Xuân Dương: "Phải chăng điều người dân lo ngại “cái gì không quản được thì cấm”
vẫn là cách thức làm việc của không ít cơ quan nhà nước? Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định:“Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung
cũng phải ghi âm, ghi hình. Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân”.
Trong trường hợp phát biểu của Thủ tướng bao hàm cả hai phía: cơ quan nhà
nước và người dân thì không cần bàn luận gì thêm."
Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội lại ban hành quy định về tiếp công
dân trái với yêu cầu của Thủ tướng, theo đó người dân đến trụ sở tiếp công dân thành phố:
“Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp
công dân”.
Không phải chỉ tại Hà Nội, Trưởng Ban Tiếp Công dân Trung ương Nguyễn Hồng
Điệp cho biết:
“Ngay tại Trụ sở Tiếp công dân Trung
ương, nội quy cũng quy định rõ "không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi
âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương, cán bộ tiếp
công dân tại Trụ sở tiếp công dân”. [1]
Câu hỏi đặt ra là Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Ban Tiếp Công dân
Trung ương ban hành quy định như vậy có đúng luật?
Để trả lời câu hỏi này, cần xem xét nhiều đạo luật liên quan: Hiến pháp,
Luật tiếp công dân, Luật An ninh mạng, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Luật
Bảo vệ bí mật nhà nước,…
Quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại trụ sở tiếp dân khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” của Hà Nội gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh minh hoạ: Anninhthudo.vn |
Thứ nhất, bảo vệ bí mật nhà nước:
Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 (hết hạn khi Luật
Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực vào 1/7/2020) quy định:
“Bí mật nhà nước là những tin về vụ,
việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc
lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công
nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị
tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định:
“Bí mật nhà nước là thông tin có nội
dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định
căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây
nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc”.
Theo đó những hành vi bị cấm liên quan đến bí mật nhà nước gồm:
“… Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát
tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí
mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho
phép.
Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên
phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn
thông…”.
Nếu “người có thẩm quyền” là người đứng đầu cơ quan - với Ban Tiếp
công dân Trung ương là ông Nguyễn Hồng Điệp, với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà
Nội là ông Nguyễn Đức Chung - xác định những “trao đổi giữa công dân
với cán bộ tiếp công dân” tại trụ sở là bí mật nhà nước thì việc quy định cấm
ghi âm, ghi hình là đúng luật, ngược lại là trái luật.
Đây mới chỉ là căn cứ vào một luật là Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Luật thứ
hai liên quan là Luật tiếp công dân.
Khoản 2 điều 3 Luật Tiếp công dân quy định:
“Việc tiếp công dân phải bảo đảm công
khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an
toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình
đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân”.
Tại trụ sở tiếp công dân có hai đối tượng liên quan là người dân đến khiếu
nại, tố cáo và cán bộ tiếp công dân, việc “bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công
dân” phải được hiểu là nếu cơ quan tiếp công dân (hoặc người đại diện cơ
quan) được phép ghi âm, ghi hình thì công dân cũng được phép.
Tại trụ sở tiếp công dân có lắp camera theo dõi không cần sự đồng ý của dân
trong khi dân muốn ghi âm, chụp ảnh phải xin phép có phải là tuân thủ quy định
của pháp luật: “không phân biệt đối xử trong khi tiếp
công dân”?
Trong các khoản từ 1 đến 8 điều 6 “Luật Tiếp công dân” không có khoản nào
quy định cấm công dân ghi âm, ghi hình trừ khoản 8:
“Vi phạm các quy định khác trong nội quy,
quy chế tiếp công dân”.
Tuy nhiên, cần phải hiểu các quy định trong nội quy, quy chế tiếp công dân
phải tuân thủ pháp luật hiện hành.
Luật thứ ba có liên quan là Luật An ninh mạng.
Mục d khoản 1 điều 8 Luật An ninh mạng quy định hành vi bị cấm:
“Thông tin sai sự thật gây hoang mang
trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn
cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền
và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”.
Như vậy việc một số lãnh đạo (cơ quan nhà nước) lo ngại công dân ghi âm,
ghi hình tại trụ sở tiếp công dân sau đó phát tán trên mạng xã hội có thể “gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công
vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác” thì các cơ quan này có
thể viện dẫn Luật An ninh mạng để đưa người vi phạm ra tòa nếu sự phát tán này
vi phạm luật.
Nhiều trường hợp người dân khai tử cho người thân còn bị cán bộ gây khó
khăn, do vậy không loại trừ khả năng dù người dân xin phép nhưng cán bộ tiếp
công dân vẫn không đồng ý cho ghi âm, ghi hình.
Không thiếu trường hợp dữ liệu lưu trữ bị chỉnh sửa như vụ gian lận thi cử tại Sơn La vừa qua, vậy nếu điều đó xảy
ra khi trích xuất dữ liệu theo yêu cầu của công dân thì lấy gì đảm bảo đó là dữ
liệu gốc?
Đã có đầy đủ quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, vì sao các cơ
quan liên quan không sử dụng mà phải ban hành lệnh “cấm”?
Phải chăng điều người dân lo ngại “cái gì không quản được thì cấm” vẫn là
cách thức làm việc của không ít cơ quan nhà nước?
Các phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của thành viên
Chính phủ tại nghị trường là dịp cơ quan công quyền nghe và trả lời ý kiến
người đại diện của cử tri, tức là công dân cả nước.
Những buổi chất vấn này được các đài phát thanh và truyền hình tường thuật
trực tiếp, công bố toàn thế giới, không chỉ riêng cho người Việt trên lãnh thổ
Việt Nam.
Ngày 8/1/2019, tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm
2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định:
“Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung
cũng phải ghi âm, ghi hình. Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân”.
Trong trường hợp phát biểu của Thủ tướng bao hàm cả hai phía: cơ quan nhà
nước và người dân thì không cần bàn luận gì thêm.
Tuy nhiên, vì ý kiến Thủ tướng nói đến “tiếp dân, hỏi cung” trong phạm vi
“công tác tư pháp”, nghĩa là giới hạn phạm vi các cơ quan nhà nước.
Theo đó cơ quan và cán bộ “tiếp dân, hỏi cung” có quyền và nghĩa vụ ghi âm,
ghi hình các buổi làm việc.
Vậy ngược lại thì sao?
Ngược lại thì Ban Tiếp công dân Trung ương, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà
Nội tự cho mình quyền cho phép hoặc cấm dân ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp
dân?
Với quy định này, người dân và cơ quan nhà nước có bình đẳng trước pháp
luật?
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm, khẩu hiệu “Mọi công dân đều bình đẳng trước
pháp luật” hiện nay không còn chính xác nữa bởi bên cạnh “Luật Tố tụng hình sự”
còn có “Luật Tố tụng hành chính”.
Hội đồng xét xử (Tòa Hành chính) xem xét tính hợp pháp của quyết định hành
chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước và cá nhân người
có thẩm quyền (được Nhà nước ủy quyền). [2]
Như vậy các “Tòa Hành chính” giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính
hoặc hành vi hành chính trong quản lý nhà nước của “cơ quan hành
chính”, đứng trước tòa có thể là người/tổ chức khiếu kiện và “cơ quan hành
chính” chứ không chỉ các công dân.
“Không ít Thẩm phán trực tiếp xét xử các
vụ án hành chính đã có nhận xét rằng, trong phần lớn các vụ án hành chính, ở
giai đoạn xét xử sơ thẩm tại Tòa cấp huyện (thậm chí Tòa cấp tỉnh) thì người
dân thường thua kiện.
Chỉ khi đến cấp phúc thẩm thì vụ án mới
được xem xét khách quan hơn và nhiều vụ trong số đó Tòa phúc thẩm đã có phán
quyết ngược lại hoặc hủy án sơ thẩm”. [2]
Khi xuất hiện Tòa Hành chính, khi công dân có quyền khiếu kiện cơ quan nhà
nước thì cần phải thêm vào khái niệm “Mọi công dân và cơ quan nhà nước bình
đẳng trước pháp luật”.
Khoản 2 điều 14 Hiến pháp 2013 quy định:
“Quyền con người, quyền công dân chỉ có
thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc
phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của
cộng đồng”.
Xin nhấn mạnh Hiến pháp quy định là “quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật” chứ không phải theo
các văn bản dạng “nội quy hay quy chế”, trừ trường hợp nội quy, quy chế đó tuân
theo những điều đã được quy định trong luật.
Nếu Ban Tiếp công dân trung ương, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội không
thể viện dẫn bất kỳ điều khoản nào, trong bất kỳ đạo luật nào cho phép cấm công
dân ghi âm, ghi hình (trước khi được người/cơ quan tiếp dân cho phép) tại nơi
tiếp công dân thì việc ban hành nội quy, quy chế với điều khoản phải xin phép
đã nêu là vi hiến.
Xin nêu thêm ý kiến của ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản
quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đăng tải trên Infonet.vn:
“Việc công dân thực hiện quay phim, chụp
ảnh lực lượng cảnh sát giao thông (TTKS, XLVP) không phải là hành vi bị pháp
luật cấm.
Hơn nữa, cán bộ, chiến sỹ công an nhân
dân, cảnh sát giao thông không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp
ảnh là được phép hay không được phép”. [3]
Nếu người dân không được phép làm những điều “pháp luật không cấm” còn cơ
quan nhà nước có quyền làm những điều “pháp luật không cho phép” thì sự thượng tôn pháp luật nên được hiểu thế nào?
Thiết nghĩ, các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Bộ Tư pháp và các cơ quan
chức năng cần vào cuộc, cần kết luận việc chính quyền địa phương và cơ quan
tiếp dân Trung ương không cho người dân ghi âm, ghi hình tại trụ sở nếu không
được sự cho phép (của người, cán bộ cơ quan) là hợp hiến, hợp pháp hay ngược
lại.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.tienphong.vn/nhip-song-thu-do/chu-tich-ha-noi-len-tieng-ve-quy-dinh-khong-ghi-hinh-can-bo-tiep-dan-1364932.tpo
[2] http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/tu-van-phap-luat/bao-dam-quyen-cong-dan-trong-to-tung-hanh-chinh-o-nuoc-ta-129517.html
[3] https://infonet.vn/bo-tu-phap-nguoi-dan-co-quyen-quay-phim-csgt-post95824.info
Xuân Dương
Nguồn: Theo GDVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire