chủ quyền của Bắc Kinh ở một đảo tranh
chấp mà PCA đã tuyên Trung Quốc không có chủ quyền.
Theo Reuters,
ông Duterte còn phản đối các nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)
muốn phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, như khi nói chuyện bên lề Hội
nghị cấp cao ASEAN, nhà lãnh đạo Philippines đã nói: “Trung Quốc đã ở đó, và
đây là một thực tế. Hành động quân sự cứng rắn sẽ khiến Trung Quốc có phản ứng
đáp trả. Tôi không bận tâm mọi người sa vào chiến tranh, nhưng trừ phi
Philippines nằm giữa cuộc chiến đó. Nếu nổ súng ở đó, đất nước chúng tôi sẽ
phải chịu đựng trước tiên”.
Nhà phân
tích an ninh - quốc phòng Heydarian nói rằng nếu Tổng thống Duterte không thể
chứng minh được lợi ích kinh tế khi ông chơi với Trung Quốc, thì thế lực của
ông sẽ bị suy yếu trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019, vốn là cuộc bầu cử
có thể quyết định thành bại trong vai trò tổng thống của ông.
Để có cơ
hội thực hiện các chính sách, Tổng thống Duterte sẽ cần các đồng minh nhằm
chiếm thế đa số ở Quốc hội và Thượng viện Philippines ở cuộc bầu cử giữa kỳ đó,
nhằm bảo đảm các luật của chính phủ được thông qua, để ông có thể tiến hành các
cải tổ nhằm làm tăng nguồn thu, thu hút đầu tư và tạo ra việc làm chất lượng
cao.
Ông
Heydarian nói: “Nếu sau chuyến thăm của ông Tập, Trung Quốc vẫn chưa đầu tư
mạnh vào Philippines, nếu hoạt động cải tạo đất - quân sự hóa trên Biển Đông
của Bắc Kinh sẽ chỉ tiếp tục chứ không giảm xuống, chúng ta sẽ đứng trước một
tình hình mà ông Duterte sẽ phải chịu sức ép tối đa. Phe đối lập sẽ dùng điều
đó để dán nhãn ông Duterte và đồng minh của ông ấy là những tay sai của Trung
Quốc”.
Vĩnh Thụy (theo Reuters)
https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/tong-thong-philippines-co-the-bi-xem-la-tay-sai-cua-trung-quoc-101304.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire