01/08/2019

TẠI SAO ĐÀI LOAN VẪN ĐỨNG VỮNG?


Tô Văn Trường: "Đài Loan không viện dẫn lý do là sống bên cạnh ông láng giềng lớn hung hăng như Trung Quốc thì phải nhẫn nhịn, chịu thiệt để đổi lấy hoà bình và yên ổn. Đó cũng là điểm rất đặc biệt rút ra từ bài diễn văn của Tổng thống Đài Loan.


Dân Đài Loan hoàn toàn Á Đông. Vậy mà họ phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với văn minh, dân chủ phương Tây. Xã hội Đài Loan văn minh, được người dân hài lòng, khác hẳn với xã hội Trung Quốc lục địa hôm nay."
Tổng thống Thái Anh Văn


Bằng thực tiễn của QG mình, bà Thái Anh Văn đã phân tích Đài Loan văn minh, kinh tế phát triển, được thế giới tôn trọng là do “có song hành dân chủ về kinh tế và chính trị”. Đài Loan cũng từng phải trải qua giai đoạn ban đầu tập trung quyền lực, nhưng sau đó họ đã dân chủ về chính trị.

Câu chuyện dân chủ ở Đài Loan có thể đánh đổ luận điểm cho rằng: các nước Á Đông phải chuyên quyền, tập trung vì chưa có văn hoá dân chủ, nên nếu dân chủ sẽ loạn. (TVT)
_______


Winston Churchill (Thủ tướng Anh) có câu nói để đời: ”Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”.

Ngày 12/7/ 2019 vừa qua, bà Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn) có bài phát biểu tại Đại học Columbia, New York – Mỹ thật sự gây ấn tượng với nhiều chính trị gia, nhiều người dân trên toàn thế giới vì chưa có tiền lệ.


Điều thú vị- bà cũng là cựu sinh viên của ngôi trường này.

Một cựu sinh viên, nay quay lại trường cũ, với tư cách một chính khách- Tổng thống Đài Loan. Nhưng chính những điều được học dưới ngôi trường- đã được bà biến thành hiện thực ở xứ sở của bà, cho nhân dân bà. Đó là niềm hạnh phúc, với cả ngôi trường, và với người cựu sinh viên năm xưa

Trong phát biểu gây ấn tượng, bà Thái Anh Văn đã đề cập đến một trong những vấn đề cốt lõi nhất của lịch sử thế giới hiện đại- vai trò của tư duy chính trị và bản lĩnh người lãnh đạo một quốc gia nhỏ bé, muốn tồn tại và vươn lên khi phải đối mặt với những thách thức sống còn- cạnh một QG vốn mạnh và mạnh hơn cả- là dã tâm thâu tóm các QG nhỏ hơn, yếu hơn.

Bài thuyết trình của nữ Tổng thống đương nhiệm Đài Loan xuất hiện đúng vào lúc giới lãnh đạo Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật quen thuộc “đẩy lửa ra bên ngoài”- gây hấn với nhiều nước trên nhiều bình diện- kích động tâm lý dân tộc Đại Hán, đánh lạc hướng và xoa dịu những căng thẳng trong nước do suy giảm kinh tế, do những bất ổn bùng phát trở lại ở Tân Cương và Tây Tạng.


Tại sao Đài Loan vẫn đứng vững?


Đây là một chủ đề thú vị.

Bằng thực tiễn của QG mình, bà Thái Anh Văn đã phân tích Đài Loan văn minh, kinh tế phát triển, được thế giới tôn trọng là do “có song hành dân chủ về kinh tế và chính trị”. Đài Loan cũng từng phải trải qua giai đoạn ban đầu tập trung quyền lực, nhưng sau đó họ đã dân chủ về chính trị.

Câu chuyện dân chủ ở Đài Loan có thể đánh đổ luận điểm cho rằng: các nước Á Đông phải chuyên quyền, tập trung vì chưa có văn hoá dân chủ, nên nếu dân chủ sẽ loạn.

Trong quá khứ, kinh tế Đài Loan có thời gian dài đã từng phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng khi Trung Quốc lấy kinh tế đe doạ, Đài Loan đã có chiến lược phát triển để giữ độc lập và thực tế cho thấy, kinh tế Đài Loan vẫn phát triển rất tốt. Đây là bài học vô cùng quan trọng cho những nước bên cạnh, cho cả một số nước Châu Âu đang bị Trung Quốc gây sức ép, lấy miếng bánh thị trường trên thế giới.

Về chính trị, từng bị coi là một phần của Trung Quốc, lại bị cô lập về ngoại giao, nhưng họ vẫn tồn tại độc lập. Họ không thể chấp nhận ý thức hệ và miếng mồi “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc vì thực tế diễn ra ở Hồng Kông hơn 20 năm nay cho thấy chế độ độc tài và dân chủ không thể cùng tồn tại.


Nhìn người mà ngẫm đến ta.


1.Về dân chủ hóa.

Theo Tổng thống Thái Anh Văn, dân chủ như một nền tàng cũng như một giá trị căn bản đã đưa Đài Loan từ một vùng lạc hậu, lại phải gánh chịu mọi hệ quả dưới thời của Tổng thống Tưởng Giới Thạch để trở thành một quốc gia phát triển đáng nể trọng như ngày nay.

Dân chủ chính là chìa khóa của phát triển. Vì lý do tế nhị, bà không chủ ý nhấn mạnh vấn đề dân tộc (nhất là về mặt tính dân tộc và về đặc điểm văn hóa), với hàm ý muốn khẳng đinh Đài Loan như một quốc gia và sự thực là Đài Loan đang muốn tự khẳng định là một quốc gia. Tuy vậy, diễn văn của bà Thái Anh Văn vẫn diễn tả thuyết phục yếu tố dân tộc không thể thiếu trong quá trình phát triển hiện tại của Đài Loan.

Có thể xem Đài Loan là một ví dụ rất đáng cho Việt Nam tham khảo về vai trò không thể thiếu của dân chủ (và dân tộc) như một chìa khóa để thành công.

Đảng CSVN đang chuẩn bị Đại hội khóa 13, bàn về cải cách, đổi mới chính trị, cốt lõi vẫn là vấn đề dân chủ. Dân chủ là tài sản quý giá nhất của nhân loại. Hiến pháp cũng đã quy định rõ các quyền cơ bản của dân, Đảng khẳng định lấy dân làm gốc, mọi việc đều do dân vì dân, dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra….

Thế nhưng thực tiễn hiện nay cũng cho thấy các quyền cơ bản của dân bị xâm phạm, quan chức vô cảm, tham nhũng hoành hành. Lò của Tổng bí thư đốt được củi này thì củi khác sinh ra, đốt không xuế, chỉ vì thể chế đã bị lợi ích nhóm thao túng, lại không có cơ chế để thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đổi mới kinh tế mà hệ thống chính trị vẫn y nguyên 30 năm…, trong khi thế giới thay đổi mạnh mẽ nhanh chóng.

Marx đã nói chủ nghĩa cộng sản là một cuộc vận động, xuất phát từ thực tế, không có những nguyên lý bất di bất dịch, người cộng sản lấy lịch sử phát triển xã hội loài người, nhất là kinh nghiệm các nước văn minh nhất làm tiền đề cho mình. Nhưng không thể nói căn cứ vào Marx mà đặt ra những công thức này nọ làm tiêu chí cho xã hội chủ nghĩa.

Tất cả những định đề ta tự đặt ra như kinh tế nhà nước là chủ đạo, công hữu tư liệu sản xuất là nền tảng, rồi gắn thêm định hướng xã hội chủ nghĩa vào sau các khái niệm cơ bản thông dụng trên thế giới, như dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…, những cái đó là không tưởng

Mặt khác, lại không tiếp thu những ý kiến đổi mới của những cán bộ lão thành cách mạng, những nhà khoa học tâm huyết với đất nước, tự coi mình là đúng, là chân lý! Chính căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản” đó đã gây ra lúng túng chậm chạp trong đổi mới suốt ba chục năm qua, một giai đoạn mà thế giới đổi thay, chuyển tiếp lên nền văn minh mới, cơ hội cho nhiều quốc gia nắm bắt phát triển vượt bậc.

Không thay đổi tư duy, không từ bỏ sự giáo điều, không đổi mới chính trị và hệ thống luật pháp theo hướng dân chủ hóa, VN tự bỏ lỡ thời cơ, sẽ tụt hậu nguy hiểm và trở thành lệ thuộc. Mục tiêu xã hội công bằng dân chủ văn minh trở thành ảo tưởng.

Lịch sử của bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới đều cho thấy các vị lãnh đạo kiệt xuất thường để lại dấu ấn đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Nhưng do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, người lãnh đạo, kể cả các bậc vĩ nhân, cũng có những lúc sai lầm cả về nhận thức và hành động. Người lãnh đạo có đủ tâm, đủ tầm phải là người biết nhìn ra các sai lầm và dám sửa chữa sai lầm, hay nói một cách khác, phải biết vượt lên chính mình, nắm lấy thời cơ để đưa đất nước vượt qua thách thức. Bỏ lỡ thời cơ trong nhiều trường hợp chính là tạo ra thách thức cho chính mình, dân tộc mình. Vượt được thách thức lại là tạo ra thời cơ mới để đưa đất nước tiến lên.


2.Về quan hệ với Trung Quốc

Mặc dù suốt 01 tháng qua, Việt Nam đã phải nhẫn nhịn, từ cử đoàn đại biểu cao cấp do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu sang thăm Trung Quốc trao đổi, đến nhiều lần điện đàm, gửi công hàm phản đối nhưng Trung Quốc vẫn ngang ngược, tráo trở, cho tầu vào thăm dò dầu khí ở bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Người Việt Nam không ai lạ gì dã tâm xâm lược và mưu đồ khống chế Việt Nam về mọi mặt dưới chiêu bài thâm hiểm ý thức hệ, với phương châm “4 tốt, 16 chữ vàng” cùng với tham vọng “đường lưỡi bò” của nhà cầm quyền Trung Quốc nhưng lãnh đạo ta hình như quá nhẫn nhịn. Về vấn đề này, thái độ của Đài Loan đáng để chúng ta học hỏi.

Đài Loan và Việt Nam có lẽ là hai lãnh thổ láng giềng bị Trung Quốc đe dọa và gây nhiều áp lực nhất. Ở mức độ nào đó, Đài Loan có nhiều bất lợi hơn so với Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc vì Đài Loan chỉ là hòn đảo nhỏ, diện tích chỉ bằng 1/4 Việt Nam, có số dân chỉ bằng thành phố Thượng Hải của Trung Quốc, lại bị cô lập gần như hoàn toàn về ngoại giao, chỉ còn một vài nước có đại sứ quán và chẳng có ghế ở Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức quốc tế quan trọng.

Nhưng trong thực tế, Đài Loan vẫn tỏ ra vô cùng quật cường trước những lời hò hét, chiếm đóng bằng vũ lực từ phía đại lục và đang tự hào là “đối tác thương mại lớn thứ 11 của Hoa Kỳ”, như lời bà Thái Anh Văn trong bài nói trên.


Thay cho lời kết


Đài Loan không viện dẫn lý do là sống bên cạnh ông láng giềng lớn hung hăng như Trung Quốc thì phải nhẫn nhịn, chịu thiệt để đổi lấy hoà bình và yên ổn. Đó cũng là điểm rất đặc biệt rút ra từ bài diễn văn của Tổng thống Đài Loan.

Dân Đài Loan hoàn toàn Á Đông. Vậy mà họ phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với văn minh, dân chủ phương Tây. Xã hội Đài Loan văn minh, được người dân hài lòng, khác hẳn với xã hội Trung Quốc lục địa hôm nay.

Những gì có thể suy ngẫm rút ra từ bài phát biểu của bà Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, hẳn mỗi người Việt Nam bình thường cũng có thể thấy rõ, nhất là trong tình hình nước sôi lửa bỏng hiện nay của mối quan hệ Trung-Việt.

Những phát biểu ấn tượng của bà Thái Anh Văn cho thấy- dân chủ- một khái niệm, một giá trị vĩnh hằng- đã lý giải tại sao Đài Loan vẫn đứng vững!

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire