31/01/2019

Cuộc chạy đua xây đập thủy điện tại dãy Himalaya

Nguyên tựa bài báo: The Race to Dam the Himalayas


Nguồn: The New York Times International Edition, page 08

Tác giả bài báo: Sunil S. Amrith (Ông Amrith là giáo sư sử học tại Đại học Havard)

Lâm Du chuyển ngữ

 
Tuyết mới rơi bao phủ Vùng băng Thajiwas vào tháng 6 tại Kashmir, Ấn Độ


Hàng trăm dự án lớn đang được lên kế hoạch cho những dòng sông đổ xuống từ nóc nhà của  thế giới.


Dọc theo bờ sông Godavari, gần thành phố Rajahmundry của bang Andhra Pradesh, miền đông Ấn Độ, có một nhà bảo tàng được xây dựng để tưởng nhớ Ngài Arthur Thomas Cotton. Là một cao ủy phụ trách công tác thủy lợi của vùng đó vào những năm 1840, Cotton đã dẫn thủy nhập điền cho vùng đất khô cằn Andhra, biến chúng thành vựa lúa của Ấn Độ.


Vốn là một kỹ sư trong biên chế của Công ty Đông Ấn, ông đã thực hiện điều này bằng cách khôi phục và mở rộng một mạng lưới các con đập và kênh đào cổ xưa dọc theo các dòng sông lớn ở phía nam của Ấn Độ: Kaveri, Krishna và Godavari. Được thúc đẩy bởi một niềm tin rằng khoa học sẽ mở đường cho chủ nghĩa tư bản ở nông thôn, ông đã hình dung trước một cảnh quan được chuyển đổi.

Và đã là như vậy.

Nhưng những ước mơ của ông đã không dừng lại cùng với những dự án đó. Vào những năm 1870, Cotton đã đề xuất ý tưởng xây dựng một loạt các con kênh đào để kết nối các con sông ở dãy núi Himalaya với vùng đất cực nam của Ấn Độ và một loạt các con kênh khác để kết nối sông Brahmaputra với sông Dương Tử qua vùng đất Assam và Vân Nam. Chính quyền thực dân Anh keo kiệt đã bác bỏ kế hoạch của ông với lý do là không thực tế. Gần 150 năm sau, những ước mơ này vẫn tồn tại. Nó giống như một bóng ma đằng sau kế hoạch của Ấn Độ đương đại nhằm liên kết một số con sông lớn nhất của nó, với chi phí ước tính gần 90 tỷ đô la.

Ấn Độ không đơn độc trong những tham vọng của mình. Đói khát năng lượng và bị đe dọa bởi tình trạng thiếu nước ngọt gay gắt, các quốc gia châu Á khác đang tranh nhau khai thác sức mạnh của các con sông thuộc dãy núi Himalaya, nơi mà hơn nửa tỷ con người đang phụ thuộc trực tiếp vào nguồn nước.

Hơn 400 con đập đang được xây dựng, hoặc được lên kế hoạch cho những thập kỷ tới, tại Bhutan, Ấn Độ, Nepal và Pakistan; ít nhất 100 con đập nữa đã được đề xuất xây dựng dọc biên giới Trung Quốc thuộc vùng Tây Tạng. Nếu các kế hoạch trên đây một khi trở thành hiện thực, thì đây sẽ là một trong những khu vực có mật độ xây đập dày đặc nhất thế giới. Nhưng những dự án này cũng sẽ làm trầm trọng thêm những căng thẳng quốc tế. Chúng mang tới những rủi ro sinh thái nghiêm trọng. Để hiểu lý do tại sao những người ủng hộ các kế hoạch trên đây lại bỏ qua những sự thận trọng, sẽ là một sự hữu ích khi chúng ta nhìn lại vào lịch sử.

Khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, những con đập lớn hứa hẹn sẽ thuần hóa những thói đỏng đảnh của khí hậu gió mùa mà vốn cung cấp hơn hai phần ba lượng mưa hàng năm cho đất nước Ấn độ. Các dự án này đã mở ra triển vọng tăng sản lượng lương thực ở một khu vực của thế giới, nơi mà ký ức về nạn đói vẫn còn rất đau đớn và nơi mà sự kiện Pakistan tách ra khỏi Ấn Độ vẫn còn khiến cho cả hai quốc gia này đều cảm thấy mất đi một vùng đất nông nghiệp quý giá. Còn đối với các quốc gia châu Á mới, những dự án kỹ thuật táo bạo này tượng trưng cho việc giành được nền tự do chính trị và theo kịp sự phát triển hiện đại của họ. Năm 1956, khi đi khảo sát đập Bhakra Nangal, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru, đã tuyên bố rằng “đây là những ngôi đền mới của Ấn Độ, nơi mà tôi sẽ đến để hành hương”.

Việc xây dựng đập là một nỗi ám ảnh mag tính toàn cầu. Vào những năm 1950, Ngân hàng Thế giới bắt đầu tài trợ cho các dự án thủy lợi đa mục đích tại các nước đang phát triển kết hợp thủy lợi, sản xuất điện và kiểm soát lũ lụt; vào cuối thế kỷ 20, ngân hàng này đã cho các dự án xây đập vay hàng tỷ đô la.

Các kỹ sư người Mỹ đã đi khắp thế giới để rao bán những kiến thức chuyên môn về thủy lực của họ. Những người tương nhiệm Liên-xô của họ cũng không chịu thua kém, những người đã tư vấn cho chương trình xây dựng đập khổng lồ ở Trung Quốc thời Mao. Trong thời gian đó, Ấn Độ và Trung Quốc ra sức tìm cách học hỏi lẫn nhau. Vào năm 1954, hai trong số các kỹ sư hàng đầu của Ấn Độ đã bắt đầu chuyến tham quan hai tháng các dự án thủy lợi của Trung Quốc và thấy rằng người Trung Quốc đang thực hiện với một quy mô và tốc độ mà sẽ biến những tham vọng của Ấn Độ thành những người lùn tí hon.

Cơn sốt xây đập thủy điện của Ấn Độ đạt tới cực điểm vào những năm 1970 và 80. Khoảng một nửa trong số hơn 3.500 con đập lớn được xây dựng tại Ấn Độ từ năm 1947 cho đến năm 2000 là được xây dựng trong thời gian từ năm 1970 đến 1989. Tổng số các con đập lớn được xây dựng tại Trung Quốc sau năm 1949 ước tính là hơn 20.000.

 Nhưng những năm 1970 cũng là lúc lợi ích từ các con đập bắt đầu bị nghi ngờ. Trong một báo cáo mang tính bước ngoặt năm 1982, nhà môi trường tiên phong Anil Agarwal và các đồng nghiệp của ông tại Trung tâm Khoa học và Môi trường New Delhi, đã nhấn mạnh đến số lượng lớn những người dân phải di dời bởi các dự án thủy lợi. Nó trở thành lời kêu gọi tập hợp của phong trào môi trường tại Ấn Độ. Và mặc dù đã được chi những khoản tiền cho các con đập thủy điện lớn, nhưng các đập thủy điện lớn này đã đóng góp ít hơn cho việc tưới tiêu của Ấn Độ khi hàng triệu nông dân chuyển sang khai thác nước ngầm thông qua các máy bơm điện. Đây là một nguồn nước thủy lợi dễ tiếp cận hơn đối với nhu cầu của những người nông dân cá thể - ít nhất cũng là đối với những người có thể mua được máy bơm.

Đập Cheruthoni ở miền nam Kerala, Ấn Độ


Những ước tính về số lượng người phải di dời bởi các con đập ở Ấn Độ kể từ năm 1947 dao động trong khoảng từ 16 triệu đến 40 triệu người. Nếu những dự án này được lấy cảm hứng từ những giấc mơ về sự bình đẳng, thì, thay vào đó, những con đập lớn này của Ấn Độ lại củng cố một số hình thức bất bình đẳng khó giải quyết nhất. Những người mà sẽ có khả năng bị buộc phải di dời khỏi quê hương bản quán của họ nhất, và ít có khả năng được bồi thường nhất cho việc mất đất và sinh kế của họ và sự cắt đứt khỏi các liên hệ cộng đồng của họ, là những cộng đồng bản địa mong manh.

Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo chính quyền, các kỹ sư và nhà thầu tư nhân vẫn gắn bó với những hứa hẹn về những con đập lớn. Dãy Himalay là ranh giới tiếp theo. Cho đến tận những năm 1980, các vùng thượng nguồn của các con sông lớn của châu Á dường như vẫn còn quá xa xôi và quá đắt đỏ để khai thác. Các nhu cầu mới về nước và điện đã thay đổi các tính toán về các chi phí và các lợi ích. Cơ sở hạ tầng mới cũng vậy. Từ năm 1960 đến năm 1980, các quốc gia trong tiểu vùng Himalaya đã xây dựng được 6.200 dặm đường trong khu vực, làm cho khu vực này trở nên dễ dàng tiếp cận hơn đối với các nhà xây dựng đập. Những dòng nước từ trên những ngọn núi đổ xuống gần như dựng đứng càng làm tăng thêm tiềm năng thủy điện của chúng. Nhưng các dự án trên dãy Himalaya đặc biệt mang nhiều rủi ro, vì ba lý do.

Lý do thứ nhất là lý do địa chính trị. Được liên kết với nhau, các dòng sông trong tiểu vùng Himalaya chảy qua ít nhất 16 quốc gia. Trong trường hợp không có một kế hoạch được điều phối, việc xây dựng đập thủy điện trở thành một trò chơi có tổng số bằng không, trong đó những người sử dụng ở hạ lưu là những người thua thiệt. Ấn Độ lo ngại việc xây dựng một con đập lớn bên phía Trung Quốc trên vùng biên giới Trung - Ấn sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của con sông Brahmaputra; ngược lại, Bangladesh sẽ gánh chịu các hậu quả của các con đập của Ấn Độ trên cùng một dòng sông. Tiềm năng xung đột cứ lừng lững hiện ra.

Hệ thống những con sông chính bắt nguồn từ Himalayas



Lý do thứ hai là lý do sinh thái. Vùng Himalaya là vùng có mật độ tập trung đa dạng sinh học phi thường. Ước tính khoảng 660 dặm vuông rừng sẽ bị ngập lụt hoặc bị thiệt hại bởi các dự án đập thủy điện được hoạch định. Báo tuyết, gấu nâu, cá hồi tuyết và cá chép vàng là một trong số những loài vùng đồi núi bị đe dọa bởi các kế hoạch này. Và lý do thứ ba là các lý do liên quan đến các mối nguy hiểm tự nhiên. Các dự án đập có nguy cơ bị vỡ đổ do động đất ở khu vực có hoạt động địa chấn tích cực này và việc sụt lở từ các trận lũ lụt từ các hồ băng và các dòng sông băng ở thượng nguồn.

Những rủi ro dường như cũng có khả năng gia tăng cùng với sự biến đổi khí hậu bởi vì các khu vực của dãy Himalaya ấm lên nhanh hơn so với nhiều khu vực khác của thế giới. Khi các dòng sông băng tan chảy nhanh hơn, các con sông ở dãy Himalaya, như ban đầu được dự báo, là sẽ cạn dần, và sau đó, vào giữa thế kỷ (21), sẽ đánh mất dòng chảy. Các nhà sinh thái học và các nhà hoạt động môi trường cho rằng các dự án đập mới đã không tính toán đến biến đổi khí hậu một cách thỏa đáng trong các tính toán của họ về dòng chảy của sông, tải trọng phù sa và tiềm năng năng lượng. Các con đập cũng đe dọa sẽ làm gia tăng lũ lụt ở hạ lưu trong những trận mưa lớn khi các hồ chứa bị tràn.

Nguy cơ đe dọa không chỉ ở việc chọn vị trí hoặc phê duyệt con đập này hay con đập kia - đó là cả một thế giới quan. Ramaswamy Iyer, bộ trưởng bộ thủy lợi Ấn Độ hồi những năm 1980, từng là một người ủng hộ nhiệt thành của các con đập, nhưng đến cuối đời, ông trở nên hoài nghi. Vấn đề cơ bản mà ông xác định là sự dai dẳng, thâm căn cố đế (nguyên văn: “the persistence of a “colonial” approach to”) của phương thức tiếp cận “thuộc địa” đối với kỹ thuật thủy lợi, hướng tới di sản của Arthur Cotton. Nó truyền lại cho Ấn Độ một truyền thống phương Tây, truyền thống mà Iyer không phản đối, “và còn cả một quan điểm, thái độ chính yếu mang màu sắc Promete đối với thiên nhiên”, một quan điểm, thái độ mà ông nhìn nhận với sự nghi ngờ.

Có những sự lựa chọn thay thế khả thi nào không? Ở cấp độ địa phương, câu trả lời là có. Nhà báo Meera Subramanian đã có bài viết về việc phục hồi nguồn cung cấp nước cho vùng Rajasthan khô cằn thông qua một loạt các đập nhỏ nhạy cảm về mặt sinh thái. Nhưng một sự tích tụ các dự án nhỏ liệu có là đủ hay không? Những người ủng hộ việc xây đập viện dẫn quy mô nhu cầu năng lượng, dân số và nguy cơ thiếu hụt các nguồn nước của Châu Á để lập luận rằng chỉ có các giải pháp khổng lồ mới có thể có tác dụng. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, cũng như ở nhiều những nơi khác trong khu vực, các vấn đề về cả nguồn nước và năng lượng là những vấn đề của sự phân phối không đồng đều của họ cũng như của khả năng có sẵn để dùng (xét về) tổng thể.

Không cần phải có sự lựa chọn nhị phân giữa các giải pháp địa phương và phối hợp ở quy mô lớn hơn, đặc biệt là nếu sự phối hợp đó vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Một tinh thần thận trọng, kết hợp với các đánh giá tác động môi trường hiệu quả hơn được điều phối tốt hơn giữa các cấp liên bang và tiểu bang, sẽ giúp ngăn ngừa các rủi ro môi trường trơ tráo, trắng trợn nhất. Một cuộc thảo luận cởi mở và dân chủ hơn về tái định cư và bồi thường là cần thiết để lưu tâm một cách trung thực đến những người phải hứng chịu những hậu quả của các chương trình này. Thậm chí ngay cả một sự lưu ý tối thiểu đến việc sửa chữa và phục hồi các đập, kênh, đường ống và đường dây điện hiện có cũng sẽ làm giảm số lượng đập cần thiết, bởi vì một lượng lớn năng lượng được tạo ra, cũng như nước tưới, bị mất do rò rỉ, thất thoát trên đường đi. Một sự quy định tốt hơn về sử dụng nước ngầm và một chính sách được điều phối để tái nạp các tầng ngậm nước đã bị cạn kiệt sẽ giúp ích nhiều hơn cho công cuộc an ninh nguồn nước so với việc xây dựng các hồ chứa lớn.

Có vài lý do cho sự lạc quan về các giải pháp quốc tế đối với các vấn đề về nguồn nước được chia sẻ trong một khu vực vốn được quân sự hóa một cách cao độ, và nơi có nhiều khu vực biên giới tranh chấp. Nhưng các quốc gia trong khu vực cần phải cam kết nhiều hơn trong việc quản lý nguồn nước xuyên biên giới. Sự hỗ trợ và áp lực từ các tổ chức xã hội dân sự cũng có thể có ích. Một lĩnh vực mà những sự hỗ trợ và áp lực này có thể có hiệu quả là thúc đẩy sự minh bạch thông tin lớn hơn trong bối cảnh khi mà các dữ liệu về dòng chảy của một con sông, ví dụ vậy, được bảo vệ như một bí mật quốc gia. Cực thứ ba (nguyên văn: “The Third Pole”), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại London và New Delhi tập trung vào các mối đe dọa môi trường ở dãy Himalaya, đã bắt tay vào một dự án đầy tham vọng để biến các dữ liệu này thành một nguồn truy cập để ngỏ. Những sáng kiến này có thể được xây dựng trên những nền tảng vốn đã tồn tại giữa các nhà khoa học và các nhà hoạt động, những người mà hiện đang thực hiện các công tác xuyên biên giới để giải quyết các mối đe dọa chung.

Đối mặt với viễn cảnh của một sự biến đổi khí hậu thảm khốc, chúng ta cần hiểu rõ hơn về những lợi ích và những nguy cơ rủi ro của những ý tưởng của thế kỷ 20 về việc khai thác các con sông lớn trước khi bắt tay vào việc xây dựng nhiều các con đập hơn nữa.

THE END

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire