Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu
Ngày 19/1/2019 là tròn 45 năm kể từ khi Trung Quốc xâm lược nốt nửa phía
Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Song theo người viết, có lẽ ít ai để ý cuộc chiến này đã được Bắc Kinh
chuẩn bị từ Hội nghị Geneva 1954.
Tại Geneva, vấn đề gây nên tranh cãi nhất trong việc chấm dứt chiến tranh,
lập lại hòa bình ở Đông Dương chính là vạch giới tuyến quân sự tạm thời chia
cắt Việt Nam.
Chu Ân Lai (phải) gặp Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Pháp Mendès France (trái) tại Hội nghị Geneva 1954, ảnh: Getty. |
Đối với Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lập trường ban đầu là vĩ tuyến 13, sau
lui ra vĩ tuyến 14 rồi chốt ở vĩ tuyến 16.
Tuy nhiên, phái đoàn Pháp không chấp nhận giải pháp này, mặc dù họ đã lui
dần từ vĩ tuyến 19 xuống 18, thậm chí là 17,5 theo gợi ý của Mỹ.
Trước đó, phe Đồng minh đã sử dụng vĩ tuyến 16 làm ranh giới để giải giáp
quân Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, lựa chọn này cũng phù hợp tương
quan kiểm soát thực tế của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Pháp trên
chiến trường.
Thế nhưng phái đoàn Quốc gia Việt Nam muốn giới tuyến phải nằm phía bắc
Huế, nơi có lăng tẩm của tổ tiên Quốc trưởng Bảo Đại, trong khi vương quốc Lào
muốn có lối ra biển mà quốc lộ 9 chính là con đường ngắn nhất và thuận tiện
nhất.
Để đảm bảo hành lang an toàn cho lối đi này, đường giới tuyến phải ở phía
Bắc của quốc lộ 9.
Trên thực địa, cách đường 9 khoảng 10km về phía Bắc có con sông Hiền Lương,
là điều kiện tự nhiên lí tưởng dùng để làm ranh giới phân cách đôi bên tham
chiến và nó trùng với vĩ tuyến 17.
Tuy nhiên, với vị thế của Lào và Quốc gia Việt Nam lúc đó thì áp lực của họ
khó có đủ sức nặng để buộc đại diện phái đoàn Pháp phải đấu tranh cho bằng được
vĩ tuyến 17, nhất là khi phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa chấp nhận vĩ tuyến 16
với nhượng bộ:
1. Đà Nẵng có thể do phía Pháp bảo lưu thêm một thời gian, ví dụ một năm.
2. Lào có thể lợi dụng đường số 9 để ra biển.
3. Cố đô Huế có thể mở cửa cho hoàng tộc, để cho họ tảo mộ (như tác giả
Tiền Giang - 钱江/Qian Jiang – đã đề
cập trong cuốn “Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève 1954”, 2005), mà đơn giản
là vĩ tuyến 17 trùng hợp với quan điểm của Mỹ, Pháp và đặc biệt là ý đồ của
Trung Quốc.
Trong cuộc gặp ở Liễu Châu để thống nhất lập trường giữa hai nước Việt -
Trung (đầu tháng 7/1954), dù hứa với Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ hết sức cố gắng để
đạt được vĩ tuyến 16, nhưng trước khi chia tay, Chu Ân Lai (Thủ tướng kiêm
Ngoại trưởng, Trưởng đoàn Trung Quốc tham dự Hội nghị Geneva) lại xin được linh
hoạt vì đường sá xa xôi, không kịp trao đổi!
Hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
viết:
“Trước lúc đoàn ta ra về, đồng chí Chu nói với Bác: “Tôi sẽ bàn
với đồng chí Môlôtốp (Ngoại trưởng Liên Xô - người viết chú thích) hết
sức cố gắng thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch.
Vì ở xa không có điều kiện trao đổi, nếu việc đấu tranh xác định
ranh giới tạm thời gặp khó khăn, vạn bất đắc dĩ phải chọn vĩ tuyến
17”.
Điều này xác quyết rằng, Trung Quốc quyết định chọn vĩ tuyến 17 và muốn
“gài” Việt Nam vào thế đã rồi.
Nếu nhìn đơn giản, vĩ tuyến 16 hay 17 đối với Pháp và Trung Quốc không quan
trọng, bởi đó không phải đất của hai quốc gia này và nhất là khi họ đã xem Việt
Nam Dân chủ cộng hòa ở giữa làm “trái độn”.
Việc Trung Quốc không “giúp” Việt Nam Dân chủ cộng hòa nhằm phục vụ ý đồ
sâu xa của Bắc Kinh đối với Hoàng Sa, khi gần như toàn bộ quần đảo này (ngoại
trừ đảo Tri Tôn và Đá Bắc) nằm gọn trong vĩ tuyến 16 đến vĩ tuyến 17.
Như vậy, sự dịch chuyển vị trí giới tuyến quân sự tạm thời từ vĩ tuyến 16
lên 17 không chỉ là 200 km từ Đà Nẵng ra sông Hiền Lương, gồm tỉnh Thừa Thiên
Huế và phần lớn Quảng Trị trên đất liền, mà còn cả quần đảo Hoàng Sa ngoài
biển.
Với vĩ tuyến 16, Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẽ là chủ thể quản lý quần đảo
Hoàng Sa chờ ngày tổng tuyển cử theo tinh thần Hội nghị Geneva.
Điều này Trung Quốc nắm rất rõ bởi sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, theo
quy định của Hội nghị Potsdam, song song với việc vào bắc vĩ tuyến 16, quân
Trung Hoa Dân quốc đã có mặt ở Hoàng Sa để giải giáp quân Nhật và chỉ vừa rút
khỏi quần đảo này vào tháng 4/1950.
Khi sự tương đồng ý thức hệ đóng vai trò chủ đạo, chi phối quan hệ giữa hai
nước thì việc Trung Quốc ra tay chiếm đoạt Hoàng Sa từ Việt Nam Dân chủ cộng
hòa sẽ khó có thể xảy ra.
Nhưng nếu chọn vĩ tuyến 17 làm giới tuyến, quần đảo này do phía đối địch
với đồng minh của mình quản lý, mọi việc sẽ thuận lợi hơn cho Bắc Kinh.
Nhìn lại quá trình bành trướng của Trung Quốc xuống Hoàng Sa từ năm 1909,
nhất là sau khi đề nghị của Liên Xô chuyển giao chủ quyền quần đảo này từ Nhật
Bản qua Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Hội nghị San Francisco 1951 và bị bác
bỏ, mới thấy thâm ý của Trung Quốc ở Hội nghị Geneva.
Với việc đẩy Hoàng Sa ra khỏi tay Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngay từ Hội
nghị Geneva, Trung Quốc đã chuẩn bị xong điều kiện “cần” để xâm lược quần đảo
này.
Trên thực tế, chỉ chưa đầy 2 năm sau Hiệp định Geneva, lợi dụng lúc Pháp
rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đưa quân chiếm một nửa phía Đông
quần đảo Hoàng Sa.
Và cuộc chiến xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa năm 1974 chính là
bước đi cuối cùng để hoàn thành ý đồ đã được vạch ra từ Hội nghị Geneva 1954.
Phó giáo sư Tiến sĩ
Hoàng Chí Hiếu
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Trung-Quoc-am-muu-thon-tinh-Hoang-Sa-tu-Hoi-nghi-Geneva-1954-post194886.gd
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire