15/01/2019

"Đừng chọn cán bộ như chọn sỏi, tròn thì lấy, có góc cạnh thì bỏ"


Tùng Dương
 

(GDVN) - Làm thế nào ngăn chặn tình trạng bè phái, nâng người này hạ người kia và làm thế nào chặn "con lươn, con chạch" như Tổng Bí thư đã nói? 

Luật sư Hoàng Nguyên Hồng
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng: "Thực là khó, vì chúng ta quá câu nệ và đã công thức hóa, hành chính hóa và quy trình hóa về tổ chức và các hoạt động của đảng.


Biến tổ chức đảng thành một tổ chức khép kín, thụ động, khô cứng, lặng yên, thiếu sức sống, chỉ biết nghe, chấp hành và ngoài dân."


Về công tác nhân sự ở các cấp và các ngành trong hơn 20 năm qua, câu hỏi đặt ra là, vì sao để “vỡ bờ” (tôm, lươn, chạch tràn vào ao cá) do chủ quan hay do khách quan trong công tác nhân sự? Đây là vấn đề cốt lõi và nguyên nhân chủ yếu.

Nếu tìm rõ được nguyên nhân thì Đảng mới hy vọng tìm và chọn được những người có chính tài, đủ đức, đứng ra đảm nhận trọng trách lãnh đạo đất nước, theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đặt ra.

Thực tế đã chứng minh, trong cách mạng tháng 8/1945, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong xây dựng kinh tế xã hội ở miền Bắc 20 năm sau thống nhất...

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo đất nước được chọn lọc tự nhiên, từ những con người lao động, học tập, chiến đấu và “từ trong số đồng bào”.

Những người này, thời đó, thật sự vượt trội về tài và về đức, được tập thể những người cùng làm, cùng chiến đấu công nhận. Từ đó, được tiến cử làm người lãnh đạo.

Nhưng từ sau Đại hội của Đảng lần thứ IX cho đến nay nguồn gốc và quá trình hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo thực hiện theo chủ trương về quy hoạch và luân chuyển tạo nguồn cán bộ.

Thực tế 20 năm qua "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" với ý định tốt về quy hoạch và luân chuyển tạo nguồn cán bộ đã bộc lộ nhiều bất cập.

Nguyên nhân là thoát khỏi môi trường nhân dân và thực tế công việc, việc triển khai thực hiện công tác nhân sự ở các cấp, rất bí mật và bó hẹp trong tổ chức đảng các cấp.

Vì thế, đã hình thành và tạo ra xu hướng về tâm lý chạy đua, nảy sinh tư duy cơ hội, thực dụng, cố vươn lên cho được một ghế ngồi, một vị trí lãnh đạo bằng mọi giá trong đảng viên và kể cả ngoài xã hội.

Dân chúng cũng chạy cho con em nhảy vào con mương (máng) quy hoạch và luân chuyển tạo nguồn cán bộ.

Có thể nói đây là mở rộng đường và tạo điều kiện công khai cho những người cơ hội (có tiền, không tài, kém đức) và nhóm thân hữu (họ hàng, anh em…) không từ một thủ đoạn nào, cố chạy và luồn lách bằng mọi giá vào quy hoạch và luân chuyển tạo nguồn cán bộ. Công tác nhân sự của đảng bị “vỡ bờ” và “mở rộng cửa” từ đây.

Đây là một lỗ hổng lớn về pháp lý. Đây là sự biến thái về lý tưởng và ý thức hệ cộng sản, từ giai cấp công nông sang “chủ nghĩa thân hữu và thị trường”.

Là sự trộn lẫn lý tưởng cộng sản với tư tưởng và tàn dư quan lại thời phong kiến về quan hệ huyết thống “Cha truyền, Con nối, Cháu kế” trong công tác cán bộ.

Ngoài danh sách quy hoạch và luân chuyển tạo nguồn cán bộ ra, không tin và nhìn thấy một ai trong số hơn 4,5 triệu đảng viên và hơn 95 triệu người dân ngoài đảng trong suốt 20 năm qua.

Đây là nguyên nhân chính làm cho sự suy thoái, biến chất và tụt hậu về nhân cách, phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ đông nhưng không mạnh như Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII đã nêu.

Do đó, đến nay, chúng ta phải “ngăn chặn” (tôm, cua, lươn chạch tràn vào ao) trong chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, như ý Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra là cần thiết.


Vậy ngăn chặn bằng cách nào? 


Thực là khó, vì chúng ta quá câu nệ và đã công thức hóa, hành chính hóa và quy trình hóa về tổ chức và các hoạt động của đảng.

Biến tổ chức đảng từ một tổ chức trí tuệ, năng động, sáng tạo, sống động và vì dân, thành ra một tổ chức khép kín, thụ động, khô cứng, lặng yên, thiếu sức sống, chỉ biết nghe, chấp hành và ngoài dân.

Phải làm sao cho tất cả từng đảng viên phải thực sự chủ động, nhận rõ danh dự và trách nhiệm, tự do suy nghĩ và nói chính từ tiếng nói trí tuệ của mình, thì mới tạo sức mạnh ngăn chặn tình trạng bè phái.

Mặt khác, thực hiện nghiêm chỉnh lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguồn gốc hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo đất nước, quản trị quốc gia từ cơ sở, gắn chặt với nhân dân và “tìm người tài đức trong số đồng bào”.

Để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII có chất lượng, cần thiết xem lại, loại bỏ ngay về quy hoạch và luân chuyển tạo nguồn cán bộ. Đây là lỗ hổng lớn về pháp lý gây ra “vỡ bờ” trong công tác nhân sự.

Làm sao để tránh tình trạng giới thiệu nhân sự (quy hoạch) như nhặt sỏi trong máng, hòn tròn lấy, hòn góc cạnh bỏ?


Thứ nhất: Cần nhận thức và thống nhất về “cái gốc hình thành cán bộ từ đâu”?Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Trong thư “Tìm người tài đức” đăng Báo Cứu quốc số 411 ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: "Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”.

Như vậy, cách nay 73 năm (1946-2019), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất rõ về nguồn gốc hình thành đội ngũ lãnh đạo và quản trị quốc gia là từ "trong số 20 triệu đồng bào (nay là hơn 90 triệu) chắc không thiếu người có tài, có đức”.

Tư tưởng và sự khẳng định rất logic dễ hiểu về mối quan hệ giữa con người và công việc, từ công việc mà xem xét con người “cán bộ tốt hay kém” và “người có tài, có đức” phải tuyển chọn từ “trong số đồng bào”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không giới hạn và bó hẹp trong việc “phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch” những con người định sẵn, theo ý thức hệ về huyết thống “cha truyền, con nối, cháu kế” và giới hạn trong Đảng.


Thứ hai: Tiêu chuẩn và quy trình tuyển dụng cán bộ, công chức hiện nay là cấp ủy chọn và tiến cử trong quy hoạch.

Đây vô tình là cơ chế loại bỏ người có chính tài, đủ đức trong nội bộ đảng và nhân dân. Vì đã chọn thì người chọn, phải chọn cái gì tròn, chọn người tròn bảo gì nghe thế.

Nhưng thực tiễn luôn luôn phát triển do giải quyết được các mâu thuẫn cùng tồn tại trong xã hội. Tức là những góc cạnh chứ không phải là tròn. Trí tuệ là góc cạnh, thực tiễn là góc cạnh. 

Ngược lại, quy hoạch và luân chuyển tạo nguồn cán bộ, vô tình đã hình thành điều kiện và môi trường “dĩ hòa vi quý”, im lặng, không ai dám nói và “nín thở qua cầu” trong thời gian luân chuyển quy hoạch.

Đây là tư tưởng thỏa hiệp và lụi bại ý chí “đôi bên cùng có lợi” trong  nội bộ Đảng.

Đó là nguyên nhân "đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh” và cũng chính là lý do làm cho bản thân từng cá nhân cán bộ trẻ sống thụ động, hành động không bằng chính trí tuệ và tư duy của mình.

Hậu quả là tạo ra sự âm thầm, lặng lẽ tự chuyển hóa, tự diễn biến về tư duy và hành động (nếu muốn tồn tại, leo cao) đánh mất con người tự nhiên trong chính bản thân người được quy hoạch.

Đó là những vật thể tròn, tự thủ tiêu về trí tuệ và bản chất làm người, không  nhìn, không nghe, không nói và chỉ suy nghĩ cho bản thân. Thật đáng tiếc cho thế hệ công chức hiện nay!

Đó là bài học về quy hoạch và luân chuyển cán bộ duy ý chí thiếu tầm nhìn, chủ quan áp đặt, nóng vội và bó hẹp trong nội bộ theo kiểu “Cha truyền, Con nối, Cháu kế” trong công tác cán bộ hơn 20 năm qua.


Thứ ba: Để có được những người thực tài và đủ đức độ hiền lương, cần thay đổi tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn nhân sự. Đây là công việc khó, cần phải thay đổi tư duy và quay lại thực tiễn cuộc sống tự nhiên của người dân.

Cần nói rõ tiêu chuẩn về nội dung là những việc làm cụ thể, bắt buộc người đó phải giải quyết, phải chịu trách nhiệm; đồng thời xem người đó làm tốt chuyên môn gì, làm việc với đồng nghiệp và cấp dưới như thế nào, trách nhiệm cá nhân trong công việc đến đâu, quan hệ với người dân ra sao, báo cáo với cấp trên những vấn đề gì và như thế nào.

Loại bỏ quy định tiêu chuẩn hình thức về tuổi đời, bằng cấp, kinh qua các chức vụ và các cấp. Đây là nguyên nhân, cánh cửa mở và tạo điều kiện cho tệ nạn chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển và chạy vào quy hoạch.

Trên cơ sở đó, sẽ tìm và chọn được những người thực tài và đủ đức độ hiền lương đặt vào các vị trí công việc cụ thể trong bộ máy tổ chức, kể cả các vị trí chiến lược.


Kết lại: Cái gốc hình thành cán bộ lãnh đạo đất nước và quản trị quốc gia là từ trong nhân dân, nhân dân có quyền sàng lọc và lựa chọn “người đủ tài, đức” tham gia lãnh đạo đất nước.

Nhân dân có quyển giám sát công việc của tổ chức Đảng, đặc biệt những việc có liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và chủ quyền quốc gia.

Đó là quy luật sàng lọc tự nhiên tranh đua sinh tồn trong xã hội loài người, điều đó giúp làm cho xã hội phát triển.

Đó cũng là tư tưởng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cái gốc hình thành cán bộ lãnh đạo đất nước và quản trị quốc gia: "Người có tài, có đức” từ trong số “đồng bào chắc không thiếu” là như vậy. 

Nếu không “chọn”, “chặn” và “tránh” trong việc tìm và chọn nhân sự chuẩn bị cho Đại hội XIII này có hiệu quả và đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thì có thể lại lọt vào đội ngũ những con người “dối trời, lừa dân đủ muôn ngàn kế” như cụ Nguyễn Trãi đã nói.


Tùng Dương

Luật sư Hoàng Nguyên Hồng – nguyên Chuyên viên cao cấp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ về quan điểm chặn "con lươn, con chạch" như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói; đồng thời cũng đưa ra quan điểm nên tránh chọn cán bộ như chọn sỏi, tròn thì lấy, có góc cạnh thì bỏ.
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Dung-chon-can-bo-nhu-chon-soi-tron-thi-lay-co-goc-canh-thi-bo-post194716.gd

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire