12/08/2019

'Lãnh đạo VN nên chính thức tổ chức biểu tình phản đối TQ'


Bản quyền hình ảnh Dondi Tawatao/Getty Images Image caption Quan chức Việt cũng nên xuống đường phản đối TQ (Ảnh minh họa)


Ý kiến nói chính phủ VN nên xem lại 'tình hữu hảo giả tạo với TQ' và nên tổ chức, hoặc tạo hành lang pháp lý cho người dân biểu tình chống TQ theo quyền Hiến định.
Trong vụ việc căng thẳng tại Bãi Tư Chính làm nóng dư luận trong và ngoài nước hơn một tháng qua, có ý kiến rằng đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam hành động mạnh mẽ hơn nhằm 'tự cứu mình' thay vì trông chờ vào bất cứ nước nào.


Tự cứu mình?

Trao đổi với BBC hôm 7/8, luật sư Ngô Anh Tuấn nói:
"Về vấn đề Biển Đông, lâu nay chúng ta vẫn đơn phương, không phải bây giờ. Mấy nước Đông Nam Á thì vẫn tranh chấp về biển đảo với chúng ta. Nga, Mỹ hay các nước lớn khác nếu không có lợi gì cho họ thì họ vẫn cứ dửng dưng. Nếu chúng ta thể hiện thái độ của mình một cách quyết liệt trên bình diện quốc tế (ví dụ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế) thì chắc chắn chúng ta sẽ không đơn độc, và các nước trên thế giới sẽ ủng hộ nhiều hơn vì tự do hàng hải quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc coi Biển Đông là ao nhà của mình. Khi đó, các nước lớn như Nga, Mỹ muốn hay không cũng phải thể hiện chính kiến của mình trong trường hợp cụ thể này chứ không lập lờ như bay giờ..."
"Hơn ai hết, Việt Nam phải tự cứu chính mình, không thể trông chờ vào ai đó cứu mình vì ít ai đi cứu người khác một cách bất vụ lợi cả. Đừng trông chờ vào sự nghĩa hiệp mang tầm quốc tế, nó chỉ có trong sách vở mà thôi, không có gì là miễn phí cả. Hơn thế nữa, một khi đã phụ thuộc vào một ai đó thì chúng ta cũng có thể được đưa lên bàn cân hay đem ra máy tính để tính toán, bán mua hoặc đổi chác khi "được giá."
Trong khi đó, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết trên Facebook rằng vụ việc Bãi Tư Chính là "phép thử ý đảng, lòng dân".
"Làm sao còn có thể hiệu triệu được lòng dân? Chỉ bằng cách thực tâm cải cách chính trị, mở rộng các quyền tự do dân chủ, khiến người dân thực sự cảm thấy đất nước này là của họ, chứ không phải là của riêng một vài cá nhân, gia đình hay bè đảng nào. Mà động thái cần thiết đầu tiên là trả tự do cho tất cả những người đang bị giam cầm chỉ vì yêu nước khác cách của đảng... Bởi lẽ, đến cuối cùng người ta chỉ dám sống dám chết để bảo vệ những gì người ta coi và tin là của mình. Đất nước cũng vậy, chỉ khi người ta thấy mình thực sự có quyền làm chủ thì chẳng cần ai kêu gọi cũng tự nhiên dốc lòng dốc sức, đổ xương đổ máu ra bảo vệ," ông Tuấn viết.

'Lãnh đạo nên tổ chức cho dân biểu tình'


 Người biểu tình giơ khẩu hiệu bằng tiếng Anh với dòng chữ "Trung Quốc ra khỏi Bãi Tư Chính của Việt Nam" trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội hôm 6/8
Cũng theo luật sư Ngô Anh Tuấn, trong mối quan hệ 'hữu hảo' với Việt Nam, Trung Quốc trên thực tế luôn nắm quyền chủ động.
"Người dân lâu nay vẫn huyễn hoặc rằng quan hệ giữa chúng ta và Trung Quốc vẫn tốt đẹp, tình anh em vẫn luôn thắm thiết. Tuy nhiên, chắc rằng không mấy ai tin điều đó. Bản thân người Trung Quốc cũng không coi chúng ta là anh em thân thiết gì. Các bạn có thể vào những trang tiếng Trung Quốc để copy và dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng Việt để hiểu đích xác vị trí của mình trong con mắt của "người anh em" là như thế nào. Như vậy, chúng ta cố gắng gìn giữ sự hữu hảo giả tạo với Trung Quốc tới lúc nào? Đại diện chính quyền Việt Nam không kích động bạo lực nhưng cần thể hiện rõ ý chí của cấp cao nhất đối với hành động phi pháp của kẻ thù. Chúng ta cần cho người dân biết một cách thẳng thắn rằng ai là kẻ thù của ta, người dân cần được biết, có được quyền biết và được quyền biểu thị thái độ của họ đối với kẻ thù."

"Ngay bây giờ, chính quyền có thể đứng ra công khai tổ chức cho người dân biểu tìnhLuật sư Ngô Anh Tuấn
"Hơn thế nữa, cần thể hiện thái độ chuyên nghiệp, rạch ròi giữa chính trị và kinh tế, lên án, phản đối chính sách chính trị của Trung Quốc, nhưng việc giao thương kinh tế vẫn cứ tiến hành vì Trung Quốc cũng hoàn toàn không muốn mất đi một thị trường béo bở như Việt Nam."
"Ngay bây giờ, chính quyền có thể đứng ra tổ chức cho người dân biểu tình. Điều tôi muốn nói ở đây là sự tổ chức xuống đường một cách công khai từ phía các cơ quan công quyền. Cho tới nay lãnh đạo Việt Nam chưa từng làm điều này. Quốc tế không can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam, luật pháp Việt Nam không cấm, chính quyền Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện, vấn đề còn lại giờ là ai sẽ dám thực hiện."
"Tôi tin rằng nếu chính quyền tổ chức cho dân biểu tình ôn hòa, mà không đàn áp, bắt bớ, bỏ tù như đã từng làm, thì chắc chắn người dân sẽ rất ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm quan trọng để những người lãnh đạo đất nước có thể thu phục được nhân tâm, giúp ích cho nước nhà bằng những hành động vô cùng dễ thực hiện."
"Việc này khó, nhưng không phải là bất khả thi. Nếu không thể trực tiếp xuống đường thì các lãnh đạo có thể cho phép tiến hành dân tiến hành biểu tình ôn hòa, hoặc tạo điều kiện pháp lý để họ thực hiện quyền hiến định của mình. Vậy thì tại sao vẫn chưa thực hiện? Không bây giờ thì bao giờ mới là thời cơ?" ông Tuấn đặt câu hỏi.
Hôm 6/8, có cuộc biểu tình nhỏ trước cổng đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, nhưng bị cảnh sát dẹp sau đó ít phút. Việc không có biểu tình rầm rộ tại Việt Nam như vụ phản đối dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc năm 2014 từng làm dấy lên câu hỏi phải chăng thái độ trấn áp của chính quyền đã làm tổn thương lòng yêu nước của người dân.

Có thể trông đợi quốc tế hay không?


Tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã rời Bãi Tư Chính của Việt Nam hôm 7/8, theo Reuters.

Lý do tàu này rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, theo ông Ryan Martinson thuộc Viện Nghiên cứu Hàng Hải Trung Quốc, là "đã hoàn thành cuộc khảo sát."
Hôm 6/8, Mỹ đã gửi hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tới Biển Đông.
Trước đó, dường như cũng chỉ có Mỹ là lên tiếng mạnh mẽ nhất khi kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay hành động 'bắt nạt' nước láng giềng trên Biển Đông.
Tuy nhiên, bản tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Ngoại trưởng ASEAN tại Bangkok tuần trước có nhắc đến 'sự cố nghiêm trọng' trên Biển Đông nhưng không hề lên án Trung Quốc.
Giới quan sát trước đó cũng nhận định rằng dù Mỹ đóng vai trò quan trọng với các nước ASEAN và trong vấn đề Biển Đông, vai trò đó cũng chỉ mang tính biểu tượng chứ Mỹ chưa và khó có dấu hiệu sẽ đưa ra được điều luật cụ thể nào để hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển này. Trong khi đó, các nước ASEAN được nhìn nhận là 'chia rẽ', không có tiếng nói chung, với một số nước thành viên chịu sự ràng buộc về kinh tế với Trung Quốc như Campuchia, Malaysia, Philippines.
Trong khi đó, một ý kiến khác từ gới quan sát cho hay Việt Nam có thể đang chơi một ván bài thông minh với Trung Quốc, bằng cách hợp tác với Nga trong các dự án dầu khí với tập đoàn Rosneft.
"Sự hiện diện của Nga ở vùng biển tranh chấp có thể là một ván bài mới của Việt Nam. Sẽ vô cùng khó khăn để Bắc Kinh đối đầu với hải quân Nga... Và điều đó có thể làm cắt giảm tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, và cứu lấy hòa bình trong khu vực," tác giả Panos Mourdoukoutas viết trên tạp chí Forbes

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49260286?fbclid=IwAR30UuUebh5rqH3uvagWinyLgxrGvVG2mvGreHsCgZJskWEFs-Yurswqur4

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire